Baovannghe.vn - Niềm đam mê âm nhạc đến với Hoàng Lân và Hoàng Long như một thiên hướng đã định trước. Họ yêu âm nhạc khi mới mười bốn mười lăm tuổi. Hai cậu bé Hoàng Lân và Hoàng Long đã tự tìm đọc những cuốn sách nhạc lý, rồi mày mò tự học với tất cả niềm say mê.
Vào một buổi chiều muộn cuối đông, khi mà mọi người đang náo nức chuẩn bị bước sang năm mới, không khí trở nên nhộn nhịp khác thường, tôi tìm đến trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, tọa lạc giữa trung tâm thủ đô, số 7 Hai Bà Trưng.
Bước qua cổng trường là một sân chơi rộng, bầy em nhỏ đang nô đùa, chạy nhảy. Có nhiều nhóm học sinh ngồi tụm lại thành vòng tròn, cùng nhau ca hát. Chắc lại một bài hát mới mà các em vừa được học ở trên lớp, sự say mê thể hiện trên từng nét mặt ngây thơ. Tôi cứ ngỡ như mình đang lạc giữa một vườn hoa rộn ràng tiếng chim. Sự hồn nhiên của trẻ nhỏ luôn làm cho lòng ta cảm thấy lắng lại. Đi qua sân trường, tôi dễ dàng nhìn thấy ngay phòng hiệu trưởng. Cửa phòng hé mở, nhạc sĩ Hoàng Lân đang chăm chú bên bàn làm việc. Nghe tiếng gõ cửa, ông nhanh nhẹn rời khỏi bàn, niềm nở đón tôi vào.
Có thể nói, các thế hệ thiếu nhi từ những năm 60 trở lại đây, có ai mà không thuộc những bài hát do nhạc sĩ Hoàng Lân và người anh của mình cùng sáng tác. Lúc bé, tôi cũng từng say sưa với những bài hát của ông, như: Mèo con đi học, Lái xe hơi, Đi học về, Bác Hồ người cho em tất cả… Và hôm nay, tôi lại được ngồi trò chuyện cùng với tác giả của những bài hát đó. Những bài hát đã từng gắn bó với biết bao thế hệ thiếu nhi, chắp cánh, vun đắp cho những tâm hồn trẻ thơ. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ những lời ca ấy. Nó giúp tôi sống lại với những kỷ niệm của tuổi thơ mình: “Cho ánh nắng ban mai là những sớm bình minh. Cho những đêm trăng đẹp là chị Hằng tươi xinh. Cây cho trái và cho hoa. Sông cho tôm và cho cá. Đồng ruộng cho bông lúa chín vàng lời reo ca…” Người nhạc sĩ sáng tác ra nghững bài hát hồn nhiên vui tươi nhí nhảnh ấy nay đã ngoài sáu mươi. Trên khuôn mặt rạng ngời, phúc hậu của ông, tôi thấy toát lên sự ấm áp lạ thường. Với giọng nói trầm ấm, nhạc sĩ đã ôn lại những kỷ niệm của mình.
Sinh ra tại Vĩnh Phú nhưng Hoàng Lân cùng người anh đã lớn lên trên mảnh đất Hà tây quê lụa, với hoàn cảnh gia đình khá đặc biệt. Bố mất sớm khi hai anh em mới mười tháng tuổi, mẹ đi bước nữa, Hoàng Lân và Hoàng Long ở với bà nội cho đến khi khôn lớn. Hình ảnh người cha đam mê âm nhạc, chơi viôlông giỏi hiện lên trong tâm trí cậu bé Hoàng Lân qua những lời kể của bà, và có lẽ nó cũng là một phần của sự gieo mầm cho tài năng âm nhạc của ông sau này. Hoàng Lân lớn lên với những kỷ niệm buồn vui nơi thị trấn nhỏ bé và heo hút, với những vất vả hôm sớm trên dáng tảo tần của bà. Niềm đam mê âm nhạc đến với Hoàng Lân và Hoàng Long như một thiên hướng đã định trước. Họ yêu âm nhạc khi mới mười bốn mười lăm tuổi. Hai cậu bé Hoàng Lân và Hoàng Long đã tự tìm đọc những cuốn sách nhạc lý, rồi mày mò tự học với tất cả niềm say mê.
|
Nhạc sĩ Hoàng Lân rưng rưng nhớ lại kỷ niệm khi hai anh em đứng dưới loa phát thanh, để nghe chương trình ca nhạc của Đài tiếng nói Việt Nam. Trời nắng đội mũ, trời mưa thì khoác thêm chiếc áo mưa, hôm nào cũng vậy, hai anh em họ đứng như trời trồng dưới cái cột đèn có treo chiếc loa phát thanh, để nghe hết chương trình ca nhạc. Công sức, niềm đam mê của hai anh em đã được đền đáp xứng đáng với sự ra đời nhạc phẩm đầu tiên cua họ “Em đi thăm miền Nam”. Lúc đó họ chưa đầy 17 tuổi. Tác phẩm được sáng tác xong, người anh hát cho em nghe, rồi đến em hát cho anh nghe. Cứ như vậy, họ chăm chút sửa từng chữ cho đứa con tinh thần mới chào đời của mình. Hai anh em họ đã mạnh dạn gửi bài hát đó tới đài tiếng nói Việt Nam. Bài hát được gửi đi, hàng ngày họ lại đứng dưới cột điện với một tâm trạng hồi hộp và lo âu. Chờ đợi. Thấp thỏm. Và, chờ đợi. Đến một ngày kia, cái tâm trạng đó như bị vỡ oà, khi hai anh em họ đang đứng dưới cột điện chăm chú lắng nghe chương trình ca nhạc như bao buổi khác. Bài hát Em đi thăm miền Nam đã được phát sóng. Một niềm vui bất ngờ. Hai anh em sung sướng ôm chầm lấy nhau cùng cười, cùng hét và cùng rơi nước mắt, dưới cái cột điện nơi góc phố nhỏ quạnh quẽ. Bài hát Em đi thăm miền Nam đã gây được tiếng vang lớn và phổ biến rộng rãi khắp cả nước với nhiều thế hệ thiếu nhi trong suốt mấy chục năm qua.
Hai anh em nhạc sĩ Hoàng Long - Hoàng Lân . Ảnh Internet |
Tác phẩm đầu tiên ấy trở thành dấu mốc quan trọng, mở đầu cho một chặng đường lao động nghệ thuật liên tục, bền bỉ của hai anh em. Một bước đi mở màn đầy hứa hẹn cho hơn 600 ca khúc sau này của Hoàng Long và Hoàng Lân đã được các em thiếu nhi đón nhận và yêu mến. Sẽ là một thiếu sót lớn, nhưng trong bài viết này tôi xin được mạn phép chỉ nhắc đến tên của một người, đó là nhạc sĩ Hoàng Lân. Những năm đầu tiên khi mới bước vào nghề, Hoàng Lân đã sáng tác được một số ca khúc cho thanh niên và cũng đạt được thành công nhất định như: Ngọn lửa nhiệt tình lao động (giải nhì Hội Nhạc sĩ Việt Nam 1959-1960), Mừng tổ quốc thêm những nhà máy mới, Máy chị máy em, Vượt lên thời gian… Trong số đó có hai bài được thanh niên lúc đó yêu thích là Nếu bạn muốn tìm tôi và Cô gái vùng cao. Sau cuộc vận động sáng tác bài hát cho thiếu nhi, do Đài tiếng nói Việt Nam và Ủy ban Thiếu niên Nhi đồng Trung ương tổ chức năm 1962, Hoàng Lân đã bộc lộ rõ thiên hướng sáng tác cho tuổi thơ. Từ đó cho đến nay tuy cũng có một số tác phẩm cho người lớn song không đáng kể so với những thành công của ông trong lĩnh vực sáng tác cho thiếu nhi.
Nhạc sĩ Hoàng Lân đã tốt nghiệp khoa lý luận và khoa sáng tác, Nhạc viện Hà Nội, sau đó được đi tu nghiệp tại Hungari. Trong suốt mấy chục năm gắn bó với âm nhạc và hoạt động trong ngành giáo dục, Hoàng Lân có điều kiện tiếp xúc nhiều với trẻ em. Chính nhu cầu ca hát rất lớn của các em đã thôi thúc ông sáng tác cho đối tượng này, từ mẫu giáo đến tuổi thiếu niên lớn. Nhạc của Hoàng Lân trong sáng giản dị hồn nhiên, tươi tắn dễ thuộc, dễ hát. Tên tuổi của nhạc sĩ Hoàng Lân đã trở nên quen thuộc và rất đỗi gần gũi với thiếu nhi cả nước. Nhiều bài hát đã có sức lan tỏa rộng trong các trường học, các đội thiếu niên nhi đồng, được các em hào hứng đón nhận. Có thể nhắc đến khá nhiều bài đã có sức sống trong tâm hồn các em như: Em đi thăm miền Nam, Chiếc xe chở lúa, Kể chuyện con trâu gầy, Từ rừng xanh cháu về thăm lăng Bác, Thật là hay, Mùa hè ước mong, Bác Hồ người cho em tất cả… Ngoài ra nhạc sĩ Hoàng Lân còn tham gia viết ca khúc cho phim hoạt hình như: Những bông hoa thời gian, Đôi chân thỏ trắng, Nàng tiên út, Thỏ trắng đi tìm bạn… viết nhạc cho múa rối, kịch nói, ca cảnh nhạc cảnh cho thiếu nhi… Bên cạnh đó ông còn là tác giả của nhiều tác phẩm khí nhạc cũng được đánh giá cao, Tổ khúc Kỷ niệm trên núi rừng Tây bắc gồm ba chương cho piano và một số prêluýt, biến tấu trên các chủ đề dân ca cho nhiều nhạc cụ…
Những năm giảng dạy ở trường Cao đẳng Nhạc họa Trung ương, Nhạc sĩ Hoàng Lân đã góp phần đào tạo nhiều giáo viên âm nhạc cho ngành giáo dục và đi sâu vào những chuyên đề khoa học giáo dục âm nhạc cho học sinh phổ thông. Ông cùng với người anh của mình là tác giả của nhiều cuốn sách giáo khoa âm nhạc cho trường phổ thông cơ sở trong cải cách giáo dục. Bên cạnh những công trình nghiên cứu nội dung và phương pháp giảng dậy âm nhạc cho trẻ em, nhạc sĩ Hoàng Lân còn tuyển chọn xuất bản nhiều tập bài hát theo yêu cầu sư phạm. Ông đã viết hàng loạt bài đăng trên các báo, tạp chí về vấn đề âm nhạc, giáo dục âm nhạc, có nhiều bài phân tích hoặc bình luận âm nhạc đáng chú ý. Với hơn 40 năm lao động và sáng tạo nghệ thuật, nhạc sĩ Hoàng Lân đã giới thiệu trên Đài tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, trên các sách báo hàng trăm ca khúc cho thiếu niên và nhi đồng. Ông cũng đã giành được nhiều giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ủy ban Thiếu niên Nhi đồng Trung ương, Đài Tiếng nói Việt Nam, Bộ giáo dục… Ông đã được tặng thưởng huy chương “Vì thế hệ trẻ” của Trung ương Đoàn. Kể từ năm 1996, về công tác tại trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội với cương vị Phó hiệu trưởng rồi hiệu trưởng, nhạc sĩ Hoàng Lân càng có nhiều thời gian tâm huyết cho công việc đào tạo những mầm non nghệ thuật của thủ đô cũng như của cả nước. Hạnh phúc của ông là được sáng tác cho thiếu nhi, được truyền thụ lại những kiến thức âm nhạc cho các thế hệ học sinh, sinh viên.
Một chút suy tư, nhạc sĩ Hoàng Lân nhìn qua cửa sổ, bên ngoài các em nhỏ đang nô đùa, ca hát, giọng ông trầm ấm: “Đối với nghệ thuật phải thực sự say mê. Nhất là đối với các em, phải yêu quý các em lắm mới hy sinh cho sự nghiệp này”. Nói xong ông đứng dậy đi lại phía tủ sách lấy một tập tạp chí nói về trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, đã được in những năm gần đây. Ông say sưa lật từng trang giấy, rồi kể cho tôi nghe những hoạt động của trường qua từng bức ảnh. Gặp lại tác phẩm của một cựu sinh viên nào đó, trong ông như hiện lên hình ảnh người học trò cũ cùng với biết bao kỷ niệm và lúc này tôi càng cảm nhận được tình cảm sâu sắc của người nhạc sĩ, người thầy giáo già dành cho các thể hệ học sinh, sinh viên của mình. Nhạc sĩ Hoàng Lân kể về ngôi trường của mình một cách say mê tự hào. Điều đó chứng tỏ tâm huyết của ông dành cho ngôi trường thật nhiều, thật đáng trân trọng. Với hơn 30 năm xây dựng và trưởng thành, trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà nội đã thực sự trở thành cái nôi đào tạo nghệ thuật có uy tín trong cả nước và đang ngày càng tỏa sáng. Những sinh viên tốt nghiệp ra trường đang là những hạt nhân nghệ thuật của nhiều đoàn nghệ thuật của trung ương và địa phương trên nhiều bộ môn nghệ thuật. Đó là điều đáng tự hào dành cho các thế hệ giáo viên của trường. Nhiều người đã trở thành những nghệ sĩ ưu tú, ca sĩ, diễn viên nổi tiếng trong cả nước. Để tiếp bước được những truyền thống đó của trường, nhạc sĩ Hoàng Lân, nhạc sĩ của tuổi thơ đang ngày đêm dồn hết tâm huyết của mình dành cho mái trường, cho các thế hệ học sinh, sinh viên thân yêu. Khi được hỏi về sự thương mại hóa của âm nhạc hiện nay, với tư cách là người sáng tác nhạc cho thiếu nhi, ông nghĩ gì? Nhạc sĩ hoàng Lân đã trả lời dứt khoát với một thoáng buồn: “Trước sự thương mại hóa của âm nhạc, sự pha tạp của nhiều luồng văn hóa chúng ta càng phải giữ vững tâm hồn trong sáng của trẻ thơ. Lành mạnh hóa âm nhạc là rất cần thiết, do đó vấn đề sư phạm âm nhạc là quan trọng. Công việc này thầm lặng nhưng có ý nghĩa rất lớn đối với các em”.
Chia tay nhạc sĩ Hoàng Lân, tôi bước ra khỏi cổng mái trường có bề dày thành tích giáo dục và nghệ thuật, để lại sau lưng những tiếng nô đùa ca hát của các em nhỏ. Ở nơi đó có một người thầy, một nhạc sĩ của tuổi thơ đang chèo lái con thuyền, đó là trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội để tiếp nối truyền thống vẻ vang tiến vào tương lai một cách tự tin và vững chãi. Tôi lại hòa vào dòng người đang nhộn nhịp, chuẩn bị đón một năm mới. Đường phố đã bắt đầu lên đèn.