Nhà thơ Vũ Đình Liên, ‘ông đồ’ ăn cơm nắm, dịch thơ Baudelaire

Vanvn– Nhà thơ Vũ Đình Liên, tác giả bài thơ ‘Ông đồ’ bất tử, là nhà thơ sáng tác ít nhưng tên tuổi thì còn lại với nền thơ Việt. Ông cũng còn là dịch giả nổi tiếng thơ Charles Baudelaire, như có lần ông thổ lộ, thơ Baudelaire cứ ám ảnh ông không dứt, và ông cảm thấy mình có một duyên nợ nào đó với thơ của thi hào Pháp mà ông ngưỡng mộ.

Cho đến khi Vũ Đình Liên qua đời ngày 18.1.1996, thì tác phẩm Thơ Baudelaire mà ông đã nghiên cứu, dịch thuật trong bốn mươi năm mới xuất bản năm 1995 và được Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng thưởng năm 1996.

Xin giới thiệu một bài thơ ngắn khá tiêu biểu của Baudelaire qua bản dịch của Vũ Đình Liên:

Charles Pierre Baudelaire (1821 – 1867) là nhà thơ lớn của văn học Pháp thế kỷ XIX

CHIM HẢI ÂU

Có nhiều khi những chàng thủy thủ

Bắt để chơi những chú hải âu

Cánh to lơ lửng theo sau

Trên vực nước mặn con tàu đại dương

Vừa bị ném lên sàn tàu gỗ

Chim hải âu vua của trời xanh

Kéo đôi cánh trắng mông mênh

Như đôi chèo nặng bên mình xấu xa

Chim trời kia sao mà lúng túng

Xưa đẹp sao nay vụng về sao

Xưa trời xanh đôi cánh tung hoành

Nay lê lết trên sàn tập tễnh

Là thi sĩ như chim âu ngủ

Ưa bão giông chẳng ngại cung tên

Đọa đày giữa đám ghét ghen

Nặng đôi cánh rộng không quen bước thường.

Tôi chỉ được gặp Vũ Đình Liên có một lần, nhưng nhớ mãi. Không phải nhớ vì ông đọc thơ hay có “show” trình diễn nào đặc biệt, mà nhớ vì được nhìn thấy ông ăn… cơm nắm. Không phải cơm nắm của các bà mẹ bà chị hay bán ở một số con phố Hà Nội những năm sau này, món cơm nắm thơm ngon ăn với muối vừng hay ruốc bông, chả quế… Mà cơm do chính nhà thơ Vũ Đình Liên nắm để mang ăn đường.

Hình như dạo đó là khoảng năm 1982, tôi vào TP.HCM để đi Bến Tre dự lễ kỷ niệm nhà thơ mù vĩ đại Nguyễn Đình Chiểu. Dạo ấy cả nước còn rất khó khăn, và phương tiện lưu thông mà các nhà thơ hay dùng là xe đò, loại xe đò hạng bét không chỉ chở người mà còn chở kèm… heo.

Heo được bỏ rọ chất lên trên nóc thùng xe, và từ đó, chúng tha hồ xả chất thải xuống đầu cổ hành khách. Đúng là xe “hành khách”. Nhưng không còn bất cứ lựa chọn nào khác, nên các nhà thơ muốn du hành đành dùng phương tiện này vậy, dù mua vé không hề dễ.

Buổi trưa hôm đó, mới tới nơi tập trung để chờ xe đón đi Bến Tre, tôi chợt thấy một ông già bước vào. Đó là một người già lành hiền, ăn mặc không còn có thể giản dị hơn, nhưng rõ ra là một trí thức “cũ”, nền nếp, với phong thái khiêm nhường nhưng đường hoàng. Khi được giới thiệu, tôi mới biết đó là nhà thơ Vũ Đình Liên.

Nhà thơ Vũ Đình Liên (1913-1996)

Ai trong chúng ta mà chẳng một lần nghe hay thuộc lòng bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên! Tôi rất hân hoan được chuyện trò với Vũ Đình Liên. Sau một hồi thăm hỏi chuyện trò, Vũ Đình Liên xin phép chúng tôi dùng cơm trưa. Cơm trưa? Tất cả chúng tôi có mặt ở đó đều đã ăn trưa, và xung quanh tịnh không có một hàng quán nào có thể phục vụ, dù là một bữa ăn trưa đơn giản nhất.

Đang ngạc nhiên, thì nhà thơ Vũ Đình Liên bình thản lấy từ trong tay nải của mình một gói giấy báo. Ông xin phép ngồi một góc, sẽ sàng mở gói giấy. Trong đó là một gói lá chuối, màu lá mới ngả vàng. Ông lại sẽ sàng mở ra. Đó là một nắm cơm, một nắm cơm bình thường, gạo phiếu của mậu dịch. Kèm một gói nhỏ muối vừng. Chấm hết. Không thịt kho, ruốc bông ruốc hoa hay chả quế giò lụa gì sất!

Nhà thơ tác giả Ông đồ ngồi ung dung ăn nắm cơm của mình đúng như cách ông đồ của ông “Bày mực Tàu, giấy đỏ/Trên phố đông người qua”. Tự nhiên, tôi cảm thấy mắt mình rân rấn ướt. Là tác giả bài thơ Ông đồ nổi tiếng qua nhiều thế hệ đó ư? Là nhà giáo nhân dân, nhà thơ Vũ Đình Liên mà chúng tôi đã học tác phẩm từ ngày còn cắp sách tới trường đó ư? “Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ?”.

Bây giờ, khi nhớ lại cảnh nhà thơ Vũ Đình Liên ăn cơm nắm, tôi những muốn kêu lên bằng hai câu thơ ông như vậy! Kể lại câu chuyện nhỏ này để nhớ lại một thời khốn khổ, với những con người nổi tiếng nhưng khốn khổ. Và đẹp. Đẹp trong cảnh nghèo khó. Tại sao không?

Xin giới thiệu bài thơ để đời của nhà thơ Vũ Đình Liên, bài Ông đồ bất tử:

3-1732597609.jpg
 

ÔNG ĐỒ

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực Tàu, giấy đỏ

Bên phố đông người qua

 

Bao nhiêu người thuê viết

Tấm tắc ngợi khen tài:

“Hoa tay thảo những nét

Như phượng múa, rồng bay”

 

Nhưng mỗi năm mỗi vắng

Người thuê viết nay đâu?

Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu…

 

Ông đồ vẫn ngồi đấy

Qua đường không ai hay

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài trời mưa bụi bay

 

Năm nay đào lại nở

Không thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?

1936 – (Đăng trên Báo Tinh hoa)

Có những nhà thơ Việt Nam mà gia tài thơ còn lại chỉ là một bài thơ. Nhưng đó là bài thơ còn mãi trong trí nhớ người đọc, còn mãi trong ký ức của bao nhiêu thế hệ. Bài thơ Ông đồ, thơ 5 chữ, không thể giản dị hơn. Vậy mà nó sống, có thể nói là mãi mãi.

Ngay chuyện nhà thơ Vũ Đình Liên bỏ ra 40 năm trong cuộc đời mình chỉ để dịch thơ Baudelaire, ta đủ thấy sự đam mê ở “nhà thơ ăn cơm nắm” này lớn lao tới đâu.

Thơ có sức thu hút kỳ lạ chính là ở chỗ đó. Một nhà thơ, có thể chỉ để lại cho đời một bài thơ, nhưng sức lao động thơ ca của nhà thơ ấy thì không thể tính bằng số lượng những bài thơ, mà phải tính bằng cả cuộc đời nhà thơ ấy.

THANH THẢO