Trước năm 1965, xe gắn máy ở miền Nam đa số là Sachs Goebel của Đức hoặc Mobylette của Pháp (ngoài ra còn có Vespa hay Lambretta của Ý và Velo Solex của Pháp nhưng dân Sài Gòn không gọi chúng là xe "gắn máy").
Hồi ấy, Nhật chưa bán dây chuyền công nghệ xe gắn máy cho nước ngoài.
Nhà doanh nghiệp, kỹ sư Đặng Đình Đáng đã mua được dây chuyền công nghệ xe Puch của Áo quốc và ông đã thuyết phục được chính phủ dân sự miền Nam của Thủ tướng Phan Huy Quát không cho nhập xe gắn máy Nhật...
So với xe gắn máy thời đó (ngoại trừ xe Nhật chưa xuất hiện), xe Puch hơn hẳn về sức mạnh và kiểu dáng. Những tờ quảng cáo xe Puch thật hấp dẫn, được công chúng nhiệt tình tham khảo.
Yên tâm, Đặng Đình Đáng thế chấp tất cả tài sản hiện có để vay tiền ngân hàng xây dưng dây chuyền lắp ráp xe gắn máy đầu tiên của Đông Nam Á.
Với dây chuyền này cùng với việc đào tạo chuyên viên và kỹ sư, Việt Nam rồi đây sẽ có thể chế tạo "không chỉ xe gắn máy" (Đài Loan hay Hàn quốc ngày đó cũng chỉ ngang tầm mình).
Nhưng không may cho Đặng Đình Đáng, chính quyền quân sự lên thay năm 1965 đã từng bước xóa bỏ lời cam kết bảo hộ xe Puch.
Bắt đầu là đợt xe Honda Dame nhập về (hứa chỉ bán cho quân nhân) vào giữa năm 1966 đã ngay lập tức gây xôn xao dư luận bởi tính năng vượt trội và kiểu dáng độc đáo của nó. Đi đâu cũng nghe người ta tán tụng xe Honda của Nhật.
Quốc hội được mua chuộc đã biểu quyết cho nhập xe gắn máy Nhật không giới hạn. Thị trường tràn ngập các xe gắn máy nhãn hiệu mới toàn của Nhật: Suzuki, Yamaha rồi Kawasaki...
Kỹ sư Đặng Đình Đáng treo cổ tự vận, toàn bộ tài sản của ông bị tịch biên vẫn không đủ trả nợ. Vợ ông phải đi bán rau muống ở chợ Ông Tạ.
Lúc ấy tôi mới mười bốn tuổi nhưng nhìn người đời đối xử với nhau như vậy cũng biết đau lòng nên chuyện này tôi nhớ rất rõ và lấy đó làm bài học cho việc kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi chính sách kinh tế của nhà nước.
Nguyễn Đình Đại