Doanh nghiệp cần có biện pháp phòng ngừa rủi ro để ứng phó với biến động tỷ giá
00:00 25/07/2024
Trước sự mạnh lên của đồng USD, sức ép lạm phát, diễn biến phức tạp của giá vàng… tỷ giá chịu biến động mạnh trong nửa đầu năm nay. Điều này phần nào đã tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp vay nợ lớn bằng đồng USD và nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Dù áp lực tỷ giá hiện đã giảm bớt, song các chuyên gia khuyến nghị các doanh nghiệp cũng cần có kế hoạch cân đối trong việc nắm giữ cả ngoại tệ và nội tệ, để hạn chế rủi ro vì tỷ giá có thể xảy ra trong thời gian tới.
Các chuyên gia khuyến nghị các doanh nghiệp cũng cần có kế hoạch cân đối trong việc nắm giữ cả ngoại tệ và nội tệ, để hạn chế rủi ro vì tỷ giá có thể xảy ra trong thời gian tới.
Trước sự mạnh lên của đồng USD, sức ép lạm phát, diễn biến phức tạp của giá vàng… tỷ giá chịu biến động mạnh trong nửa đầu năm nay. Điều này phần nào đã tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp vay nợ lớn bằng đồng USD và nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Dù áp lực tỷ giá hiện đã giảm bớt, song các chuyên gia khuyến nghị các doanh nghiệp cũng cần có kế hoạch cân đối trong việc nắm giữ cả ngoại tệ và nội tệ, để hạn chế rủi ro vì tỷ giá có thể xảy ra trong thời gian tới.
Doanh nghiệp “lao đao” vì tỷ giá
Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (HOSE: STK) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 với khoản lỗ sau thuế kỷ lục gần 56 tỷ đồng, giảm 248% so với cùng kỳ.
Cụ thể, trong quý II, STK ghi nhận doanh thu thuần đạt 303 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp của công ty chỉ gần 10 tỷ đồng, giảm tới 84%.
Theo giải trình của STK, nguyên nhân của sự sụt giảm này là do doanh số bán hàng thấp đồng thời việc ghi nhận chi phí ngưng máy vào giá vốn bán hàng. Vì vậy, công ty phải ngừng nhiều máy nhằm hạn chế gia tăng thêm thành phẩm tồn kho.
Đáng chú ý, chi phí tài chính của STK bất ngờ tăng mạnh, cao gấp 5,2 lần so với quý II/2023, chủ yếu do khoản lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện tại công ty con tăng mạnh.
Hiện STK đang đầu tư xây dựng dự án nhà máy sợi, dệt, nhuộm Unitex. Trước đó, vào tháng 3/2023, dự án này nhận được khoản vay hợp vốn với tổng giá trị 52,5 triệu USD, tương đương gần 1.233 tỷ đồng, có thời hạn 57 tháng được giải ngân trong năm 2023-2024. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến báo cáo hợp nhất của STK ghi nhận lỗ lớn từ tỷ giá.
Tính đến cuối tháng 6/2024, STK ghi nhận lỗ tỷ giá lên đến gần 67 tỷ đồng. Khoản lỗ tỷ giá chiếm đến 89% chi phí tài chính của doanh nghiệp này.
Nhiều công ty niêm yết có khoản vay nợ nước ngoài lớn cũng ghi nhận lợi nhuận bị “bào mòn” do tỷ giá như Novaland, Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGenco3), Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam…
Không chỉ riêng các doanh nghiệp vay nợ nước ngoài lao đao, việc tỷ giá “nổi sóng” trong nửa đầu năm 2024 cũng khiến không ít các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu “điêu đứng” khi phải gánh thêm khoản chi phí tài chính bất đắc dĩ.
Ngay cả Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) vốn được xem là “vua tiền mặt” cũng phải ngao ngán vì khoản lỗ chênh lệch tỷ giá. Trong quý I/2024, Hòa Phát ghi nhận lỗ ở khoản mục tỷ giá hơn 416 tỷ đồng. Tuy nhiên, Hòa Phát cũng ghi nhận khoản lãi về chênh lệch tỷ giá hơn 323 tỷ đồng. Tính chung quý I/2024, Tập đoàn này ghi nhận mức lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 92 tỷ đồng.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, lãnh đạo Tập đoàn này cho biết đang hạn chế tối đa vay ngoại tệ; đồng thời phải trích lập dự phòng cũng như áp dụng nhiều biện pháp để làm giảm bớt rủi ro tỷ giá.
Doanh nghiệp cần có biện pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá
Thực tế, việc các doanh nghiệp “ngấm đòn” tỷ giá là khó điều tránh khỏi, khi bức tranh tỷ giá trong nửa đầu năm nay không mấy thuận lợi. Tại buổi họp báo mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, mức mất giá của VND vào khoảng 4,4%, trong khi nhiều quốc gia mức độ này lên đến 7-11%.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, mức độ mất giá VNĐ như hiện nay là hợp lý. Bởi lẽ, việc điều hành tỷ giá không thể căng cứng, cố định trong bối cảnh như hiện nay, mà phải điều hành hài hòa với các vấn đề xuất khẩu, lãi suất, kiểm soát lạm phát, đảm bảo trạng thái ngoại tệ, cung cầu ngoại tệ.
Ngân hàng Nhà nước đã phải đưa ra nhiều biện pháp để ổn định tỷ giá như đấu thầu vàng miếng nhằm thu hẹp chênh lệch giá bán trong nước và thế giới; phát hành tín phiếu hút tiền về; bán dự trữ ngoại hối…
Trong nửa cuối năm, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Đồng thời khuyến cáo doanh nghiệp, người dân không nên tích trữ, đầu cơ ngoại tệ.
Nhiều dự báo của các tổ chức tài chính gần đây đều nhận định tỷ giá sẽ hạ nhiệt trong 6 tháng cuối năm. Do đó, việc doanh nghiệp tích trữ USD sẽ hoàn toàn không có lợi trong bối cảnh hiện nay.
Trong báo cáo cập nhật mới đây, các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, giai đoạn áp lực nhất của tỷ giá đã qua. Bước sang quý III/2024, tỷ giá có thể còn có các biến động trồi sụt, do nhu cầu nhập khẩu của doanh nghiệp dự báo vẫn ở mức cao, trước khi xu hướng hạ nhiệt sẽ rõ ràng hơn trong quý IV.
Điều này được dẫn dắt nhờ kỳ vọng nguồn ngoại tệ sẽ cải thiện khi xuất khẩu được đẩy mạnh, kiều hối đổ về và dòng tiền FDI. Theo đó, tỷ giá sẽ ổn định trở lại và mức tăng cả năm ở mức 3,5%, tương ứng đạt 25.120 VND/USD.
Các chuyên gia của Ngân hàng UOB (Singapore) cũng dự báo, đồng VND có thể phục hồi trong nửa cuối năm 2024 cùng với sự phục hồi của đồng CNY và sự suy yếu của USD trên diện rộng, khi việc cắt giảm lãi suất của Fed được chú trọng.
Dù vậy, trong bối cảnh địa chính trị còn nhiều ẩn số khó lường, áp lực tỷ giá vẫn còn hiện hữu lớn. Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia tài chính khuyến nghị doanh nghiệp cần thiết phải chú trọng việc quản trị rủi ro tỷ giá, để giảm áp lực tài chính cũng như tối ưu hóa quá trình vận hành hoạt động kinh doanh.
Theo ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB, đối với các doanh nghiệp có rủi ro về ngoại hối (do xuất khẩu, nhập khẩu hoặc đầu tư ra nước ngoài), điều quan trọng là phải có chính sách phòng ngừa rủi ro phù hợp như một phần của chiến lược quản lý rủi ro để bảo vệ vị thế tài chính của họ.
“Ngoài phòng ngừa rủi ro, một cách khác là duy trì sự cân bằng và lập kế hoạch hợp lý về dòng tiền và mức độ nắm giữ của cả ngoại hối và nội tệ. Cả hai đều có thể được yêu cầu để thanh toán cho nhà cung cấp. Do đó, việc nắm giữ quá nhiều ngoại tệ có thể khiến doanh nghiệp thua lỗ hoặc ngược lại là thu được lợi nhuận. Đồng thời, cần có nội tệ để trả cho các nhà cung cấp địa phương, tiền lương, tiền thuê nhà, thuế…”, ông Suan Teck Kin cho biết.
Hứa Chung (TTXVN)