Cơ chế vận hành và những giải pháp chính sách chủ yếu cần ưu tiên cho phát triển 13 đặc khu

Từ 01/7/2025, cùng với 3.308 đơn vị hành chính cấp xã mới, cả nước có 13 đặc khu được thành lập theo các Nghị quyết của Quốc hội khóa XV. Cơ chế vận hành của 13 đặc khu có gì khác so với cơ chế vận hành của các đơn vị hành chính cấp xã, so với mô hình đặc khu kinh tế trước đây dự kiến (?) Bài viết sẽ phân tích về cơ chế vận hành, đồng thời đề xuất những giải pháp chủ yếu cần ưu tiên cho phát triển 13 đặc khu.
1-1751869236.jpg

Đặc khu Cồn Cỏ (Quảng Trị)

Theo các Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, 13 đặc khu này bao gồm: 1) Vân Đồn (Quảng Ninh); 2) Cô Tô (Quảng Ninh); 3) Cát Hải (TP. Hải Phòng); 4) Bạch Long Vĩ (TP. Hải Phòng); 5 Cồn Cỏ (Quảng Trị); 6) Lý Sơn (Quảng Ngãi); 7) Hoàng Sa (TP. Đà Nẵng); 8) Trường Sa (Khánh Hòa); 9) Phú Quý (Bình Thuận); 10) Côn Đảo (Bà Rịa Vũng Tàu); 11) Kiên Hải (Kiên Giang); 12) Phú Quốc (Kiên Giang) - Đặc khu lớn nhất cả nước; 13) Thổ Châu (Kiên Giang)

Những đặc điểm đáng chú ý về cơ chế vận hành của 13 đặc khu

Việc Việt Nam chính thức vận hành 13 đặc khu kinh tế từ ngày 01/7/2025, đánh dấu một bước chuyển mình quan trọng trong mô hình phát triển kinh tế của đất nước. Dưới đây là những điểm đáng chú ý về cơ chế vận hành của các đặc khu theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XV thông qua:

Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp: Đây là điểm thay đổi cơ bản và quan trọng nhất. Thay vì tổ chức chính quyền địa phương 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) như trước đây, các đặc khu cũng sẽ chỉ có 2 cấp: cấp tỉnh (bao gồm cả các thành phố trực thuộc trung ương) và cấp xã (bao gồm cả các đặc khu). Việc bỏ cấp huyện trực thuộc tỉnh, thành phố, nhằm tinh gọn bộ máy hành chính, giảm tầng nấc trung gian, nâng cao hiệu quả và tốc độ giải quyết thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng hơn cho đầu tư và kinh doanh. Tuy nhiên, việc này cũng đặt ra những thách thức ban đầu, đặc biệt đối với người dân ở các khu vực đảo xa đất liền, khi việc đi lại để thực hiện thủ tục hành chính có thể gặp khó khăn.

Đối với đặc khu có dân số thường trú dưới 1.000 người thì không tổ chức cấp chính quyền địa phương. Ủy ban nhân dân đặc khu là cơ quan hành chính nhà nước, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập, thực hiện vai trò của chính quyền địa phương tại đặc khu này (khoản 1 Điều 28).

2-1751869246.jpg

Đặc khu Lý Sơn (Quảng Ngãi)

Cơ chế, chính sách đặc thù: Về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền13 đặc khu sẽ hoạt động giống như đơn vị hành chính cấp xã, không có cấp huyện (theo Điều 27). Các đặc khu sẽ nhận sự chỉ đạo và quản lý trực tiếp từ chính quyền cấp tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương. Chính quyền đặc khu được phân quyền mạnh. Luật Tổ chức chính quyền địa Phương (sửa đổi) cho phép Chủ tịch UBND đặc khu nhận ủy quyền thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp tỉnh, giúp giải quyết công việc nhanh chóng và hiệu quả hơn tại chỗ. Đây là điểm khác biệt so với đơn vị hành chính cấp xã thông thường nhằm trao quyền tự chủ và linh hoạt hơn trong việc ra quyết định về quy hoạch, tài chính, ngân sách, và các chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với đặc thù riêng của từng địa phương.

Căn cứ phạm vi, thẩm quyền được giao, HĐND, UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể cho chính quyền địa phương ở đặc khu… “phải bảo đảm tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan nhà nước tại địa phương, bảo đảm linh hoạt, chủ động ứng phó khi có sự kiện, tình huống đột xuất, bất ngờ xảy ra nhằm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trên các vùng biển, hải đảo, phát huy lợi thế, tiềm năng kinh tế biển, hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm thu hút người dân sinh sống, bảo vệ và phát triển hải đảo” (khoản 2 và khoản 3 Điều 27, Luật TCCQĐP sửa đổi).

Mục tiêu của việc thành lập đặc khu trong dài hạn là tạo ra các khu vực có cơ chế, chính sách vượt trội, cạnh tranh với các đặc khu kinh tế trong khu vực và thế giới để thu hút đầu tư, công nghệ cao và phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn. Các đặc khu sẽ được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách, đất đai, lao động, khoa học công nghệ... Các cơ chế này sẽ do chính quyền địa phương cấp tỉnh trình Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định cho từng đặc khu, dựa trên yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và khả năng của từng đặc khu.

Tập trung phát triển các ngành kinh tế chủ lực: Mặc dù không có một “Luật Đặc khu kinh tế” riêng biệt với các chính sách ưu đãi vượt trội và khác biệt hoàn toàn so với các khu kinh tế, khu công nghiệp hiện hành (như miễn giảm thuế sâu, cơ chế tài chính riêng...). Tuy nhiên 13 đặc khu vẫn sẽ được ưu tiên đầu tư hạ tầng, thu hút đầu tư vào các ngành kinh tế chủ lực như du lịch, kinh tế biển, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao... thông qua các chính sách ưu đãi hiện hành của Chính phủ áp dụng cho các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc các khu kinh tế, khu công nghiệp đã được thành lập.

Mỗi đặc khu sẽ có định hướng phát triển riêng, phù hợp với tiềm năng và lợi thế của mình. Ví dụ, Vân Đồn (Quảng Ninh) được định hướng phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển, nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, logistics và dịch vụ hàng hải. Phú Quốc (Kiên Giang) tiếp tục là trung tâm du lịch, sự kiện và kinh tế toàn cầu, đồng thời phát triển nuôi trồng, đánh bắt hải sản và sản xuất nước mắm. Côn Đảo hướng tới mô hình phát triển “không khói”, gắn du lịch với giáo dục môi trường.

3-1751869246.jpg

Đặc khu Cát Hải (TP. Hải Phòng)

Nhìn chung, việc thành lập và vận hành 13 đặc khu là một bước đi táo bạo của Việt Nam, thể hiện quyết tâm đổi mới và thu hút đầu tư. Thành công của các đặc khu sẽ phụ thuộc vào việc xây dựng và thực thi các cơ chế, chính sách đủ mạnh, linh hoạt và minh bạch, cũng như khả năng thích ứng và đổi mới của bộ máy hành chính và người dân tại các khu vực này.

Sự khác nhau giữa mô hình “đặc khu” với mô hình “đặc khu kinh tế” (hay “đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt”) đã từng được thảo luận

+ Theo dự thảo Luật riêng về Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đã bị lùi thời gian thông qua), mô hình “đặc khu kinh tế” có mô hình chính quyền địa phương đặc biệt, có thể có quyền tự chủ cao hơn, thậm chí có cơ quan quyền lực riêng biệt (ví dụ: Hội đồng ĐVHCKTĐB thay cho HĐND). Được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt, vượt trội: (i) Miễn, giảm thuế rất sâu (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế đất,...) với thời gian dài; (ii) Thời hạn thuê đất có thể lên đến 99 năm hoặc hơn, cơ chế giao đất linh hoạt; (iii) “Một cửa tại chỗ”, tinh gọn tối đa, thông thoáng; (iv) Cơ chế tài chính, ngân sách riêng, có thể giữ lại phần lớn nguồn thu để tái đầu tư; (v) Ưu tiên, tập trung vào các ngành công nghệ cao, tài chính quốc tế, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, casino; (vi) Mục tiêu: Thu hút đầu tư chiến lược quy mô lớn, công nghệ cao từ nước ngoài để tạo đột phá kinh tế, trở thành các trung tâm tăng trưởng mới, có khả năng cạnh tranh quốc tế.

+ Trong khi đó, mô hình “đặc khu” áp dụng cho 13 xã đảo vừa được thành lập 01/7/2025, theo Luật TCCQĐP (sửa đổi) và các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, có tên gọi chung là “đặc khu” và được quy định là một loại hình đơn vị hành chính cấp xã đặc biệt. Các đặc khu này bỏ qua cấp huyện và trực thuộc trực tiếp chính quyền cấp tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương (2 cấp). Đây là điểm khác biệt cốt lõi. Mục tiêu chính là tinh gọn bộ máy hành chính, giảm tầng nấc trung gian, tăng cường tính trực tiếp, hiệu quả trong quản lý; phát triển kinh tế - xã hội bền vững, gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng, phát huy tiềm năng biển đảo.

Kinh nghiệm thế giới

Mô hình đặc khu kinh tế (SEZ) hoặc đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là khá phổ biến trên thế giới . Tuy nhiên, việc áp dụng mô hình đặc khu riêng cho “xã đảo” như cách Việt Nam đang làm (chuyển các huyện đảo, thành phố đảo hiện nay thành đơn vị hành chính cấp xã có tên gọi là đặc khu) là một cách tiếp cận khá đặc thù và có thể chưa có nhiều tiền lệ chính xác với quy mô xã đảo như vậy.

Nghiên cứu nhiều quốc gia cho thấy, họ đã thành công với các đặc khu kinh tế nằm trên các đảo hoặc khu vực ven biển, khai thác tiềm năng biển đảo để phát triển kinh tế. Một số ví dụ nổi bật có thể kể đến: (i) Trung Quốc có nhiều đặc khu kinh tế thành công rực rỡ, trong đó có một số khu vực ven biển như Thâm Quyến, Chu Hải, Hạ Môn, Sán Đầu và đặc biệt là đảo Hải Nam. Các đặc khu này ban đầu được thành lập để thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy xuất khẩu và thử nghiệm các chính sách kinh tế mới; hay (ii) Dubai của UAE nổi tiếng với các khu kinh tế tự do (Free Zones) như Jebel Ali, Dubai Internet City, Dubai Media City... Các khu vực này thu hút rất nhiều doanh nghiệp quốc tế, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như thương mại, công nghệ, truyền thông;

(iii) Khu kinh tế tự do Incheon Free Economic Zone (IFEZ) cũng là một ví dụ điển hình về đặc khu kinh tế thành công của Hàn Quốc, bao gồm các khu vực như đảo Yeongjong, khu vực Cheongna và Songdo. IFEZ tập trung vào phát triển logistics, công nghệ thông tin và du lịch; (iv) Mặc dù không gọi trực tiếp là “đặc khu xã đảo” nhưng bản chất của Singapore là một quốc đảo nhỏ, họ đã rất thành công trong việc xây dựng mình thành một trung tâm tài chính, thương mại và logistics toàn cầu thông qua các chính sách kinh tế mở và môi trường kinh doanh thuận lợi; (v) Puerto Rico (thuộc Hoa Kỳ) cũng là nơi đầu tiên trên thế giới thành lập mô hình khu kinh tế hiện đại vào năm 1942.

Tóm lại, mặc dù các quốc gia khác không gọi chính xác là “đặc khu” như Việt Nam nhưng nhiều quốc gia đã phát triển thành công các mô hình đặc khu kinh tế trên các đảo hoặc khu vực ven biển với những chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển. Vì vậy những thành công của các quốc gia trong phát triển các mô hình đặc khu kinh tế, theo chúng tôi là bài học kinh nghiệm vô cùng quý giá để tham khảo và nghiên cứu vận dụng vào các đặc khu của Việt Nam vừa được thành lập (tất nhiên việc vận dụng đó phải phù hợp với điều kiện của nước ta).

4-1751869246.jpg

Đặc khu kinh tế Thâm Quyến (Trung Quốc)

Cơ sở để nghiên cứu vận dụng vì có nhiều sự tương thích. Thứ nhất, các đặc khu kinh tế của các quốc gia cũng được hình thành từ các xã đảo, huyện đảo, quốc đảo nằm ven biển hoặc độc lập, có sự tương đồng về địa lý và môi trường, sinh thái biển. Thứ hai, về diện tích tương đương hoặc thậm chí lớn hơn một số đặc khu kinh tế nổi tiếng trên thế giới, đặc biệt là so với diện tích các khu đặc khu ban đầu hoặc các khu kinh tế tự do/khu công nghiệp có quy mô vừa (như: Đặc khu Vân Đồn (582 km2) và Phú Quốc (575,29 km2) tương đương với Khu kinh tế tự do Incheon của Hàn Quốc (517,3 km²); hay như đặc khu kinh tế Thâm Quyến ban đầu cũng chỉ có 493 km2…

Các đặc khu còn lại có diện tích nhỏ nhưng cũng có thể tìm thấy sự tương đồng về diện tích với các khu tự do chuyên biệt hoặc đảo kinh tế nhỏ khác trên thế giới. Ví dụ: Đặc khu Côn Đảo có diện tích 75,79 km2 (tương đương hoặc lớn hơn một số khu tự do nổi tiếng như Jebel Ali Free Zone có 57 km2, Khu kinh tế tự do Busan-Jinhae có diện tích 82 km2); Đặc khu Cô Tô có diện tích 47 km2 (tương đương với Jebel Ali Free Zone); Đặc khu Phú Quý có diện tích 18 km2 nhỏ hơn hầu hết các đặc khu lớn, nhưng vẫn có thể so sánh với các khu chuyên biệt rất nhỏ (Thành phố Internet Dubai - “thành phố” chuyên biệt trong Dubai).

Đề xuất các giải pháp chính sách chủ yếu cần ưu tiên cho phát triển 13 đặc khu

Tuy nhiên điều quan trọng không chỉ là diện tích mà còn là quy hoạch, cơ chế chính sách, và định hướng phát triển của từng đặc khu để phát huy tối đa lợi thế của mình. Từ kinh nghiệm thành công của các quốc gia trong việc xây dựng các mô hình đặc khu kinh tế như đã đề cập ở trên, để khai thác hết tiềm năng, trong dài hạn các đặc khu của Việt Nam, cần có giải pháp để thúc đẩy đầu tư phát triển, từng bước nâng cấp 13 đặc khu trở thành 13 đặc khu kinh tế. Đây là một hướng đi chiến lược và cần thiết. Do đó các giải pháp chủ yếu cần ưu tiên, đó là:

1. Hoàn thiện khung pháp lý và chính sách đặc thù: Xây dựng Luật Đặc khu kinh tế riêng. Đây là yếu tố then chốt để tạo ra một hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch và ổn định, vượt trội so với luật chung, nhằm thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. Trong đó có các quy định đột phá về quản lý: Thẩm quyền của Chủ tịch UBND đặc khu không dừng lại ở phạm vi nhận ủy quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ nhằm giải quyết công việc nhanh chóng và hiệu quả hơn tại chỗ. Mà còn phải trao quyền tự chủ cao về hành chính, kinh tế cho các Chủ tịch UBND các đặc khu, cho phép họ linh hoạt trong việc ban hành các quy định, chính sách phù hợp với đặc thù của từng khu vực mà không bị ràng buộc bởi các quy định hành chính chồng chéo của cả nước (giống như như các đặc khu kinh tế: Hồng Kông, Ma Cao, hay Thâm Quyến (Trung Quốc), Dubai (UAE) đã làm thành công; (ii) Có quy định về các chính sách ưu đãi vượt trội về thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, giá trị gia tăng thấp hơn), tiền thuê đất, thủ tục hải quan, và các quy định về lao động… đủ hấp dẫn để cạnh tranh với các đặc khu khác trong khu vực và trên thế giới.

2. Đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ và hiện đại, ưu tiên vào các ngành kinh tế mũi nhọn, có lợi thế cạnh tranh: (i) Xây dựng, nâng cấp hệ thống sân bay, cảng biển, đường bộ kết nối thuận tiện với các trung tâm kinh tế lớn; trường học, bệnh viện, khu dân cư, khu vui chơi giải trí để thu hút và giữ chân nhân lực chất lượng cao; phát triển hạ tầng internet tốc độ cao, phủ sóng rộng khắp…; (ii) Phát triển các khu nghỉ dưỡng cao cấp, dịch vụ du lịch giải trí, thể thao biển, du lịch sinh thái gắn với bảo tồn thiên nhiên; (iii) Ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản để nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo bền vững môi trường; (iv) Tận dụng tiềm năng gió, năng lượng mặt trời để phát triển các dự án năng lượng sạch, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững; (v) Phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo.

5-1751869246.jpg

Đặc khu Vân Đồn (Quảng Ninh)

3. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: (i) Xây dựng các chương trình đào tạo nghề, chuyên môn phù hợp với nhu cầu của các ngành kinh tế mũi nhọn tại đặc khu. Hay nói cách khác xây dựng các chương trình đào tạo chuyên biệt, gắn kết với nhu cầu của các ngành nghề trọng điểm tại đặc khu; (ii) Có chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học giỏi, lao động kỹ năng cao trong và ngoài nước bằng các chế độ đãi ngộ hấp dẫn (như ưu đãi về nhà ở, lương thưởng, cơ hội phát triển, môi trường làm việc quốc tế); (iii)Phối hợp với các tổ chức, trường đại học quốc tế để tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động địa phương, đáp ứng yêu cầu của các ngành công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ chất lượng cao.

4. Xác định rõ mục tiêu và định hướng phát triển đặc thù: (i) Mỗi đặc khu cần có một định hướng phát triển chuyên biệt, dựa trên lợi thế so sánh về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, và tiềm năng phát triển của mình (ví dụ: đối với các đặc khu có lợi thế cảng biển nước sâu, như Vân Đồn, Cát Hải, Kiên Hải cần đầu tư phát triển hệ thống cảng biển, kho bãi, dịch vụ hậu cần, trung tâm phân phối hàng hóa để khai thác có hiệu quả dịch vụ logistics và dịch vụ hàng hải); (iii) Xây dựng khung pháp lý riêng, rõ ràng, nhất quán và có tính ổn định cao cho từng đặc khu, đảm bảo quyền sở hữu và chuyển nhượng bất động sản, thời hạn thuê đất để tạo niềm tin và sự an tâm cho các nhà đầu tư; (iv) Coi các đặc khu là nơi thử nghiệm các cơ chế, chính sách mới, tiên tiến trước khi nhân rộng ra cả nước. Điều này giúp kiểm chứng hiệu quả và giảm thiểu rủi ro khi áp dụng đại trà…

Thay lời kết

Tóm lại, việc định hướng và từng bước nâng cấp các đặc khu (thực chất là các xã đảo) hiện tại thành các đặc khu kinh tế hoàn chỉnh là con đường tối ưu để khai thác triệt để tiềm năng, biến chúng thành những cực tăng trưởng mới và góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Hay nói cách khác, việc xây dựng thành công các đặc khu kinh tế trong tương lai trên nền tảng các đặc khu sẽ không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho từng địa phương mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước, củng cố vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế khu vực và thế giới.

Để đạt được mục tiêu trên, cần có sự kết hợp hài hòa giữa ý chí chính trị mạnh mẽ, khung pháp lý đột phá, nguồn lực đầu tư dồi dào và đặc biệt là sự đồng thuận, tham gia tích cực của cộng đồng. Vì vậy cùng với sự quyết tâm chính trị cao và tầm nhìn dài hạn của Đảng và Nhà nước, còn đòi hỏi sự kiên trì, linh hoạt của Chính phủ trong điều hành và khả năng thích ứng với những biến động của môi trường kinh tế toàn cầu.

VŨ LÊ MINH

Theo Phaply.net.vn