ĐI THĂM TRẺ MỒ CÔI Ở CHÙA THIỆN TÂM

Hôm nay, chúng tôi dậy rất sớm để chuẩn bị cho chuyến đi từ thiện của mình. Đây là lần thứ mấy rồi nhỉ, sao tôi vẫn bồn chồn, hồi hộp. Mấy ngày trước, chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ, nào bánh kẹo, nào mì gói, giày dép cho trẻ em và cả một ít tiền mặt nữa. Thực ra số đồ mà chị em chúng tôi chuẩn bị chẳng đáng là bao, nhưng đó là tấm lòng, là tình cảm của chị em chúng tôi.

 

Hôm nay, chúng tôi dậy rất sớm để chuẩn bị cho chuyến đi từ thiện của mình. Đây là lần thứ mấy rồi nhỉ, sao tôi vẫn bồn chồn, hồi hộp. 


Mấy ngày trước, chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ, nào bánh kẹo, nào mì gói, giày dép cho trẻ em và cả một ít tiền mặt nữa. Thực ra số đồ mà chị em chúng tôi chuẩn bị chẳng đáng là bao, nhưng đó là tấm lòng, là tình cảm của chị em chúng tôi.


Sáu giờ sáng xe bắt đầu chuyển bánh, ngoài trời hơi lạnh. Theo hợp đồng xe sẽ chạy thẳng tới ngôi chùa nuôi trẻ mồ côi. Từ đây tới đó khoảng hai tiếng, để lấp đầy khoảng trống ấy, bác tài xế mở một bản nhạc êm dịu, nhẹ nhàng, nhưng tôi không sao ngừng suy nghĩ về những đứa trẻ mồ côi mà chúng tôi sắp gặp. Cứ miên man suy nghĩ cho đến khi xe dừng bánh. Ngôi chùa đây rồi.


Đây là lần thứ hai tôi đến đây, ngôi chùa nuôi trẻ mồ côi này - chùa Thiện Tâm - chùa thuộc tỉnh Bình Thuận. Chùa rất rộng với vườn xoài sum xuê, trĩu quả. Chánh điện còn rất đơn sơ nhưng rất tôn nghiêm. Nơi nuôi trẻ mồ côi là một dãy nhà cấp bốn sạch sẽ, thoáng mát. Ở đây có khoảng hơn 100 bé, có các cô bảo mẫu, có những người tình nguyện làm công quả cho chùa phụ giúp sư thầy chăm sóc các bé. 


Đón chúng tôi là sư thầy trụ trì, sư thầy khoảng 55 -60 tuổi, dáng người phúc hậu, gương mặt toát lên một tấm lòng nhân ái bao la.


- A Di Đà Phật, sao chùa lại nhiều trẻ mồ côi thế ạ ?


Sư thầy kể cho chúng tôi nghe về những đứa trẻ. Có đứa bị người thân bỏ rơi ngay trước cổng chùa, có đứa thì sư thầy gặp ở đâu đó đang lang thang trên đường phố hay một góc chợ quê nghèo, cũng có khi là một cuộc gọi điện thoại bất ngờ từ bệnh viện, thế là nhà chùa lại tới, chẳng kể đường sá xa xôi hay mưa gió bão bùng. Tất cả những đứa trẻ ấy đều được lòng từ bi của nhà chùa đón nhận, được nuôi lớn được học hành.


Xin phép sư thầy, chúng tôi tiếp xúc với các bé, nhìn chúng rất tội nghiệp, gương mặt chúng đều phảng phất một nét buồn. Tôi tự hỏi : đó có phải là do chúng là trẻ mồ côi ? Đi xung quanh chùa, tôi gặp vài bé gái khoảng 10 - 12 tuổi đang chơi nhảy dây trước phòng của mình. Đó là một dãy nhà khang trang, hai tầng vừa mới xây dựng xong còn vương đầy vôi vữa.


- Chào cô ạ !
- Chào các con, hôm nay không đi học sao ?
- Dạ không .
- Thế trong chùa các con làm gì ?
- Dạ, phải học bài, phải giúp các em nhỏ hơn mình học nữa, người lớn phải giúp người nhỏ ạ, rồi chơi nhảy dây, chơi vi tính nữa ạ ... bọn trẻ tranh nhau kể cho chúng tôi nghe, rất ngây thơ, rất thật thà, rất đáng yêu.
- Phòng các con có mấy người ?
- Dạ sáu ạ !


Tôi được biết chùa đang trong thời kỳ xây dựng, sư thầy ưu tiên xây dãy nhà này trước để các bé lớn có điều kiện học hành. Đúng là tấm lòng từ bi một vị chân tu.


Một buổi ở trong chùa cùng với những đứa trẻ, tôi thấy mọi người hình như ai cũng có những ưu tư, trăn trở. Buồn cho những đứa trẻ, hay buồn cho cuộc sống còn nhiều những trái ngang ? Rồi lại có những nhóm từ thiện khác tới đây, như chúng tôi, gửi lại một chút yêu thương ở nơi này. 


Trời đã xế chiều, thì cũng phải về thôi, sư thầy gửi cho chúng tôi một ít trái xoài của vườn chùa, sư thầy bảo : "lộc chùa đấy", những trái xoài chín cây có màu vàng rất đẹp, những trái xoài đầy tình nghĩa, những trái xoài đã nuôi sống cuộc đời bao nhiêu những đứa trẻ bất hạnh.


Cuối cùng thì xe cũng chuyển bánh rồi, bất chợt, chị em chúng tôi, không ai bảo ai đều ngoái đầu nhìn lại ngôi chùa nơi chứa chan tình yêu thương ấy. Còn hai tiếng nữa mới về tới Sài Gòn, tôi lại chìm trong suy nghĩ miên man.

 

 

Tuyết Lan Lê