Uống trà thưởng hoa, làm thơ là niềm vui vi diệu ở cõi đời. Thú tao nhã từ ngàn xưa, nay vẫn còn. Ngày xưa khi cha ta còn sống, mỗi sớm mai giá lạnh, cụ đồ nho sai tiểu đồng quạt hỏa lò, đun nước sôi, xúc ấm pha một ấm trà trong khói sương để ngâm một câu Đường thi: “bình minh nhất trản trà... lương y bất đáo gia”.
|
Chiều muộn. Sương giăng giăng đầu ngõ. Khói nhà bên trắng xốp lan trong không gian. Lửa hồng rừng rực nghi ngút khói thơm mùi lá dong và vị bánh chưng xanh chín tới đang tỏa hương ngào ngạt. Mùi nhang trầm bén lửa quyến gió đông ngan ngát khiến lòng ông xa vắng. Có chút gì bâng khuâng xa xăm ùa về trong buổi chiều cuối năm này. Nhìn cành đào phai rêu mốc chíu chít những nụ hoa hàm tiếu được cắm trong chiếc bình gốm Chu Đậu ông lại nao nao nhớ học trò. Con bé mê cổ văn, mê tranh ông vẽ. Nó thường ngơ ngẩn hàng giờ ngắm nhìn những bức tranh của thầy. Tranh sen tàn đẫm màu thiền với chất liệu Cà phê giấy dó. Tàn rồi lại nở luân hồi bao kiếp sen. Bức tranh như thoát sinh dâng lên hương đồng cỏ nội. Có những buổi chiều trong sương lạnh nó đăm chiêu nhìn theo bức vẽ của thầy như muốn nuốt lấy cả cái thần khí trong nét cọ. Chỉ khi gió lạnh ùa về nó mới giật mình bừng tỉnh phút đắm say. Ông mỉm cười đôn hậu nhắc khéo: muộn rồi đấy con không về ư? Trời sắp tối mất rồi. Đôi mắt nó ngân ngấn nước vội mở túi xách lấy ra cái gói bọc lá sen rồi sẽ sàng: Con gửi thầy ấm trà uống lấy thảo. Trà con sao tẩm kĩ lưỡng và đượm hương lắm ạ. Con đã ướp trong hoa sen từ đầu thu năm trước. Chỉ mong được pha trà hầu thầy thôi. Ông ngần ngại nhìn học trò không hiểu sao lòng dâng lên bao nhiêu thương cảm. Con bé khéo tay tài hoa mà lận đận chuyện tình duyên. Cô gái xứ trà nuôi giấc mơ làm họa sĩ. Ao ước được cắm giá vẽ giữa nương chè quê nhà để vẽ lên xanh ngút ngát mà mình yêu thích. Nhưng giấc mơ của cô thành hiện thực. Cô trở thành cô giáo sớm chiều bên lũ trẻ vùng cao. Cô dạy học trò cái chữ, dạy các em vẽ cái cây, vẽ ông mặt trời vén chăn mây bò lên đỉnh núi. Cô ngậm ngùi héo hắt nhìn những trận mưa rừng xối xả khi chỉ có một mình trong lán nhỏ khu tập thể giáo viên. Cô thương đôi mắt to tròn ngơ ngác của lũ trẻ vùng cao. Thương hoa chuối rừng đỏ thắm trong chiều biên viễn. Cô không thể bỏ con chữ ngơ ngác cùng lũ trẻ để trở về nhà nuôi giấc mơ xưa. Cô gặp được những bức tranh ông vẽ và đắm say nét vẽ của thầy. Cô tìm về gặp thầy sau mỗi lần tranh thủ về xuôi. Nhìn đôi mắt rưng rưng của học trò ông đã không đành lòng thốt lên: muộn lắm rồi hay con ở lại đây đêm nay đi. Thầy trò mình đối ẩm. Thầy cũng mong được tiểu đồng pha trà trong đêm lạnh này. Thầy trò ta sẽ đàm đạo về nghệ thuật hội họa. Đôi má thoáng ửng hồng học trò cảm động nhìn thầy. Đôi bàn tay mềm như búp trà xuân khéo léo quạt bếp than hồng. Ngọn lửa rực cháy trong đêm xua đi cái lạnh của một già một trẻ. Chiếc ấm đất tỏa khói trắng mịt mù, cô gái khéo chuyên nước sôi vào ấm. Chiếc ấm cổ đẹp như một quả tuyết lê tỏa khói mờ. Những búp trè móc câu săn trắng ủ trong búp sen được đôi bàn tay mềm mại trút vào ấm. Hương sen quyến hương trà thơm ngan ngát họa sĩ già nhìn đôi bàn tay khéo léo của học trò ông tư lự như trôi trong miên thức. Nhấp một ngụm trà học trò dâng mời ông khẽ khàng nhắn nhủ học trò. Uống trà là cả một nghi thức con ạ!
Uống trà thưởng hoa, làm thơ là niềm vui vi diệu ở cõi đời. Thú tao nhã từ ngàn xưa, nay vẫn còn. Ngày xưa khi cha ta còn sống, mỗi sớm mai giá lạnh, cụ đồ nho sai tiểu đồng quạt hỏa lò, đun nước sôi, xúc ấm pha một ấm trà trong khói sương để ngâm một câu Đường thi: “bình minh nhất trản trà... lương y bất đáo gia”. Thú uống trà của tao nhân mặc khách đã tạo nét an nhiên tự tại của tâm hồn. Vẻ đẹp đó đang được duy trì và nâng lên thành dư vị mỹ cảm của người Việt.
Có ấm đẹp thì cũng phải có trà ngon mới là sự hòa hợp nâng niu viên mãn. Sự bù đắp ấy đã làm cho văn hóa trà bước lên tầm cao của văn hóa. Nhấp một ngụm trà ta đọc được phông văn hóa của người đối ẩm. Trà là một nghi lễ sang trọng tao nhã đến vi diệu, Chẳng thế mà người ta tôn sùng nâng trà lên như một thứ đạo. Ông chậm rãi nhấp một ngụm trà và giảng cho học trò yêu của mình những nguyên lý tinh tế về trà. Trò phải nhớ rằng:
- Trà có tuổi, có tướng mạo, có kim mộc thủy hỏa thổ vây quanh, có sắc màu, hương vị và khí phách đẳng cấp khác nhau. Chả thế mà người ta còn đặt ra là: bỏ trà là ngọc diệu hồi cung. Tráng trà là cao sơn trường thủy, pha trà là sơn nhập thủy, nhấp chén trà lên phải khoan thai cảm giác như nhập hồn sông núi.
Ông cười hiền giảng cho học trò. Cô giáo vùng cao nhẹ nhàng cung kính đặt chén trà trên tay như một nghi lễ. Người ta có thể yêu nước trinh nữ thanh tao thơm ngát của thứ trà móc câu bạch tuyết nước trắng như sương, nhưng cũng có kẻ yêu nước thiếu phụ đầm đậm nhấp vào thấy ngọt nơi cổ họng, uống vào rồi cũng khó có thể quên. Mấy ai hưởng tới nước phu cày nữa chứ... Trảm mã trà có lẽ chỉ sống trong những câu chuyện đầy màu hiệp khách, Thiết Quan Âm trà thơm ngát như sen mà đượm vị thiền... Trà đã trở thành tiêu dao như khí tiết thanh cao của tao nhân mặc khách: “Thắp hương trước án bên mai lũy/ Quét tuyết pha trà trước trúc hiên” trong thơ Nguyễn Trãi. Hương của trà đượm lòng ấm qua nước sôi lửa bỏng tỏa hương... Lòng cũng thắp lửa theo.
Đâu chỉ có mỹ tửu, sóng mắt giai nhân chất ngất những đêm hoa tửu, mà ấm trà hương cũng làm bồi hồi lòng lữ khách lúc nguyệt lặn sao mờ.
Bước chân của họa sĩ phiêu bồng lãng tử đã đặt chân lên tận cao nguyên đá, dưới ánh lửa bập bùng, gò má sơn nữ hồng rực lên, đôi bàn tay lấp lánh vòng bạc khéo léo đảo những búp chè được hái trên núi tuyết. Hương trà ngan ngát quyện trong gió núi làm ông bâng khuâng. Ông đã đi nhiều vùng đất thưởng thức nhiều loại trà nhưng ông vẫn thích nhất là trà Thái Nguyên bởi sắc nước ngọt đậm có hậu nhất là uống ngày xuân. Hương trà Thái bền, lưu giữ nơi cổ họng rồi lan tỏa tạo một dư vị vô cùng sảng khoái. Trà Thái Nguyên cũng mang đậm hồn Việt được ông nâng niu trong những bình gốm cổ trong nhà.
Sương khuya lạnh, nâng niu chén trà hương trên tay. Hương trà thơm ngát, ông biết đêm nay mình mất ngủ. Chiếc ấm hương vẫn tỏa khói, nước trinh nữ nhắc nhở xa xôi trong lòng ông. Có gì thao thiết làm họa sĩ già nhớ đến cồn cào những ngày xưa dấu yêu... Ông lặng lẽ nâng chén trà hương ấm trên tay nhìn học trò thương cảm nhắc khéo. Khuya lắm rồi. Thôi con đi nghỉ đi. Thầy muốn vẽ xong bức tranh sen đêm nay. Ngày mai cho người khách mang về Pháp.
Học trò vâng lời. Cô biết ngày mai cô lại trở về miền sơn cước bên lũ trò nhỏ tội nghiệp. Cô sẽ tiếp tục vẽ hoa chuối rừng đỏ thắm trong chiều đông biên viễn. Chắc cô sẽ đi lâu biết bao giờ mới được gặp thầy? Hương trà nồng nàn đưa cô vào giấc mộng.
Xuân cũ qua đi, xuân mới lại đến. Cây bạch đào phô sắc trắng như tuyết lại chúm chím bung lụa góc vườn. Ông họa sĩ già vẫn nhận được trà ngon học trò gửi về biếu thầy uống Tết. Chiều nay đắm chìm trong hoài niệm về học trò và hương trà, chợt ngoài đầu ngõ tiếng con cún con loắc quắc sủa. Ông ngước nhìn bỗng gặp nụ cười tươi rói của học trò cùng cậu trai trẻ bước vào. Cô gái nhanh nhảu: con về ăn Tết với Thầy đây Thầy ơi. Con mang cả người yêu con về cùng ạ. Anh ấy cũng là họa sĩ. Chàng họa sĩ trẻ vội vã chào Thầy. Nhìn chúng đẹp như tiên đồng ngọc nữ. Ánh mắt lấp lánh như mùa xuân. Lòng ông chợt ấm lạ ấm lùng. Cái cảm giác của hương vị trà xuân nồng nàn đêm giao thừa dâng lên trong lòng ông. Họa sĩ già cảm động mỉm cười. Các con vào nhà đi, con gái trà con gái rượu của ta. Họa sĩ trẻ nhìn người yêu chan chứa yêu thương. Tết về trong lòng người. Tết nở hoa trong tình yêu. Họa sĩ già mừng cho học trò đã cập bến xuân.