Môi trường thiên nhiên trong lành hàng chục ngàn năm, theo thời gian, lần hồi bị ô nhiễm trầm trọng, tất cả được bắt đầu từ cuộc cách mạng công nghệ từ những thập niên của cuối thế kỷ 19 (Industrial Revolution). Để phát triển nền kinh tế công nghiệp, con người đã và đang hủy hoại môi trường thiên nhiên qua việc khai thác các nguồn năng lượng hóa thạch (than đá, dầu mỏ, và khí tự nhiên) nhằm phục vụ các ngành công nghệ “đầy khói bụi”. Từ các nhà máy sản xuất cho đến xe cộ lưu thông trên các con đường, bụi mịt mù và mùi hôi thối từ nước thải không qua xử lý tạo nên sự nóng lên toàn cầu (Global warming), những điều kiện và cơ hội để thiên tai và dịch bệnh bùng phát càng ngày càng mạnh mẽ và nguy hiểm hơn trước.
Năm mươi năm trước đây, đêm khuya tại các thành phố trong nước, nhìn lên bầu trời trong vắt, hàng triệu vì sao tinh tú lấp lánh, nay chỉ còn lác đác vài chấm sáng trắng, tất cả bị che lấp bởi khói bụi được xả ra từ các ống khói nhà máy và xe cộ lưu thông dày đặc trong quá trình công nghiệp hóa các nền kinh tế thế giới và sản xuất trong nước.
Trước những nguy cơ thiên tai và dịch bệnh mà chúng ta từng chứng kiến trong những thời gian gần đây, việc phát triển Kinh tế Xanh Bền Vững phải được đưa lên hàng đầu, một tầm cao được kiểm soát, đó mới là Quốc sách thời hậu Covid.
Kinh tế Xanh Bền Vững liên quan đến việc phát triển kinh tế không gây hại cho môi trường, đảm bảo sự phát triển lâu dài cho các thế hệ sau, bao gồm các vấn đề liên quan đến kinh tế, xã hội và môi trường:
- Sử dụng tài nguyên thiên nhiên hiệu quả hơn, không lãng phí (áp dụng kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy năng lượng tái tạo, giảm khí thải carbon, quản lý chất thải, bảo vệ các hệ sinh thái)
- Phát triển công nghệ giảm phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường (năng lượng sạch, thí dụ điện gió, điện mặt trời, điện từ sóng biển)
- Bảo vệ đa dạng sinh học, cân bằng sinh thái giữa các hệ sinh thái và các loài sinh vật
- Đảm bảo mọi người đều được tiếp cận các lợi ích của phát triển nền kinh tế Xanh và công bằng của xã hội bền vững.
Trong bối cảnh phát triển nền Kinh tế Xanh Bền Vững, sự đóng góp của các Luật gia rất cần thiết. Các Luật gia phải là những người tiên phong hỗ trợ và tạo điều kiện để thúc đẩy sự phát triển xã hội “Xanh-Sạch-Bền vững”. Sau đây là vài ý kiến:
- Hợp tác với các nhà lập pháp phát triển các Đạo luật bảo vệ môi trường, đưa ra các biện pháp “thưởng phạt” khi vi phạm các điều lệ ban hành (Legislation and Policy Development)
- Cố vấn cho các doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn cần thiết để đảm bảo môi trường xanh sạch (Legal Advice and Compliance)
- Hướng dẫn các Luật sư trong việc tố tụng liên quan đến các vi phạm của các doanh nghiệp khi không tuân thủ Luật bảo vệ môi trường (Litigation and Enforcement)
- Cố vấn và phát triển ESG (Environmental, Social, Governance – Môi trường, Xã hội, Quản trị) tại các doanh nghiệp, hướng đến sự phát triển bền vững (Corporate Governance)
- Thông tin rộng rãi đến quần chúng về các điều luật bảo vệ môi trường (Public Information).
Trong tinh thần tinh gọn bộ máy của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15, trên cơ sở hợp nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường, kiến nghị, Chính phủ nên thúc đẩy việc nghiên cứu và phát triển nền kinh tế Xanh quốc gia, - cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ, tạo nên một cương lĩnh thống nhất và hài hòa, chấp nhận và chia sẻ rủi ro, vững bước qua việc phát huy các nghị quyết hợp lý nhất trong việc cách mạng hóa nền kinh tế Xanh của Đất Nước. Thông tin chia sẻ về bảo vệ môi trường, nghiêm khắc soạn thảo và áp dụng Luật Môi Trường đối với các doanh nghiệp và các cá nhân vi phạm, khen thưởng các doanh nghiệp áp dụng và tuân thủ Luật, nền kinh tế Bền vững sẽ hình thành, đem lại hạnh phúc no ấm, tránh bớt bệnh tật và thiên tai, an toàn phát triển.
Những đề tài nghiên cứu phát triển và áp dụng Luật Môi trường, thí dụ như ESG tại các khu công nghiệp, giảm khói bụị mịn PM 2.5 gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến sức khỏe tại các đô thị, cần được hỗ trợ và hợp tác của các Luật gia, cùng chia sẻ đóng góp xây dựng xã hội an toàn qua việc hình thành các đạo luật mới về bảo vệ môi trường, toàn diện và hài hòa hơn, thay thế cho luật BVMT 2020.
Các cuộc cách mạng công nghệ luôn tạo nên những tiện nghi cho người tiêu dùng, tuy nhiên sự đánh đổi là việc hủy hoại môi trường thanh khiết được hình thành từ hàng triệu năm, qua việc khai thác các khoáng sản và nhiên liệu hóa thạch. Ngay cả AI (Articial Intelligence) cũng ngốn rất nhiều năng lượng dầu mỏ. Phát triển và áp dụng năng lượng sạch và tái tạo từ thiên nhiên ban cho, có sẵn trên mặt đất, trên biển sông và các tầng trời, sẽ giảm thiểu ô nhiễm và áp lực kinh tế từ các nền kinh tế khai thác đào bới, phá hủy thiên nhiên xưa nay.
Phát triển nền Kinh tế Xanh, Green Economy, là phát triển và áp dụng năng lượng sạch, bảo vệ môi trường, tuân thủ luật pháp, chia sẻ và giúp cho các thế hệ đang lên, để có một ngày, đêm nhìn lên bầu trời, thảnh thơi vui nhìn các ngôi sao và tinh tú lấp lánh, có thêm cơ hội phát triển tư duy sáng tạo, và hỗ trợ các thế hệ sau này, một cách bền vững.
LG. TS. Ngô Anh Cường, Viện IBLA