Phát huy thế mạnh trong xây dựng chính sách, pháp luật
Ngay sau khi Quốc hội thông qua dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp 2013 và lấy ý kiến nhân dân. Hội Luật gia Việt Nam đã ban hành Kế hoạch 165 ngày 6/5/2025 về việc việc tổ chức lấy ý kiến các cấp Hội Luật gia về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Ngay sau khi nhận được Kế hoạch, Hội Luật gia các tỉnh, các Chi hội Luật gia trực thuộc trên cả nước đã khẩn trương xây dựng kế hoạch lấy ý kiến với tinh thần trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả từ giới Luật gia cả nước.
Hội Luật gia Việt Nam với đội ngũ hơn 100.000 hội viên là tập hợp những người am hiểu kiến thức pháp luật, đã hoặc đang làm công tác pháp luật trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đó là thế mạnh lớn của Hội Luật gia khi tham gia công tác xây dựng chính sách pháp luật nói chung và sửa đổi Hiến pháp lần này nói riêng" - Luật gia Trần Ngọc Bình - Chi hội trưởng Chi hội Luật gia Trung tâm tư vấn pháp luật Thăng Long (Hội Luật gia Việt Nam).
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Mai – Chủ tịch Hội Luật gia Tp.Hải Phòng, thực hiện chủ trương của Đảng về tinh gọn bộ máy nhà nước theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đã sửa đổi một số nội dung làm căn cứ việc xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Đồng thời khẳng định vị trí vai trò chính trị trung tâm của MTTQ Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Mai – Chủ tịch Hội Luật gia Tp.Hải Phòng
Bà Mai cho biết, đây là những điểm mới hết sức quan trọng, thể hiện sự quyết tâm chính trị rất cao của cả hệ thống chính trị nhằm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước nhằm đặt nền móng cho một hệ thống quản lý hiện đại, hiệu quả và gần dân hơn.
Sau khi dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 được thông qua, sẽ là cơ sở, nền móng để Quốc Hội ban hành tiếp các văn bản quy phạm pháp luật quy định theo hướng giảm cấp trung gian. Từ đó tăng hiệu quả quản lý và điều hành.
Chính quyền địa phương sẽ có quyền tự chủ cao hơn, giúp giải quyết nhanh chóng các vấn đề phát sinh tại địa phương. Việc tinh gọn bộ máy sẽ đi kèm với ứng dụng công nghệ thông tin, giúp cải thiện dịch vụ công và tăng tính minh bạch.
Các thủ tục hành chính có thể được đơn giản hóa, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các chính sách hỗ trợ và phát triển với ít tầng quan liêu hơn, người dân có thể trải nghiệm thời gian xử lý tài liệu, giấy phép và dịch vụ công nhanh hơn.

Kết quả góp ý Dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp 2013 sẽ gửi về Hội Luật gia Việt Nam trước ngày 25/5/2025. (Hình ảnh Hội Luật gia tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến)
Mặt khác, việc thay đổi cấu trúc quyền lực ở địa phương đòi hỏi cơ chế giám sát chặt chẽ để đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình rõ ràng hơn, giúp tương tác với các cơ quan Chính phủ minh bạch và dễ tiếp cận. Với việc quản trị gần hơn với cấp cơ sở, người dân có thể có nhiều cơ hội hơn để tham gia vào quá trình ra quyết định và thảo luận chính sách.
Ngay sau khi nhận được Kế hoạch 165 của Hội Luật gia Việt Nam, Hội Luật gia Tp.Hải Phòng đã ban hành Văn bản số 45 về việc tổ chức lấy ý kiến các cấp Hội Luật gia về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; chỉ đạo các cấp Hội, Chi hội Luật gia trực thuộc tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của toàn thể hội viên về dự thảo Nghị quyết sửa đổi.
Luật gia Tp.Hải Phòng cũng đã xây dựng Kế hoạch tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng lấy ý kiến tham gia của các chuyên gia, luật gia, luật sư có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu pháp luật tham gia vào dự thảo Nghị quyết.
Kết quả tham gia ý kiến từ các cấp Hội cơ sở và Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng sẽ được Hội Luật gia Tp.Hải Phòng tổng hợp báo cáo Thành ủy, HĐND, UBND Tp.Hải Phòng và Trung ương Hội Luật gia Việt Nam trước ngày 25/5/2025.
Cơ hội và thách thức
Chủ tịch Hội Luật gia Tp.Hải Phòng nhận định, dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định vị trí vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Đây là một dấu mốc quan trọng, thể hiện sự quyết tâm chính trị rất cao nhằm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị, khẳng định rõ vai trò cốt lõi, vị trí quan trọng của MTTQ trong hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Tham gia xây dựng chính sách pháp luật là một trong những thế mạnh, công tác thường xuyên của Hội Luật gia Việt Nam. (Hình ảnh Hội Luật gia Việt Nam chủ trì Hội thảo sửa đổi Luật Đất đai)
Đây cũng là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, là bước tiến quan trọng góp phần cụ thể hóa vai trò tập hợp, đoàn kết và đại diện cho các tầng lớp nhân dân, tạo điều kiện để tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, đồng thời tạo hành lang pháp lý rõ ràng để MTTQ thực hiện tốt hơn chức năng giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân.
"Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để Hội khẳng định vị thế trong bối cảnh mới", bà Mai nói và cho biết thêm với vai trò là thành viên của MTTQ Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để tham gia sâu vào các hoạt động xây dựng pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương.
Tuy nhiên, bà Mai cho rằng đi liền với đó sẽ là trách nhiệm lớn hơn. Do đó, Hội Luật gia Việt Nam phải chủ động, nâng cao chất lượng đội ngũ luật gia, phát huy bản lĩnh nghề nghiệp, giữ vững tính độc lập, khách quan, khoa học trong hoạt động tư vấn, phản biện, giám sát.
Luật gia Lê Xuân Thân – Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Khánh Hòa cho biết, Hội Luật gia tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị lấy ý kiến các thành viên Ban Chấp hành về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Nhiều đại biểu kỳ vọng việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này nhằm tạo nền tảng triển khai đồng bộ, thống nhất chủ trương của Đảng về tinh gọn bộ máy từ trung ương đến cơ sở, bảo đảm hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Các hội viên cũng đã tập trung góp ý về sự cụ thể hóa, quy định cụ thể cơ quan dưới tỉnh; cần giữ nguyên quyền giám sát, chất vấn của đại biểu đối với cơ quan các cấp có thẩm quyền; xem xét việc chỉ định lãnh đạo cơ quan, các phòng ban thuộc HĐND một cách phù hợp. Bên cạnh đó, các hội viên còn kiến nghị việc sửa đổi Hiếp pháp lần này cần phải đảm bảo sự hoạt động độc lập của các hội, các tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp.
Trong đó, nhiều ý kiến quan tâm đến nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 9 quy định về MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội; đồng thời, mong muốn việc sửa đổi lần này cần phải nâng cao được vai trò của MTTQ Việt Nam trong giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và chính quyền.
Theo Nguoiduatin.vn