
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu tại buổi Tọa đàm
Phát biểu tại tọa đàm, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Khánh Ngọc cho biết đối với Hội Luật gia Việt Nam, công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật là một trong những sứ mệnh rất quan trọng và đã chứng minh được vai trò, uy tín của mình trong thời gian vừa qua.
Chủ tịch Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh trong bối cảnh Đảng, Nhà nước đang thực hiện quyết liệt công tác hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật thì việc phát huy vai trò, tiếng nói của Hội Luật gia Việt Nam là rất cần thiết.
Bên cạnh đó, theo định hướng tinh gọn tổ chức bộ máy của Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng sẽ được sắp xếp lại theo hướng trực thuộc MTTQ Việt Nam. Do đó, việc tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo luật càng trở thành nhiệm vụ chính trị quan trọng của Hội Luật gia Việt Nam.
Đồng thời , Chủ tịch Nguyễn Khánh Ngọc cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Hiến pháp năm 2013 có 6 điều quy định liên quan đến quyền, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức thành viên của Mặt trận, gồm Điều 9, Điều 10, Điều 84, Điều 96, Điều 101 và khoản 2 Điều 116.
Hiện nay, Hiến pháp năm 2013 đang được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan trực tiếp tới tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam và chính quyền địa phương (đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp gồm cấp tỉnh và cấp xã).
Các quy định này có tác động, ảnh hưởng trực tiếp tới một số quy định về tổ chức bộ máy trong Luật MTTQ Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Do đó, để bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, một số điều của các Luật này cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cùng với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; làm cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các Hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ.

Đồng chí Nguyễn Văn Huệ - Trưởng Ban NCXDPBPL phát biểu tại buổi Tọa đàm
Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến đại biểu tập trung góp ý và đề nghị làm rõ hơn một số nội hàm, khái niệm, qui định tại “Điều 5. Thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam "
Luật gia Trần Văn Lâm - Chi hội Luật gia Ban Nội chính cho rằng cần làm rõ về nội hàm cụm từ “trực thuộc”. Vì như vậy có phải các tổ chức thành viên trở thành những đơn vị trực thuộc MTTQ về mặt hành chính không? “ Trực thuộc” có bảo đảm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của MTTQ và các tổ chức thành viên là tự nguyện và hiệp thương không? Trong khi các tổ chức này vẫn có tư cách pháp nhân và điều lệ riêng.
Có ý kiến cho rằng, phải chăng chỉ hợp nhất các cơ quan tham mưu, giúp việc của các tổ chức này vào cơ quan MTTQ, không phải là hợp nhất các tổ chức này vào MTTQ. Đây là vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu, làm rõ.

PGS. TS Đinh Dũng Sỹ phát biểu tại buổi tọa đàm
PGS. TS Đinh Dũng Sỹ cũng băn khoăn về khoản 3 Điều 4 ghi: các thành viên của Mặt trận vẫn giữ tính độc lập của tổ chức mình (Tờ trình nói là có vị trí độc lập tương đối). Vậy tính độc lập tương đối của các tổ chức thành viên thể hiện cụ thể như thế nào, mối quan hệ giữa MTTQ và các tổ chức thành viên? Vấn đề này cũng cần làm rõ.
Luật sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 6 về tổ chức của MTTQ như sau: “ Ở địa phương có Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh); có Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường và đặc khu (sau đây gọi chung là cấp xã). Ở mỗi cấp có Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn các cơ quan của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định.”
Các đại biểu thảo luận tại Tọa đàm cho rằng quy định trên có liên quan đến tổ chức các cấp hội của Hội LGVN ở địa phương, nên cần nghiên cứu làm rõ. Theo dự thảo Điều lệ hiện nay đã rõ về hội cấp tỉnh và cấp huyện, chưa rõ về hội cấp xã. Nay bỏ cấp huyện và tăng cường cho cấp xã thì vấn đề Hội Luật gia cấp xã cần được cân nhắc, khẳng định rõ trong Điều lệ Hội.
Tại tọa đàm, các đại biểu còn tập trung thảo luận, đưa ra nhiều ý kiến đóng góp vào một số vấn đề mang tính thực tiễn cao nhằm bảo đảm khi sửa luật có tính khả thi, đồng bộ và sát thực tiễn thi hành.
Thành Chung