Đồng lòng xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại

"Tôi rất xúc động và phấn khởi bởi lẽ 70 năm mới có ngày trọng đại như thế này. Sau 70 năm, đất nước có nhiều đổi thay, đời sống nhân dân no ấm, sung túc hơn. Thủ đô phát triển hơn rất nhiều. Ngày đó, chỉ đạp xe 2 tiếng là hết Hà Nội, nhưng bây giờ Hà Nội đã được mở rộng và tươi đẹp hơn nhiều", cựu chiến binh Nguyễn Minh Thắng chia sẻ.
(Chinhphu.vn) - Trong thời khắc lịch sử linh thiêng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô nguyện một lòng nỗ lực hơn nữa, là tấm gương mẫu mực, tiêu biểu cho cả nước, cùng nhau xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, “Thành phố Vì hòa bình” trong lòng bạn bè quốc tế.
 
Phấn khởi trước sự đổi thay mạnh mẽ của Thủ đô
 
Chia sẻ tại Lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Thụ, cựu chiến binh quận Hai Bà Trưng, nguyên cán bộ Trung đoàn 102-Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308-Đại đoàn Quân Tiên phong nhớ lại: Ngày 10/10/1954-ngày mà chúng tôi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, lòng tôi trào dâng bao kỷ niệm. Khi đó tôi vừa tròn 22 tuổi, mang trong mình đầy khát vọng và nhiệt huyết của tuổi trẻ, là Trung đội trưởng bộ binh thuộc Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn quân tiên phong 308.
 
Hiện dù đã bước sang tuổi 92, nhưng ký ức về thời khắc lịch sử hào hùng năm xưa vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí ông, nhất là về sự dũng cảm, kiên cường của các chiến sĩ đã chiến đấu oanh liệt, không tiếc máu xương trong suốt 60 ngày đêm bảo vệ Hà Nội, bảo vệ an toàn cho cuộc rút lui đầy mưu trí của quân ta qua sông Hồng để lên Chiến khu Việt Bắc, thực hiện trường kỳ kháng chiến…
 
"Những người lính chúng tôi được giao nhiệm vụ về tiếp quản Thủ đô thân yêu. Ai cũng phấn khởi và bồi hồi, xúc động. Trên đường trở về, Đại đoàn 308 tổ chức lễ mừng công tại khu vực Trại Cờ, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Nhân dân từ các vùng tự do, vùng địch tạm chiếm của Bắc Ninh, Hà Nội, Phúc Yên nô nức đổ ra chào đón đoàn quân chiến thắng…", cựu chiến binh Nguyễn Thụ nói.
 
Sau 70 năm nhìn lại, chúng tôi, những người lính năm xưa vô cùng tự hào và phấn khởi trước sự đổi thay mạnh mẽ của Thủ đô và đất nước. Chúng tôi luôn tâm niệm mình là chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô, chiến sĩ Điện Biên năm xưa, là cựu chiến binh sẽ luôn phát huy truyền thống cách mạng, giữ vững phẩm chất tốt đẹp của "Bộ đội Cụ Hồ", gương mẫu trong lối sống, chấp hành và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
 
Cựu chiến binh Nguyễn Thụ muốn nhắn nhủ với các cháu thanh niên là: Để có cuộc sống tươi đẹp như ngày hôm nay, các thế hệ đi trước đã trải qua biết bao nhiêu khó khăn và hy sinh cả xương máu để giành được độc lập, tự do. Các cháu hãy mãi ghi nhớ lời căn dặn của Bác Hồ muôn vàn kính yêu: "Non sông việt nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc việt nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu", để từ đó các cháu biết trân trọng, nâng niu và ra sức học tập, lao động, cống hiến, quyết tâm giữ vững độc lập, chủ quyền của Tổ quốc, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
 
Đến dự Lễ kỷ niệm 70 ngày Giải phóng Thủ đô từ sớm, cựu chiến binh Nguyễn Minh Thắng (sinh năm 1936, Sư đoàn 308) cho biết, ông theo cách mạng khi mới 15 tuổi, đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và cùng đoàn quân về tiếp quản Thủ đô từ Ô Cầu Dền.
 
"Tôi rất xúc động và phấn khởi bởi lẽ 70 năm mới có ngày trọng đại như thế này. Sau 70 năm, đất nước có nhiều đổi thay, đời sống nhân dân no ấm, sung túc hơn. Thủ đô phát triển hơn rất nhiều. Ngày đó, chỉ đạp xe 2 tiếng là hết Hà Nội, nhưng bây giờ Hà Nội đã được mở rộng và tươi đẹp hơn nhiều", cựu chiến binh Nguyễn Minh Thắng chia sẻ.
 
Cụ Trần Phiên (sinh năm 1924) xúc động khi nhớ về ngày vui quân đội nhân dân Việt Nam tiến vào tiếp quản Thủ đô 10/10/1954. Ảnh: VGP/Thùy Linh
 
Cụ Trần Phiên (sinh năm 1924, huyện Đan Phượng) xúc động khi nhớ về những tháng ngày kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đặc biệt là ngày vui quân đội nhân dân Việt Nam tiến vào tiếp quản Thủ đô 10/10/1954.
 
Ông phiên tham gia cách mạng từ năm 1941, vào quân ngũ từ năm 1949. Dù đã ngoài 100 tuổi, vẫn nhớ những ký ức về một thời đạn bom. Ông Phiên không bao giờ quên không khí của Thủ đô trong ngày 10/10 cách đây 70 năm.
 
5h sáng 10/10/1954, cả Hà Nội tưng bừng nhộn nhịp cờ hoa đón mừng ngày hội lớn. Rất nhiều khẩu hiệu vải đỏ chữ vàng tràn ngập trên các phố: "Hồ Chủ tịch muôn năm", "Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm", "Hoan hô đoàn quân chiến thắng trở về"... Ông luôn nhớ về tình cảm của người dân Thủ đô khi ấy luôn giúp đỡ các chiến sỹ hoàn thành nhiệm vụ.
 
Ông Phiên vui mừng khi giờ đây, những vùng nông thôn xưa kia đã thực sự chuyển mình thành đô thị. Là cán bộ cũ, tham gia cách mạng thời còn khó khăn, ông tự hào, hạnh phúc trước sự phát triển của Thủ đô hiện nay...
 
"Mỗi năm đến ngày kỷ niệm, tôi vẫn nhớ lại những ngày gian khổ "nằm gai nếm mật", quân dân một lòng có chung lý tưởng đấu tranh bảo vệ đất nước. Chúng tôi là lớp người đi trước, chỉ mong thế hệ sau này có tấm lòng yêu nướcc, trân trọng những hi sinh của bao người, từ đó để giữ đất nước ta mãi mãi trường tồn và phát triển", ông Phiên bồi hồi nói.
 
Nguyện mang khát vọng tuổi trẻ hòa cùng khát vọng của Thủ đô
 
Em Nguyễn Chi Phương (Đại học Luật Hà Nội): Chúng cháu nguyện mang khát vọng thanh xuân của tuổi trẻ hòa cùng với khát vọng chung của Thủ đô và đất nước, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến-Văn minh-Hiện đại". Ảnh: VGP/Thùy Linh
 
Vinh dự, tự hào đại diện cho thế hệ trẻ phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, em Nguyễn Chi Phương (sinh viên năm thứ 3-Đại học Luật Hà Nội) chia sẻ: "Những tháng ngày học tập ở nhà trường, qua các bài học lịch sử, những tư liệu trên sách báo, cháu biết rằng ngày 10/10/1954 đã trở thành một mốc son chói lọi trong lịch sử ngàn năm văn hiến và anh hùng của Thủ đô Hà Nội và của dân tộc Việt Nam. Sự kiện trọng đại ấy đã góp phần khắc họa thêm một Hà Nội gan góc, vững vàng, khẳng định bản lĩnh trí tuệ Việt Nam, khẳng định với thế giới một dân tộc anh hùng, bất khuất với những chiến công oanh liệt trong chống giặc ngoại xâm."
 
Ký ức Ngày Giải phóng Thủ đô vẫn khắc sâu trong lòng nhiều thế hệ người dân Hà Nội về một thời chiến đấu oanh liệt với tinh thần "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh"; về hình ảnh đoàn quân chiến thắng trở về trong rừng cờ hoa, trong sự đón mừng hân hoan của đồng bào Thủ đô; về hình ảnh Lễ Chào cờ lịch sử, lá cờ chiến thắng của Tổ quốc tung bay trên đỉnh Cột cờ Hà Nội…
 
Đặc biệt, trong những ngày gần đây, Thủ đô Hà Nội như đang sống lại những giờ phút lịch sử đó. Tất cả đã cho cháu niềm xúc động, tự hào và vô cùng trân trọng, biết ơn những sự đóng góp, hy sinh của thế hệ cha ông cho thế hệ chúng cháu được hưởng thành quả tươi đẹp như ngày hôm nay…
 
Phát huy truyền thống Thủ đô anh hùng, thế hệ trẻ chúng cháu nguyện tuyệt đối trung thành với Đảng, kiên định con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn; không quản ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần; trở thành những công dân "vừa hồng, vừa chuyên"; tích cực tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, tham gia giữ gìn an ninh trật tự, vì cuộc sống bình yên của Nhân dân.
 
Chúng cháu nguyện mang khát vọng thanh xuân của tuổi trẻ hòa cùng với khát vọng chung của Thủ đô và đất nước, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến-Văn minh-Hiện đại", "xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc".
 
Bạn Hoàng Tâm (sinh viên Đại học Tài nguyên và Môi trường) vinh dự, tự hào khi được hóa thân thành những chiến sĩ trở về tiếp quản Thủ đô 10/10/1954 thông qua tiết mục đoàn quân tiến về Hà Nội. Ảnh: VGP/Thùy Linh
 
Trực tiếp tham gia Lễ Kỷ niệm 70 ngày Giải phóng Thủ đô, bạn Hoàng Tâm (sinh viên Đại học Tài nguyên và Môi trường) bày tỏ sự tự hào. Bạn Tâm cho biết: "Hôm nay, em được hóa thân thành những chiến sĩ trở về tiếp quản Thủ đô 10/10/1954 thông qua tiết mục đoàn quân tiến về Hà Nội. Để thực hiện được tiết mục này, em đã tập luyện hơn nửa tháng, đồng thời tìm hiểu về sự kiện để thực hiện một cách tốt nhất".
 
Được mặc áo xanh của bộ đội, hóa thân vào một nhân vật ngày lịch sử, bạn Hoàng Tâm cảm thấy rất tự hào, vinh dự. "Đứng dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc em như hiểu thêm về những hi sinh, xương máu của cha ông nằm xuống để có đất nước ta ngày hôm nay. Em thấy tình yêu nước của mình ngày càng lớn hơn và tâm niệm sẽ cố gắng học tập, trở thành công dân tốt, góp phần xây dựng đất nước và Thủ đô ngày càng phồn vinh", bạn Hoàng Tâm chia sẻ.
 
Thùy Linh  (chinhphu.vn)