Nghiên cứu hoàn thiện cơ chế thu hồi tàisản bất hợp pháp không qua thủ tục kết tội
Trung Quốc: Vận dụng hiệu quả thủ tục tịch thu đặc biệt và hợp tác tương trợ tư pháp quốc tế
Quốc gia đông dân nhất hành tinh này áp dụng 03 hình thức thu hồi tài sản tham nhũng, gồm: tự nguyện hoàn trả, thủ tục tịch thu đặc biệt và hợp tác tương trợ tư pháp quốc tế.
Công việc khó khăn này được giao Ủy ban Giám sát Quốc gia (NSC) – được mệnh danh là cơ quan “siêu quyền lực” của Trung Quốc trong công tác chống tham nhũng, được Quốc hội Trung Quốc, khóa XIII bỏ phiếu thông qua hồi năm 2018. Cơ quan này chỉ chịu sự giám sát duy nhất từ Quốc hội, có vị thế gần bằng Nội các, cao hơn Tòa án Tối cao và Văn phòng Công tố Tối cao.
Để cho ra đời một “siêu ủy ban”, Trung Quốc không chỉ sửa đổi Hiến pháp mà còn sửa đổi Luật Hình sự và Luật Giám sát để phù hợp với chức năng đặc biệt của “siêu ủy ban”. Theo đó liên quan đến hình thức tự nguyện hoàn trả tài sản tham nhũng, điều 383 Bộ Luật Hình sự sửa đổi Trung Quốc quy định: “Trước khi bị khởi tố, bất kỳ ai phạm tội tham nhũng nếu thành khẩn khai nhận và chủ động trả lại tài sản bất minh sẽ được giảm nhẹ hoặc miễn hình phạt tùy theo mức độ nghiêm trọng của vụ án”; Điều 31 Luật Giám sát sửa đổi cũng nêu rõ: “Trong trường hợp người bị điều tra vì nghi ngờ liên quan tới án tham nhũng tự thừa nhận tội lỗi và chấp nhận hình phạt, cơ quan giám sát có thể cân nhắc các hình thức khoan hồng”.
Đáng chú ý là Trung Quốc còn sửa đổi Luật Tố tụng hình sự, bổ sung thêm các thủ tục tịch thu tài sản đặc biệt trong trường hợp nghi phạm hoặc bị cáo bỏ trốn hay qua đời. Trong trường hợp đó, Viện Kiểm soát có quyền đưa đơn ra tòa án để xử lý tài sản của người đó. Tháng 10/2018, Luật Hỗ trợ tư pháp hình sự quốc tế của Trung Quốc được ban hành, quy định việc xử lý các yêu cầu về tương trợ tư pháp (MLA), cũng như tịch thu và trả lại tài sản bất hợp pháp. Luật đã thúc đẩy hợp tác giữa Trung Quốc và các quốc gia khác để thu hồi tài sản bị đánh cắp.
Nhờ vận dụng đồng thời cả 3 hình thức trên mà Ủy ban Giám sát Quốc gia (NSC) thu hồi được tài sản khủng của rất nhiều quan tham chạy trốn ra nước ngoài thuộc danh sách “100 đối tượng bị truy nã gắt gao nhất” Trung Quốc. Trong đó đáng chú ý là trường hợp của Xiao Jianming, cựu Chủ tịch tập đoàn khai mỏ Yunna Tin thuộc sở hữu nhà nước, trốn sang Mỹ vào cuối năm 2012 đã phải về nước và tự nguyện hoàn trả số tài sản bất hợp pháp trị giá khoảng 250 triệu nhân dân tệ (37 triệu USD). Trước đó, Công ty Yuntinic Resources thuộc tập đoàn Yunna đã đệ đơn kiện ông Xiao lên tòa án bang California, Mỹ, cáo buộc ông này chuyển ngân quỹ của công ty cho con gái. Xiao lo sợ tương lai con gái ở Mỹ bị đe dọa…
Tham quan Trung Quốc Yan Yongming từng bỏ trốn tới New Zealand, mang theo số tiền bất chính kiếm được. Trung Quốc đã phối hợp cùng New Zealand đệ đơn kiện đối với Yan Yongming và thu hồi số tài sản của người này. Yan Yongming cuối cùng trở về Trung Quốc nộp số tiền 329 triệu nhân dân tệ (48 triệu USD). Hay Li Huabo, một cựu quan chức Trung Quốc, từng trốn sang Singapore và tìm cách chuyển số tiền tham nhũng tới quốc gia này. Một tòa án Trung Quốc đã ra phán quyết tịch thu tài sản bất hợp pháp của Huabo ở trong nước và Singapore với tổng giá trị lên tới 29 triệu nhân dân tệ (4,3 triệu USD). Các lệnh tịch thu do tòa án Trung Quốc ban hành đã được Singapore chấp thuận và thực thi...
Những kinh nghiệm và kiến nghị cho Việt Nam
Quang cảnh một Hội thảo tham vấn về cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội
Thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội là quy trình đặc biệt của cơ quan nhà nước, không xét xử bị cáo hay hành vi phạm tội mà tập trung vào xử lý tài sản được cho là có nguồn gốc hoặc có liên quan đến tội phạm, với mục đích thu hồi về cho ngân sách nhà nước hoặc trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp của tài sản. Đây là cách tiếp cận mới trong thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự, đặc biệt là các vụ án về kinh tế, tham nhũng, nảy sinh từ yêu cầu thực tiễn khi những biện pháp thu hồi tài sản theo cách thức truyền thống không giải quyết được các bất cập do gặp khó khăn.
Từ thực tiễn một số quốc gia áp dụng cơ chế tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội, cho thấy cơ chế này có ưu điểm là có thể tiến hành tịch thu tài sản của người phạm tội ngay cả khi họ không bị kết án, khắc phục được khó khăn lớn nhất của công tác tịch thu tài sản là phải chứng minh nguồn gốc hợp pháp do phạm tội mà có. Cơ chế này hoàn toàn có thể vận dụng vào Việt Nam để khắc phục nhược điểm của biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế thông qua hình thức kết án, đã và đang gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên việc vận dụng có sự chọn lựa phù hợp với điều kiện của nước ta.
1. Thành lập cơ quan điều tra tài chính đặc biệt
Trước hết cho dù lựa chọn hình thức nào (thu hồi tài sản thông qua thủ tục hành chính hay thủ tục dân sự) thì khó khăn lớn nhất vẫn là phải chứng minh nguồn gốc bất hợp pháp tài sản do phạm tội. Kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy hầu hết các thủ tục pháp lý thu hồi tài sản dựa trên các cuộc điều tra tài chính. Đó là quá trình truy tìm tài sản, các khoản thu nhập và chi tiêu của người phạm tội. Hay nói cách khác là tìm kiếm bằng chứng chứng minh mối quan hệ của tài sản với hành vi phạm tội hoặc chứng minh rằng tài sản có được từ hành vi phạm tội. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền cần phải xác định và truy vết tài sản cho đến khi xác định được có mối liên hệ.
Để giải quyết được khó khăn đó, theo chúng tôi Việt Nam cần nghiên cứu mô hình và cách làm của Trung Quốc ở cấp độ thấp hơn phù hợp với điều kiện thực tiễn và cải cách tư pháp hiện tại. Đó là thành lập Cơ quan điều tra tài chính đặc biệt. Thay vì trực thuộc Quốc hội, Cơ quan này trực thuộc duy nhất Ban Chỉ đạo Phòng chống, tham nhũng Trung ương. Ngoài chức năng điều tra đặc biệt (không giống như biện pháp điều tra hình sự thông thường, mà bao gồm các Cơ quan điều tra tài chính để thực hiện việc truy tìm tài sản tham nhũng cho mục đích tịch thu), cơ quan này còn kiêm nhiệm chức năng thu hồi tài sản tham nhũng.
Cũng như Trung Quốc, để Cơ quan điều tra tài chính đặc biệt hoạt động có hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng không qua thủ tục kết tội, các quy định của pháp luật có liên quan (Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật PCTN) cần phải sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng cưởng “răn đe tư pháp”. Đặc biệt là sửa đổi Luật Tương trợ tư pháp, cho phép mở rộng phạm vi tương trợ tư pháp đối với các quốc gia nằm ngoài Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và các bên cùng có lợi, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam.
2. Tham khảo, vận dụng mô hình của Thụy Sĩ
Từ kinh nghiệm của Thụy Sĩ cho thấy, việc thu hồi tài sản thông qua thủ tục hành chính thường liên quan đến một cơ chế tắt để tịch thu tài sản được sử dụng hoặc liên quan đến việc thực hiện hành vi phạm tội đã bị thu giữ trong quá trình điều tra. Quá trình này có hiệu quả khi tài sản bị tịch thu có thể được di chuyển và thực hiện dưới sự kiểm soát của nhà nước. Việc thu hồi được thực hiện bởi một Điều tra viên hoặc cơ quan có thẩm quyền (chẳng hạn như đơn vị cảnh sát hoặc cơ quan thực thi pháp luật được chỉ định). Quá trình tịch thu sẽ xảy ra sau khi thông báo về rủi ro đã được gửi đến chủ sở hữu hoặc người đang sở hữu tài sản và đã ban hành thông báo công khai về khả năng tịch thu này.
Vận dụng mô hình của Thụy Sĩ, theo chúng tôi cần có hướng dẫn cụ thể hoặc bổ sung quy định tại BLTTHS năm 2015 về trình tự, thủ tục điều tra tài chính, đặc biệt là đối với việc điều tra hành vi tham nhũng, từ giai đoạn xác minh tài sản bị nghi ngờ; truy tìm tài sản; sử dụng các biện pháp tạm thời như phong toả, thu giữ tài sản ngay giai đoạn điều tra (như cách làm của Vương quốc Anh) để tránh tẩu tán tài sản; thực hiện các biện pháp tịch thu tài sản; chứng minh hành vi tham nhũng.Bổ sung quy định tại Mục 6 Chương 2 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 nội dung: “Những người có tài sản tăng lên bất thường và bị tình nghi có hành vi tham nhũng hoặc liên quan đến tham nhũng phải chứng minh nguồn gốc tài sản”. Bổ sung thủ tục về việc tịch thu tài sản trong trường hợp người có tài sản tăng lên bất thường và bị tình nghi có hành vi tham nhũng hoặc liên quan đến tham nhũng không chứng minh được nguồn gốc tài sản.
Ngoài ra, còn phải sửa đổi bổ sung quy định về tố tụng cho phép Tòa án có thẩm quyền được quyền giả định nguồn gốc bất hợp pháp của những tài sản của người có quyền định đoạt tài sản đã tăng lên bất thường có liên quan đến việc thực thi chức vụ công của người có liên quan đến chính trị và mức độ tham nhũng ở quốc gia xuất xứ hoặc xung quanh người có liên quan đến chính trị được đề cập trong nhiệm kỳ của họ đã được thừa nhận là cao...
3. Nghiên cứu cơ chế cho thu hồi tài sản bất minh qua thủ tục dân sự
Thu hồi tài sản tham nhũng từ các đại án còn gặp nhiều khó khăn do chưa có cơ chế, qui định cho phép thu hồi tài sản bất hợp pháp không qua thủ tục kết tội
Nghiên cứu 02 hình thức phổ biến mà các quốc gia đang vận dụng: (1) Thu hồi tài sản thông qua thủ tục hành chính; (2) Thu hồi tài sản thông qua thủ tục khởi kiện dân sự, theo chúng tôi, hình thức thứ (2) cần ưu tiên lựa chọn. Bởi đó là xu thế chung đã được Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng năm 2003 (UNCAC) ghi nhận tại Điều 53 (a): “Yêu cầu các quốc gia thành viên căn cứ vào pháp luật quốc gia, thực hiện các biện pháp cần thiết cho phép một quốc gia thành viên khác khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án nước mình để xác lập quyền hay quyền sở hữu đối với tài sản có được thông qua hành vi phạm tội được thiết lập theo Công ước này”.
Ưu điểm của hình thức này là diễn ra trong trường hợp không có bị cáo và vụ việc sẽ được xét xử trên một tiêu chuẩn yêu cầu chứng minh thấp hơn. Nhờ vậy khả năng thu hồi tài sản tham nhũng cao hơn, ít tốn kém chi phí hơn và thu hồi ngay cả trong trường hợp không đủ bằng chứng để chứng minh hành vi tham nhũng. Điển hình là Thụy Sĩ đã làm rất thành công. Ngoài ra, thu hồi tài sản thông qua thủ tục dân sự còn có thể được áp dụng trong trường hợp người bị thiệt hại khởi kiện đối với người thừa kế các quyền và nghĩa vụ do người chết để lại để đòi tài sản bị tham nhũng trong giới hạn di sản của người đã chết để lại.
Vận dụng cơ chế khởi kiện dân sự còn xuất phát từ sự phù hợp với sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS). Mặc dù BLDS không quy định trực tiếp về thu hồi tài sản tham nhũng, song hoàn toàn có thể vận dụng thông qua các điều luật quy định tại Chương XI, XII, XIII về quyền của chủ sở hữu đối với tài sản; xác định quyền của chủ sở hữu trong việc đòi lại các tài sản bị chiếm đoạt bất hợp pháp; đòi bồi thường thiệt hại về tài sản do hành vi xâm phạm gây ra; nghĩa vụ hoàn trả tài sản do chiếm hữu, sử dụng, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật, giúp cho tài sản bị tham nhũng được hoàn trả về đúng chủ sở hữu.
Từ sự điều chỉnh trên hoàn toàn có thể vận dụng vào các trường hợp tài sản bị chiếm đoạt bất hợp pháp; bị thiệt hại do hành vi xâm phạm trái pháp luật gây ra (trong đó có hành vi tham nhũng); bị chiếm hữu, sử dụng, được lợi không có căn cứ pháp luật (trong đó có những tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng), thì chủ sở hữu có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các quy định của BLDS để đòi lại các tài sản bị chiếm đoạt bất hợp pháp; đòi bồi thường thiệt hại về tài sản do hành vi xâm phạm gây ra; yêu cầu hoàn trả tài sản do chiếm hữu, sử dụng, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.
Về quyền khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước, khoản 1 Điều 4 Bộ luật TTDS 2015 quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ luật này quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu gải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ lợi ích của Nhà nước…”. Có nghĩa, khi có các hành vi tham nhũng xâm phạm tới quyền, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mà mình phụ trách thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Toà án bảo vệ. Về thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về tài sản, tại khoản 2 Điều 26 Bộ luật TTDS 2015 quy định những loại tranh chấp dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án, trong đó có tranh chấp về quyền sở hữu tài sản. Có nghĩa, trong các trường hợp phát sinh các tranh chấp về quyền sở hữu tài sản nói chung, trong đó có các tài sản tham nhũng thì thẩm quyền giải quyết là của Tòa án.
Như vậy, căn cứ quy định của BLDS, Bộ luật TTDS, chúng ta có thể sử dụng biện pháp khởi kiện dân sự để thu hồi tài sản tham nhũng. Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử, chưa có cơ quan, tổ chức, cá nhân nào khởi kiện dân sự để thu hồi tài sản tham nhũng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực tế này, trong đó có nguyên nhân là do quy định của pháp luật làm cơ sở cho việc khởi kiện dân sự để thu hồi tài sản tham nhũng còn chưa rõ ràng, chưa đồng bộ, thiếu thống nhất… Để thu hồi được tài sản của các quan tham chạy trốn ra nước ngoài (Xiao Jianming, Yan Yongming…), pháp luật của Trung Quốc đã cho phép và khuyến khích các chủ thể là doanh nghiệp nhà nước, thậm chí cho phép cơ quan Viện Kiểm sát… khởi kiện với tư cách là chủ thể bị hại.
Do đó để vận dụng có hiệu quả cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng thông qua thủ tục khởi kiện dân sự, chúng tôi cho rằng, cần nghiên cứu, hoàn thiện các quy định của BLDS và Bộ luật TTDS theo hướng sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức được giao quản lý tài sản thuộc sở hữu nhà nước trong việc khởi kiện vụ án dân sự để đòi lại những tài sản thuộc quyền quản lý của cơ quan, tổ chức nhưng bị hành vi tham nhũng xâm phạm. Trong trường hợp cơ quan, tổ chức sở hữu tài sản nhà nước bị tham nhũng không thể khởi kiện vụ án, cho phép bên thứ ba khởi kiện vụ án dân sự đòi lại tài sản hoặc bồi thường thiệt hại tài sản này.
Để thu hồi tài sản tham nhũng không qua thủ tục kết tội có hiệu quả, Tiến sỹ Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ còn cho rằng: Ưu tiên đầu tiên là hoàn thiện thể chế công khai đăng ký tài sản, hạn chế việc lợi dụng khoảng trống pháp lý để tẩu tán, che giấu tài sản… Song song Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự cũng cần nghiên cứu sửa đổi nội dung để phù hợp với tình hình mới theo hướng phải quy định thu hồi tài sản tăng thêm không giải trình được nguồn gốc và hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp; thời điểm áp dụng các biện pháp phong tỏa tài khoản, kê biên tài sản, số lượng, giá trị các loại tài sản bị kê biên cần linh hoạt…
BÀI LIÊN QUAN
Luật gia MINH TRUNG
Theo Phaply.net
Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).