Hồi ức sông Ba – Truyện ngắn của Lê Pha Lê

Vanvn- Thức giấc trước bầu trời, đúng hơn là cả đêm không thể chợp mắt. Ghé qua khung cửa sổ, những đám mây bồng bềnh phớt hồng ban mai lờ lững. Chiếc máy bay như chú chim sắt khổng lồ lướt nhẹ kéo theo vệt khói trắng tuôn dài như dải lụa mềm mại giữa cao xanh.

Dưới, mặt biển gập ghềnh sóng bạc lấp lánh, bên nữa là cánh đồng trải mượt một màu xanh rất Việt Nam, ký ức chợt ùa về cay sống mũi! Hình như tiếng bánh máy bay chạm nhẹ vào đường băng, lại dâng lên cảm xúc đặc biệt chưa từng có.

Háo hức, bồi hồi!

Nhà văn Lê Pha Lê ở Phú Yên. Truyện ngắn “Hồi ức sông Ba” của chị được trao Giải ba Cuộc thi Sáng tác tác phẩm Văn học nghệ thuật kỷ niệm 35 năm Ngày tái lập tỉnh (1.7.1989 – 1.7.2024)

Xung quanh mọi người đã rục rịch chuẩn bị nhưng tôi vẫn ngồi như pho tượng. Máy bay vẫn tiếp tục lăn bánh chậm rãi, từng giây từng phút như dài đằng đẳng..

Cánh cửa mở ra, hít một hơi thật sâu, mùi hương của quê nhà dù đã nửa đời tha hương vẫn cảm giác rất quen thuộc, rất đỗi thiêng liêng!

Khoan khoái, tôi hoà vào dòng người hối hả sau khi hoàn tất các thủ tục tại sân bay.

Người tài xế tắc xi vui vẻ nhiệt tình khi biết tôi là Việt Kiều xa quê hương lâu ngày. Anh hướng dẫn tôi đến thuê căn hộ xinh xắn sạch sẽ:

– Khu vực này đã trở thành trung tâm mới của thành phố  mình, có nhiều hàng quán phục vụ ăn uống uy tín. Nẫu mới làm một cái hồ điều hoà bự chà bá mát mẻ gần bên! Tối tối chú chỉ cần lạng lạng đó vài vòng hít đủ hơi nước là dìa ngủ khỏi bật máy lạnh!

Mấy mươi năm nghe lại giọng Nẫu sao mà thương đến vậy! Ngày ra đi tôi chỉ là một cậu thiếu niên, ngày trở về – một gã tóc muối tiêu mà cứ ngỡ như mới hôm qua!

Nhận phòng xong, nhờ lễ tân gọi giùm bữa trưa lên phòng, nuốt qua loa vài miếng rồi đặt lưng lấy lại sức!

Thức dậy khi mặt trời đã chênh chếch ngang dãy núi xa xa,từ cửa sổ khách sạn phóng tầm mắt bao quát một góc thành phố, xinh đẹp bình yên. Bầu trời vỗng rực màu cam xòa xuống mặt hồ tĩnh lặng, xa xa dãy trường Sơn đang đổ sang tím sẫm. Không gian như một bức tranh nghệ thuật tuyệt vời được vẽ qua bàn tay của tạo hoá. Chỉ ít phút sau mọi vật ngả sang màu lam khói xám, mặt hồ trở nên lung linh huyền ảo soi những bóng đèn giăng giăng quán xá.

Hoàng hôn quê nhà ung dung thư thái đến bâng khuâng!

Không còn người thân ở đây, bạn cũ đã kết nối nhưng thật sự tôi muốn những ngày đầu tiên trọn vẹn cảm xúc!

Anh tài xế tắc xi đúng hẹn:

– Hầu hôm lạ chỗ ngủ được không chú?

Một câu hỏi rất“Nẫu” thay lời chào khách sáo bên trời Tây:

– Dạ em ngủ một lèo tới sáng luôn anh!

– À đúng rầu, tui chở đi ăn bánh xèo tôm mực, hay chú muốn ăn cơm gà bánh canh hẹ toàn đặc sản quê mình?

– Em thèm chả cá, bánh canh hẹ đi anh! Còn sớm, anh chở giùm em qua đường dọc biển!

– Ô kê con dê, chốt!

Vẫn đâu đó nét hiện nét chân mộc xứ Nẫu dù phố xá giờ đây đã đổi khác, đẹp hơn hiện đại hơn rất nhiều!

– Chú em chắc gì tới 50!

– Dạ em sinh 1973, tuổi mụ là 52!

– Chu cha*,Việt Kiều nên da dẻ trắng trẻo nhìn chú em trẻ trung phong độ quá!

– Do khí hậu thôi anh chứ dân mình ở bển cày dữ lắm. Vợ chồng ở chung một nhà mà có khi cả tháng không gặp mặt vì làm trái ca. Không bao giờ được ngồi quán cà phê tụ tập bạn bè như ở mình đâu anh! Có khi em làm một ngày mười hai tiếng.

– Đúng rầu, hai đứa em vợ tui ở bển cũng kể dãy đó! Tui chở chú em qua ăn bánh canh xong lên Nhạn Tháp ngắm quê mình cho đã!

Lanh quanh chưa thoả mà cũng đã gần 16h, hôm nay trời dịu mát:

– Anh cho em qua Nghĩa trang Liệt sĩ!

– Ủa chú em có người nhà ở đó ha?

– Dạ không, em viếng thăm các liệt sĩ thôi!

Anh tài xế thắp một bó nhang lớn, khói nghi ngút. Lần đầu bước vào chốn linh thiêng này nên tôi chưa biết bắt đầu từ đâu:

– Chú em lại thắp lư hương chính trước!

Theo chân anh tài xế, tôi lẳng lặng đến trước những ngôi mộ có danh vô danh với lòng thành kính thật sự. Bởi đây là di nguyện của người cha đã khuất của tôi…

… Câu chuyện bắt đầu từ một ngày tháng 3 năm 1975.

Theo đúng kế hoạch triệt thoái** quân từ Tây Nguyên xuống Tuy Hoà của các tướng lĩnh quân đội Sài Gòn thì rạng sáng ngày 15/3/1975 từ Pleiku, Kon Tum các đoàn quân đã bỏ lại những khối tài sản hậu cần đáng giá hàng chục triệu Đô la Mỹ qua Phú Túc Phú Bổn bằng đường 19, rồi qua tỉnh lộ 7B. Đây là một kế hoạch mạo hiểm của các tướng lĩnh khi tỉnh lộ 7B rất xấu bởi bị bỏ hoang lâu ngày, các cây cầu đều đã bị phá. Đoàn quân hàng trăm ngàn binh sĩ, hàng ngàn chiếc quân xa lớn nhỏ. Những quân xa dẫn đầu đã biến những đoạn lầy lội thành hố sâu hơn, khiến xe sau bị sa lầy thúc nhau tạo thành những bãi xe ngổn ngang không có lối thoát. Chỉ có những đơn vị đi lọt trong đoàn quân thì đỡ thương vong, còn những đơn bị đi cánh bên hay đi trước đều lọt vào ổ phục kích của quân Giải Phóng. Đoàn quân thất trận quăng mũ mão cân đai, quăng vũ khí chạy thục mạng trước sự truy kích của quân Giải Phóng.

Cuộc rủt lui khỏi địa bàn chiến lược quan trọng Tây Nguyên đã diễn ra một cách thảm hại trong tình thế hoảng loạn. Không ai có thể điều khiển được, vì nó đã gây ra sự nổi loạn trong hàng ngũ binh lính. Hầu hết ai cũng chuẩn bị tinh thần cho cái chết trong sự hoang mang cực độ. Binh sĩ có người thì tách đoàn quân ra để tìm về với thân nhân, người thì đập gãy súng hoặc dìm xuống vũng bùn trên đường, người thì khuỵ gối giữa đường tự chỉa súng vào đầu mình…

Sau non một ngày chạy thất thểu thì đoàn quân mất hết nhuệ khí cũng đến địa phận tỉnh Phú Yên.

Chiều xuống, khi những bọng nắng cuối cùng bấu víu mờ ảo qua những đám bụi, khói thuốc súng thì khắp nơi ngổn ngang tăng bạt võng dù…

Túc bỏ hết tư trang kể cả túi cứu thương để dồn lực mà lê lết lắc lẻo dìu Hải đi, có khi cõng chạy bám theo đoàn quân. Hải là đứa bạn chí cốt, cùng tốt nghiệp Tú tài. Túc thi ngành Y còn Hải mơ làm nhạc sĩ. Ra trường cả hai cùng cưới vợ cùng một ngày và cùng trốn quân dịch. Nhưng sự đời không như là mơ, cả hai lại bị bắt quân dịch năm 1973. Có điều may mắn là hai thằng tình cờ chung đơn vị. Vừa huấn luyện xong thì bị tống thẳng lên Tây Nguyên, đứa con đỏ hỏn chưa kịp nhìn mặt cha.

Tình anh em bạn bè trong chiến trận của hai đứa được binh lính trong đơn vị rất trân trọng! Túc vẫn không thể hiểu nổi tại sao mình lại có thể na theo một thằng to cao trong hoàn cảnh này hơn trăm cây số! Và cũng không hiểu nổi khi cả đoàn quân xộc xệch lại lết bộ từ Tây Nguyên xuống Phú Yên chỉ hết hơn nửa ngày đường?!

Bọn họ có lúc chạy như điên dại, khóc la chửi rủa, cầu Chúa đủ kiểu. Có lúc giành nhau đu bám lên những chiếc xe cũng đang vật vã bò trườn qua những hố sình lầy. Giữa mớ âm thanh hỗn độn, pháo đạn đan móc giằng xéo chực chầu lấy mạng còn có tiếng khóc, tiếng kêu gào của trẻ em, phụ nữ là thân nhân của binh lính.

Có lúc họ chẳng hô hét lôi kéo không phân biệt dân hay lính để tranh giành nhau chỗ nấp khi thoáng thấy bóng xe tăng quân Giải Phóng nghiền xích trên mặt đường lồi lõm nham nhở. Không ít kẻ nhận một viên đạn hay mảnh pháo găm vào người ngã ra chết tốt vẫn không hiểu đó là đạn của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà hay của quân Giải Phóng đang hỗn chiến không phân giới!

Tỉnh lộ 7B có nhiều đoạn chạy song song với sông Bờ và sông Ba, đó là những lúc đám lính có chút an toàn. Vì hai bên bờ sông nhiều bụi cây và đá cuội, điều quan trọng nhất là có nước. Dọc đường lỏng chỏng bình toong bật nắp, có vô số kẻ tắt thở không phải vì trúng đạn mà là kiệt sức vì khát và hoảng loạn.

Trời sập tối nhanh, bây giờ dòng sông là cứu tinh của đoàn binh thất trận. Quân Giải Phóng cũng đã tạm ngớt phản công truy kích.

Thằng Hải cũng vừa tỉnh,  khóc ấm ức như em bé nhớ mẹ. Cũng phải, nó vốn là đứa mềm mỏng chỉ ưa nghệ thuật. Thời thế bắt một đứa cầm kim tiêm và một đứa ôm đàn phải cầm thanh sắt nặng nề vô tri máu lạnh khạc lửa vào cả đồng bào mình!

Nhiều lính đang loay hoay tìm một hốc đá bụi cây nào cảm giác an toàn để ẩn nấp lấy lại sức. Đêm tối sùm sụp đi giữa rừng chỉ làm mồi cho thú dữ rắn rết và quân Giải Phóng.

Túc và Hải co quắp vào nhau trong bụi dủ dẻ nở hoa vàng ươm tụm hụm bên vỉa hè lổn nhổn đá cuội. Một lát lại soàn soạt tiếng pháo 135 ly thắc thỏm từ phía Đông phang lên làm đá đất bay ràn rạt tấp vào mặt vào đầu. Khi thì đạn bay chiu chíu đan chéo sáng rực như hoả châu, một mảnh đạn găm vào bả vai Hải từ chiều. Lúc đó Túc vẫn bình tĩnh xé cánh tay áo cầm máu và cho Hải uống hai viên biệt dược Dexedrine*** của Mỹ giúp giảm đau và an thần.Vết máu tươi giờ này đã đổ màu keo dán gỗ lát lát lại bong lên từng miếng như vỏ cây. Miếng vải garo cũng khô quằn cứng queo, nhợp nhụa dớp dính. Hắn đuối nhiều, đầu oặt ẹo không còn thẳng được, mắt toé đom đóm thỉnh thoảng lại ngất lâm sàng một lát rồi tỉnh. Từ vai xuống bàn tay như đi mượn, lúc ê ẩm lúc tê cứng…

Túc mò mẫm được một ít dủ dẻ căng mọng cho Hải. Có lẽ nhờ vị ngọt của dủ dẻ mà hắn tỉnh táo hơn. Cho hai viên thuốc nữa rồi dỗ hắn ngủ như dỗ một đứa trẻ…

Nằm co ro trên phiến đá, mới chớm tháng Hai âm lịch vạn vật còn ngủ mê trong cái giá heo may của tiết Xuân. Nước từ dòng sông theo hơi sương thoát lên bám vào da vào thịt tê tê cắt cắt. Sông Ba mùa này không dịu dàng như những buổi trưa hè cùng chúng bạn lội dọc xúc con dắt về để má làm mắm bán cho đám lính bên Đông Tác. Chiều nay khi nghe tin đã xuống tới đồng bằng, Túc bật khóc: “ Má ơi con đã về, vợ ơi anh đã về! Dù có chết trong tên bay đạn lạc thì thân xác vẫn được nằm trên quê hương!”.

Hải vẫn mê man nóng như rang, kinh nghiệm của một ý tá chiến trường Túc nhận ra đây là cơn sốt rét ác tính kèm vết thương bắt đầu nhiễm trùng.

Trời càng về sáng càng se sắt, bụi dủ dẻ này cách xa toán quân nên chỉ có tiếng ếch nhái nhũng nhẳng. Lát lát lại sột soạt hình như của bọn chồn cáo săn đêm. Có thể tiếng bom đạn cày xới mấy ngày này đã làm muông thú hoảng sợ trốn hết, ngay lúc này không gian bỗng im lặng đến rợn người.

Tranh của họa sĩ Huyền Lam

Bầu trời cũng đã chênh chếch màu mật ong mới vắt, mọi vật căng mắt cũng thấy nhờ nhợ.

Lúc này tiếng súng AK lại rộ lên, một trái M79 từ đâu chém phập gốc cây ngã rạp cuốn tung cả đám bụi loang lên một thứ nước nhoà nhoà. Không gian bỏng rộp không còn sự sống, cảm giác như đất cũng đổ máu, sốc sới băm vằm.

Tiếng súng AK thưa dần, M79 cũng bớt gầm gào oanh tạc, có lẽ quân Giải Phóng mải đuổi theo quân Cộng Hoà đang xuôi về phía biển.Vô hình trung Túc và Hải bị kẹt lại bên bờ sông Ba. Đoàn quân kẻ còn người mất vẫn đang chạy tán loạn hoặc co cụm trốn chui trốn nhủi đâu đó trước sự truy quét của bên kia.

Suốt đêm Hải lúc mê lúc tỉnh, có lúc ngất lịm đi có lúc lại co giật sùi bọt mép. Tỉnh ra hắn lại khóc:

– Tao chết, mày phải sống sót về tới nhà an ủi má giùm tao! Nhớ dặn vợ tao đừng gánh đầy thùng nước để bớt đau lưng, nhớ tắm nước ấm cho bé Mi Na!

– Đâu dễ chết vậy, mày còn nợ tao hai lần cứu mạng ở Pleiku.

– Đừng để tao nằm ở nơi hoang vu này, sợ lắm Túc ơi! Thả tao theo dòng sông Ba để thân xác được hoà chung con nước trôi về biển, được nhìn thấy má mỗi ngày ra sông xách nước tưới rau! Tao cầu xin mày Túc ơi!

Cơn sốt rét ác tính thể não và vết thương có dấu hiệu nhiễm trùng đã quật ngã Hải. Nhiều lần hắn co giật quéo quằn cả cơ thể, làn da lạnh toát, hơi thở nhanh và nông, nhịp tim lúc nhanh lúc chậm, lơ mơ mất dần ý thức. Ôm bạn đặt sâu vào hốc đá trong bụi dủ dẻ, bẻ lá cây nguỵ trang cẩn thận rồi Túc rút dao găm bước ra quan sát xung quanh.

“Ùng” trái M79 xé nát một cây xà cừ to lớn làm nó ngã rạp chỉ cách chừng hơn chục mét.Túc sập thân xuống vục mặt vào hục bùn nhão nhoẹt, đất đá bay rào rạt trên lưng tống ra ức khoảnh ngực. Nằm im chờ đất bụi tan ra rồi Túc vội nhào tới bụi dủ dẻ. Hải nằm nghiêng, toàn thân co rúm, khoé miệng rỉ máu, mắt mở trừng trừng…

Nhặt một tấm tăng, vuốt mắt và quấn chặt thi thể Hải.Túc ôm bạn lội ra mực nước tới ngang bụng rồi đẩy vào dòng sông đang cuồn cuộn đổ xuôi, ngậm ngùi:

– Được về nhà rồi, đi may mắn nhé thằng bạn thân!

Bám dọc bờ sông, tách hẳn ra khỏi đoàn quân bại trận lúc đi lúc chạy, khi bò lổm ngổm vì những trái pháo vô tình.Túc cứ vậy nhắm thẳng hướng Đông mà lao tới!

Bỗng có cảm giác ngân ngấn một bóng áo xanh đang khập khiễng. Hình như bóng áo xanh ấy rùng mình rồi khuỵ xuống ngay trước một bụi sim. Túc nhận ra là một người lính Giải Phóng: “Tiêu rồi, lần này chết chắc!”

Trời đã sáng hẳn.

Toài nhanh về phía người lính Giải Phóng, một phút, ba phút Túc mới tiến sát được từ phía sau. Anh ta ngồi dựa lưng vào gốc cây xù xì, khẩu AK báng gấp vẫn ôm trong tay mũi súng ghếch lên vai, chiếc mũ cối bể toạc lộ mảng tóc cháy sém. Anh ta đã bị thương? Túc liều mạng trườn lại gần. Anh ta giật mình chụp nhanh khẩu AK chĩa vào Túc:

– Bước tới là tôi bắn!

Túc xoay người nấp nhanh vào một tảng đá:

– Tôi không có súng, xin đừng bắn!

Người lính Giải Phóng (giọng miền Bắc) vẫn lên đạn canh cách. Túc liều mạng bước hẳn ra đưa hai tay lên đầu:

– Không có súng, xin đừng bắn!

Nghe vậy anh chúc mũi súng xuống đất, hơi thở có vẻ khó khăn, bỗng dưng ở thời khắc này Túc tĩnh tâm:

– Anh đang bị thương?

Không trả lời, mạng sườn trái máu túa ra đầy bọt, khuôn mặt trắng bệch vì mất máu, anh ta đang thở gấp:

– Tôi có thể giúp anh băng bó vết thương!

– Làm ơn cho tôi xin ngụm nước!

Túc vội xé tay áo còn lại rịt vết thương ngang bụng cho người lính áo xanh rồi nhặt một chiếc mũ sắt, chạy ra sông vục:

– Đang mất máu không nên uống nhiều!

– Cám ơn anh!

Ngồi dựa lưng vào gốc xà cừ bên cạnh người lính ấy, đầu óc trống rỗng. Hai người lính hai trên chiến tuyến, cơ duyên?

Máu đã thấm đẫm miếng vải, người lính áo xanh lả dần. Sực nhớ, Túc bật dậy lao đi, lát sau cầm nắm cỏ mực đã rửa sạch bụi. Rũ nước, nhai kỹ và đắp vào vết thương sâu hoắm đang rỉ máu tươi. Anh ta sốt cao, liên tục đòi uống nước. Túc  cũng xé mảnh vải áo nhúng nước lau người, đắp trán liên tục.

Quá trưa, máu từ vết thương vẫn rỉ đều, người lính cũng đã kiệt sức. Anh ra hiệu Túc ghé lại gần thì thầm…

Sững người, ánh mắt khẩn cầu của anh càng làm Túc bối rối. Lúng túng mở chiếc ba lô khét mùi thuốc súng, một chiếc lược được mài từ mảnh bom bi có khắc lồng hai chữ H (có lẽ tên của anh và người con gái anh yêu). Một tấm ảnh gia đình, đằng sau có ghi dòng chữ bằng mực xanh: “Mai Văn Hùng – xã…huyện…tỉnh…”.

Anh ra dấu nhờ đỡ ngồi tựa vào cây xà cừ, ngước mắt nhìn lên cao xanh mỉm cười thanh thản, khuôn mặt bầu bầu tươi sáng, hàng chân mày rậm, vầng trán cao, vành môi dày rất nét. Đôi mắt khép hờ như một người đang ngủ, sương khói hình hài này suốt đời chẳng bao giờ quên!

Túc ôm lấy anh khóc rấm rứt một hồi lâu. Anh nằm ngay ngắn trên võng, chiếc quần đùi màu xanh và áo đông xuân ngắn tay trắng. Hái một ít hoa dại rũ sạch bụi rải xung quanh, nhặt một mảnh bom khắc tên và quê quán rồi đặt lên ngực anh.

Chọn một mô đất cao giữa hai cây xà cừ to lớn, bên bờ sông Ba. Túc hì hục đào sâu rồi đặt anh xuống. Không quên khắc thật rõ lên thân cây dòng chữ: “Nơi an nghỉ chiến sĩ Giải Phóng Quân Mai Văn Hùng 17/3/1975”.

Run run thay bộ quần áo của anh, nhét cẩn thận di vật của anh vào túi áo ngực, quỳ sụp trước ngôi mộ khấn vái một hồi rồi Túc rướn người lao đi giữa đám bụi khét lẹt bao trùm không gian. Mặc kệ M79 chém sàn sạt cày sục chém nát mặt đất, mặc kệ ngoài con đường 7B la liệt ngổn ngang chiến xa tan nát ọp ẹp, mặc kệ tiếng kêu gào van xin cứu giúp của những người mẹ ôm con ngã quị dưới những gót giày đinh, mặc kệ những va li vàng kim cương tung toé, mặc kệ những xác người ngổn ngang trong hỗn loạn tột cùng..

Túc cứ lao đi bất chấp chen lấn, giẫm đạp xô đẩy trong vô thức, chỉ biết rằng mình phải thoát khỏi cuộc chiến này!

Trước mặt có một chiếc cầu phao bắc qua sông Ba, một tiếng nổ lớn trước mặt. Túc nhào tới ngã sấp mê man…

Tỉnh dậy thấy nằm trong một trạm cứu thương dã chiến của quân Giải Phóng.

Túc biết mình sống rồi!

Đêm đó Túc trốn khỏi trạm xá.

Sự mặc cảm vì từng học tập cải tạo sau giải phóng và sự hèn nhát đã ngăn cản Túc làm một việc mà người chiến sĩ năm xưa gởi gắm…

Hơi thở đứt quãng nhưng đủ để Túc hiểu được anh muốn giúp mình. Anh khẩn khoản nhờ Túc mang theo di vật để hoà bình lập lại tìm và trao lại cho người thân của anh.

Đã hơn một lần Túc đến bộ chỉ huy quân sự thành phố rồi quay gót. Đã hơn một lần Túc quay lại nơi anh nằm để khói hương nhưng vẫn không đủ can đảm hé răng. Nhưng sơ đồ nơi người chiến ấy yên nghỉ đã được Túc âm thầm vẽ lại chi tiết, âm thầm ghi tạc một bí mật.

Năm 1989 cùng gia đình sang định cư ở Mỹ. Thời gian vẫn trôi, ngày tháng xứ người dặm trường mà cơ hội trở về cứ kéo dài mãi dự định của ông dài ra. Mặc cảm tội lỗi, mặc cảm về sự hèn nhát luôn hiển hiện trong tiềm thức. Ngày qua ngày ông vẫn thắp hương cầu khấn sự bình an bên cạnh nổi thắc thỏm canh cánh! Trước khi nhắm mắt xuôi tay ông đã dặn dò con trai dù bất cứ giá nào cũng phải tìm được nơi an nghỉ của người Giải Phóng Quân năm xưa! Có vậy ông mới thanh thản nơi suối vàng!

Năm mươi năm thập thững từng ngày!..

– Chú em tính đi đâu nữa?

Câu hỏi của người tài xế tắc xi kéo tôi ra khỏi miền kí ức:

– Anh cho em tới Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh!

1-1733109083.jpg
 

LÊ PHA LÊ

________

* Rầu: Rồi (phương ngữ âu = ôi)

** Chu Cha: Câu cảm thán

*** Triệt thoái: Rút quân có sự thoả thuận và kế hoạch.

**** Dexedrine: Biệt dược điều trị trầm cảm cho lính Mỹ tham chiến tại Việt Nam