Như Bình thương những xa xôi - Dương Kỳ Anh

Vanvn – ”Thương những ngày xa” là cuốn tạp văn viết chủ yếu về hai vùng đất mà nhà văn, nhà báo Như Bình đã gắn bó. Trong những bài viết về vùng quê nơi Như Bình đã sinh ra và lớn lên thuộc huyện Cẩm Xuyên Hà Tĩnh, tình cảm thật sâu nặng, đằm thắm.

Nhà văn Như Bình

Nhiều năm trước tôi đã đọc tập truyện ngắn của nhà văn Như Bình thấy thích và đã viết bài cho một tờ báo.

Có lần gặp Như Bình, tôi bảo: “Truyện ngắn của em ngồn ngộn chất tiểu thuyết. Em viết tiểu thuyết đi”. Như Bình chỉ cười.

Có thể vì Như Bình quá bận với công việc của trưởng ban biên tập một tờ báo lớn chăng?

Rồi tôi thấy Như Bình đăng nhiều bài thơ trên báo Văn Nghệ và trên Facebook, nhiều bài thơ của Như Bình tôi thích, tôi đã đưa vào mấy bài viết của tôi đăng trên các báo như bài thơ Con thú .

Bây giờ đọc tập thơ Sự im lặng biếc xanh càng thấy thơ Như Bình nặng lắm chữ “tình”… Chữ tình với nhiều cung bậc cảm xúc, nhiều tâm trạng Như Bình bày tỏ không giấu giếm:

…Thực ra em rất cô đơn...(Con thú)

Em ngồi trầm cảm như đêm

Nghe cơ thể mình nhức mỏi... (Trầm cảm 1)

Cốc trà nguội đầu môi em ẩm ướt

Ai hôn lên bóng em… (Ảo giác)

Em phải sống thế nào để bớt những dại khờ

Cả tin

Rồi ảo giác... (Trầm cảm 2)

Người đàn bà sợ chết

Như sợ nỗi đày ải tối tăm

Em muốn yêu và hôn

Trăm năm

Ngàn năm

Mãi mãi…

Không uốn éo, bày đặt, tô vẽ… Thơ Như Bình cảm nhận tận tâm can, cuốn hút người đọc bởi sự khao khát tình yêu đến tận cùng, đến cháy bỏng…

Trong bài viết này tôi chỉ đi sâu vào cuốn tạp văn của Như Bình Thương những xa xôi.

Vài năm gần đây, thấy nhà văn Như Bình vẽ, nhiều bức tranh tôi thích và đã có người viết về sự đa tài của nhà văn Như Bình in trên báo.

Nếu tôi nhớ không nhầm thì lần đầu tiên gặp Như Bình là ở một cuộc hội ngộ với một số nhà văn, nhà thơ Hà Tĩnh. Nhà văn Đức Ban chỉ về phía một cô gái trẻ, khá xinh và bảo tôi: Như Bình, cây viết mới, đang làm ở đài phát thanh truyền hình Hà Tĩnh.

Tôi nói vui: “Những cô gái trời cho xinh đẹp là quá đủ rồi… Nếu có tài văn chương nữa thì mệt lắm đấy”.

Khi Như Bình chuyển cho tôi tạp bút Thương những xa xôi và tập thơ Sự im lặng biếc xanh sẽ ra mắt cùng với triển lãm tranh của Như Bình tại nhà xuất bản Hội Nhà văn tại 65 Nguyễn Du mà theo Như Bình tâm sự trên Facebook là thành quả của mười năm suy ngẫm và sáng tạo, tôi thật mừng.

Thương những ngày xa là cuốn tạp văn viết chủ yếu về hai vùng đất mà nhà văn, nhà báo Như Bình đã gắn bó. Trong những bài viết về vùng quê nơi Như Bình đã sinh ra và lớn lên thuộc huyện Cẩm Xuyên Hà Tĩnh, tình cảm thật sâu nặng, đằm thắm.

Trước hết là về người mẹ: “Mẹ tôi là một người phụ nữ Việt Nam điển hình, thông minh nhưng thất học, lam lũ, chịu muôn vàn cay cực, khổ ải, bươn chải nuôi đàn con nên người… những năm 1960-70 của thế kỷ trước ngôi làng nơi mảnh đất miền Trung nghèo khổ của mẹ có một gia đình lam lũ mà có cả năm người con lần lượt đậu đại học là câu chuyện hiếm có trong vùng…(Vu lan báo hiếu)”.

Thương yêu mẹ là tình cảm bình thường, nhưng với người thơ Như Bình ngay từ nhỏ đã có những tình cảm rất sâu đậm, những suy nghĩ lạ, khác nhiều với những đứa trẻ cùng tuổi: “Tôi sợ mất mẹ, sợ bỗng dưng mẹ không còn trên đời này nữa và mồ côi mẹ liếm lá đầu đường như câu ca mẹ vẫn đọc cho tôi nghe, khiến cho tim tôi thon thót lo… Tôi luôn ngồi một xó nhà và nghĩ nếu mẹ chết chắc chắn tôi cũng sẽ chết cùng…” (Vu lan báo hiếu).

Bây giờ, khi đọc tập bút Thương những xa xôi, tôi mới biết gia tộc nhà văn Như Bình cũng có những nét giống gia tộc họ Dương nhà tôi.

“… Cha tôi là con của cụ giáo Lê Văn Mân, cụ đồ nho khá nổi tiếng ở huyện Cẩm Xuyên. Ông tôi gia nhập Đảng Cộng sản từ những năm 1930-1931, có tên trong lịch sử Đảng bộ huyện Cẩm Xuyên, ông thông minh, xuất sắc được cụ nội tôi Lê Văn Đậu đầu tư cho học tú tài ở ở trường Quốc Học Huế, ông tốt nghiệp và đứng thứ nhì trường.

…Cha tôi đi dạy học, mẹ làm nghề nấu cơm ở trường cấp ba Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên… Cha mạnh mẽ, ngang tàng như sông Ngàn Mọ quê mình …Cha chuyên đánh võ ở các võ đài của Pháp để kiếm thêm thu nhập cho mẹ nuôi các con. Cái cách mà cha sống ngang tàng, lãng tử bảo vệ các con, bảo vệ kẻ yếu…” (Cha, con và tháng 7).

Chuyện cậu Thủy một liệt sĩ đã hy sinh ở mặt trận Nà Sản Sơn La, chú Thiện hy sinh ở chiến trường B… Rồi chuyện O Khuyên, O Bé được nhà văn Như Bình không chỉ kể một cách trung thực, cảm động mà còn là những cảm nhận sâu xa … Cảnh O Khuyên: “Mười năm sống trong gian nhà vách đất đơn sơ… Chỉ nghĩ đến đó thôi lòng tôi đã rưng rưng muốn khóc. Cuộc đời O chưa lúc nào được hưởng sung sướng. Khổ cả khi sống và khổ cả khi chết…” (O Khuyên).

Năm 1964, huyện Kỳ Anh quê tôi (giáp với huyện Cẩm Xuyên) chưa có trường cấp ba, tôi phải ra trọ học ở trường cấp ba Cẩm Xuyên, vì trường đóng ở nơi có đồn lính Pháp ngày trước nên gọi là cấp ba Đồn Trường. Tôi ở trọ một nhà người quen thuộc xã Cẩm Tiến, nơi có Giếng Vàng nổi tiếng, với câu ca:

Nước giếng Vàng vừa trong vừa mát

Nâu chợ Chùa nhuộm áo lâu phai

Cá Cẩm Nhượng, khoai Mục Bài

Khuyên ai về huyện Cẩm kẻo một mai tiếc thầm…

Đọc tập văn Thương Những xa xôi của Như Bình, tôi như được sống lại với nhiều kỷ niệm thân thương ở một vùng quê nghèo nhưng hiếu học, nặng nghĩa, nặng tình huyện Cẩm.

Những bài viết trong Thương những xa xôi như Hoa trong vườn của cha mẹ với “những cây Mai phương Nam, cây Đào phương Bắc...” đến Mùi Tết – Lạc Tết, Nhớ khói… thật sinh động.

Cái hình ảnh “Khói nhà ai thở trắng lũy tre xa” (TQ) mà Như Bình cảm nhận “Khói là thật mà như là hư ảo…” khi ra thành phố sống, những người ra đi từ vùng quê mỗi lần Tết đến, luôn cảm thấy mình lạc mất cái Tết: “Cảm giác lạc Tết là cái cảm giác có thật khi ở lại thành phố”…

Những bài tạp văn của Như Bình trong Thương những xa xôi như những bài thơ văn xuôi! Có cảm nhận, suy tư và nhiều hình ảnh sinh động cuốn hút người đọc thực sự.

Đúng ra văn xuôi Như Bình giàu chất thơ. Tôi không có ý so sánh, nhưng khi đọc những dòng này của Viện Hàn lâm Thụy Điển vinh danh nhà văn Han Kang, người Hàn Quốc đầu tiên đoạt giải Nobel văn chương năm 2024 : “Phong cách viết thể nghiệm giàu chất thơ đưa bà trở thành người cách tân cho nền văn xuôi đương đại…”.

Thủ đô Hà Nội là vùng đất thứ hai mà nhà văn Như Bình đề cập đến trong Thương những xa xôi: “Hà Nội là một thành phố đẹp. Một thành phố chậm rãi, bình yên và đầy suy tư…”.

Khi tôi đọc tên tác phẩm Thương những xa xôi cứ ngỡ nội dung là nhớ thương vùng quê nghèo ở huyện Cẩm nơi Như Bình sinh ra và lớn lên!

Nhưng khi đọc hết tác phẩm mới hay đây là bài viết về những chú chim bị nhốt trong lồng được bày ven hồ Thiền Quang Hà Nội. Nhà văn thường dạo bộ từ đường Nguyễn Du ra hồ Thiền Quang và “lắng nghe những âm thanh xao xác từ những chiếc lồng con đang thi nhau vút lên nắng trời, chạm khẽ vào những gợn mây trắng xa tít tắp…”(Thương những xa xôi).

Những chú chim bị nhốt trong lồng khao khát tự do được bay lượn trên bầu trời, cũng như con người vậy, nhất là những thi nhân… Và người thơ Như Bình Thương những xa xôi

Mơ mộng làm tôi giàu có cũng là một bài viết tâm đắc và sâu xa trong tập Thương những xa xôi của Như Bình. Còn nhiều bài viết mà tôi thích trong tập sách này, nhưng khuôn khổ bài báo có hạn nên để cho bạn đọc tìm đọc có lẽ tốt hơn!

Tôi thiển nghĩ mỗi nhà văn đều có những vùng đất mà mình gắn bó để từ đó sáng tạo ra những tác phẩm hay; như nhà văn Nam Cao có làng Vũ Đại với những Chí Phèo, Thị Nở… Nhà văn Trung Quốc đoạt giải Nobel Mạc Ngôn đã có lần nói với báo chí “Tất cả những gì tôi có hôm nay đều bắt đầu từ vùng đất quê tôi Cao Mật.”. Hay như Cao Hành Kiện cũng đoạt giải Nobel văn chương với tác phẩm Linh sơn, chính là vùng núi mà ông gắn bó gần suốt cuộc đời. Ông gọi là Núi hồn…

Sống hết mình, yêu hết mình, trung thực hết mình và dám bày tỏ, thể hiện hết mình trong sáng tạo có lẽ là điều làm nên những tác phẩm văn, thơ, hội họa cuốn hút người đọc, người xem của nhà văn, nhà thơ, họa sĩ Như Bình chăng?

Tất nhiên có cả năng khiếu văn, thơ, hội họa thiên phú…

DƯƠNG KỲ ANH/ TPO