TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - CHƯƠNG 2 KHỞI NGHIỆP - Nguyễn Thị Sơn

  • www.doanhtri.net
  • 06-04-2019
  • 1597 lượt xem

TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP

CHƯƠNG 2

KHỞI NGHIỆP

Bố mẹ tôi là người Bắc Ninh, sống ở Hà Nội và di cư vào miền Nam năm 1954. Do điều kiện công tác của bố tôi nên ông bà có hơn hai năm sống ở Huế. Ngày ấy tôi mới 5 tuổi nên không nhớ gì nhiều, chỉ một vài hình ảnh như tiềm thức còn ghi lại, đó là ngôi trường khi tôi bắt đầu đi học, xây từ thời Pháp với khu vườn rất rộng lớn có những hàng cây cao, có các bà sơ hiền dịu. Ngày đầu đến trường tôi nhớ mẹ nên không chịu vào lớp mà chỉ ngồi khóc ở ngoài sân, các sơ vỗ về tôi bằng giọng Huế nghe rất lạ “con nì, mi mần răng rứa, răng mi khóc, nhà mi ở mô, sơ đưa mi về hỉ”. Từ trường về nhà tôi phải đi qua chiếc cầu dài với nhiều nhịp. Mỗi lần đi qua cầu tôi hay thả những chiếc thuyền giấy xuống giòng sông lăn tăn những gợn sóng nhỏ, óng ánh dưới ánh nắng chiều tà. Theo mẹ tôi kể lại, ngày ấy có sự khác biệt về văn hóa truyền thống giữa hai miền Trung-Bắc (phụ nữ Huế bước ra đường là phải mặc áo dài, dù là đi ra chợ để mua sắm) và giọng nói của người sứ Huế không chỉ khác với người Hà Nội về âm giọng mà còn khác về ngôn từ, ví dụ “O nớ đi mô rứa” thay vì “cô ấy đi đâu thế”. Mẹ tôi nói rằng bà rất khó khăn trong thời gian đầu để hòa nhập. 

Trước khi di cư vào miền Nam, mẹ tôi có một cửa hiệu bán vải lụa ở phố Khâm Thiên, Hà Nội. Năm 1957 bố mẹ tôi từ Huế vào Sài Gòn lập nghiệp, ông bà đã quyết định thành lập một cơ sở may mặc, sản xuất hàng quần áo may sẵn cung cấp cho các cửa hiệu bán buôn tại Sàigon, Chợ Lớn, Biên Hòa, Quy Nhơn...

Từ nhu cầu của thị trường mà cơ sở sản xuất của gia đình tôi phát triển từng bước rất thuận lợi. Chị em tôi được bố mẹ chăm sóc cho ăn học rất đàng hoàng. Bố tôi kỳ vọng tôi và em trai tôi sẽ là luật sư, giáo sư vì thấy chị em tôi bộc lộ những năng khiếu về tranh luận, nhất là cậu em trai kế tôi, cậu Nguyễn Đình Đại thường hay phản biện về những ý kiến trong các chương trình thời sự (thời sự những năm 1963-1969 có nhiều vấn đề về chính trị và xã hội). 

Nhưng một sự vô tình đã đưa tôi bước vào con đường kinh doanh mặt hàng thời trang năm tôi 18 tuổi (năm 1968). Do hàng ngày phụ giúp mẹ tôi quản lý công việc điều hành, làm sổ sách kế toán, ký cheque thanh toán mua hàng, theo dõi công nợ bán hàng nên tôi có cơ hội tiếp xúc với nhiều người trong giới doanh thương mà tôi lại là cô gái thích ăn mặc đẹp. Một hôm có người bạn hàng của mẹ tôi hỏi tôi mặc những bộ quần áo mua ở đâu, tôi nói tôi tự may, bà ấy khen đẹp và nói tôi nên làm thử đem ra thị trường xem sao. Cho đến ngày ấy tôi vẫn chỉ là cô nữ sinh còn lo chuyện học hành, việc kinh doanh, sản xuất là mẹ tôi làm, tôi chỉ phụ giúp về sổ sách và quản lý tài chính cho mẹ tôi thôi nhưng khi nghe bà khách ấy đề nghị tôi cũng thấy hay hay. Thế là đêm đó mất ngủ vì suy nghĩ cách làm. Hôm sau, tôi đến các tiệm vải nổi tiếng của Sàigòn tìm mẫu vải và về tự thiết kế mẫu, tự cắt và may, rồi lại ướm thử cho đến khi thấy đẹp. Sau đó cắt rập và cho sản xuất thử đưa ra cửa hàng, không ngờ hôm sau tôi nhận được phản hồi là hàng đã bán hết và yêu cầu tôi làm thêm. Do không tự tin lắm vào lần đầu tiên nên tôi không lưu mẫu, lần thứ hai tôi tính sai công thức hạ cổ, vì thế hàng may xong cổ áo hạ quá sâu. Tôi rất lo lắng không biết có giao hàng được không, chẳng ngờ hàng lại bán rất nhanh vì các cô cho rằng hạ cổ sâu như thế trông mới đẹp, mới quyến rũ. Thế là bố mẹ tôi quyết định đầu tư cho tôi một nhánh chuyên về thời trang dành cho phụ nữ và thanh thiếu niên. Tôi có năng khiếu về thiết kế, mỗi năm một chủ đề, hàng bán rất chạy và sản xuất với số lượng lớn để đáp ứng nhu cầu thị trường. 

Đến năm 1975, thống nhất đất nước, hai miền Nam Bắc thông thương, bộ đội về thăm quê nhà, trong ba lô của anh bộ đội thường không thể thiếu một vài bộ quần áo thun dệt kim làm quà cho gia đình. Gia đình tôi lại tiếp tục sản xuất áo Pull, T-Shirt dệt kim cung cấp cho nhu cầu rất cần thiết này cho đến năm 1976 thì toàn bộ cơ sở của gia đình tôi được kêu gọi đưa vào hình thức sản xuất tập thể, thành lập tổ hợp may và sau đó nâng lên thành Hợp tác xã bậc cao Đại Thành vào năm 1977. Bố tôi là Chủ nhiệm và từ năm 1990 là Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Đại Thành.

Năm 1998 bố mẹ tôi về hưu, em gái thứ bảy của tôi là cô Nguyễn Thị Hồng làm Chủ nhiệm HTX từ năm 1990 và từ năm 1998 làm Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Đại Thành cho đến năm 2016.

Trích Chương 2 trong TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP (xuất bản tháng 6 năm 2006). * Hình chụp mẹ tôi năm 1954 tại Hà Nội trước lúc di cư và *hình chụp bố mẹ tôi năm 1997 tại Thảo Điền quận 2, TPHCM.

CHƯƠNG 1: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - Tuổi 17 (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 2: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - Khởi nghiệp (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 3: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - Gia đình hạnh phúc (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 4: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - Chiến tranh & hòa bình trong tôi  (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 5: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - Tham gia phát triển kinh tế đất nước  (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 6: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - Vĩnh biệt người chồng thân yêu  (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 7: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - Phát triển sự nghiệp  (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 8, 9: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - Sự cố lớn trong cuộc đời  (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 10: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - Chân lý & Công lý (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 11: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - Tiên vi quan, hậu vi sư  (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 12: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP- Kinh nghiệm qua các chuyến công du (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 13: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - Tình thân hữu  (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 14: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - Sự trưởng thành của các con  (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 15: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - Về với quê hương  (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 16: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - Viện Khoa học Pháp lý & KDQT (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 17: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - TRường THCS, THPT Duy Tân (Bấm vào xem)

Tác giả: TS Nguyễn Thị Sơn

Xem thêm Văn Nghệ