TÌNH YÊU - GIA ĐÌNH - SỰ NGHIỆP - CHƯƠNG 15 VỀ VỚI QUÊ HƯƠNG - Nguyễn Thị Sơn

  • www.doanhtri.net
  • 10-05-2019
  • 1203 lượt xem

Khi tôi còn là Tổng giám đốc của Legamex, nhiều đoàn và nhiều lãnh đạo của các tỉnh cũng đến tham quan học tập mô hình thành công xây dựng từ bãi nghĩa trang, không sử dụng vốn từ ngân sách nhà nước của Legamex.

Tôi nhớ có một lần chị Trương Mỹ Hoa lúc ấy là Chủ tịch Trung ương hội Phụ nữ Việt Nam đã cùng một đoàn khách là Bí thư các tỉnh ủy đến thăm công ty Legamex. Sau khi tham quan các nhà máy, khi biết tôi là người quê ở Bắc Ninh, Bác Nguyễn Thanh Quất, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Bắc đã rất vui, Bác Quất rất chân thành mời tôi về thăm Hà Bắc để hợp tác với Tỉnh phát triển xuất khẩu. 

Sau đó Tỉnh chia tách làm hai tỉnh là Bắc Ninh và Bắc Giang. Năm 1997, Ông Ngô Đình Loan, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn đại biểu Quốc Hội Tỉnh Bắc Ninh và ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND Tỉnh Bắc Ninh (ông Nguyễn Thế Thảo là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá IX, X và XI, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2007 - 2015) mời tôi về thăm quê hương và kêu gọi đầu tư về tỉnh. Tôi suy nghĩ rất nhiều, với bằng ấy sự cố của cuộc đời, tiền bạc, sức khỏe, thời gian bị lãng phí bào mòn, liệu tôi có còn sức để làm việc không? 

Tuy nghĩ vậy, tôi vẫn nhiệt tình mời một số nhà đầu tư Australia, Nhật bản, Hàn quốc về tham quan tỉnh, nhân đó tôi có dịp về thăm Đền Đô thờ tám vị vua nhà Lý, tham quan các chùa Dâu, chùa Tháp Bút, chùa Hàm Long và càng tự hào về quê cha đất tổ của mình. Bắc Ninh là cái nôi văn hóa của xứ Bắc Hà với những làn điệu dân ca quan họ vừa trữ tình vừa uyên bác qua lời dẫn chuyện của các cô gái Quan họ. Tôi nói với Lãnh đạo Tỉnh tôi sẽ cố thử một lần nữa bằng tri thức chuyên môn đã tích lũy trong nhiều năm để góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp mà đó cũng là ước nguyện của gia đình tôi.

Ngày ấy (1997), Tỉnh có nhiều làng nghề, có nhiều sản phẩm tốt nhưng kim ngạch xuất khẩu chưa cao, phải nói là quá khiêm tốn. Nguyên nhân chính là thiếu cán bộ am hiểu về xuất khẩu, xúc tiến thương mại và các dịch vụ hỗ trợ đầu tư. Thiếu một trung tâm liên kết giữa nhà sản xuất, nhà kinh doanh và thị trường vốn. Singapore đất hẹp người ít nhưng họ vẫn là quốc gia xuất khẩu mạnh vì họ chủ động làm khâu đầu và khâu cuối để có sản phẩm xuất khẩu. Tôi đã trao đổi và có ý kiến với lãnh đạo Tỉnh: Sản phẩm bàn ghế trạm trổ của Bắc Ninh rất đẹp nhưng nặng nề, khả năng xuất khẩu rất hạn chế. Cần một bộ phận nghiên cứu thị hiếu khách hàng, thiết kế lại và tiêu chuẩn hóa về quy cách sản phẩm đến từng chi tiết của sản phẩm để làm sao đóng gói gọn, dễ di chuyển và đến nơi tiêu thụ lắp ráp khớp lại với nhau, như thế chi phí vận chuyển mới thấp, giá thành mới cạnh tranh được. (SB Furniture Thai Lan rất thành công ở Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh hàng nội thất, sản phẩm hoàn toàn lắp ghép mà rất trang nhã).

Hoặc như ngành sản xuất công nghiệp, thủ tục xét duyệt đầu tư cũng nên cải tiến, không cần xét duyệt đòi hỏi nhà đầu tư phải đưa ra quy trình công nghệ khép kín hoàn chỉnh mà nên để họ tự chủ đăng ký đầu tư. Các nhà đầu tư lớn thường quan tâm việc thiết kế, nghiên cứu và phát triển sản phẩm, phát triển thương hiệu còn sản xuất thường gia công bên ngoài làm hết các công đoạn. Khâu cuối cùng là kiểm tra chất lượng, đóng gói, gắn nhãn mác theo tiêu chuẩn để xuất khẩu hoặc đưa ra các kênh phân phối lớn để tiêu thụ, lúc ấy mới được thực hiện tại công ty chính. 

Tôi cũng bày tỏ mong muốn xây dựng một Trung Tâm phát triển xuất khẩu ở tỉnh Bắc Ninh để thực hiện công việc làm cầu nối giữa các doanh nghiệp của các tỉnh phía Bắc và các tập đoàn kinh doanh đa quốc gia trên thế giới. Từ đó, các Lãnh đạo và các Sở, Ban ngành Tỉnh Bắc Ninh đã giúp Công ty Sơn Kim làm các thủ tục thành lập Công ty Cổ phần Sơn Kim Bắc Ninh, đầu tư các dịch vụ Logistic ở Khu Công nghiệp Quế Võ.

Từ năm 1998, tôi cũng tham gia Ban chấp hành Hội Đồng Hương Bắc Ninh tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hằng năm Hội đồng hương Bắc Ninh tổ chức họp mặt đầu xuân để bà con đồng hương quê Bắc Ninh đang sinh sống và làm việc tại TP HCM có cơ hội gặp gỡ giao lưu chia sẻ, giữ gìn truyền thống quê hương qua những bài hát quan họ. Hội cũng tổ chức các cuộc thi hát quan họ, phát triển di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại ở Phương Nam. Dân ca Quan họ là một trong những làn điệu dân ca tiêu biểu của vùng châu thổ sông Hồng ở miền Bắc Việt Nam, được hình thành và phát triển ở vùng văn hóa Kinh Bắc xưa, đặc biệt là khu vực hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh ngày nay được ngăn cách bởi dòng sông quan họ - Sông Cầu. Năm 2009, Dân ca quan họ đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Hát Quan họ Bắc Ninh đã thực sự được nhiều người dân tại Phương Nam yêu thích.

Sau 22 năm chia tách tỉnh, nhờ vào các chính sách Đổi mới, Hội nhập kinh tế quốc tế của Trung ương, sự vận dụng các yếu tố thuận lợi của địa phương THIÊN THỜI ĐỊA LỢI NHÂN HÒA, Tỉnh Bắc Ninh đã có những bước phát triển kinh tế thần kỳ. 

Bắc Ninh là “thủ phủ” của đầu tư nước ngoài FDI với quy mô nền kinh tế đứng thứ 4 cả nước. Giá trị sản xuất công nghiệp đứng thứ 2, kim ngạch xuất khẩu hàng năm khoảng 30 tỷ USD. Hiện tỉnh có 16 Khu Công nghiệp (KCN) tập trung với tổng diện tích 6.500 ha, trong đó 10 KCN đã đi vào hoạt động. Tổng số 1.200 dự án FDI với tổng vốn xấp xỉ 17 tỷ USD đang đầu tư tại các KCN của Bắc Ninh.

Giá trị sản xuất công nghiệp của Bắc Ninh đạt 1000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 29,85 tỷ USD, chiếm 14,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tỉnh đã thu ngân sách nhà nước 21,6 nghìn tỷ đồng (948,2 triệu USD). Trong khi đó, GDP nội địa của GRDP địa phương chiếm 3,25% GDP của cả nước, với tốc độ tăng trưởng GRDP là 19,12%. (Số liệu thống kê trích nguồn từ Báo cáo Tổng kết năm 2018 của Tỉnh Bắc Ninh)

Trích Tự truyện TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP, xuất bản lần đầu năm 2006, có cập nhật, bổ sung thông tin.

Hình 1: Năm 1997, Đoàn nghiên cứu thị trường Nhật Bản về thăm Bắc Ninh

Hình 2,3,4,5: một số hình ảnh của Sơn Kim Bắc Ninh và các nhà máy của đối tác Hàn quốc.

Hình 6: Năm 2017, Thi hát quan họ Bắc Ninh tại TPHCM.

Hình 7 và 8: Năm 2019, Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, MTTQ Tỉnh Bắc Ninh về dự họp mặt đầu xuân với bà con Bắc Ninh tại TP HCM.

CHƯƠNG 1: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - Tuổi 17 (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 2: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - Khởi nghiệp (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 3: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - Gia đình hạnh phúc (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 4: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - Chiến tranh & hòa bình trong tôi  (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 5: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - Tham gia phát triển kinh tế đất nước  (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 6: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - Vĩnh biệt người chồng thân yêu  (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 7: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - Phát triển sự nghiệp  (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 8, 9: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - Sự cố lớn trong cuộc đời  (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 10: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - Chân lý & Công lý (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 11: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - Tiên vi quan, hậu vi sư  (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 12: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP- Kinh nghiệm qua các chuyến công du (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 13: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - Tình thân hữu  (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 14: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - Sự trưởng thành của các con  (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 15: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - Về với quê hương  (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 16: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - Viện Khoa học Pháp lý & KDQT (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 17: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - TRường THCS, THPT Duy Tân (Bấm vào xem)

Tác giả Nguyễn Thị Sơn

 

Xem thêm Văn Nghệ