TÌNH YÊU - GIA ĐÌNH - SỰ NGHIỆP - CHƯƠNG 13 TÌNH THÂN HỮU - Nguyễn Thị Sơn

  • www.doanhtri.net
  • 04-05-2019
  • 1331 lượt xem

Nói đến hoàn cảnh và cuộc đời, tôi cũng như nhiều người khác, cuộc đời luôn đan xen giữa cái chung và cái riêng, giữa sự thương cảm, tình bằng hữu, sự nghiệp và trách nhiệm với con cái và gia đình. Sự nghiệp của tôi có lúc thành công, có lúc vất vả, tôi luôn có sự giúp đỡ của nhiều người, trong câu chuyện kể này tôi muốn nhắc đến những người thân quen hay đúng hơn là những người anh người chị đã có những ấn tượng sâu sắc trong sự nghiệp và cuộc sống của tôi.

1) Anh Nguyễn văn Ích, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, phụ trách Vụ Đối ngoại V7, nguyên thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư: Lần đầu tiên tôi gặp anh là ở Văn phòng Chính phủ năm 1988, lúc ấy tôi có một dự án xin vốn UNDP thành lập trung tâm nghiên cứu thời trang và một dự án đầu tư một công ty kinh doanh hàng thời trang tại Paris. Ngày ấy các quy định về đầu tư nước ngoài của Việt Nam chủ yếu là kêu gọi đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, chưa có quy định cho phép các công ty Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Sau khi nghe tôi trình bày, anh nói việc thứ nhất anh ủng hộ vì việc nghiên cứu phát triển ngành thời trang để xuất khẩu và mở rộng thị trường giải quyết việc làm cho người lao động, không những chính phủ hoan nghênh mà cũng phù hợp với yêu cầu của các dự án có hỗ trợ của tổ chức UNDP. Việc thứ hai anh bảo còn rất mới phải xin ý kiến Thủ tướng. Sau đó tôi được đến trình bày với Thủ tướng Đỗ Mười. Thủ tướng nói: “các công ty của ta từ lâu quen việc sản xuất kinh doanh theo kế hoạch nhà nước, không chủ động đi ra ngoài tìm thị trường mới. Tôi cho rằng phương án này tốt, có hướng kinh doanh chủ động, phải có cơ sở ở bên ngoài mới tiếp cận được thị trường, mới hiểu được thị hiếu người tiêu dùng, tôi ủng hộ cho làm thí điểm”. Từ ý kiến phê duyệt thẳng của Thủ tướng trên Tờ trình dự án, anh Ích đã giúp đỡ tôi làm các thủ tục với các Bộ ngành để Legamex thành lập Công ty Legavi ở Paris. 

Một lần khác, tôi có một đối tác là Việt kiều Pháp, đầu tư vào Việt Nam một công ty có vốn điều lệ là 300,000 quan Pháp (khoảng 50,000USD) đã có giấy phép hơn một năm nhưng chưa triển khai hoạt động, Uỷ ban Hợp tác Đầu tư đòi rút giấy phép. Anh bạn Việt kiều gặp tôi nhờ giúp đỡ. Qua câu chuyện, tôi biết anh là người thành đạt ở Pháp, vì quan tâm cuộc sống của gia đình ở Việt Nam nên đầu tư, tiền đã đưa vào Việt Nam nhưng phải trả các chi phí thuê nhà, lương công nhân mà vẫn chưa ra được sản phẩm. Anh nói: “tôi muốn giúp gia đình bằng việc gửi về cho gia đình một cần câu để họ tự câu cá, chứ không muốn gửi cá mãi, ăn rồi cũng hết”. Tôi cho rằng câu nói này có ý nghĩa tốt nên đồng ý giúp, tôi đến gặp anh Ích lúc ấy là Thứ trưởng Ủy ban Hợp tác Đầu tư trình bày xin anh đừng rút giấy phép đầu tư của anh bạn Việt kiều. Anh Ích bảo “vấn đề không phải là dự án nhỏ, các quốc gia như Nhật Bản rất chú trọng các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhà nước cũng đang có chính sách khuyến khích Việt kiều đầu tư về Việt Nam, mà đầu tư để giúp đỡ gia đình giải quyết công ăn việc làm lại càng được khuyến khích. Còn sở dĩ mà Uỷ ban HTĐT yêu cầu rút giấy phép vì đã quá hạn theo quy định mà không hoạt động thì phải rút, đó là nguyên tắc quản lý sau khi cấp phép, doanh nghiệp phải cố gắng đi vào hoạt động và phải báo cáo nếu có gặp những khó khăn”. Sau đó Legamex đã giúp công ty này nhập máy móc thiết bị chuyên dùng và đồng ý để các bộ phận quản lý công ty sang học và thực tập tại Legamex. Bây giờ công ty này là một công ty may có vốn đầu tư nước ngoài rất thành công ở Việt Nam. Thỉnh thoảng nghe tin đơn vị này đạt được những thành tích chúng tôi cũng thấy vui. Nhưng rất tiếc là nhiều năm sau, tôi không gặp anh bạn Việt kiều Chủ tịch công ty. Sau khi cuốn Tự truyện TÌNH YÊU – GIA ĐÌNH – SỰ NGHIỆP xuất bản lần đầu năm 2006, anh bạn Việt kiều có gọi điện thoại cho tôi, có cho số điện thoại mới của anh ấy, nhưng tôi bận rộn, sau đó sơ ý làm mất số nên không gọi lại, có lẽ sau nhiều sự cố của cuộc đời tôi trở nên “chảnh” chăng?

Riêng đối với anh Nguyễn Văn Ích, anh vẫn coi tôi như một người em, những lúc tôi có khó khăn anh đều giúp đỡ. Khi tôi viết tự truyện, ban đầu được 33 trang tôi gửi cho anh xem, anh bảo phải giải thích thêm cho rõ một số tình huống và phải truyền tải được thông điệp mà mình cần gửi gắm trong câu chuyện, quá trình chỉnh sửa anh cũng đến nghe và góp ý. Bây giờ anh Ích đã 90 tuổi, buổi sáng vẫn ra ngồi uống cà phê ở đường sách Nguyễn Văn Bình, tóc bạc trắng như ông tiên, vẫn viết sách và làm thơ, sách thơ in ra anh hỏi tôi mua bao nhiêu cuốn và lấy tiền in sách như giá niêm yết.

2) Anh Phan Trọng Kính: tôi nhớ lại chuyện cũ, chỉ 3 ngày sau khi có kết luận của Ủy ban Thanh tra TP HCM, ngày 11 tháng 4 năm 1994 tôi nhận quyết định của Ủy ban Nhân dân TPHCM tạm đình chỉ công tác của tôi tại công ty Legamex. Tôi có cảm nhận sự việc không bình thường nên làm đơn khiếu nại kêu cứu khắp nơi, tôi ra Hà Nội xin gặp Thủ Tướng Võ Văn Kiệt và được anh Vũ Quốc Tuấn trợ lý Thủ tướng tiếp và nhận đơn kêu oan. Tôi cũng xin gặp Tổng bí thư Đỗ Mười và được anh Phan Trọng Kính và anh Lê Đức Thúy trợ lý Tổng bí thư đưa tôi vào trình bày nỗi oan của tôi với Tổng bí thư. Sau này tôi hiểu ra rằng chính việc hoảng sợ kêu oan của tôi đến các cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng và Chính phủ đã đẩy tôi đến chỗ nguy hiểm. Một số vị lãnh đạo tại TP HCM lúc ấy cho rằng tôi hỗn xược...

Sau này khi mọi việc của tôi đã sáng tỏ, tôi được chuyển công tác về Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam, tôi có gặp lại anh Vũ Quốc Tuấn và anh Phan Trọng Kính, các anh tỏ ra thông cảm với hoàn cảnh của tôi. Anh Kính nói rằng khi tôi gặp nạn, các con tôi có đến gặp anh, anh cũng thương hoàn cảnh các cháu nên các đơn từ kêu oan của các con tôi đều được anh trình đến Bác Mười. Bác Mười rất quan tâm, bác Mười đã đến thăm công ty Legamex lần 2. Sau khi làm việc với lãnh đạo mới của Legamex, bác đã trao đổi quan điểm của bác với Bí thư Thành ủy Võ Trần Chí vì tôi là cán bộ thuộc diện quản lý của TPHCM, nên thuộc quyền giải quyết của TPHCM. 

Thỉnh thoảng khi có dịp ra Hà Nội công tác, tôi đến thăm bác Mười, bác hay hỏi tôi về công tác đào tạo cho cán bộ quản lý doanh nghiệp trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế và bác chỉ cho tôi xem các cuốn sách bác đang đọc về phương pháp quản lý tự động hóa của phương Tây. Khi tôi viết xong cuốn tự truyện (năm 2006) tôi có gửi bản thảo cho bác Mười xem. Khi Vietnamnet muốn đăng tự truyện của tôi, nhà báo Nguyễn Anh Tuấn lúc ấy là Tổng biên tập Vietnamnet nói với nhà báo Lương Bích Ngọc muốn đến thăm bác Mười, tôi vô tư mời anh Tuấn và cô Ngọc cùng đi thăm bác. Bác vui vẻ đón tiếp, khi biết anh Tuấn và cô Ngọc là nhà báo, bác cầm cuốn bản thảo của tôi đưa cho anh Tuấn và nói “bài viết tốt, chân thật”. Từ đó mà tự truyện của tôi đã đến tay bạn đọc. Thấm thoát mà bác đã 101 tuổi, ngày bác Đỗ Mười mất, tôi ra Hà Nội, gặp cả gia đình các con bác (Trung - Hạnh và Thủy – Phương). Anh Kính bảo tôi đi chung đoàn Văn phòng Trung ương vào viếng bác, nhưng tôi bảo tôi đi chung đoàn con cháu viếng và tiễn Bác về nơi yên nghỉ cuối cùng của Bác.

3) Anh Đoàn Duy Thành: Khi anh là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đối ngoại, tôi có gặp anh Thành vài lần và qua mọi người nói chuyện tôi biết và ngưỡng mộ anh là một Nhà lãnh đạo giỏi. Đến năm 1992 Đại hội Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lần 2, anh được Đại hội tín nhiệm bầu là Chủ tịch Phòng Thương Mại. Tôi cũng được đề cử vào Hội đồng Quản trị Phòng Thương Mại nhiệm kỳ này. Những lần vào họp HĐQT phía Nam, anh và thường trực HĐQT cũng đến thăm Legamex, từ đó anh Thành có những nhận xét tốt về tôi. Khi tôi gặp sự cố lớn, anh họp ban pháp chế và các thành viên HĐQT Phòng Thương Mại tìm biện pháp bảo vệ, đồng thời với tư cách đại diện của cộng đồng doanh nghiệp, VCCI đã lên tiếng chính thức bằng văn bản xin bảo lãnh thành viên HĐQT Phòng Thương Mại theo quy định của pháp luật. Khi tôi được thả, anh và thường trực HĐQT đến thăm gia đình tôi, động viên tôi bằng 3 chữ Nhẫn, Nhẫn, Nhẫn. 

Năm 1998, tôi xin chuyển công tác về Phòng Thương Mại VCCI, tôi gọi điện thoại xin ý kiến anh trước, anh bảo “Cô về đây là đúng, tôi ủng hộ” và tôi đã chính thức chuyển biên chế về VCCI từ tháng 10 năm 1998. Thời gian làm việc ở Phòng Thương Mại, tôi thấy anh Thành là người thẳng thắn, nho nhã và cư xử đúng mực với mọi người. Có lẽ vì tuổi tác nên mọi người làm việc ở cơ quan có vẻ kính sợ nên đôi khi anh có phong cách lãnh đạo như một gia trưởng. Nhưng phải nói do tính quyết đoán của anh Thành nên chỉ trong thời gian làm việc 10 năm từ 1992 đến 2003, Phòng Thương Mại VCCI đã có những cơ ngơi đồ sộ từ trụ sở Trung ương đến các chi nhánh TP HCM, Vũng Tàu, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng.

Năm nay 2019, anh Đoàn Duy Thành đã 90 tuổi, đã nghỉ hưu nhiều năm nhưng anh vẫn nghiên cứu viết sách về Lý luận Hồ Chí Minh và Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Tạp chí Việt Nam Hội nhập đã giới thiệu nội dung công trình nghiên cứu: LÝ LUẬN HỒ CHÍ MINH VỀ XÂY DỰNG ĐẢNG TIỀN PHONG của đồng chí Đoàn Duy Thành. Cuốn sách LÝ LUẬN HỒ CHÍ MINH VỀ XÂY DỰNG ĐẢNG TIỀN PHONG đã được Nhà xuất bản Thông tin Truyền thông tái bản 2 lần và được đánh giá là một công trình nghiên cứu lý luận tâm huyết của một nhà lãnh đạo, nhà quản lý tiêu biểu khi viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

4) Anh Cao Sĩ Kiêm là một người đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc phát triển sự nghiệp của tôi. Năm 1989, tôi gặp anh lần đầu ở nhà khách Chính phủ trên đường Tú Xương (lúc ấy anh mới về nhận chức vụ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN thay ông Lữ Minh Châu) để báo cáo với anh về kết quả ký hiệp định vay vốn ngân hàng quốc tế MIB. Nhận xét ban đầu của tôi khi gặp anh là phong cách trẻ trung lịch sự. Anh điềm đạm ít nói nên mọi người đối với anh có một khoảng cách. 

Năm 1990 Hội nghị HĐQT ngân hàng Quốc tế MIB tổ chức ở TP HCM. Thống đốc NHNN Việt Nam tiếp Chủ tịch Ngân hàng Quốc tế MIB. Hôm ấy tôi được mời đến cùng đón tiếp đoàn, vừa trông thấy tôi ông chủ tịch MIB mời tôi ngồi giữa ông và anh Kiêm và nói rằng ông biết nhiều về đất nước Việt Nam thông qua Madam Sơn. 

Năm 1991 tôi đi công tác ở Nhật, Đài truyền hình Nhật Bản đang làm cuốn phim về hai người phụ nữ tiêu biểu của Việt Nam là bà Ba Thi (Nguyễn Thị Ráo) và tôi (Nguyễn Thị Sơn). Tôi vừa đến sân bay, đài truyền hình đã có mặt để quay những cảnh tôi làm việc tại Nhật. Trong chương trình làm việc của tôi có buổi tiếp kiến Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và tham quan thị trường chứng khoán ở Tokyo. Đoàn làm phim bèn tháp tùng đưa tôi và cô Ngọc Bích thư ký của tôi đến tận nơi và quay cảnh trao đổi làm việc của tôi với ngài Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN. Từ phong cách làm việc tự tin và quan hệ hợp tác quốc tế có sự tin cậy của các đối tác như thế nên anh Cao Sĩ Kiêm đối với tôi có sự cởi mở hơn và chúng tôi dần dần quý mến nhau, xem nhau như anh em thân thiết. 

Thỉnh thoảng vào thành phố công tác, anh cũng đến thăm Legamex, thấy sự phát triển của công ty ngày càng tốt đẹp anh cũng hài lòng và yên tâm về việc Ngân hàng Nhà nước bảo lãnh tín dụng quốc tế cho công ty. Khi MIB có thông báo bán nợ vay tín dụng cho các ngân hàng phương Tây với giá 40%, anh Cao Sĩ Kiêm cũng giới thiệu những ngân hàng có uy tín của Hòa Lan và Anh quốc vào làm việc với công ty, các ngân hàng này sẵn sàng giúp đỡ về kỹ thuật và vốn tín dụng trong quá trình đàm phán mua lại nợ của MIB. Anh cũng là người ủng hộ chương trình cổ phần hóa các công ty có sở hữu nhà nước vì quan điểm của anh là: nhà nước nên tập trung vốn cho những ngành kinh tế quan trọng mà tư nhân không có khả năng làm được như cảng biển, hàng không, cơ sở hạ tầng, hoặc liên quan đến đời sống của nhân dân như bệnh viện, trường học, còn những ngành công nghiệp nhẹ như may mặc, giày dép, chế biến thực phẩm, nên khuyến khích để tư nhân bỏ vốn đầu tư.

Những năm tôi gặp sự cố, tôi không liên lạc nhưng vẫn biết dưới sự chỉ đạo của anh, Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục giúp đỡ công ty Legamex làm các thủ tục vay vốn ngân hàng J. P. Morgan của Mỹ để mua lại nợ tín dụng của MIB với giá 40% số nợ. Công ty Legamex chỉ thanh toán 4,8 triệu USD thay vì 12 triệu USD, làm lợi cho công ty 7,2 triệu USD. Điều này đã khẳng định đề án mua lại nợ của công ty Legamex mà trước đây tôi đã báo cáo với Ban chỉ đạo cổ phần hóa công ty là hoàn toàn xác thực. 

Năm 2000, tôi về làm việc ở tỉnh Bắc Ninh, gặp anh Kiêm cũng chủ trì cuộc họp các ngân hàng làm việc về các chỉ tiêu tín dụng với tỉnh. Anh Kiêm rất vui khi gặp lại tôi và nói vẫn quan tâm đến việc của tôi, anh mừng khi biết tôi về công tác tại Phòng Thương Mại VCCI. Lúc này anh đã sang làm Phó trưởng ban, Ban Kinh tế Trung ương và là Phó chủ tịch Hội đồng Tài chính quốc gia.

Khi tôi chuẩn bị đề án thành lập Đại học tư thục VCCI, tôi mời anh tham gia Hội đồng sáng lập và Hội đồng khoa học trường Đại học, anh vui vẻ nhận lời và nói anh quý sự nỗ lực phấn đấu của tôi. Tôi cũng kính trọng anh Kiêm vì tính cách khách quan và sự nhiệt tình của anh trong công việc. 

Trong việc đàm phán mua lại nợ MIB ngoài chủ trương của anh Cao Sĩ Kiêm, phải nói đến sự nhiệt tình và tài năng thương lượng của các anh Đào Quang Thông Vụ phó Vụ quản lý ngoại hối Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, anh Phạm Học Lâm Phó chủ tịch Ngân hàng Quốc tế MIB, anh Lưu Đức Thái chuyên gia tư vấn tín dụng Ngân hàng Quốc tế MIB, anh Lê Trọng Nhi đại diện Ngân hàng J. P. Morgan - Mỹ. Ngân hàng Morgan đã cho Legamex vay 4,8 Triệu USD để mua lại nợ MIB, như thế Legamex đã xóa phần lớn số nợ từ 12 Triệu USD còn 4,8 Triệu USD, làm lợi cho công ty 7,2 Triệu USD. 

Tôi cũng được biết rằng, sau khi mua nợ MIB, về nguyên tắc đây là khoản tín dụng do công ty tự vay tự chịu trách nhiệm, nhưng do có bảo lãnh của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên khoản lợi trên Bộ Tài chính cho là khoản thuộc ngân sách nhà nước. Nhưng Bộ Tài chính cũng xét thấy đến thời điểm ấy Legamex vẫn là doanh nghiệp nhà nước, từ trước chưa được cấp vốn của nhà nước bao giờ nên đồng ý cấp vốn lại bằng số lợi có được do mua lại nợ để lành mạnh hóa tình hình tài chính công ty. Như thế quá trình họat động của Legamex từ bàn tay trắng, vay nợ để đầu tư, mua lại nợ, làm lợi do mua nợ. Không chỉ riêng Legamex có lợi do được rót vốn bổ xung mà ngân sách nhà nước cũng có lợi từ số tiền sở hữu phần vốn nhà nước ở Legamex.

5) Anh Đào Duy Chữ: Năm 1988, qua công tác thỉnh thoảng tôi gặp anh Đào Duy Chữ, anh là cán bộ cao cấp của ngành dầu khí, hơn tôi 12 tuổi và cách suy nghĩ mọi sự việc anh đều hơn hẳn tôi một cái đầu nên tôi lúc nào cũng kính trọng anh.

Hai anh em có một vài kỷ niệm rất vui: một lần gặp tôi ở Hội nghị đầu tư tổ chức ở Hà Nội, lúc ấy anh có một số dự án đầu tư ở phía Nam nên mời tôi đi ăn cơm để trao đổi thêm, ngày ấy ở Hà Nội tiệm ăn hiếm hoi, chỉ có các quán ăn ở vỉa hè, thế là hai anh em đi bộ vừa nói chuyện vừa tìm tiệm ăn, ra tới Hồ Gươm mà vẫn chưa tìm ra tiệm ăn, anh đành mời tôi ăn que kem Tràng Tiền nhưng vẫn bàn những dự án lớn. Một lần khác gặp anh ở Mascova khi đoàn lãnh đạo quận 10 đến chào Thương vụ VN ở LX, anh hẹn sẽ đến thăm nhưng khi đến nơi Đoàn đang họp với các đối tác nên anh chào hỏi rồi về, tôi cảm thấy áy náy, ngày ấy liên lạc điện thọai ở Nga rất khó, mà đường xá ở Nga thì tôi không rành rõ nên tôi rủ cô Ngọc Bích thư ký của tôi đi cùng đến thăm anh, xin lỗi và về ngay vì sợ không bắt được xe. Chiều Mascova mùa Thu se lạnh, anh dẫn tôi ra đường đón xe phải chờ cả tiếng mới đón được. Rồi công việc của tôi quá bận rộn, anh cũng thế, mỗi người mỗi mải lo công việc của mình. Những dự án đã bàn với quận 10, anh giao lại cho các đơn vị trực thuộc phía Nam thực hiện.

Anh đối với tôi vừa có sự bao dung của người anh, vừa có sự cởi mở thân mật của người bạn, tôi có thể tâm sự với anh bất cứ chuyện gì mà tôi cảm thấy bức xúc trong cuộc sống. Những lời khuyên của anh luôn luôn tạo những bước chuyển biến trong sự nghiệp của tôi, nhất là thời gian tôi gặp sự cố, các con tôi cũng đến gặp và xin ý kiến của anh. Không ngờ sau này chúng tôi lại có 6 năm làm việc chung trong một cơ quan và anh trở thành cấp trên trực tiếp của tôi, Phó chủ tịch Phòng Thương Mại, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trường Cán bộ Quản lý doanh nghiệp. Với kiến thức cao, mối quan hệ rộng trong xã hội và uy tín cá nhân anh đã giúp đỡ tôi nhiều việc trong quá trình quản lý nhà trường. Cả anh chị và các cháu đối với tôi rất chân tình, đám cưới các con tôi anh chị đều đến dự và có những lời phát biểu còn hơn cả ruột thịt.

6) Anh chị Đặng Hữu: Tôi quen anh Hữu năm 1992 khi anh là Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và môi trường, lúc ấy tôi tham gia dự án nâng cao năng lực nội sinh của Bộ KHCNMT có sự hỗ trợ và tư vấn của Liên Hiệp Quốc. Thỉnh thoảng tôi ra Hà Nội họp đóng góp ý kiến cho dự án. Một lần ban tổ chức có buổi chiêu đãi hội nghị và tôi được gặp chị Chu Anh Đào, phu nhân của anh Đặng Hữu. Sau này chị Đào và tôi trở nên thân thiết. Lúc tôi gặp sự cố không có nhà, chị động viên giúp đỡ các con tôi, lúc cháu Hoàng Anh tốt nghiệp ở Úc về, anh chị cũng lo việc làm cho cháu được làm việc ở công ty Schmit cùng với anh Trung con trai anh chị. Đám cưới các con tôi, dù xa xôi từ Hà Nội chị vẫn bay vào dự với các cháu. Những tình cảm ấy còn quý hơn vàng bạc. Dự án thành lập Đại học quốc tế do anh Đặng Hữu sáng lập đã có quyết định của Thủ tướng chính phủ về nguyên tắc cho phép thành lập tại Bắc Ninh, anh Hữu cũng mời tôi tham gia sáng lập trường Đại học Quốc tế.

Năm nay 2019 anh Đặng Hữu đã 90, chị Đào cũng đã trên 80 nhưng vẫn rất minh mẫn, hai ông bà đều đẹp lão phúc hậu, thỉnh thoảng vào TPHCM anh chị vẫn đến thăm gia đình tôi và các cháu.

7) Anh Nguyễn Văn Kích: Cuối năm 1988, khai trương Trung tâm Thương mại quận 10 ở Đường 3 Tháng 2 trong đó có khu triển lãm, trưng bày các sản phẩm xuất khẩu thuộc công ty Legamex. Các sản phẩm thời trang Dệt, Da, May xuất khẩu cho Tây Đức, Liên bang Xô Viết và các quốc gia Đông Âu rất được người tiêu dùng trong nước yêu thích. Anh Nguyễn Văn Kích lúc ấy là Thư ký, trợ lý của Ông Phan Văn Khải Chủ tịch UBND TPHCM, đã cùng các nhà báo, các chuyên gia kinh tế đến nghiên cứu và viết phóng sự đưa tin về kinh doanh theo nhu cầu thị trường của Legamex. Khi ông Phan Văn Khải ra Hà Nội làm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Phó Thủ tướng, và là Thủ tướng, anh Nguyễn Văn Kích chuyển về công tác tại Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, rồi Vụ trưởng, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng thời được thủ Tướng Phan Văn Khải chỉ định tham gia Ban Nghiên cứu Thủ tướng Chính phủ, được Trưởng Ban phân công làm Tổ trưởng Tổ tư vấn phía Nam. Thỉnh thoảng anh Kích mời tôi tham gia góp ý kiến cho Đoàn Đại biểu Quốc hội của Thành phố, tham gia góp ý kiến về kinh tế tài chính cho Tổ tư vấn chính phủ.

Khi thành lập Viện Khoa học Pháp lý và Kinh doanh Quốc tế IBLA, tôi mời anh Kích tham gia Hội Luật gia và được sự phê chuẩn của Thường vụ Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, bổ nhiệm anh Kích là Phó Viện trưởng, Chi hội trưởng Chi hội Luật gia Viện IBLA. Với kinh nghiệm về quản lý nhà nước, anh Kích đã giúp tôi trong việc phát triển công tác nghiên cứu khoa học pháp lý của Viện IBLA.

8) Và còn nhiều người anh, người chị, cô, chú rất thương yêu tôi mà bao nhiêu năm tôi vẫn giữ được những tình cảm sâu sắc, nhất là trong những giai đoạn tôi gặp khó khăn, như cô chú Sáu Khải, anh chị Sáu Tường, chị Khánh, cô Năm Bắc, chú Năm Thái, anh chị Lâm-Hương, anh chị Thái-Hiếu, cô chú Hà Hạnh.... Những năm trước, thỉnh thỏang tôi vẫn đến thăm các anh chị, các cô chú,.. 

Nhưng rồi thời gian vẫn cứ trôi, tôi đau buồn vì sự ra đi mãi mãi về cõi vĩnh hằng của Cô Chú Năm Bắc, Chú Sáu Tường, Chú Trần Bạch Đằng, anh Đào Duy Chữ, Chú Năm Thái, Cô chú Sáu Khải, Bác Đỗ Mười... 

Nhiều năm đã trôi qua, mặc dù thời gian đã được lấp đầy với công việc, trong lòng tôi vẫn luôn có sự ức chế. Tôi viết tự truyện trong một tâm trạng buồn, như một lời tâm sự, lần đầu được 33 trang, tôi gửi cho một vài người bạn thân xem trước. Chị Đường nguyên Tổng giám đốc dệt Phong Phú bảo: “thiếu nhiều lắm, chưa nói hết về những thành quả của Legamex, hơn nữa mới chỉ nói về chuyện buồn, cuộc đời cô Sơn cũng còn nhiều chuyện vui để nói chứ. Phải mạnh dạn viết rõ những việc làm, những suy nghĩ trăn trở của mình để đi đến thành công, thậm chí phân tích tại sao thất bại cho con cháu mình học tập sau này. Chị nhớ ngày xưa chị được giới thiệu đến thăm Legamex là từ cô Ba Định và chị Mỹ Hoa, cô Ba Định khen sự phấn đấu của cô Sơn nhiều lắm. Từ ngày đó đến nay chị theo dõi thấy em mặc dù trong cuộc sống có nhiều vất vả, hoàn cảnh gia đình như thế vẫn nuôi các con ăn học thành đạt. Bản thân cô Sơn cũng phấn đấu học tập bằng nhiều hình thức kể cả tự học để nâng cao kiến thức bắt kịp những yêu cầu trong môi trường kinh doanh mới, thị trường mới. Các cháu nhà cô Sơn phát triển sự nghiệp vững vàng trong giai đọan hội nhập kinh tế quốc tế với đầy sự cạnh tranh này không phải là dễ. Chị thường nói với mọi người cô Sơn là người phụ nữ giỏi và có nghị lực”. 

Qua đóng góp ý kiến chân tình của nhiều người như Thứ trưởng Nguyễn Văn Ích, Tham tán công sứ tại Bruxells Thạc sĩ Bùi Việt Cường, TS Nguyễn Hữu Hiền, Bác sĩ Lê Văn Lộc (Bùi Thế Nhương), Luật gia Lê Đông Triều, TS Ngô Anh Cường, chị Thu Linh... tôi cố gắng hoàn thiện, chữa đi chữa lại. 

Ngày mùng 4 Tết Bính Tuất (2006) tôi nhận được bài thơ của Bác Lê Chi Tiết, nguyên Chủ nhiệm Liên Hiệp Xã TP HCM, năm ấy bác Tiết đã 80 tuổi: 

Tặng cháu Sơn
Như cánh chim xanh vút biển trời
Ngỡ rằng vạn vật thảy đều vui
Rủi sao gặp cảnh truân chuyên ấy
Mới rõ vàng thau, thấm sự đời
Khen thay nhi nữ sánh tài trai
Nghịch cảnh lòng vàng chẳng đổi thay
Năm tháng kiên trinh đời đã chọn,
Gập ghềnh, vững dạ, bắt tương lai…
“Tiến sĩ”… ngày nay quá rỡ ràng
Với đời gương đẹp đã sang trang…
Khác chi một đóa sen hồng thắm,
Dìu dịu hương đêm ngát giữa đồng…
Xót thay cảnh cũ ngậm ngùi vương,
Mới nửa đời Xuân vĩnh biệt chồng,
Sớm mất cha yêu nghìn vạn lý,
Vui đời giữ phận… tấm gương trong

8. Tôi cũng không quên những người bạn Nhật Bản. Lúc tôi còn ở Legamex, tôi đối với họ chỉ là khách hàng tiềm năng có uy tín. Nhưng khi tôi gặp sự cố không có nhà, họ đã chủ động sang gặp các con tôi và đề nghị giúp đỡ các con tôi, tạo điều kiện cho các con tôi phát triển sự nghiệp. Đó là các ông bà người Nhật: Mr. Nishida, Mr. Takahashi, Mr. Sindo, Mr. Haxerawa, Mr. Oda, Mrs. Shimazaki, Mrs. Fujikawa... Đám cưới cháu Hồng Vân con gái tôi, họ đã từ Nhật bay sang dự và phát biểu rất chân thành trong buổi lễ. Bây giờ tất cả đều đã già, trước đây họ là đối tác của tôi, bây giờ các con họ tiếp tục quản lý công ty đều là đối tác của các con tôi. Họ luôn truyền đạt với những người kế nhiệm về truyền thống kinh doanh – “Uống nước nhớ người đào giếng”.

9) Mr. Robert Hershan, Tổng giám đốc tập đoàn Pacific Brand – Australia. Khi nghe tin tôi gặp sự cố, ông đã đến gặp con trai tôi, Nguyễn Hoàng Anh đang học ngành Computer Science tại trường Đại học RMIT ở Melbourne Úc, thông báo sự việc của tôi và an ủi con tôi đừng lo lắng, đồng thời giới thiệu cho con tôi được làm việc tại một công ty về phát triển phần mềm nhằm giúp con tôi có tiền tiếp tục việc ăn học ở Úc. Đến bây giờ mặc dù không còn quan hệ kinh doanh, chúng tôi vẫn gửi email thường xuyên cho nhau, kể về chuyện trưởng thành của các con và chúc nhau mỗi khi chúng tôi có những điều vui vẻ hoặc thông báo cho nhau về sự phát triển trong sự nghiệp của các con.

Trích Chương 13 – TÌNH YÊU GIA ĐÌNH SỰ NGHIỆP, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, tháng 2 năm 2006.

CHƯƠNG 1: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - Tuổi 17 (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 2: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - Khởi nghiệp (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 3: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - Gia đình hạnh phúc (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 4: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - Chiến tranh & hòa bình trong tôi  (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 5: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - Tham gia phát triển kinh tế đất nước  (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 6: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - Vĩnh biệt người chồng thân yêu  (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 7: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - Phát triển sự nghiệp  (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 8, 9: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - Sự cố lớn trong cuộc đời  (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 10: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - Chân lý & Công lý (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 11: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - Tiên vi quan, hậu vi sư  (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 12: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP- Kinh nghiệm qua các chuyến công du (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 13: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - Tình thân hữu  (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 14: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - Sự trưởng thành của các con  (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 15: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - Về với quê hương  (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 16: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - Viện Khoa học Pháp lý & KDQT (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 17: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - TRường THCS, THPT Duy Tân (Bấm vào xem)

Tác giả Nguyễn Thị Sơn

Xem thêm Văn Nghệ