Cúm và các bệnh siêu vi hô hấp ngày càng nguy hiểm

  • www.doanhtri.net
  • 27-03-2023
  • 916 lượt xem
Chương trình tư vấn với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành đã mang đến nhiều kiến thức bổ ích về bệnh cúm và các bệnh lý đường hô hấp. Ảnh: Nguyễn An
 
VTV.vn - Thời điểm giao mùa và hiện tượng thời tiết bất thường trên cả nước khiến cúm và các bệnh hô hấp bùng phát trở lại sau 3 năm ngủ yên vì COVID-19.
 
Tối ngày 24/3, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp cùng Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC tổ chức chương trình tư vấn "Cập nhật diễn biến của cúm A & các bệnh siêu vi hô hấp".
 
Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu gồm TS.BS Nguyễn An Nghĩa, Phó khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP.HCM, BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, ThS.BSNT.CKI Trịnh Thị Hồng Vân, Bác sĩ Khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh, TP. Hồ Chí Minh.
 
Vì sao cúm và các bệnh siêu vi hô hấp bùng phát thời điểm này?
 
Theo BS Trịnh Thị Hồng Vân, các bệnh lý về đường hô hấp xuất hiện quanh năm nhưng khi chuyển mùa, thời tiết nắng nóng và lạnh ẩm thất thường khiến sức đề kháng con người bị suy giảm, dễ nhiễm bệnh và dễ lây lan.
 
Siêu vi, virus hay vi khuẩn đều có thể gây bệnh. Sự khác nhau lớn nhất giữa virus và vi khuẩn là ở chỗ vi khuẩn phải điều trị bằng kháng sinh còn virus thì không.
 
Phụ huynh thường rất chú trọng việc tiêm chủng cho trẻ từ 0 - 2 tuổi nhưng lại lơ là tiêm chủng ở trẻ lớn, người lớn và người cao tuổi trong khi những đối tượng này có các mối quan hệ rộng, tiếp xúc xã hội lớn, khả năng mắc các bệnh truyền nhiễm rất cao, đặc biệt là trong bối cảnh các bệnh hô hấp như cúm và siêu vi hô hấp bùng phát.
 
Các bệnh đường hô hấp có thể lây truyền qua tiếp xúc tay, khi người bệnh ho hắt hơi khiến các chất tiết hô hấp bám trên các bề mặt vật dụng hoặc lơ lửng trong không khí. Ngoài ra, những giọt chất tiết ở trong không khí khi người bệnh nói chuyện có thể làm trẻ hít phải thì có thể khiến cho trẻ bị lây nhiễm.
 
Chia sẻ sự khác nhau giữa cúm và cảm, bác sĩ Hồng Vân cho rằng đây là 2 nhóm bệnh do siêu vi hô hấp. Cảm và cảm lạnh do nhóm siêu vi: RSV 50% các trường hợp, adeno, Sar-cov 2. Triệu chứng cảm lạnh thông thường tại hệ hô hấp: ho nghẹt mũi, sổ mũi, trẻ nhỏ thường sốt.
 
Trong khi đó cúm gây ra do virus cúm, có triệu chứng ho, hắt hơi, sổ mũi, đau họng, đột ngột, sốt cao, lạnh run, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi nhiều… Cúm có triệu chứng toàn thân nhiều hơn cảm lạnh. Khi vào mùa cúm, trẻ tiếp xúc với bệnh nhân cúm ở trường học hoặc trong gia đình hoặc nơi đông người có triệu chứng thì phụ huynh nên nghĩ về bệnh cúm. Đôi khi rất khó phân biệt, ngay cả đối với bác sĩ.
 
Trẻ em là 1 trong những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh nặng và biến chứng nặng do cúm gây ra, nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, người lớn cũng có thể mắc và bệnh nặng. Những đối tượng nguy cơ nhiễm cúm và siêu vi hô hấp diễn biến nặng là trẻ nhỏ, người già trên 65 tuổi, người bệnh lý nền, đái tháo đường, tim mạch suy giảm miễn dịch…
 
TS.BS Nguyễn An Nghĩa, Phó khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP. Hồ Chí Minh là gương mặt quen thuộc trong các chương trình tư vấn sức khỏe của hệ thống tiêm chủng VNVC. Ảnh: Nguyễn An
 
Sự nguy hiểm của đồng nhiễm và bội nhiễm
 
Đồng nhiễm và bội nhiễm hiện nay khá phổ biến, là tình trạng trẻ mắc nhiều tác nhân cùng lúc. Theo TS.BS Nguyễn An Nghĩa, đồng nhiễm là mắc nhiều bệnh cùng lúc còn bội nhiễm là sau khi nhiễm một bệnh thì các tác nhân khác tiếp tục xâm nhập và gây bệnh nặng hơn.
 
BS Nguyễn An Nghĩa cho rằng, cúm và phế cầu là một "cặp đôi" nguy hiểm. Bản chất vi khuẩn phế cầu luôn tồn tại trong cơ thể con người, tập trung nhiều ở hầu họng, chúng "nằm yên" và không gây hại. Tuy nhiên, khi một đứa trẻ, kể cả người lớn mắc cúm, sức đề kháng suy giảm, niêm mạc đường hô hấp tổn thương thì sẽ mở đường cho vi khuẩn phế cầu phát triển mạnh, di chuyển đến các cơ quan khác như phế quản, phổi và gây viêm ở những bộ phận này. Do vậy, phòng ngừa cúm không chỉ là phòng ngừa một căn bệnh đơn lẻ mà còn là cách để phòng xa các bệnh lý khác có thể xuất hiện.
 
Trước đây, vaccine phế cầu chỉ ngừa được 10 chủng, hiện nay vaccine phế cầu 13 có hiệu quả phòng được 13 chủng, giúp bảo vệ toàn diện hơn và có thể tiêm được cho trẻ em từ 6 tuần tuổi, người trưởng thành, người lớn tuổi.
 
Buổi tư vấn cũng nhận được rất nhiều câu hỏi của độc giả về phân biệt cúm A, cúm B và cúm gà, Bác sĩ Bạch Thị Chính cho rằng, các chủng virus cúm hiện nay có cúm A, B, C, D. Cúm A thì có thể gây đại dịch, cúm B có thể gây dịch nhỏ còn C có thể gây các ca bệnh rải rác. Với cúm A, từng có những đại dịch trong quá khứ như cúm Tây Ban Nha vào năm 2009.
 
Trên virus cúm có 2 kháng nguyên là H và N, gồm 18H và 11N, sự phối hợp của H và N sẽ cho ra 1 chủng virus cúm, ví dụ sự phối hợp của H1N1, H3N2,... Có những chủng cúm chỉ gây bệnh trên động vật, có những chủng gây bệnh trên người. Người ta lo lắng nếu một trường hợp người bị lây H5N1 từ gia cầm, đồng thời cũng đồng nhiễm H1N1 ở người thì trong quá trình trưởng thành virus sẽ chui vào tế bào của con người, lấy đi những thành phần trong tế bào để tạo thành cấu trúc riêng. Trong quá trình hòa nhập và vào trong các tế bào của người, nó có thể lẫn lộn bộ gen H5N1 và H1N1 để nó tạo ra một con virus cúm mới và lây từ người sang người như độc lực của virus lây nhiễm trên gia cầm.
 
Do vậy, việc tiêm vắc xin ngừa cúm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn, không chỉ bảo vệ sức khỏe của mỗi người mà còn bảo vệ cộng đồng, hạn chế khả năng virus cúm lây lan ở diện rộng và kết hợp, tạo thành những chủng mới nguy hiểm.
 
Tranh cãi về sử dụng kháng sinh điều trị bệnh
 
Hiện nay, chuyện dùng kháng sinh cho trẻ em và người lớn đang có nhiều tranh cãi và mâu thuẫn. Nhiều người tự ý sử dụng kháng sinh mà không qua sự tư vấn, kê đơn của bác sĩ. Mặt khác, một số phụ huynh lại rất ngại cho con uống kháng sinh, họ có thể cho con uống theo đơn bác sĩ nhưng giữa chừng nếu thấy bệnh đã ổn là tự ý ngưng uống khiến cho bệnh không được điều trị triệt để.
 
Về vấn đề này, BS Nguyễn An Nghĩa cho biết, kháng sinh là một vấn đề lớn trong điều trị bệnh. Trong việc sử dụng thuốc có những loại không cần kê toa, ví dụ như thuốc hạ sốt, người dân có thể tự mua và sử dụng theo hướng dẫn. Tuy nhiên, kháng sinh lại là thuốc kê toa.
 
Việc có nên cho bệnh nhân uống kháng sinh hay không cũng cần sự thăm khám kỹ lưỡng và chẩn đoán của bác sĩ. Các bệnh hô hấp thường có triệu chứng khởi đầu là ho, sốt có thể do virus hay vi khuẩn, nếu sốt do vi khuẩn thì cũng có rất nhiều loại khác nhau nên sẽ không có một loại kháng sinh dùng chung cho nhiều bệnh.
 
Trong điều trị, kháng sinh đồ được sử dụng cho nhiều trường hợp để đạt hiệu quả tốt nhất. Đây là bảng kết quả giúp bác sĩ biết được loại vi khuẩn nào trẻ đang nhiễm nhạy hay kháng với từng loại kháng sinh, từ đó giúp việc lựa chọn thuốc trở nên dễ dàng và chính xác hơn.
 

Xem thêm Giáo dục - Sức khỏe