Trách nhiệm của nhà văn hòa cùng vận hội dân tộc

Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam cho mở diễn đàn trên vanvn.vn: “Tiến tới Đại hội nhiệm kỳ XI (2025-2030): Ý kiến hội viên” nhằm đăng tải đầy đủ nhất ý kiến của các nhà văn hội viên trong cả nước, đã được giới cầm bút đặc biệt quan tâm...

VanvnGiữa “mùa đại hội” cơ sở ở các khu vực trong cả nước để tiến tới Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ XI (2025-2030, tổ chức vào tháng 4.2025), việc Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam cho mở diễn đàn trên vanvn.vn: “Tiến tới Đại hội nhiệm kỳ XI (2025-2030): Ý kiến hội viên” nhằm đăng tải đầy đủ nhất ý kiến của các nhà văn hội viên trong cả nước, đã được giới cầm bút đặc biệt quan tâm.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu tổng kết công tác văn học năm 2024. Ảnh Thanh Bình

Trong thư ngỏ gửi các nhà văn hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đăng trên vanvn.vn, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thay mặt Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, sở dĩ có việc mở diễn đàn này là vì qua các đại hội cơ sở vừa diễn ra, Ban Chấp hành nhận thấy tình cảm và trách nhiệm của các nhà văn hội viên dành cho sự phát triển của Hội. Những ý kiến của các hội viên thẳng thắn, chân thành, nhiều gợi mở với mục đích làm cho Hội Nhà văn phát triển và nền văn học Việt Nam được nâng tầm trong thời đại mới.

Tuy nhiên, cũng theo thư ngỏ, thời gian tiến hành mỗi đại hội cơ sở rất hạn chế nên các đại biểu không thể có nhiều ý kiến đóng góp cũng như đi sâu vào các vấn đề được bàn đến. Với thái độ cầu thị, Ban Chấp hành muốn các nhà văn hội viên đóng góp được nhiều nhất những ý kiến có chiều sâu về các hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ qua và nhiệm kỳ tới, mà chủ yếu tập trung vào những gì Ban Chấp hành chưa làm được và cần phải làm cho sự phát triển của Hội.

Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ XI, Chi hội TP Hồ Chí Minh.

Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ XI, Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên tổ chức ở Trường Đại học Cửu Long – Vĩnh Long.

Như vậy, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã tỏ rõ thái độ cầu thị nhằm hướng tới một kỳ đại hội với nhiều kỳ vọng. Kỳ vọng đó là gì, hẳn sẽ không gì khác ngoài việc bầu ra một Ban Chấp hành mới đủ tâm, đủ tài, đủ tầm; đồng thời đưa ra được các định hướng cho hoạt động của nhiệm kỳ mới và các vấn đề cần sửa đổi, cần điều chỉnh để hội phát triển về mọi mặt.

Nói thì đơn giản, tóm lược chỉ trong vài chục chữ như thế nhưng mọi việc đều không đơn giản. Ví như, việc bầu ra một Ban Chấp hành mới “đủ tâm, đủ tài, đủ tầm”. Người đủ tài hay đủ tâm, đủ tầm thì trong đội ngũ nhà văn đang có cả. Nhưng, nhà văn rốt cuộc vẫn là con người, mà con người sống thiên về cảm xúc thì khác với những người làm chuyên môn hay làm quản lý đơn thuần. Vì thế, cứ “so bó đũa chọn cột cờ”, tìm được người xứng đáng để thay mặt mình tham gia Ban Chấp hành mới. Dĩ nhiên, Đảng Đoàn của Hội sẽ rất trách nhiệm trong việc này.

Đưa ra được các định hướng cho hoạt động của nhiệm kỳ mới và các vấn đề cần sửa đổi, cần điều chỉnh… ở thời điểm này cũng phải cân nhắc rất kỹ. Vì như Tổng Bí thư Tô Lâm đã quán triệt, rằng đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới. Đấy không chỉ là một chỉ đạo đơn thuần, mà là một thông lệnh để cả nước “lên đường” với tâm thế tự tin.

Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ XI, Khu vực Huế và Nam miền Trung tổ chức ở Đà Nẵng

Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ XI, Khu vực Bắc Trung Bộ tổ chức ở Thanh Hóa

Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ XI, Khu vực phía Bắc cụm 1 tổ chức ở Thái Nguyên

Kỷ nguyên mới là kỷ nguyên phát triển bứt phá, tăng tốc dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đích cuối cùng giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc; đuổi kịp, tiến cùng, sánh vai với các cường quốc năm châu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của thế giới, hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu. Cho nên, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh khi cùng các đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, đơn vị bầu cử số 1 tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, ngày 3.12, là “không thể chậm trễ được nữa bởi đây là thời cơ và để lỡ thời cơ là có lỗi với đất nước, với nhân dân”.

Muốn không chậm trễ thì phải hành động ngay. Hành động cụ thể mà bất kỳ nhà văn hội viên nào cũng làm được ngay, đó là nỗ lực suy nghĩ, trách nhiệm trong việc bầu bán, trách nhiệm trong đóng góp ý kiến, để nhiệm kỳ mới có một Ban Chấp hành mới với những định hướng hoạt động hòa nhịp được với tinh thần xốc tới của toàn quân, toàn dân, góp phần đưa đất nước đạt những thành tựu mới.

Đội ngũ văn nghệ sĩ cách mạng nói chung, nhà văn nói riêng không thể đứng ngoài cuộc, không thể thờ ơ với thời cơ của đất nước. Chính vì vậy, định hướng hoạt động của hội phải kích hoạt được tinh thần cống hiến, trách nhiệm của các hội viên, để hòa trong nhịp đập sôi động của cả trăm triệu người dân Việt Nam đang hướng vào kỷ nguyên mới, vì đó chính là vận hội của dân tộc.

Trong thư gửi giới họa sĩ và văn nghệ sĩ vào năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “…Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Người cũng khẳng định: “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”.

Quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi là định hướng cho sự phát triển của văn học nghệ thuật Việt Nam và những lời căn dặn bình dị của Người đến nay vẫn vẹn nguyên tính thời sự.

LƯƠNG DUY CƯỜNG

Báo Công An Nhân Dân