Lạm dụng kháng sinh gây hại đường ruột thế nào
- www.doanhtri.net
- 01-09-2024
- 346 lượt xem
Tự uống thuốc kháng sinh không kê đơn và hướng dẫn của bác sĩ có thể gây rối loạn tiêu hóa, viêm gan cấp, viêm đại tràng.
Bác sĩ thường kê thuốc kháng sinh cho người bệnh để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn, điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn.
Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết nhiều người bị sốt, ho, đau họng chưa rõ nguyên nhân thường tự mua thuốc kháng sinh uống. Trong khi họ có thể nhiễm virus chứ không phải do vi khuẩn, mà kháng sinh không có tác dụng điều trị virus. Tình trạng này có thể làm thay đổi vi khuẩn, khiến chúng khó tiêu diệt, gọi là kháng kháng sinh. Lúc này, bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng hơn, gây hại hệ tiêu hóa, nhất là đường ruột.
Rối loạn tiêu hóa
Sử dụng thuốc kháng sinh kéo dài làm giảm hấp thu ở ruột, tăng nguy cơ rối loạn tiêu hóa. Triệu chứng sau một thời gian uống kháng sinh là tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, chướng bụng...
Bác sĩ Khanh giải thích ruột có cả vi khuẩn có lợi và có hại. Để cân bằng hệ tiêu hóa, vi khuẩn có lợi thường chiếm 85%, vi khuẩn có hại khoảng 15%. Sử dụng thuốc kháng sinh kéo dài đã tiêu diệt cả lợi và hại khuẩn. Đường ruột mất cân bằng là nguyên nhân dẫn tới rối loạn tiêu hóa.
Vi khuẩn có lợi trong ruột giúp phân hủy thức ăn, hấp thụ chất dinh dưỡng. Khi dùng thuốc kháng sinh, những vi khuẩn có lợi giảm, dẫn đến cơ thể thiếu vitamin, khoáng chất và vi chất dinh dưỡng để duy trì cảm giác khỏe mạnh. Người bệnh cần vài tuần đến vài tháng để phục hồi sức khỏe đường ruột sau khi dùng kháng sinh, thường là khoảng hai tháng.
Người bệnh khi sử dụng kháng sinh cần có chỉ dẫn và theo dõi của bác sĩ. Trường hợp có triệu chứng đường tiêu hóa bất thường cần trao đổi với bác sĩ để điều chỉnh phù hợp.
Viêm đại tràng
Cơ thể duy trì vi khuẩn trong trực tràng ở trạng thái cân bằng tự nhiên. Thuốc kháng sinh và các loại thuốc khác có thể phá vỡ sự cân bằng này. Viêm đại tràng giả mạc xảy ra khi một số loại vi khuẩn, thường là C.difficile phát triển mạnh hơn các loại vi khuẩn khác. Các độc tố do vi khuẩn này sinh ra làm tăng tổn thương ruột già.
"Một số nhóm kháng sinh thường gây viêm đại tràng giả mạc bao gồm nhóm fluoroquinolone, nhóm penicillin, nhóm clindamycin, nhóm cephalosporin...", bác sĩ Khanh nói. Bên cạnh đó, thuốc hóa trị được sử dụng trong điều trị ung thư có thể phá vỡ sự cân bằng của vi khuẩn trong đại tràng.
Viêm gan cấp
Thuốc kháng sinh hay bất kỳ loại thuốc nào đưa vào cơ thể đều được chuyển hóa ở gan và đào thải qua thận. Gan là cơ quan tiếp nhận và phản ứng với thuốc. Nếu sử dụng kháng sinh không đúng liều lượng, kéo dài, dẫn tới tích tụ độc tố ở gan, gây ngộ độc, viêm gan cấp. Người bệnh thường mệt mỏi, uể oải sau khi sử dụng thuốc.
Người mắc sẵn các bệnh lý gan, thận, uống nhiều rượu bia, người cao tuổi... dễ tổn thương gan hơn khi dùng kháng sinh. Người bệnh cần sử dụng kháng sinh khi được bác sĩ kê đơn. Rửa tay thường xuyên, tiêm vaccine đầy đủ góp phần ngăn ngừa nhiễm trùng, giảm chỉ định dùng kháng sinh.
Tiến sĩ Khanh khuyên người bệnh nên ăn uống lành mạnh như tăng cường thực phẩm giàu lợi khuẩn, trái cây và rau quả, tránh thực phẩm chế biến sẵn... để sớm phục hồi sức khỏe hệ tiêu hóa sau khi dùng thuốc kháng sinh. Nghỉ ngơi khoa học, ngủ đủ giấc, kiểm soát căng thẳng, tập thể dục thường xuyên giúp giảm viêm, tăng vi khuẩn có lợi, cải thiện hệ miễn dịch và sức khỏe tổng thể.
Lục Bảo https://vnexpress.net