Hiện tượng Mưa phùn

  • www.doanhtri.net
  • 25-02-2024
  • 356 lượt xem
Nước ta thuộc kiểu khí hậu nhiệt đới gió mùa nên lượng mưa trung bình hàng năm lớn và cũng có nhiều loại hình mưa mang những đặc trưng khác nhau như mưa rào, mưa phùn, mưa dông,… Mưa phùn là hiện tượng khá phổ biến ở miền Bắc nước ta, thường xuất hiện vào mùa đông và đầu xuân.
 
Mưa phùn là hiện tượng hơi nước bốc hơi rồi ngưng tụ thành một lượng nước rất nhỏ (đường kính khoảng 0,5 mm). Những hạt nước li ti này ngưng tụ thành những đám mây thấp và tạo thành mưa phùn. Lượng nước mưa đo được từ mưa phùn nhỏ hơn 1 mm mỗi ngày. Bởi vì kích thước của mưa phùn là cực kỳ nhỏ, phần lớn nó bốc hơi trong quá trình hạ xuống và hầu như không thể chạm tới mặt đất. Vì vậy chúng ta khó có thể nhìn thấy mưa phùn nếu chỉ nhìn xuống đất. Mưa phùn có mã METAR là DZ. 
 
Mưa phùn xuất hiện ở miền Bắc vào mùa đông và đầu xuân, các tháng 11, 12 và tháng 1 âm lịch năm sau. Vào mùa đông, hiện tượng mưa phùn có thể xảy ra nếu nó được tạo ra trong các đám mây hình thành trong một lớp không khí ấm áp, bên trên có một lớp không khí lạnh nông, nhiệt độ ở dưới mức đóng băng.
 
Mưa phùn ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt
 
Mưa phùn có kích thước rất nhỏ và lượng mưa không lớn, khoảng 1mm/ngày, nhưng mưa phùn lại có đặc điểm là mưa rất dai dẳng, kéo dài gây ra rất nhiều vấn đề trong sinh hoạt hằng ngày của con người. Mưa phùn có tính chất như sương mù nên gây ra việc khuất tầm nhìn, cản trở việc tham gia giao thông.
 
Những cơn mưa phùn dai dẳng sẽ khiến cho môi trường luôn ẩm ướt dẫn đến nhiều vấn đề về sức khoẻ có thể xảy ra. Thời tiết ẩm do mưa phùn cũng là môi trường rất dễ sinh sôi các loại vi khuẩn, virus gây bệnh về đường hô hấp, sốt, phát ban, sởi, thuỷ đậu… cũng như những loại nấm mốc dễ phát triển dễ gây ra dị ứng, nhiễm trùng đường hô hấp. Những người có sức đề kháng kém và đặc biệt những người có cơ địa dị ứng thời tiết nên cẩn thận vào thời tiết này.
 
Một số biện pháp đảm bảo sức khỏe trong thời tiết mưa phùn
 
Đảm bảo vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, hạn chế không khí ẩm vào nhà, làm sạch nhà bằng khăn khô để phòng tránh ẩm mốc trong nhà, trong không khí, giảm những yếu tố có thể gây những căn bệnh nguy hại cho sức khỏe.
 
Ăn uống lành mạnh, đủ chất giúp tăng sức đề kháng. Chú ý sức khỏe của người già, trẻ nhỏ. Bổ sung đủ nước mỗi ngày để tránh việc cơ thể bị mất nước. Ngủ đủ giấc, tránh thức khuya và duy trì tập thể dục, thể thao đầy đủ để đảm bảo sức khỏe.
 
Giữ ấm cho cơ thể, nhất là với người già và trẻ em. Người cao tuổi và trẻ em hạn chế việc ra ngoài trời khi thời tiết mưa phùn, nóng lạnh đột ngột. Vào thời điểm có đợt không khí lạnh hay “mùa mưa phùn”, nên chuẩn bị áo mưa, ô dù, và nhanh chóng làm khô cơ thể cũng như quần áo khi gặp mưa.
 
Do mưa phùn có lượng mưa nhỏ nên nhiều người thường chủ quan không mặc áo mưa hoặc che chắn, khiến quần áo bị ẩm, gây ngấm lạnh vào cơ thể rất dễ ốm. Do vậy, nếu bạn cần di chuyển đoạn đường tương đối xa trong thời tiết mưa phùn thì vẫn cần mặc áo mưa hoặc che chắn cẩn thận./.
 
VH (Tổng hợp)   (dangcongsan.vn)

Xem thêm Giáo dục - Sức khỏe