Giáo dục pháp luật người chưa thành niên góp phần phòng ngừa tội phạm
- www.doanhtri.net
- 15-05-2024
- 308 lượt xem
(Chinhphu.vn) - Ngày 14/5, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp phối hợp với Liên minh Châu Âu (EU), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức tọa đàm góp ý sổ tay dành cho Tuyên truyền viên pháp luật về phòng ngừa người chưa thành niên vi phạm pháp luật.
Phát biểu khai mạc, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) Ngô Quỳnh Hoa cho biết, người chưa thành niên đang trong quá trình phát triển cả về thể chất và nhận thức; có nhiều vấn đề về tâm, sinh lý, dễ bị tác động bởi các yếu tố cả tích cực và tiêu cực trong xã hội; từ đó dễ dẫn tới hành vi lệch chuẩn. Theo nhiều thống kê, số lượng người chưa thành niên vi phạm pháp luật hàng năm vẫn rất cao.
Nhấn mạnh đây là đối tượng được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, TS. Ngô Quỳnh Hoa cho rằng, việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho người chưa thành niên có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần phòng ngừa tội phạm trong xã hội. Với đặc thù riêng về tâm sinh lý, việc chuyển tải thông tin, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người chưa thành niên cần phương pháp, hình thức phù hợp.
Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) xây dựng Sổ tay dành cho tuyên truyền viên pháp luật về phòng ngừa người chưa thành niên vi phạm pháp luật.
Sổ tay gồm 5 chuyên đề: Pháp luật hiện hành về phòng, chống vi phạm pháp luật của người chưa thành niên; Người chưa thành niên và chất gây nghiện; Sức khỏe sinh sản với người chưa thành niên; Một số kỹ năng sống cơ bản dành cho người chưa thành niên; Kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả cho người chưa thành niên.
TS. Ngô Quỳnh Hoa: Việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho người chưa thành niên có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần phòng ngừa tội phạm trong xã hội - Ảnh: VGP/LS
Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, ở độ tuổi sắp thành niên, các em không chấp nhận thông tin một cách đơn giản mà có nhu cầu được hiểu sâu về đạo lý nằm sau các quy định pháp luật, tác động của việc không tuân thủ những quy định đó tới sức khỏe, tương lai các em cũng như những kỹ năng thiết thực mà các em có thể áp dụng để đưa ra các quyết định đúng đắn, biết cách ứng phó khi bị bạn bè lôi kéo, từ đó tránh xa các hành vi vi phạm pháp luật.
Các em cũng không dễ tiếp nhận thông tin một chiều mà có nhu cầu tương tác để làm sáng tỏ những nội dung chưa rõ ràng, trao đổi, thảo luận để tự tìm ra giải pháp với sự hỗ trợ, định hướng của tuyên truyền viên pháp luật.
Để đáp ứng yêu cầu đó đòi hỏi phải áp dụng cách thức phổ biến, giáo dục pháp luật theo cách tiếp cận liên ngành, với việc lồng ghép các nội dung "ngoài pháp luật" như chất gây nghiện, sức khỏe sinh sản vào nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật với sự tham gia của các cán bộ liên quan như cán bộ y tế.
Đồng thời, cần áp dụng phương pháp truyền thông mang tính tương tác cho phù hợp với đối tượng. Việc biên soạn Sổ tay nhằm thúc đẩy hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật là rất cần thiết.
Tại tọa đàm, các đại biểu cũng thảo luận, cho ý kiến cụ thể với từng chuyên đề về nội dung, cách thức thể hiện, phương pháp thực hiện...
Tú Nhi (baochinhphu.vn)