Dùng trí tuệ nhân tạo để ‘hồi sinh’ nhà văn đoạt giải Nobel

Họ sử dụng các mẫu thu âm từ bài phát biểu, cuộc phỏng vấn để tạo ra một thư viện giọng nói của Hemingway. Sau đó, công nghệ AI tiên tiến sẽ phân tích các kiểu nói chuyện, đặc điểm ngữ điệu.

Vanvn- Khi còn sống, nhà văn Hemingway không nói được tiếng Trung Quốc. Giờ đây, hơn 60 năm sau ngày mất, ông được ‘hồi sinh’ để đọc các tác phẩm của chính mình bằng ngôn ngữ này.

Theo Telegraph, trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ đặt ra thách thức mà còn mang đến những cơ hội cho lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Công nghệ mới có thể hiện thực hóa các ý tưởng mà trước đây được xem là phi thực tế.

1-1731031671.jpg
 

Tiềm năng của AI trong nghệ thuật

Công ty sáng tạo nội dung Wunderman Thompson hợp tác với nhà xuất bản Penguin Random House trong dự án ‘hồi sinh’ nhà văn Ernest Hemingway, người từng đoạt giải Nobel Văn học và mất từ năm 1961.

Họ sử dụng các mẫu thu âm từ bài phát biểu, cuộc phỏng vấn để tạo ra một thư viện giọng nói của Hemingway. Sau đó, công nghệ AI tiên tiến sẽ phân tích các kiểu nói chuyện, đặc điểm ngữ điệu.

Thậm chí, các thuật toán đã dịch thành công lời nói của nhà văn sang tiếng Trung Quốc, điều mà khi còn sống ông không làm được. Với trí tuệ nhân tạo tạo sinh (generative AI), việc chuyển đổi sang mọi ngôn ngữ đều có thể triển khai. Wunderman Thompson dự kiến tiếp tục giới thiệu thêm giọng đọc của Hemingway trong nhiều ngôn ngữ khác.

Sản phẩm cuối cùng của dự án là văn hào người Mỹ sẽ tự đọc các quyển tiểu thuyết của mình cũng như thực hiện các chuyến giới thiệu sách. Đây là một trong những cách thức sử dụng AI hiệu quả vào lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

Theo Telegraph, trong khi mối đe dọa từ AI kích hoạt cuộc đình công khổng lồ của các tác giả, khiến Hollywood rơi vào tình cảnh bế tắc, nhiều nhà sáng tạo nội dung đã nhìn thấy tiềm năng to lớn của công nghệ này.

Chẳng hạn, trong âm nhạc, Desdemona là giọng ca nữ chính với mái tóc màu tím, váy ánh kim, đôi mắt mơ mộng và ca từ bắt tai. “Cô ấy” thực chất là một người máy, giọng hát được tổng hợp bằng thuật toán máy tính, nhưng có thể đứng cùng sân khấu và trình diễn với các thành viên khác – là người thật – trong nhóm.

2-1731031847.jpg
 

Theo một nghiên cứu gần đây của Đại học Swansea, những người được khảo sát bày tỏ xúc động trước đoạn thơ do AI viết hơn cả tác phẩm của con người. Mặc dù sau khi biết tác giả thật sự, họ đã thay đổi ý kiến.

AI cũng được ứng dụng ngày một nhiều trong các lĩnh vực khác của đời sống văn hóa, nghệ thuật, đặc biệt là phim ảnh. Mới đây, trong bộ phim Indiana Jones and the Dial of Destiny (2023), các nhà sản xuất đã dùng trí tuệ nhân tạo để giúp diễn viên Harrison Ford trông trẻ lại như thời điểm cách đây 40 năm, khi ông xuất hiện ở phần đầu tiên của series.

3-1731031854.jpg
 

Cơ hội dành cho những nhà sáng tạo nội dung độc lập

Chúng ta thường lo sợ các ông lớn công nghệ ngày càng nắm quyền kiểm soát đời sống xã hội, thay đổi mọi thứ theo hướng có lợi cho hoạt động kinh doanh của họ. Tuy nhiên, nhà làm phim độc lập người Canada, Arun Fryer rất hào hứng với khả năng tiếp cận công nghệ mới.

Trước đây, các hiệu ứng hình ảnh tốn nhiều chi phí và chỉ những hãng phim lớn có thể sử dụng. AI mang đến cơ hội bình đẳng cho các dự án nhỏ hơn. Trí tuệ nhân tạo cũng được dùng xuyên suốt từ khâu lên ý tưởng đến tiếp thị.

Arun Fryer đồng thời là giảng viên tại Trường Điện ảnh Vancouver (Canada). Ông sử dụng các công cụ AI như Cinelytic và Largo để dự đoán khả năng thành công của một bộ phim dựa trên các thông tin, số liệu về kịch bản, diễn viên và đạo diễn. Tỷ lệ dự đoán chính xác hơn 80%.

“AI giúp giảm thiểu rủi ro tài chính liên quan đến việc kinh doanh phim ảnh. Largo có thể tiếp thu kịch bản, chia nhỏ nó theo từng nhịp cảm xúc, đồng thời cho bạn biết điều gì không hiệu quả và đề xuất kiểu diễn viên phù hợp với nhân vật”, Arun Fryer cho biết.

Nhà làm phim này nhận định, đó là cách tuyệt vời để thuyết trình dự án với các nhà đầu tư, đơn vị tài trợ.

Tuy nhiên, vấn đề quyền tác giả khi AI tham gia vào việc sáng tạo nội dung nghệ thuật vẫn còn gây tranh cãi. Hiện tại, Mỹ và Anh chỉ công nhận tác quyền đối với các tác phẩm do con người tạo ra.

Trong khi đó, Fryer muốn thấy sự minh bạch hơn từ các hãng phim. “Cần phải có tuyên bố từ chối trách nhiệm, có thể cuối cùng là phần ghi công, chẳng hạn như biểu tượng bản quyền, để khán giả biết rằng đây là sản phẩm do AI tạo ra”, ông nêu ý kiến.

LINH ĐAN VietNamNet