Thơ My Thục: Còn chút nồng nàn

81 bài thơ rất mới và có những bài lần đầu công bố, My Thục mang đến cho bạn đọc yêu mến văn chương những cảm xúc thật. Thơ chị, giản dị như nụ cười hiền của chị và ánh mắt ngời lên niềm an nhiên trước cuộc đời của chị. Nếu được chọn lựa cách để mang tác phẩm của mình tới bạn đọc, chị vẫn thủy chung với việc lặng thầm sáng tác, lặng thầm tìm cách đến với bạn đọc với những bài thơ được trăn trở nhiều hơn trước những mất – còn. Tình yêu, hay mất mát, sự cô đơn, hay niềm hụt hẫng, chị đều cân nhắc để đặt bút và sáng tác.
Vanvn- Nhà thơ My Thục tên thật là Nguyễn Thị Mỵ, sinh năm 1979 ở Duy Xuyên, Quảng Nam, hiện sinh sống, làm việc tại Hội An. Chị làm thơ từ năm 1996, tập thơ đầu tay có tựa đề “Rồi cũng trăng về” (NXB Đà Nẵng năm 2021). Nhà thơ My Thục vừa có buổi gặp gỡ bạn bè, ra mắt tập thơ mới “Trên mấy dặm về xưa” tại Café Cố Quận. Đây là tập thơ thứ hai của chị do NXB Văn học ấn hành tháng 9.2024. Điều lắng lại sau tập thơ là sự cảm phục cách miệt mài lao động nghệ thuật của chị – một người “lỡ” neo lòng mình vào bến đậu văn chương đầy trắc ẩn.
 
Tôi đón nhận tập thơ “Trên mấy dặm về xưa” của chị vào đúng những ngày Đà Nẵng chớm thu. Gặp lại nhiều hơn là sự đồng cảm với một tấm lòng yêu thơ quá đỗi, cảm xúc dừng lại lâu hơn ở những bài thơ lục bát của chị, gây nhiều thương nhớ cho ai đó, một lần đã đọc: “Ngày của em ngày của nhau/ tạ anh – tạ khắp đất trời tình nhân…” (Ngày tình yêu).
 
81 bài thơ rất mới và có những bài lần đầu công bố, My Thục mang đến cho bạn đọc yêu mến văn chương những cảm xúc thật. Thơ chị, giản dị như nụ cười hiền của chị và ánh mắt ngời lên niềm an nhiên trước cuộc đời của chị. Nếu được chọn lựa cách để mang tác phẩm của mình tới bạn đọc, chị vẫn thủy chung với việc lặng thầm sáng tác, lặng thầm tìm cách đến với bạn đọc với những bài thơ được trăn trở nhiều hơn trước những mất – còn. Tình yêu, hay mất mát, sự cô đơn, hay niềm hụt hẫng, chị đều cân nhắc để đặt bút và sáng tác.
 
Thơ cũng như con đường song hành với cuộc đời thực của chị. Cảm giác như chị đã tự mình gom góp, tự mình đóng lấy một chiếc thuyền thơ để chọn một lúc nào đó có thể hòa mình vào biển cả văn chương. Con thuyền thơ ấy của chị, hướng đến bình minh hay những đêm sông trăng bình yên trên sông Hoài, phố cổ Hội An. Chất Quảng, địa danh xứ Quảng, con người xứ Quảng, lẫn đâu đó trong những bài thơ chị viết. Chị khéo léo đưa về cho mình một – mùa – trăng – thu diệu vợi của nỗi buồn, mênh mang của sóng tình và hơn cả, là điều chị cảm nhận và cách dừng lại.
 
“Em chằm nón mới mà vui
 
mai kia chằm cả quãng đời tặng nhau
 
cây bòn bon cũ vườn sau
 
khi không tại trổ lứa đầu mùa xưa…”
 
(Của lứa bòn bon).
 
Còn đó những câu hỏi vô tình rơi vào trang viết của chị, như kỷ niệm dấu yêu, là cách để người viết chọn một mình nuôi nỗi cô độc và tự nhận mình bé nhỏ trước nỗi nhớ rộng dài chưa thể dừng lại. Ngay lúc những câu hỏi đặt ra, tác giả tự trả lời để đếm đo tình yêu của mình trong những vui buồn xưa cũ: “Em ngồi quán cũ ngùi hương/thanh xuân có đủ vuông tròn tặng anh?” (Không đề).
 
 
Tình yêu vốn có nhiều hơn những bấp bênh, sự hẫng hụt, tiếc nuối. Khi đối diện, nỗi buồn tứa chảy trong từng câu thơ của chị: “Có chiếc thuyền thơ ai vừa cập bến/ Sao thơ em buồn đến vậy cuối sông trăng” (Thơ cuối sông trăng). Hay sự hẫng hụt trong hạnh phúc lứa đôi bởi lời hẹn cũ: “Hò hẹn anh ơi/Nghiêng phố áo dài/Anh vẫn chưa về/Mù tăm lữ thứ/Em sẽ cũ dần như chiều phố cũ/Thương nhớ dặm dài em biết làm sao?” (Thương nhớ dặm dài) và lời lỡ hẹn, miền trống vắng đâu đó, khó có thể cầm chặt trong cuộc đời: “Cầm câu thơ trên tay/hôn câu thơ lẻ bạn/tiếng chiều ru rất lạnh/dỗ dành đời không may…” (Một mình), “Ơn ngọn nồm của biển/ khi thị trấn lên đèn/ một mình nghe tóc rối/em trôi cùng bóng đêm” (Với đêm). Và nỗi cô đơn, chị gói lại, hình ảnh người phụ nữ, người mẹ, người vợ trong những bữa cơm một mình:
 
“Mâm cơm lại đã dọn ra
 
vẫn em khép cửa trong nhòa nhạt đêm”
 
(Vẫn em).
 
Tôi đọc nhiều hơn một tâm hồn thơ của My Thục trong trẻo dù có những bài thơ, nhiều câu thơ mang đậm nỗi buồn cố xứ. Có đôi bài thơ có phần “kén” người đọc, hoặc chỉ tiếp cận với bạn đọc ở một lứa tuổi nhất định. Ví như: “Hạt bụi – này tay ấm thanh xuân / tóc thơ-tha thiết thuở phong trần/ anh tan theo gió, anh xa mãi…/ hạt bụi – hồn anh, thôi đi hoang?” (Hình dung); “Ngoài kia mưa rơi nỗi đời vụn vỡ/Tay anh che từng ướt lạnh lòng nhau” (Che từng ướt lạnh). Hay niềm trống trải:
 
“Con nước xa kia buồn trôi mãi
 
Bờ bãi thương gì trắng một miền lau
 
Tiếc nhớ cũng mơ hồ sau tay vẫy
 
Em muốn nồng nàn sưởi ấm tim nhau”
 
(Còn chút nồng nàn).
 
My Thục đến với thơ và chọn thơ là góc riêng trong hành trình sống và viết. Sau những ngày miệt mài công việc mưu sinh với chuyên môn không có liên quan gì đến văn học – nghệ thuật, chị chọn thơ để cân bằng cảm xúc. Và trên bước chân tìm về ấy, người đọc nhận ra hoàn nguyên một trái tim thơ My Thục nhân hậu, nồng nàn.
 
NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO
Chuyên đề Công An Đà Nẵng