Vanvn- Nhà thơ Trần Nhã My xuất thân nhà giáo, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hiện là Chi hội trưởng Chi hội Văn học và Văn nghệ dân gian Hội VHNT tỉnh Tây Ninh, đã xuất bản 5 tập thơ, trong đó có tập thơ 1-2-3 “Hoa rong mùa bấc” do NXB Hội Nhà văn ấn hành cuối năm 2023. Nhân dịp Tọa đàm “Thơ 1-2-3 trong không gian văn học đương đại” do Hội Nhà văn Cần Thơ và Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn Trường Đại học Cần Thơ tổ chức, xin giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu Nhất Nguyên về tập thơ “Hoa rong mùa bấc” của Trần Nhã My.
Nhà thơ Trần Nhã My
Thơ, một từ huyền bí theo chiều dài lịch sử, luôn được xếp lên hàng tinh hoa chữ nghĩa. Nói không quá, loài người luôn ngưỡng mộ các nhà thơ qua mọi thời đại. Thơ, ảo ảnh khó nắm bắt nhưng cũng rất thật; thứ “công phu” mà người không duyên nợ không thể luyện thành, kệ cho anh có bác cổ thông kim hoặc bằng cấp đầy mình. Người Thơ có khả năng đặc biệt cùng con chữ; uyển chuyển, sống động trong cách chọn từ để làm nên một tự nhiên như tép mạ được cấy lên mặt ruộng màu mỡ phù sa trong khi ta – kẻ “vô duyên” với thơ – cũng với tình ấy, cảnh ấy mà từ ngữ được chọn cứ như hạt giống tốt đem gieo xuống cánh đồng sỏi đá! Vậy nên tôi tôn trọng các nhà thơ, trân quý các tác phẩm thơ đích thực thơ…
“Hoa rong mùa bấc” của Trần Nhã My là một tác phẩm thơ như vậy.
Nói đến Trần Nhã My chắc chắn người yêu thơ đất Tây Ninh không lạ. Thế nhưng cái lạ của “Hoa rong…” chính bởi nó được trình làng bằng một thể thơ rất mới: thơ 1-2-3!
Anh đã tặng em một giấc mơ
Giấc mơ có dấu chân người thơ trên phố Nguyễn Du
em nhìn kỹ những dấu chân đã cũ
Phía xa kia là Huy Cận, Chế Lan Viên, Thế Lữ…
phía này đây mình cùng bước dưới lấp lánh muôn trùng con chữ
bất ngờ kí tự rơi khiến em giật mình tiếc mãi giấc mơ.
Kỉ niệm một lần ra Bắc, dạo trên Con Đường Thơ và… mơ. Chuyện chỉ có bấy nhiêu. Thế nhưng ẩn dụ, ví von, tâm trạng trùng trùng lớp lớp bật lên trên nền chuyện thì lại rất riêng. Thực hóa thành mơ. Hơn thế, chất Trần Nhã My không lẫn vào đâu với cách sử dụng vần lặp, thanh lặp hoặc cách nhìn, cách cảm đặc thù. 1-2-3; một nỗ lực kết hợp giữa truyền thống và hiện đại; một kiểu “tứ tuyệt thời @” mà luật chơi không khó nhưng viết cho hay rất khó. Thế nhưng, quyến rũ; bởi tương thích cùng nhịp sống xô bồ trong một thời đại mà yêu cầu phát triển đang lôi tất tật mọi thứ vào vòng quay với tốc độ chóng mặt, kể cả thơ ca!
Làm sao để xử lí vấn đề nhanh gọn, nói được nhiều nhất trong khoảng thời gian và câu chữ ít nhất. Giản đơn hóa, “xuống đường” hóa đến triệt để mọi trừu tượng, rối rắm có thể. Vậy nên Người Thơ không cần nhiều thời gian để thai nghén và hoàn tất một bài thơ 1-2-3. Chỉ chiếc điện thoại cầm tay, một chớp lóe ý tưởng; sau đó mọi thứ còn lại đều có thể thu xếp chóng vánh. Chẳng trách 1-2-3 mới ra đời đã “rủ rê” nhiều nhà thơ hào hứng thử sức. Trần Nhã My là một trong số đó, và dường như chị thử sức không tệ!
Anh đi ngang lối cũ
Nhớ dùm em ngắm kỹ
hoa Hoàng Đầu Ấn nở chưa
Em sẽ về bên đó
đứng giữa cánh đồng dang tay đón gió
mắt nhăm nghiền nghe kí ức lao xao…
Tập thơ “Hoa rong mùa bấc” của Trần Nhã My và những tập thơ 1-2-3 của các bạn thơ khác từ ba miền đất nước
Cũng là cái đẹp mang phong cách Trần Nhã My phổ qua lăng kính 1-2-3; song đây là cái đẹp cực giản đơn, không “đánh đố” triết luận mà tràn cảm xúc, đẫm chất thơ. Trần Nhã My chuyên thơ mới, đã có cho riêng mình 4 tập thơ với nhiều giải thưởng xứng đáng. Một tài năng thơ thiên bẩm, có khả năng vượt qua những ràng buộc mang tính “chế tài” của thể loại mà vẫn giữ được bước chân thơ riêng cùng kiểu tư duy thơ nhiều khi rất lạ. Lạ về ý tưởng. Đôi khi lạ cả về cảm xúc. Vậy nên chị có thuận lợi nhất định khi tiếp cận cùng 1-2-3; thể thơ giúp chị dễ dàng phát huy những sở trường tích lũy được của mình trong cuộc hành trình lâu dài gắn bó cùng thơ. Trong tay Trần Nhã My, 1-2-3 có thể biến thành chuyện kể. Câu chuyện ngụ ngôn được viết lại từ những kỉ niệm ấu thơ còn hằn trong kí ức:
Tóc mẹ dài đen mượt
Ngày các con lên năm lên mười
buổi nông nhàn mẹ ngồi hiên hong tóc
Đám con mấy lượt tranh nhau bứt
làm cần câu – câu những con cút đùn trên cát
tóc con nay thưa dần – rụng về phía mẹ ngày xanh
Chỉ một câu kết, như cây đũa thần, gõ một phát – lập tức biến những gì trước đó tưởng chừng không thơ hóa thành… thơ!
Thế nhưng, đừng tưởng tư duy thơ của Trần Nhã My chỉ quẩn quanh trong “giường chiếu hẹp” cùng những cảm xúc, kí ức thân quen trong nhà ngoài sân. Đôi khi, nó đột ngột được đẩy thẳng lên tầm thân phận nhân sinh; thứ thân phận đầy bất trắc, mong manh dẫu cho khát vọng dẫy đầy. Câu chuyện thiên tài văn chương Dostoyevsky với hồi kí “Địa Ngục Trần Gian” kể chuyện đêm trước lúc hành hình Dostoyevsky đã ước: nếu trên một vực thẳm có tảng đá nhô ra chỉ đủ chỗ đặt hai bàn chân, buộc tôi sống suốt đời trong cảnh ấy tôi cũng chấp nhận…. Và Trần Nhã My, kẻ sinh sau thiên tài gần hai trăm năm đã kịp khắc họa cái hình tượng đó vào thơ; một khắc họa ám ảnh đến mức… rợn người:
Một giấc mơ về trong chớp mắt
Thấy mình tạo ra một tác phẩm điêu khắc
tạc tượng Dostoyevsky là tượng đứng
Đôi bàn chân vừa đủ trên mỏm đá nhô ra vực thẳm
gió qua địa ngục, gió thốc vào trần gian
cuốn người đi mải trong giấc mơ cuộc đời…
Tôi không muốn có sự so sánh nào ở đây, nhưng dường như có sự tương giao, đồng cảm phi thời gian, phi cả không gian giữa những người làm nghệ thuật – cho dù cách xa nhau hàng vạn dặm, cho dù khác chủng tộc, khác quốc gia, cho dù sống cách nhau hàng vài thế kỉ!
Tọa đàm “Thơ 1-2-3 trong không gian văn học đương đại” ở Cần Thơ, 6.11.2024.
Nói vậy, nhưng – cảm thức về những phạm trù “vĩ mô” trong thơ Trần Nhã My không nhiều. Đậm đặc vẫn là những cảm thức xoay quanh cuộc người bình dị với nguồn năng lượng tình yêu gần như bất tận: yêu người, yêu đời, yêu quê hương; cái quê hương Tây Ninh chôn nhau cắt rốn mà Người Thơ nhìn đâu dường cũng thấy đẹp, thấy thơ:
Tháng giêng Tây ninh có phiên chợ lạ
Về đây ta lại gặp tuổi thơ mình
chợ tiên bán hàng đồng giá mỗi món một chiếc lá
Hàng khác nhau nhưng tiền chỉ một
như tấm lòng kẻ bán người mua
mua yêu thương, lãi cũng là yêu thương…
Nhà thơ Trần Nhã My hội ngộ bạn thơ 1-2-3 ở Sài Gòn
Ngày mới tiếp cận thơ Trần Nhã My, tôi ấn tượng nhất với mảng thơ tình của chị. Tình yêu, vấn đề muôn thuở của nhân sinh, đề tài không bao giờ cạn cho Thơ, hẳn rồi. Thế nhưng cảm thức về tình yêu của Trần Nhã My lạ lắm; lúc mênh mang sâu lắng ngọt ngào, lúc lại lồng ghép cùng những cảm thức về thân phận, mong manh những tiên cảm bất toàn về cái kết của những cuộc yêu. Mặc khải tự trời hay trải nghiệm chính bản thân hãy đi mà hỏi Người Thơ; chỉ biết bước qua sân chơi 1-2-3, dường như nguồn mạch yêu đương của Người vẫn chưa có dấu hiệu vơi đi; vẫn tung tẩy, phập phồng nhiều phen đủ sức “đốn tim” người đọc:
Con chuồn ớt lang thang
Có phải anh phiêu dạt trong giấc mơ em
chấp chới đậu bay ngập ngừng hư thực
Giọng trầm ấm anh đọc câu thơ có con chuồn ớt
uốn đuôi vòng nửa trái tim
Vít những kí tự yêu thương lên bầu trời tháng ba chật gió…
Hay:
Tự bao giờ anh hoá thành phù thuỷ
Em bé nhỏ bị nuốt chửng trong vòng tay hung bạo
cánh tay khoẻ tung em lên trời bất cứ khi nào
Cho em hái những vì sao
kết thành chùm 1-2-3 gói hành trang mai sau
chừng thôi yêu thì anh cũng chẳng có phép màu…
Còn nhiều, nhiều nữa. Nhưng thôi, hãy để độc giả yêu thơ tự mình lang thang làm cuộc hành trình chiêm nghiệm. Xếp tập thơ, dư vị con chữ dường như vẫn còn đọng lại đâu đó – ngọt ngào lẫn mằn mặn trên môi. Vậy đã quá đủ, quá đầy cho Thơ, cho Người Thơ…
NHẤT NGUYÊN