Phát biểu khai mạc, ông Huỳnh Quốc Nguyên, Chủ tịch TGAC cho biết: Trung tâm Trọng tài Thương mại Quốc tế Tiền Giang được Bộ Tư pháp cấp phép hoạt động theo giấy phép số 52/BTP-GP, là tổ chức trọng tài có chức năng giải quyết các tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại và các lĩnh vực liên quan, trong đó có những tranh chấp đất đai được quy định tại khoản 5, Điều 236, Luật Đất đai năm 2024.

Ông Nguyễn Thành Diệu – PhóChủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang phát biểu tại buổi ra mắt
Mặc dù mới được thành lập, Trung tâm đã nhận được sự quan tâm, tín nhiệm từ đông đảo các cá nhân nguyên là Thẩm phán, là Luật sư, Luật gia, Chuyên viên, Trọng tài viên có uy tín và kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật xin gia nhập. Chúng tôi vô cùng trân trọng và cảm kích khi nhận được hơn 200 bộ hồ sơ xin gia nhập đội ngũ Trọng tài viên của Trung tâm. Sau quá trình xem xét và đánh giá kỹ lưỡng, Ban Điều hành Trung tâm đã quyết định thông qua 74 bộ hồ sơ đầu tiên có đủ điều kiện kết nạp theo quy định của pháp luật và quy định của trung tâm. Đây chính là nguồn lực quý báu và là nền tảng vững chắc để Trung tâm thực hiện tốt vai trò và nhiệm vụ của mình.

Ông Huỳnh Quốc Nguyên, Chủ tịch TGAC phát biểu khai mạc
Theo đó, TGAC là trung tâm trọng tài thương mại quốc tế đầu tiên đặt trụ sở tại Tiền Giang, tỉnh có vị trí chiến lược kết nối TP. Hồ Chí Minh với các địa phương trong vùng Tây Nam bộ. Việc ra đời của trung tâm là kết quả của một tư duy chính sách chủ động, hiện đại và hội nhập, kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp trong khu vực tiếp cận dễ dàng hơn với một cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả, tiết kiệm thời gian, chi phí và đặc biệt là phù hợp với đặc thù thương mại địa phương.

Ông Lê Đông Triều, Phó Chủ tịch TGAC phát biểu
Sứ mệnh cốt lõi của TGAC là xây dựng một cơ chế giải quyết tranh chấp trung lập, linh hoạt và tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc công bằng tố tụng. Trung tâm hoạt động dựa trên nguyên tắc tôn trọng thỏa thuận của các bên, thẩm quyền trọng tài được xác lập khi các chủ thể có thỏa thuận rõ ràng, minh bạch và phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Không chỉ dừng lại ở các tranh chấp thuần túy trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, xây dựng, tài chính…, TGAC cũng đặt mục tiêu phát triển mô hình dịch vụ trọng tài đa lĩnh vực, kết hợp các tổ hòa giải viên, chuyên gia kỹ thuật và cơ chế tham vấn học thuật để xử lý hiệu quả những vụ việc có yếu tố phức tạp, đa chiều, đòi hỏi kiến thức liên ngành.
Ngay trong lễ công bố thành lập, TGAC đã chính thức công bố danh sách 74 trọng tài viên được kết nạp, là các luật gia, luật sư, giảng viên, chuyên gia kinh tế, tài chính, bất động sản, cựu thẩm phán, nhà đầu tư giàu kinh nghiệm thực tiễn, có khả năng xử lý các tranh chấp có yếu tố phức tạp, đa quốc gia, hoặc phát sinh từ các lĩnh vực chuyên biệt. Điều này cho thấy Trung tâm không chỉ là một thiết chế pháp lý đơn thuần, mà còn là nơi quy tụ những trí tuệ pháp lý thực hành, có chiều sâu kinh nghiệm và bản lĩnh nghề nghiệp.

Trao Quyết định bổ nhiệm cho các Phó Chủ tịch TGAC
Trên phương diện công nghệ và vận hành, TGAC đặt mục tiêu phát triển trọng tài điện tử, xây dựng nền tảng e-arbitration, cơ sở dữ liệu số về án lệ trọng tài, và các công cụ quản lý hồ sơ trực tuyến – nhằm hiện đại hóa toàn bộ quy trình tố tụng, rút ngắn thời gian, giảm thiểu thủ tục hành chính, đồng thời nâng cao tính bảo mật và hiệu quả trong việc lưu trữ, tra cứu, đối chiếu thông tin pháp lý. Đây là bước đi phù hợp với xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực pháp lý – tư pháp mà Chính phủ đang chủ trương đẩy mạnh.

Trao quyết định bổ nhiệm cho Tổng Thư ký và các Phó Tổng Thư ký TGAC
Trung tâm Trọng tài Thương mại Quốc tế Tiền Giang cam kết sẽ là điểm tựa pháp lý vững chắc, là đối tác chuyên nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp. Vì vậy, sự ra đời của TGAC mang ý nghĩa chiến lược khi nhà nước khuyến khích xã hội hóa các cơ chế giải quyết tranh chấp, giảm tải cho hệ thống tòa án và nâng cao năng lực tự chủ pháp lý của các tổ chức nghề nghiệp, hiệp hội, doanh nghiệp. TGAC sẽ là một mắt xích mới trong việc định hình một nền kinh tế pháp quyền – nơi mọi chủ thể đều có thể tự do lựa chọn cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp với điều kiện, đặc điểm và nhu cầu riêng của mình. Không có sự áp đặt, không có sự phân biệt giữa tòa án và trọng tài, giữa truyền thống và hiện đại – chỉ có một mục tiêu duy nhất: Bảo vệ quyền lợi chính đáng, tôn trọng pháp luật và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Các Trọng tài viên chụp hình lưu niệm
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thành Diệu đánh giá cao vai trò của Trung tâm trọng tài thương mại trong việc giảm tải áp lực cho hệ thống tòa án, đồng thời góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch và ổn định.Việc thành lập Trung tâm Trọng tài Thương mại Quốc tế Tiền Giang là bước đi quan trọng trong việc đa dạng hóa các phương thức giải quyết tranh chấp tại Tiền Giang, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế và thúc đẩy cải cách tư pháp theo hướng hiện đại.
Một số hình ảnh tại buổi lễ ra mắt trung tâm








Trần Dương