Thông qua công tác nghiên cứu, đánh giá thực trạng và phân tích những khó khăn, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường hiệu lực hiệu quả thực thi chính sách pháp luật về quản lý đất đai. Nhất là trong bối cảnh triển khai, thực thi khung chính sách pháp lý mới và xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024, cần khẩn trương rà soát, đánh giá thực tiễn công tác thu hồi đất công do DNNN vi phạm trong quá trình thoái vốn, cổ phần hoá, từ đó khẩn trương sửa đổi quy định hoặc ban hành văn bản mới hướng dẫn kịp thời, nhằm đẩy nhanh quá trình thu hồi đất công có sai phạm, kiên quyết thu hồi nhằm giảm thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
1. Thực trạng và qui định pháp luật công tác thu hồi đất do doanh nghiệp vi phạm trong quá trình thoái vốn, cổ phần hóa
Thực trạng, tồn tại
Cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là chủ trương lớn của Nhà nước để cải cách và phát triển khối các doanh nghiệp nhà nước. Trong đó: Cổ phần hóa DNNN là quá trình chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ sang loại hình doanh nghiệp có nhiều chủ sở hữu (công ty cổ phần) để huy động vốn và giảm bớt tỷ lệ vốn nhà nước không cần nắm giữ nhằm giúp minh bạch hóa tài chính, phát triển năng lực sản xuất kinh doanh và tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; Thoái vốn là hoạt động giảm bớt một số loại tài sản hoặc bán bớt phần vốn đầu tư từ một doanh nghiệp nhằm phục vụ mục đích khác của doanh nghiệp.
Thực hiện Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 – 2025”, quá trình cổ phần hóa, thoái vốn DNNN lại càng được đẩy mạnh và triển khai quyết liệt hơn. Bên cạnh nhiều mặt tích cực mà thoái vốn và cổ phần hóa các DNNN đem lại thì hiện vẫn còn một số bất cập, tồn tại nếu không giải quyết sớm sẽ để lại những hệ lụy cho phát triển kinh tế .
Một trong những tồn tại lớn cần giải quyết đó là xử lý các vi phạm trong công tác quản lý đất đai khi thoái vốn và cổ phần hóa DNNN. Thời gian vừa qua công tác quản lý đất sử dụng vào mục đích công cộng (đất công) vẫn còn nhiều kẽ hở trong cả quy định pháp luật lẫn việc áp dụng, thực hiện pháp luật trên thực tế dẫn đến ngân sách nhà nước chịu tổn thất nặng nề, thất thu hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó, sự thất thoát lãng phí đất công là do một số nguyên nhân điển hình đáng chú ý như : Thất thoát do chuyển quyền sở hữu, tư nhân hóa đất công thông qua việc doanh nghiệp tư nhân góp vốn, đầu tư vào các DNNN đang cổ phần hóa hay thoái vốn mà không công khai, không thông qua đấu giá, không được cấp có thẩm quyền cho phép; Thất thoát do tính toán không đúng, không đủ giá trị quyền sử dụng đất, quyền thuê đất và các giá trị lợi thế kinh doanh khác...
Vài năm trở lại đây, với mục đích tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và kiểm tra xử lý các sai phạm nhằm nâng cao hiệu quả công tác thoái vốn, cổ phần hóa DNNN, các cơ quan chức năng đã tích cực cùng vào cuộc để thanh kiểm tra, đánh giá thực trạng, tìm ra phương hướng, giải pháp đẩy lùi những tác động tiêu cực. Qua quá trình rà soát, kiểm tra, các cơ quan chức năng đã phát hiện được không ít doanh nghiệp, dự án có sai phạm, nguy cơ gây thất thoát đất công trong đó có nhiều khu đất ở vị trí “vàng” với giá trị lớn.
Chúng tôi xin dẫn chiếu một số vụ việc nổi cộm xảy ra thời gian gần đây như:
- Sai phạm tại khu đất 30.977m2 tại số 152 Trần Phú, phường 4, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh: Thanh tra Chính phủ đã kết luận rằng trong hoạt động đầu tư xây dựng, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) đã để xảy ra một số sai phạm trong việc thực hiện góp vốn dự án tại 152 Trần Phú. Theo đó Vinataba là DNNN được UBND thành phố Hồ Chí Minh giao lô đất 30.977m2 từ năm 2008 để thực hiện dự án cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại dịch vụ. Để thực hiện dự án này, Vinataba đã liên danh cùng Công ty TNHH Đô Thành Việt và Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại Căn nhà mơ ước (DRH Holdings) tạo thành liên doanh mang tên Công ty TNHH Vina Alliance (Vina Alliance). Trong các tài sản của Vinataba đã góp vốn vào Vina Alliance có bao gồm cả lô đất 30.977m2 tại 152 Trần Phú. Đến năm 2017, Vinataba thoái vốn tại Vina Alliance và chuyển vốn góp của mình sang cho Công ty TNHH Sơn Đông. Từ thời điểm này khu đất 30.977m2 tại số 152 Trần Phú chính thức đổi chủ sang doanh nghiệp tư nhân khác.
- Một trường hợp khác xảy ra tại khu đất 6.080 m2 tại 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh: Khu đất này được sắp xếp giao cho Tổng công ty Sabeco (Sabeco) để quản lý, sử dụng, đầu tư, xây dựng khách sạn 6 sao với điều kiện không được thành lập pháp nhân mới. Tuy nhiên, Sabeco vẫn thực hiện liên doanh, liên kết và thành lập Công ty Sabeco Pearl (Sabeco Pearl) trái với quy định. Sau đó, khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng đã được hoàn thành các thủ tục pháp lý và được Sabeco chuyển quyền sử dụng đất sang Sabeco Pearl. Năm 2016, Sabeco thực hiện thoái vốn và đã bán 26% vốn góp (toàn bộ vốn) trong Sabeco Pearl cho chính các cổ đông sáng lập còn lại của Sabeco Pearl. Cuối cùng, khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng chính thức trở thành tài sản của Sabeco Pearl, hiện nay là Công ty cổ phần Đầu tư Quảng trường Mê Linh (Doanh nghiệp 100% vốn tư nhân).
Hệ quả:
- Đối với khu đất hơn 30.977m2 tại số 152 Trần Phú nêu trên, kết luận của Thanh tra Chính phủ xác định Vinataba đã vi phạm quy định về quản lý tài sản DNNN do không thực hiện đánh giá lại tài sản. Bên cạnh đó, Vinataba còn làm trái chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vi phạm pháp luật về chuyển nhượng tài sản doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ khi chuyển nhượng hơn 30.977m2 đất mà không xin phép Thủ tướng Chính phủ và đồng thời không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, có nguy cơ thất thoát tiền của Nhà nước, của doanh nghiệp. Đầu năm 2024, UBND thành phố Hồ Chí Minh có quyết định thu hồi hơn 30.977 m2 đất thuộc thửa số 38, tờ bản đồ số 10 (số 152 Trần Phú, phường 4, quận 5). Tuy nhiên đến nay vẫn chưa thu hồi được.