Du ngoạn miền đất ba sông.

Dòng sông Thương, sông Cầu, sông Lục Nam thơ mộng nằm rải dài cho thế núi Nham Biền, Huyền Đinh soi dáng. Mây núi vẫn trắng phủ trùm đỉnh ngọn, nơi Non Vua có thiên huyệt hào quang sơn mạch lan toả...

Người dân Yên Dũng đã tìm thấy vẻ đẹp hài hoà, cân xứng tự nhiên của đất trời ấy một sự hoà nhập “văn hoá dòng sông”“văn hoá núi”.

Yên Dũng1 là vùng đất nằm trải dài 2 bờ sông Thương và nằm giữa hạ lưu của sông Cầu và sông Lục Nam, nên được coi là vùng đất ba sông. Một đặc trưng của vùng đất này là có sự kết hợp giao hòa giữa bình nguyên và núi rừng. Chính nét đặc trưng này cùng với khí hậu thuận lợi là cơ sở cho sự phát triển nghề trồng lúa nước cũng như sự hình thành và phát triển các làng nghề truyền thống ven sông. Đặc biệt sông nước đã để lại dấu ấn quan trọng làm nên một nét độc đáo trong văn hóa làng xã Yên Dũng qua các thời kỳ.

Sông nước nơi đây vừa là hình ảnh chung của đất nước, non sông, vừa rất cá biệt, vừa là tự nhiên khách quan, vừa thể hiện tính văn hóa bản địa với những sự khác biệt mang tính đặc trưng vùng miền, tạo nên tính thiêng về mặt tâm linh có tính lịch sử văn hóa gắn với đình, chùa hoặc những nếp sinh hoạt dân gian mang tính đặc thù, đồng thời cũng thể hiện sự thơ mộng, hữu tình, lãng mạn đến khôn cùng. Đơn cử như nét văn hóa bản địa với những tính lạc quan, hài hước của làng cười truyền thống Đông Loan bên dòng sông Thương.

Từ thành phố Bắc Giang, sông Thương chảy xuôi xuống, đến vùng Yên Dũng sông chảy có nhiều đoạn hình vòng thúng bên 2 dải đê kiên cố. Đặc biệt khi xuôi khỏi thành phố Bắc Giang, sông gặp ngay dãy núi Nham Biền và chảy ôm quanh núi thành một đoạn khúc khuỷu như dải lụa mềm mại rồi hợp với sông Lục Nam thành sông lớn. Bên cạnh sông Thương còn có hai con sông khác là sông Lục Nam và sông Cầu (đây là 3 con sông thuần Việt). Sông Lục Nam có tên chữ là Minh Đức - là một chi lưu của sông Thái Bình, nằm cạnh dãy núi Huyền Đinh, được coi là một trong những con sông đẹp của Việt Nam. Sông Thương và sông Lục Nam hợp nhau đổ về hệ thống sông Thái Bình, nơi hợp lưu này được gọi là Ngã ba Phượng Nhỡn rồi lại hợp với sông Cầu đoạn Phả Lại để hình thành nên Lục Đầu Giang huyền thoại trong văn hoá Việt. Trong khi đó sông Cầu - tên chữ là Nguyệt Đức, cũng là dòng sông gắn với bao huyền tích, lịch sử của dân tộc Việt Nam nói chung, vùng đất Kinh Bắc nói riêng. Cả ba dòng sông này đều góp phần hình thành nên nền văn hóa sông nước vùng đất Yên Dũng, tạo cho nơi đây lớp phù sa màu mỡ để sản xuất nông nghiệp. Các phong tục tập quán được lưu truyền và phát triển với bản sắc riêng. Hệ thống đình, đền, chùa, miếu ở các làng, xã ven sông cũng được hình thành với các hình thức thờ cúng và lễ hội, sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo theo đó mà phát triển.

1a-1739500175.jpg

Người dân Yên Dũng đã tìm thấy vẻ đẹp hài hoà, cân xứng tự nhiên của đất trời ấy một sự hoà nhập “văn hoá dòng sông”“văn hoá núi”. Sơn giang địa chí, địa linh, linh khí núi sông hun đúc thành bề dày văn hoá của vùng đất từng được vua đến chọn làm kinh đô, nhưng dù duyên chưa tới thì nơi đây cũng đã chứa đựng một huyền tích đẹp tự ngàn xưa với dãy Nham Biền 99 ngọn và 99 cái ao làng Ninh Xuyên. Từ điểm nhìn nơi vùng đồng trũng Lãng Sơn cạnh sông Thương ngước lên cao, ta sẽ thấy những đỉnh núi là Nham Biền, Cô Tiên, Bằng Lương như một vọng gác, trạm dừng chân trên con đường từ kinh thành Thăng Long ra tới vùng Đông Bắc nơi Cửa Ông có Trần Quốc Tảng trấn giữ. Cũng nơi đây, dấu chân Phật Hoàng từng kinh lý với dấu ấn ngôi cổ tự Vĩnh Nghiêm như một minh chứng cho đất thiêng còn đó.

Bên dòng sông Thương - đứa con của tạo hoá đã định giang, được các nhà khan dư địa lý phát hiện ra thế mạnh tiềm ẩn mang đủ yếu tố làm những công trình văn hóa Phật Giáo. Nơi đây, đã có những dấu tích văn hóa mà người Yên Dũng và vua quan các triều đại qua nhiều thế hệ đã tạc nên vẫn còn hiện diện ở nhiều làng xã. Dừng chân ở dãy Nham Biền, chúng tôi nhận ra dấu ấn của một vùng văn hoá tâm linh nơi sơn thuỷ hữu tình, nơi thiên - địa - nhân giao hòa. Thấp thoáng qua từng trang sử đá và từng vùng ký ức của nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa, gắn liền với từng chặng đường dựng nước và lịch sử nghệ thuật thi ca, từ những bóng núi trầm mặc. Trùng trùng linh khí ấy, ta nhận ra dấu vết vùng văn hóa ẩn sâu trong các triều đại phong kiến Việt Nam. Từ thời hoang sơ, nhân loại vốn đã xem các dòng sông tải nặng phù sa và văn hoá của nó như một cái nôi nguồn cội mang nhiều giá trị phồn thực. Nhưng phải thêm vào đó, dĩ nhiên là rất cần phải có, thì núi và “văn hóa núi” cũng là một yếu tố định mệnh không thể tách rời đời sống tinh thần của con người. Những không gian văn hoá ấy tôn tạo, hội nhập thành bản sắc văn hóa một vùng đất Phượng Hoàng. Hệ thống sông ngòi, đầm hồ, vũng lầy nơi đây được xem như nguồn năng lượng nước dồi dào đủ sức tạo nên những yếu tố văn hóa hàm chứa tính nhân văn đa cảm của người Yên Dũng.

Dãy núi Phượng Hoàng với thế núi xây thành, hình sông toả khói sóng như dáng chim phượng hoàng vỗ cánh âm vọng từ nghìn năm trước đang hóa thân thể hiện. Từ trên đỉnh núi vùng Nham Sơn - Nham Biền, nhìn màu xanh mênh mông của đồng lúa bát ngát, trong giai điệu rừng thở, gió ru, sông vỗ sóng, ta như nghe vọng về muôn ngàn dấu chân đang rầm rập qua đây từng ngày cùng tiếng nhịp phách khua mái của những chiến thuyền đại phá giặc phương Bắc vẫn còn âm vang bên dòng Nguyệt Đức ngày nay.

Dòng sông Thương, sông Cầu, sông Lục Nam thơ mộng nằm rải dài cho thế núi Nham Biền, Huyền Đinh soi dáng. Mây núi vẫn trắng phủ trùm đỉnh ngọn, nơi Non Vua có thiên huyệt hào quang sơn mạch lan toả. Ở chiều cao thẳm ấy những dấu tích văn hóa tạc vào vách núi qua những trang sử đá chùa Nham Nguyệt, chùa Sùng Nham, chùa Hang Chàm vẫn còn đây. Từ trong ký ức không gian thiên địa hùng tráng vỡ òa ra thoáng đãng trên đỉnh núi Cô Tiên, ngọn Bằng Lương tách lẻ tạo nên những câu chuyện truyền tích từ trong cổ sử xa xưa, cũng từ trong thinh không của trăm ngàn hang vách, vang lên âm thanh kỳ ảo của những nàng tiên giáng trần nô đùa nơi đất Phượng, dường như đây là dấu hiệu vĩnh hằng của người xưa. Trong sâu thẳm nền văn hoá ấy, tư tưởng khát vọng với linh khí sông núi hiện lên chân dung những con người nhập hoà hồn vía với núi sông. Nhiều ngư phủ làng La (Đức Giang), làng Ngư Uyên - Ổ cá (Tiến Dũng) thi thoảng lại chèo con thuyền lá hạ giang và bình thản, tự tại chong đèn ngồi lặng thật sâu trên dòng sông Thương định thần, trầm mặc suy tư về cõi nhân thế ngàn xưa và nhấm nháp khí lành giữa thiên trung thuỷ giới cùng với mây ngàn gió núi tràn về luyện phép dưỡng sinh.

Trong dấu ấn văn hoá Yên Dũng, người dân nơi đây còn duy trì thú leo núi ngắm mây nước sông Thương, sông Cầu - một phần nhu cầu vận động trong đời sống tinh thần của người dân đất Phượng Hoàng. Vua quan triều Trần đã từng ngự lãm bên dãy Phượng Hoàng - nơi mà đêm ngày âm dương đầy vượng khí, thịnh phát nhất tại cực điểm của Càn Khôn, giao thoa mà sinh ra vạn vật, Nham Biền sơn lại hội tụ nhân quần rồi sinh nhân, mạch nguồn cứ thế tuôn chảy ra sông, dòng sông đón đợi mọi thứ ùa về. Thượng sơn, đăng sơn, ngắm nhìn thuỷ tụ, thuỷ lai là một phương thức để thưởng ngoạn thiên nhiên, chiếm lĩnh bầu trời, đồng thời cũng là một cách để con người xúc tiếp với văn hoá núi, khi mà nơi đây đã có Thiền Viện Trúc Lâm Phượng Hoàng, chùa Thiên Lai, chùa Vĩnh Nghiêm là một điểm nhấn quan trọng cho phát triển văn hóa du lịch tâm linh, cùng với đó là việc hình thành các khu dân cư, khu đô thị mới, các khu - cụm công nghiệp sẽ là nền tảng cho phát triển kinh tế, văn hóa cho địa phương.

_________

(1) Từ 1/1/2025, huyện Yên Dũng sáp nhập vào thành phố Bắc Giang để mở rộng không gian phát triển đô thị.

Nguồn Tạp chí Sông Thương