Vanvn- Ngày 6.1.2025, tại thành phố Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Đại hội cơ sở khối Các cơ quan Trung ương để tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XI nhiệm kỳ 2025 – 2030.
Đến tham dự đại hội có nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cùng các nhà văn, nhà thơ trong Ban Chấp hành Hội: Trần Đăng Khoa, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Thị Thu Huệ, Hữu Việt, Lương Ngọc An và hơn 100/206 hội viên khối các cơ quan trung ương.
Đại hội đã nghe nhà thơ Hải Đường – Phó ban Kiểm tra Hội, đọc báo cáo tóm tắt tổng kết nhiệm kỳ X (2020-2025), và phương hướng nhiệm kỳ XI (2025-2030).
Theo báo cáo tổng kết nhiệm kỳ X, trong 5 năm qua nổi lên nhiều thách thức, đặc biệt với lĩnh vực văn học: Tốc độ sống nhanh, thời gian dành cho đọc sách giảm. Các loại hình nghệ thuật và giải trí khác tận dụng được hỗ trợ từ công nghệ đã lôi cuốn người đọc, trong khi văn học là loại hình nghệ thuật của ngôn từ và tư tưởng siêu hình. Sự phát triển đa chiều của xã hội tăng nhanh với những tình thế bất ngờ khiến văn học chưa theo kịp nhu cầu của độc giả. Ý thức được điều đó BCH đã xác định văn học phải giành lại độc giả bằng chất lượng, văn học phải đi thẳng vào vấn đề nóng bỏng của đời sống xã hội.
Văn học Việt Nam vẫn tiếp tục chuyển động theo chiều hướng đa dạng hơn, quyết liệt hơn và chủ động hơn. Văn học đã thể hiện trách nhiệm, lương tri của mình với cộng đồng, xã hội cũng như với sự phát triển của đất nước thông qua các tác phẩm văn học mang hơi thở cuộc sống, bám sát hiện thực đời sống….
Nhiều trại viết được mở, tạo điều kiện cho hàng trăm hội viên có thời gian tập trung để hoàn thành tác phẩm, tổ chức cho các nhà văn đi thực tế sáng tác ở vùng sâu, vùng xa. Tổ chức nhiều hội nghị tại các khu vực tỉnh thành để lắng nghe và tiếp thu ý kiến của các hội viên.
Nhiệm kỳ vừa qua Ngày thơ Việt Nam đã nỗ lực cải tiến, vừa kế thừa, nhưng cũng có những thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế xã hội. Hội nghị đại biểu các nhà văn lão thành lần thứ nhất 100% kinh phí từ nguồn xã hội hóa được dư luận hoan nghênh đánh giá cao. Hội nghị Những người viết văn trẻ tổ chức tại Đà Nẵng, triển khai dự án sách miễn phí, đưa gần 10 vạn sách đến với trẻ em vùng sâu, miền núi, mở rộng giao lưu quốc tế, ký kết hợp tác, đẩy mạnh dịch thuật tác phẩm văn học Việt Nam ra thế giới…
Tháng 9.2024 theo đề nghị của BCH Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm đã ký và trực tiếp trao Huân chương Hữu nghị của Nhà nước Việt Nam cho hai nhà thơ là cựu binh Mỹ.
Các cơ quan cấp 2 của Hội là Báo Văn Nghệ, Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống, Bảo tàng Văn học Việt Nam, NXB Hội Nhà văn có nhiều đổi mới và phát triển. Trang vanvn.vn cập nhật kịp thời hoạt động trong đời sống chính trị, văn hóa, xã hội, nghệ thuật của đất nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Hội vẫn còn một số hạn chế còn tồn tại cần khắc phục trong nhiệm kỳ mới: Chưa có nhiều tác phẩm tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong đời sống xã hội. Các cơ quan cấp 2 của Hội còn lúng túng trong quy hoạch nhân sự, quảng bá văn học ra nước ngoài chưa có tính chuyên nghiệp…
Đại hội đã thảo luận, lắng nghe ý kiến nhiệt thành của nhà văn Lê Tuấn Lộc mong muốn trẻ hóa đội ngũ hội viên, dịch giả Nguyễn Hữu Dũng đề nghị chuyên nghiệp hóa dịch thuật, quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, xây dựng đề án văn học viết về biển; còn nhà thơ Nguyễn Thành Phong góp ý thẳng thắn, trực diện về công tác tổ chức, quy trình bổ nhiệm nhân sự.
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến gợi ý nên chọn những gương mặt có tính đột phá vào BCH nhiệm kỳ tới, tăng mức đóng hội phí, vấn đề xã hội hóa cần quy chuẩn và đề nghị có sự chung tay của hội viên. Nhà văn Nguyễn Quốc Lập thống nhất ý kiến của bản báo cáo đánh giá tốt về các hoạt động của Hội, nhưng chưa có sự bứt phá, đào tạo bồi dưỡng trường viết văn Nguyễn Du mở rộng, theo phong cách mới. Nhà văn Trần Thị Trường cung cấp, gợi ý nhiều về việc xã hội hóa. Nhà thơ Lê Thị Mây chia sẻ tâm tư, tình cảm của mình với con chữ.
Đặc biệt, nhà văn Y Ban đã phát biểu chân thành, thẳng thắn mang tính phản biện về những vấn đề thời sự như xét giải thưởng, áp lực từ mạng xã hội, công việc điều hành Hội và sự chia sẻ, tương trợ trong tình đồng nghiệp.
Phát biểu kết luận đại hội, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều hoan nghênh những ý kiến chân thành, thẳng thắn, sát sườn, trung thực, chia sẻ, gợi mở góp ý cho Ban Chấp hành Hội và cá nhân Chủ tịch nhiệm kỳ qua cũng như nhiệm kỳ tới hoạt động ngày càng tốt hơn vì sự phát triển văn học, lợi ích của hội viên.
Tiến tới Đại hội toàn quốc Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ XI, trang Vanvn.vn đã mở diễn đàn “Ý kiến hội viên” cho các nhà văn cả nước. Mong những ý kiến đã đóng góp của các hội viên qua các kỳ đại hội sẽ triển khai thành bài viết đầy đủ, sâu sắc để đăng tải dần.
BCH khóa X mong muốn, chờ đợi có một đại hội toàn thể lần thứ XI vào tháng 4.2025. Đây là tháng kỷ niệm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, và kỷ niệm 50 năm kết thúc chiến tranh thống nhất đất nước. BCH muốn tất cả các nhà văn trên mọi miền đất nước sẽ gặp nhau trong đại hội đó, biến đại hội lần thứ XI là ngày hội của văn chương, của các nhà văn.
Đại hội tiến hành bỏ phiếu giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa XI và bầu 102 đại biểu chính thức, 11 đại biểu dự khuyết để tham dự Đại hội Nhà văn Việt Nam toàn quốc lần thứ XI.
THANH BÌNH