Vanvn- Nước trong – Thanh Thủy, cái tên gắn kết xứ Dừa của người con gái An Khánh họ Đinh bên bờ nam Tiền Giang trong một gia đình có truyền thống yêu nước thương dân. Và, người con gái ấy, cất tiếng chào đời (1972) giữa bom rền đạn pháo chà xát nơi ba cù lao: An Hóa, Bảo, Minh được đùm bọc bởi ba dòng sông: Tiền, Ba Lai, Cổ Chiên thành Bến Tre quê hương yêu dấu!
Hẳn là, giới cầm bút, xuất bản cũng như báo chí đều biết và quen Đinh Thị Thanh Thủy – người phụ nữ thiện tâm, thể hiện tấm chân tình soi rọi, truy tìm “hiền nhân chốn văn chương” giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi nhất với ước vọng có những tác giả, tác phẩm để đời hôm nay cùng mai sau. Nhất là, dù rất bận công việc chuyên môn, song Đinh Thị Thanh Thủy đặc biệt quan tâm và dành nhiều tâm sức cho việc giữ gìn di sản văn hóa Nam Bộ. Với các công trình như: Bảo tồn và phát huy di dản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (2002); Những đổi thay trong đời sống văn hóa ở Thành phố Hồ Chí Minh thời gian 1986-2006 (2011); Di sản văn hóa – bảo tồn và phát triển – chuyên đề Kiến trúc (2011); … Tiếp nối hoài vọng đó, chuyên khảo Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam (NXB Tổng hợp TPHCM ấn hành năm 2024). Trong công trình này, Đinh Thị Thanh Thủy đã nêu bật khí chất con người Nam Bộ trên ba phương diện: sinh cảnh văn hóa, nhân cách văn hóa và học phong Nam Bộ.
1. Sinh cảnh văn hóa Nam Bộ
Trong nghiên cứu văn học, sinh cảnh văn hóa (cultural biotope) như khái niệm để nói đến sự tương tác phức tạp giữa sinh thái và văn hóa-văn học. Bằng cách tích hợp quan điểm sinh thái và văn hóa, người nghiên cứu có điểm tựa để hiểu tác phẩm văn học. Như hệ sinh thái văn hóa, tác phẩm văn học có ưu thế trong việc phản ánh sâu sắc mối quan hệ giữa văn học, văn hóa và môi trường. Thậm chí văn học còn được xem như khả lực sinh thái bởi sức ảnh hưởng của nó đến nhận thức và hành vi con người đối với đời sống. Các tương tác đó chi phối đến sự định hình trải nghiệm và tạo nên hiểu biết con người về môi trường sống xung quanh, tạo nên trường năng lượng sinh thái ký hiệu (ecosemiotic energy fields)[1]. Nhận thức này giúp cho việc phân tích tác phẩm văn học trở nên phong phú và sâu sắc hơn.
Sở dĩ nhắc đến khái niệm này, ở đây, bởi chuyên khảo Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam của nhà nghiên cứu Đinh Thị Thanh Thủy, dù không trực tiếp đề cập đến thuật ngữ này, nhưng thực tiễn phân tích tác phẩm Sơn Nam đã cho thấy tầm nhìn rộng và sâu sắc của nhà nghiên cứu đối với trải nghiệm đời sống con người và văn hóa Nam Bộ. “Toàn bộ truyện của nhà văn Sơn Nam bao gồm tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn là một bức tranh lấy đề tài cuộc sống, sinh hoạt của người dân Nam Bộ thế kỷ XIX-XX làm nội dung chủ đạo” (tr.54). Với ý hướng này, nhà nghiên cứu họ Đinh lấy việc phân tích sinh cảnh văn hóa Nam Bộ trong truyện Sơn Nam là vấn đề nghiên cứu cốt lõi. Bên trong sự phân tích mạch lạc, khúc chiết và giản dị là những vấn đề lý luận có sức khái quát cao. Từ đó, trang nghiên cứu gợi mở nhiều suy nghĩ về những vấn đề địa văn hóa, sinh thái văn hóa trong sinh cảnh văn hóa Nam Bộ (văn hóa lao động sản xuất, văn hóa xã hội, văn hóa văn nghệ).
Sinh cảnh văn hóa lao động sản xuất
“Tay làm hàm nhai”. Lưu dân Việt vào Đàng Trong đối diện trực tiếp với gánh nặng sinh kế, họ ý thức sâu sắc việc lao động cực nhọc để duy trì cuộc sống và trao truyền nhịp sống cho con cháu mai sau. “Có làm thì mới có ăn/ Không dưng ai dễ đem phần đến cho”. Lưu dân Việt không nề hà cực nhọc, cật lực trên đồng ruộng, chí thú làm ăn. Gắn chặt cuộc đời với vùng đất mới, người bình dân Nam Bộ thấu hiểu từng nỗi gian truân, khó nhọc, cũng như khắc nghiệt của thiên nhiên buổi đầu khai khẩn. Trang nghiên cứu của Đinh Thị Thanh Thủy không đặt nặng vấn đề lý thuyết, song sự phân tích của nhà nghiên cứu họ Đinh luôn cho thấy sự dao động giữa hai tác nhân (văn hóa và tự nhiên); điều này khiến cho thực hành nghiên cứu của Đinh Thị Thanh Thủy đối với truyện Sơn Nam hoàn toàn khác biệt với những nghiên cứu về Sơn Nam trước đó.
Truyện của Sơn Nam phác họa đời sống lao động sản xuất của người bình dân Nam Bộ trong quá trình khẩn hoang, khai phá đất mới. Như nhà nghiên cứu Đinh Thị Thanh Thủy đã nhận xét, người lưu dân mang theo nỗi hoài vọng đến miền đất mới và “họ đi về phương Nam với tâm thế người đi khai hoang mang theo bên mình cả một truyền thống dân tộc hòa quyện giữa nền văn minh lúa nước và tư tưởng cộng đồng” (tr.104). Nhưng từ nghề trồng lúa, bình dân Nam Bộ đã biết thích nghi để thay đổi hình thức lao động sản xuất, dựa trên điều kiện sẵn có. Đất phù sa cổ-cao ráo hơn thì để canh tác ruộng rẫy, đất phù sa thấp trũng thì để thu lợi tôm cá, đồng thời phát triển nghề nghiệp mới. Đó là tính hỗn dung văn hóa trong lao động sản xuất, “tiếp tục đi xuống phương Nam, gặp nghề làm rẫy trên đất giồng cao ráo của người Hoa đến từ thời Mạc Cửu. Lưu dân Việt định cư nơi đất thấp, nghề làm ruộng lúa chuyển sang làm ruộng sạ. Họ chọn giống lúa thích hợp vùng đất thấp ở Long Xuyên, Châu Đốc, Đồng Tháp Mười” (tr.84). Chính vì thế, nguyên tắc “thuận tự nhiên, sống hòa bình” đã trở thành nhận thức nền tảng trong sinh cảnh lao động sản xuất Nam Bộ. Theo Đinh Thị Thanh Thủy, cách ứng xử này không chỉ giúp người dân khai thác thiên nhiên hiệu quả mà còn giúp bảo tồn sự đa dạng sinh học, góp phần tăng cường sự ổn định và phát triển bền vững. Ăn hôm nay còn biết để dành ngày mai!
Từ nguyên tắc cân bằng sinh cảnh văn hóa “thuận tự nhiên, sống hòa bình”, Đinh Thị Thanh Thủy đã khái quát được đặc điểm cốt tủy của cấu trúc sinh cảnh văn hóa Nam Bộ (vừa nguyên động lực vừa nguyên tắc giữ gìn duy trì). “Cộng đồng các dân tộc Việt, Hoa, Khmer … đã cùng chung lưng đấu cật, tìm nơi định cư thích hợp, tìm phương thức sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng lao động trên nguyên tắc thuận tự nhiên, sống hòa bình để cùng phát triển và nối dài bản đồ Việt Nam” (tr.55). Và chính điều này cũng góp phần tạo nên đặc điểm nhân cách văn hóa con người Nam Bộ, cách sống chan hòa, gắn bó, sẻ chia. Sống có hậu, sống không phải chỉ biết cái trước mắt mà còn nghĩ cho đường sống lâu dài về sau.
Có thể nói, chính tương tác giữa con người và tự nhiên tạo nên đặc trưng ứng xử đời sống con người – hình thành sinh cảnh văn hóa đặc trưng. Nổi bật là lưu dân Việt không mang ý hướng chinh phục, áp chế tự nhiên; mà ngược lại con người hòa mình và nương tựa vào tự nhiên để tồn tại mặc dù có không ít gian khổ, hiểm nguy mà vùng hoang địa thời kỳ đầu khai khẩn đặt ra cho con người. “Song không chỉ có hoang sơ và dữ tợn cướp đi sinh mạng con người, thiên nhiên cũng có lúc hiền hòa, đa sắc thái. Và cách ứng xử hòa mình với tự nhiên, lợi dụng những điều kiện thuận lợi của tự nhiên để phát triển đời sống, giống dòng là sự phản ứng linh hoạt và thông minh của người Nam Bộ” (tr.81). Từ đó, sinh cảnh văn hóa Nam Bộ được duy trì bởi đạo đức sinh thái Nam Bộ. Sự thích nghi của người lưu dân Việt còn biểu hiện qua việc thay đổi hình thức canh tác lao động sản xuất để phát triển sinh kế. Từ nghề làm lúa nước truyền thống, người lưu dân tận dụng điều kiện tự nhiên để kiếm sống, hình thành những nghề nghiệp mới rất đặc trưng (như câu cá đồng, nghề ăn ong, hầm than, làm muối, bắt rắn, …) (tr.83). Không chỉ thích nghi làm biến đổi hình thức cư trú, hình thức lao động sản xuất, mà còn biến đổi hình thức sinh hoạt gia đình-xã hội, tất cả khiến sinh cảnh văn hóa Nam Bộ trở nên đa dạng hơn, phong phú hơn, đa sắc thái hơn. Một vùng văn hóa tốt tươi nhiều màu sắc.
Sinh cảnh văn hóa xã hội
Trải qua nhiều thời kỳ biến động lịch sử khốc liệt, Nam Bộ đi trước về sau, phải đối diện với nhiều thách thức – trong đó có tác động văn hóa ngoại lai. Đinh Thị Thanh Thủy nhiều lần nhấn mạnh đến tác động biến đổi văn hóa bởi yếu tố ngoại lai (chủ nghĩa thực dân mới Mỹ) (tr.55). Tức góc nhìn của nhà nghiên cứu họ Đinh là góc nhìn động, chủ yếu bám vào sự tương tác-vận động-biến đổi của chủ thể văn hóa Nam Bộ với các tác nhân văn hóa ngoại lai. Biểu hiện của cách tiếp cận nghiên cứu này là ở vấn đề nào, nhà nghiên cứu cũng xem xét như quá trình trải dài từ thời kỳ lưu dân khẩn hoang đến thời kỳ sau khi thống nhất đất nước. Nhờ đó, nhà nghiên cứu họ Đinh làm rõ “cái đà sống” của sinh cảnh văn hóa Nam Bộ.
Qua đó, nhà nghiên cứu rút ra nhận định: “Người Nam Bộ đã thực sự linh hoạt và năng động điều chỉnh các hành vi hoạt động cho phù hợp thực tế, đồng thời vẫn đảm bảo giữ gìn “Dân tộc tính”” (tr.250). Chính dân tộc tính như cốt tủy tâm hồn giúp người bình dân Nam Bộ có được kháng thể trước sự xâm lấn đời sống xã hội của văn hóa ngoại lai. “Qua thời gian, họ sẽ tự gạn lọc cho mình những thứ phù hợp, tiến bộ, loại những cái làm tổn hại đến giá trị truyền thống. Một nền văn hóa có sức mạnh bắt đầu từ những con người, những chủ thể có sức đề kháng và sức vươn lên tốt” (tr.244). Từ làn sóng văn hóa ngoại lai thời thuộc địa Pháp cho tới văn hóa thực dân mới của đế quốc Mỹ và văn hóa Âu-Mỹ thời kỳ hội nhập đổi mới, người bình dân Nam Bộ vẫn trước sau như một giữ gìn hồn cốt giống nòi.
Tác giả tập chuyên khảo cũng nhận ra kháng thể văn hóa trong tâm hồn Việt. Kháng thể này giúp cho người bình dân Việt phê phán và bài trừ “bả thực dân”. Đinh Thị Thanh Thủy “khẳng định người miền Nam vẫn còn đó dân tộc tính, còn những tình cảm đẹp, biết yêu thương trước tình người và biết phản cảm trước văn hóa độc hại” (tr.59). Nhưng việc giữ gìn “dân tộc tính” không khiến cho sinh cảnh văn hóa xã hội Nam Bộ trở nên thiết chế bảo thủ, cứng nhắc. Ngược lại, cấu trúc văn hóa xã hội Nam Bộ, qua sự phân tích của Đinh Thị Thanh Thủy trên phương diện “biến đổi văn hóa” cho thấy tính chất linh động và cởi mở. Qua đó, chuyên khảo của nhà nghiên cứu họ Đinh làm nổi bật sinh cảnh văn hóa hỗn dung giữa văn hóa Việt và nét đẹp văn hóa Hoa, Khmer, Chăm trên đất Nam Bộ (tr.57). “Cùng chung khu vực sinh thái, mỗi dân tộc chọn cho mình một địa bàn thích hợp, sống hòa bình, tôn trọng và không xâm phạm tập tục, tín ngưỡng của nhau là nguyên tắc xử thế của hai tộc người [Việt và Khmer]” (tr.138-139).
Đinh Thị Thanh Thủy đã chỉ ra rằng, trong quá trình giao lưu văn hóa, người dân Nam Bộ luôn giữ vững bản sắc dân tộc. Họ có khả năng sàng lọc và tiếp thu những yếu tố văn hóa phù hợp, đồng thời loại bỏ những yếu tố tiêu cực. Điều này thể hiện qua việc bảo tồn các giá trị truyền thống như tục lệ, lễ nghi, âm nhạc dân gian… Nhờ đó, sinh cảnh văn hóa xã hội Nam Bộ là sự giao thoa của nhiều nền văn hóa khác nhau, đặc biệt là Việt, Hoa và Khmer. Tuy nhiên, người dân Nam Bộ đã có những cách ứng xử khôn khéo để bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đồng thời, họ cũng biết tiếp thu những yếu tố tích cực từ các nền văn hóa khác, tạo nên một bức tranh văn hóa đa dạng và phong phú.
Sinh cảnh văn hóa văn nghệ
Mang theo nỗi niềm thương nhớ cố hương, lưu dân Việt gửi gắm nỗi niềm ấy trong hinh thức văn hóa văn nghệ. Không chỉ những hình thức diễn xướng dân gian dùng để giải khuây trong những lúc nông nhàn mà qua những lời ca tiếng hát ấy, ta còn nhìn thấy những tâm sự và đời sống tình cảm phong phú của người dân chân lấm tay bùn.
Qua chuyên khảo của Đinh Thị Thanh Thủy, đời sống nghệ thuật-giải trí của người bình dân Nam Bộ hiện lên hết sức đa dạng phong phú. Trong số đó, hát bội trở nên loại hình nghệ thuật đặc sắc, đa tầng nghĩa. Không chỉ phản ánh lịch trình phát triển văn hóa của đất Đàng Trong mà còn biểu hiện thị hiếu thẩm mỹ của người lưu dân Việt, hát bội còn chất chứa trong đó nỗi niềm thương nhớ cố hương. “Diễn lại tuồng tích đã từng được xem hồi ở quê cha đất tổ, người Việt nhớ về quê hương, mảnh đất nguồn cội sinh ra họ, nơi họ trưởng thành rồi rời xa mãi mãi” (tr.105). Nhìn thấy vai trò của hát bội trong cấu trúc văn hóa của đất Đàng Trong, thậm chí, Hồ Hữu Tường còn cho rằng cần phải lấy hát bội làm đối tượng nghiên cứu chuyên sâu ở bậc đại học, hay làm đề tài luận án tiến sĩ văn chương Việt Nam[1]. Theo đó, “để tạo riêng cho Đàng Trong một cái văn hóa riêng biệt, mà [Đào Duy] Từ đề nghị lấy hát bội, do Từ sáng chế khi chăn trâu, để cho dân chúng quen mắt, cũng như để đào tạo tinh thần của người Đàng Trong”[2]. Bởi Hồ Hữu Tường nhìn thấy ở loại hình nghệ thuật này giá trị văn chương lẫn vai trò lịch sử của nó trong việc hình thành tính cách đời sống của đất Đàng Trong từ các đời Chúa Nguyễn.
Bên cạnh hát bội, thì đờn ca tài tử và cải lương được người bình dân Nam Bộ đặc biệt yêu thích. Nhà nghiên cứu họ Đinh còn nhìn sâu hơn, để thấy “nhạc tài tử phát triển nhanh với những bản nhạc lễ truyền thống như: “Lưu thủy trường”, “Nam ai”, “Tứ đại”, “Xàng xê” xuất phát từ nhạc lễ cung đình, người Việt phương Nam đã biến thành “điệu tâm hồn” của người tha phương mở cõi” (tr.107). Luôn như vậy, nhà nghiên cứu luôn xuất phát từ trang viết Sơn Nam nhưng đã khái quát và đi sâu vào thực tiễn đời sống, vượt qua giới hạn của trang văn để thâm nhập vào trang đời. Trang văn và trang đời hòa vào nhau, giúp bạn đọc hình dung rõ nét hơn sinh cảnh văn hóa Nam Bộ. “Sinh hoạt hằng ngày của người dân Nam Bộ không bao giờ vắng lời ca tiếng hát. Ảnh hưởng của văn minh kênh rạch biểu hiện vô cùng phong phú trong ngôn ngữ và nghệ thuật diễn xướng ở miền Nam” (tr.110). Qua việc trình bày sinh hoạt nghệ thuật Hát Bội, Cải Lương, nhà nghiên cứu còn bày ra cả không gian diễn xướng dân gian với hò, lý, thai đố, nói thơ, … Sinh hoạt nghệ thuật-giải trí Nam Bộ hiện lên đặc sắc, phong phú, sống động, tươi tắn. Trong từng câu hò câu hát, người bình dân ký thác bao tậm sự, nỗi niềm cay cực số phận, cũng nhưng phẫn uất trước các tầng áp bức. Đó là nhưng ký ức văn hóa mà trang sử khó có thể chuyển tải.
Nhưng trang văn có ưu thế trong việc chuyển tải những tình cảm vi tế trong tâm hồn. Như nhà nghiên cứu Lữ Phương từng bàn về ca dao miền Nam với sự cảm thán, rằng: “Cảnh non sông êm đềm ấy, người dân miền Nam luôn luôn phát triển cho nó tươi đẹp, luôn luôn đổ máu xương để bảo vệ cho Nam Bắc kết hợp một nhà, và còn đem nó vào ca dao, nhân đó mà bầy tỏ những vui buồn. Yêu đất nước mình, không thể không nâng niu tìm kiếm những tiếng ca mặn mà thắm thiết đó”[3]. Không riêng ca dao mà nghệ thuật nói chung như phương tiện để nối kết dòng chảy văn hóa, biểu hiện phong phú cho sinh cảnh văn hóa, đồng thời cách để sàng lọc những giá trị phù hợp và không còn phù hợp của cấu trúc văn hóa. “Sơn Nam còn viết về phong tục tập quán, nghi lễ, tín ngưỡng qua cách nhìn sàng lọc, giữ gìn hạt ngọc, tinh hoa văn hóa dân tộc; đồng thời phát hiện những hủ tục cầu kỳ, tiêu cực, mê tín” (tr.52). Qua truyện của Sơn Nam, nhà nghiên cứu họ Đinh đã nhận thấy sức trẻ của vùng văn hóa Nam Bộ. “Dù mới hơn 300 tuổi nhưng Nam Bộ đã góp mặt vào lịch sử văn hóa Việt Nam, tạo nét chất phác và trẻ trung đặc trưng của vùng” (tr.61). Nhà nghiên cứu Đinh Thị Thanh Thủy, với sự thấu hiểu sâu sắc và tầm nhìn tinh tế, đã làm rõ bức tranh sống động về sự hình thành và phát triển của sinh cảnh Nam Bộ trong truyện Sơn Nam. Tác giả tập chuyên khảo khẳng định rằng để có được thiên nhiên thuần khiết, hiền hòa như ngày nay, người Việt phương Nam đã phải trải qua những thách thức khắc nghiệt trong hành trình khai phá đất mới.
Đời sống văn nghệ của người dân Nam Bộ vô cùng phong phú và đa dạng. Qua các hình thức nghệ thuật như ca trù, đờn ca tài tử, cải lương, người dân không chỉ giải trí mà còn thể hiện tâm tư, tình cảm, khát vọng của mình. Nghệ thuật dân gian đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân, góp phần tạo nên một sinh cảnh văn hóa độc đáo. Đinh Thị Thanh Thủy đã nhấn mạnh vai trò của nghệ thuật trong việc phản ánh xã hội. Qua các tác phẩm văn học, âm nhạc, người dân Nam Bộ đã thể hiện những khát vọng, ước mơ, cũng như những nỗi đau, mất mát của mình. Nghệ thuật đã trở thành một công cụ để đấu tranh cho công lý, bảo vệ những giá trị tốt đẹp.
Những cánh rừng thiêng nước độc, thời tiết khắc nghiệt và các mối đe dọa từ thú dữ như cọp, sấu, heo độc giác đã trở thành những rào cản đầy ám ảnh, buộc con người phải đấu tranh không ngừng nghỉ để bảo vệ sự sinh tồn và ổn định cuộc sống. Qua những phân tích đó, quá trình con người chinh phục thiên nhiên, dần tìm cách hài hòa và thậm chí nuôi mơ ước chinh phục nó, không chỉ là một đặc điểm chung của nhân loại mà còn mang dấu ấn độc đáo tại Nam Bộ. Thiên nhiên nơi đây, dưới bàn tay lao động bền bỉ và ý chí kiên cường của con người Việt, đã được tái tạo thành một sinh cảnh trù phú trẻ trung, biểu tượng cho sự kiên định và sức mạnh tinh thần. Đinh Thị Thanh Thủy đã làm rõ sự gắn bó giữa con người và môi trường sống, qua đó tôn vinh giá trị văn hóa và lịch sử oai hùng của vùng đất này. Nhà nghiên cứu làm bật lên mạch sống của đất và người Nam Bộ – vùng văn hóa tràn đầy năng lượng và giàu có trữ lượng.
2. Nhân cách văn hóa Nam Bộ
Ngay từ đầu tập sách, Đinh Thị Thanh Thủy đã chia sẻ về sự ra đời của chuyên khảo này, đó là: “ý thức chia sẻ đến với bạn đọc những nghiền ngẫm về khí chất, tính cách và cá tính Nam Bộ của văn hóa và con người miền Nam” (tr.7). Nhà nghiên cứu còn gọi đây là đặc điểm tính cách được gọi là “cá tính Nam Bộ” (tr.56). Và cá tính này trong quá trình hình thành, vận động, phát triển văn hóa, có quan hệ biện chứng với các biểu hiện văn hóa, do đó gắn chặt với thực hành văn hóa, dần hình thành nhân cách văn hóa.
Và, nhân cách văn hóa này cho thấy liên hệ mật thiết với đặc điểm vùng văn hóa. Các nhân vật văn học được xây dựng từ các mô hình văn hóa, được gọi là “những con người xã hội”, phản ánh những ảnh hưởng từ lịch sử và văn hóa. Thế nên có những nhân vật không chỉ điển hình cho nét tính cách, điển hình cho tình thế đời sống mà còn điển hình cho cấu trúc văn hóa, một thời đại văn hóa, một vùng văn hóa. Truyện của Sơn Nam là xuất phát điểm để từ đó bạn đọc mường tượng một vùng một văn hóa với cấu trúc văn hóa và hệ giá trị văn hóa Nam Bộ. Và tập chuyên khảo của Đinh Thị Thanh Thủy chính là nỗ lực làm sáng rõ thêm và mở rộng thêm những phương diện này. Để làm được việc này, nhà nghiên cứu đã sử dụng phép biện chứng duy vật để cho thấy tương tác biện chứng giữa tính cách và văn hóa; từ đó minh định nhân cách văn hóa Nam Bộ.
Khí chất là khái niệm rộng và có ý nghĩa sâu sắc, trong khái niệm này có phương diện căn tính. Nhưng, căn tính văn hóa không cố định được hình thành thông qua sự tương tác và nguyên tắc đối thoại, nơi hội tụ nhiều ảnh hưởng văn hóa. Chính vì thế, nhà nghiên cứu họ Đinh đã dành nhiều trang viết để làm rõ vấn đề đặc biệt quan trọng này. Trong mục “Biến đổi văn hóa”, nhà nghiên cứu khởi đi từ chỗ nắm bắt thiết chế ổn định của cấu trúc văn hóa Việt ở Nam Bộ dần phân tích yếu tố kế thừa cho tới yếu tố biến đổi; và nhờ đó làm rõ quá trình vận động phát triển căn tính văn hóa Nam Bộ. Thế nên, nếu như hiểu khí chất chỉ như phong tục tập quán lề thói thì tức là chỉ nắm bắt biểu hiện bên ngoài. Thế nên, nhà nghiên cứu đào sâu hơn vào căn tính như các nguyên lý chung trong sự vận động biến đổi cấu trúc văn hóa. Từ đó, nhà nghiên cứu đã khám phá và phơi bay ra cấu trúc văn hóa Nam Bộ với hệ giá trị văn hóa truyền đời, phơi bày mạch sống tươi mới căng tràn của hồn người Nam Bộ. Khí chất Nam Bộ như căn tính văn hóa như thế cho đến nay vẫn tiếp tục được kế thừa và biến đổi, khiến cho văn hóa Nam Bộ luôn luôn năng động và năng sản.
Trong mối quan hệ với thiên nhiên
Nắm bắt quy luật tự nhiên, người bình dân Nam Bộ thuận theo trời đất để tránh chướng ngại, thiên tai (tr.93). Họ quan sát từng cơn gió, con nước để tích lũy kinh nghiệm lao động sản xuất. Chính vậy, con người dần có tính cách nhu thuận, giỏi thích nghi với cái mới. Chính vì thích nghi với cái mới nên tư duy cởi mở, không câu nệ hình thức, lanh lẹ sẵn sàng đón nhận cái khác. Nhà nghiên cứu còn nhấn mạnh, chính vì đặc tính con người như thế, nên văn hóa Nam Bộ luôn vận động sinh sôi, ngược lại “văn hóa “đứng yên một chỗ” là văn hóa chết. Sống động, thích nghi với hoàn cảnh, đó mới là văn hóa theo đúng nghĩa của nó” (tr.116). Sống với thiên nhiên, con người rút ra quy luật. Dựa trên quy luật, con người đặt định nền nếp đối đãi, khiến nó trở nên quy phạm xã hội, trở nên hệ giá trị xã hội. Nhân cách cá nhân vì thế trở nên nhân cách cộng đồng-nhân cách văn hóa. “Cá nước, chim trời là của tự nhiên miền cực Nam đất nước, sống hòa hợp, thích nghi với văn hóa sông nước Nam bộ để cùng tồn tại là thuận tự nhiên. Những việc làm thái quá, vượt qua quy luật tự nhiên thì luôn bị phản ứng ngược” (tr.99). Người bình dân vì thế có tính cách tôn trọng cái khác, bình đẳng tồn tại. Tính cách bình đẳng cùng tồn tại đã trở nên nét tính cách rất phổ biến và đặc trưng cho khí chất người bình dân Nam Bộ.
Như đã nói, tâm thế ứng xử của bình dân Nam Bộ với tự nhiên luôn dựa trên tính hòa hợp, thích nghi, tùy nghi ứng biến, cho nên tính cách người bình dân Nam Bộ có khả năng biến tấu, sáng tạo rất đa dạng phong phú. Qua thế hệ, tính cách linh hoạt này càng trở nên phổ biến. “Đi khai phá vùng đất mới, lưu dân Việt thế hệ đầu cơ bản là nông dân miền Nam Trung Bộ đi vào vùng đất mới, cần cù, khắc khổ và lo lắng trước tương lai. Đến thế hệ sau, con cháu người Việt được sinh ra và lớn lên trên miền đất này mềm dẻo hơn, dễ thích ứng, dám sáng tạo, bởi muốn vươn lên thì phải đa dạng, phải đoàn kết, tương trợ nhau” (tr.117). Nói về tính sáng tạo của người miền Nam, một lần có người bạn gốc Bắc hỏi ngặt, Bình Nguyên Lộc chợt nghĩ lại về tính cách người miền Nam, từ đó lại nghĩ bàn rộng ra về khí chất con người miền Nam. Đặc điểm đầu tiên ông nhắc đến cũng là tính sáng tạo. “Đó là sáng tạo vì nhu cầu vật chất, mà không phải chỉ sáng tạo kiểu thuyền mà thôi, mà cả nông cụ, điền khí, y phục, cũng được sửa đổi khác hết, vì một lý do thứ nhì nữa chớ không phải vì quên kiểu mẫu cũ hoặc vì không thạo kỹ thuật cũ. Lý do thứ nhì quan trọng hơn nhiều: Đó là lòng ham thích sáng tạo”[4]. Nhà nghiên cứu Đinh Thị Thanh Thủy nói thêm về tính sáng tạo cùng sự thông minh và nhạy bén. “Thông minh là thiên hướng bẩm sinh, và sự nhạy bén tìm tòi là do nhu cầu xã hội đòi hỏi, tính cách người Nam Bộ hình thành trên cơ sở phối hợp hai yếu tố trên” (tr.253). Có thể nói bởi nhu cầu nảy sinh từ tương tác với tự nhiên đã kích hoạt thêm thiên bẩm sáng tạo của người Nam Bộ. Sự sáng tạo này không nảy sinh từ luận thuyết và kiến thức trường quy; nó nảy sinh từ thúc bách trực diện mà đời sống lao động sản xuất đặt ra. Cũng như với sự nhạy bén trong cuộc gặp gỡ với tự nhiên đã giúp cho người Nam Bộ nảy ra nhiều ý tưởng sáng tạo táo bạo. Chính nhờ như vậy, họ mới đủ sức chống chọi và thích ứng kịp thời với gian khó khắc nghiệt của vùng đất mới.
Bên cạnh đó, sống với tự nhiên bằng tư duy thích nghi, cấu trúc đời sống vì thế cởi mở hơn, thoáng hơn. Tâm tính con người vì thế cũng rộng rãi, hào sảng. “Trong điều kiện tự nhiên thuận lợi và không ít khó khăn khắc nghiệt, con người trở nên phóng khoáng hơn, mộc mạc hơn” (tr.127). Hiểu được điều này phải nhìn lại bản lĩnh con người dám lên đường thiên lý, dám đi vào vùng đất mới để gầy dựng cuộc sống với chí tự tin bản lĩnh của người khăn gói vào Nam. Họ nhìn thấy cả cơ hội lẫn thách thức mà thiên nhiên mang lại. Nhưng với quan niệm “bàn tay ta làm nên tất cả” nên họ lạc quan trước cả thuận lợi lẫn khó khăn và họ dám rộng rãi hào sảng cũng bởi bản lĩnh tự tin và chí lạc quan như vậy.
Trong quan niệm sống lạc quan như thế, ta cũng thấy người bình dân Nam Bộ ngời lên với khí chất kiên cường, bất khuất, đương đầu với thiên nhiên khắc nghiệt và những mối nguy khác nhau để khai khẩn và gầy dựng vùng đất hoang địa phương Nam. “Ngày nay, ai có qua miền Tây bát ngát đồng ruộng thẳng cánh cò bay, lúa vàng thơm chín; ghe lạch chợ búa tấp nập, có biết chăng cách đây hơn một thế kỷ, những chiến sĩ Việt Nam đã vừa chiến đấu, vừa khai khẩn đất hoang, chống với bao nỗi khó khăn của thiên nhiên. Những chiến sĩ tiền bối vô danh ấy để lại cho hậu thế những mảnh đất đẫm máu và mồ hôi mà chúng ta quyết sẽ giữ gìn và mở mang mãi mãi”[5]. Sinh cảnh trù phú hôm nay là kết quả có được của bao thế hệ xương tàn cốt rụi trên mảnh đất này. Đó là những con người góp phần bồi tụ nên vẻ đẹp sáng tươi của nhân cách văn hóa Nam Bộ.
Trong mối quan hệ với tha nhân
Khí chất của người bình dân Nam Bộ qua lăng kính nghiên cứu của Đinh Thị Thanh Thủy trong chuyên khảo Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam hiện lên như một bức chân dung đầy cảm hứng về nhân cách văn hóa. Thật đáng khâm phục, tinh thần yêu nước nồng nàn đã trở thành bản sắc bền vững của họ, là ngọn lửa cháy mãi trong lòng mỗi người con Nam Bộ. Các tác phẩm của ông đều liên hệ đến tinh thần yêu nước, chống giặc, cần cù lao động của nhân dân Nam Bộ trên lập trường dân tộc-yêu nước” (tr.35). “Từ những con người yêu nước chống giặc bằng hành động của nghĩa binh, lực lượng Thanh niên Tiền phong đến những người yêu nước bất hợp tác với giặc, họ bày tỏ một cách rõ ràng về quan điểm và cách sống trong hoàn cảnh là dân nô lệ mất nước” (tr.62).
Trên hành trình khai hoang, xây dựng cuộc sống ở phương Nam, tinh thần yêu nước ấy không chỉ là động lực mà còn trở thành quy phạm đạo đức, tạo nên sức mạnh đoàn kết để cùng nhau chống ngoại xâm. Tự hào thay, đây chính là phẩm chất đáng trân trọng nhất, giúp người Nam Bộ khắc sâu thêm vào tâm hồn dân tộc những giá trị lớn lao. Không chỉ dừng lại ở tình yêu nước, nhân cách văn hóa Nam Bộ còn tỏa sáng qua tinh thần tương thân tương ái, vượt lên những khó khăn của chính mình để sẻ chia cùng tha nhân. Họ không giàu sang, dư dả, nhưng lại rộng rãi trong tình thương bởi sự đồng cảm sâu sắc với nỗi khổ đau của đồng loại. Có thể vì đồng hương, đồng lứa, đồng cảnh ngộ nên họ dễ thấu cảm và san sẻ. Người bình dân Nam Bộ sẵn sàng cho dù bản thân cũng thắt ngặt, khó khăn. Nhưng nhìn thấy người khổ nạn không cứu thì họ không đành lòng (tr.173). Không phải vì giàu có dư dả nên có tính quảng đãi, mà vì người với ta cùng chung cảnh khổ, hiểu nỗi khổ niềm đau của tha nhân nên “thương người như thể thương thân”. Tình thương chính biểu hiện nhân văn trong nhân cách văn hóa Nam Bộ. “Tình thương yêu hóa thành cơ sở xử thế trong mọi hành động của ngươi Việt Nam Bộ, truyền từ tinh thần nhân nghĩa của văn hóa Việt Nam” (tr.172). Triết lý “thương người như thể thương thân” đã hóa thành phương châm sống, là biểu tượng của nhân văn và nghĩa tình. Tình thương yêu ấy, chảy tràn từ cội nguồn văn hóa Việt, đã làm rực rỡ thêm nhân cách Nam Bộ, một nhân cách đáng ngưỡng mộ và tự hào.
Chính vì tinh thần tương trợ như vậy, họ coi trọng ân nghĩa. Nhất là được cứu giúp trong những hoàn cảnh ngặt nghèo. Ân nghĩa đó, họ không bao giờ quên. Còn người thi ân, họ cũng không cần được báo đáp. Bởi với người lưu dân, tiền tài không đáng quý trọng bằng nghĩa khí. Khí chất Nam Bộ đẹp đẽ chính bởi tinh thần trọng nghĩa khinh tài, tính hào hiệp phóng khoáng. Khí chất này thể hiện bàng bạc trong đời sống văn hóa xã hội Nam Bộ. Chuyên khảo của nhà nghiên cứu họ Đinh cho thấy hình tượng con người Nam Bộ hiện lên với tinh thần tự do, phóng khoáng, khẳng khái, chất phác, bộc trực. Nếu liên hệ với tiểu thuyết Miền đất mặn (2023) của nhà văn Phùng Quang Thuận, bạn đọc có thể có thêm góc nhìn. Tác phẩm này không chỉ kho ngôn ngữ nguyên chất quý báu mà còn giá trị bởi những lớp trầm tích văn hóa lắng đọng qua nhiều thời kỳ lịch sử biến động của Nam Bộ. Ở đó, bạn đọc thấy ngời lên nhân cách của Ông Năm Quới – tiêu biểu cho tư chất và khí phách con người miền châu thổ Cửu Long. Khẳng khái, trượng nghĩa, yêu quê hương sâu nặng. “Con người ông được định trước làm người khai phá, hi sinh, phù suy, chịu nghịch cảnh và đơn độc!” (tr.408). Không chỉ người Việt, người Khmer cũng cho thấy cách đối đãi trọng ân nghĩa (tr.407). Thi ơn bất cầu báo, “đối với ông, nói được làm được là vui, đem lại được lợi ích cho người khác còn vui hơn nữa, ông không màng tới việc hưởng thụ thành quả. Việc xong, ông lặng lẽ bỏ đi, có khi như vậy mà thấy thích hơn, thong dong hơn” (tr.404). Khí phách này cùng một dòng chảy với quan niệm “Ngư rằng: “Lòng lão chẳng mơ, Dốc lòng nhơn nghĩa há chờ trả ơn. Nước trong rửa ruột sạch trơn, Một câu danh lợi chi sờn lòng đây” của cụ Đồ Chiểu.
Bên cạnh tinh thần hào hiệp trượng nghĩa, nhà nghiên cứu Đinh Thị Thanh Thủy đã phân tích sâu sắc nhân cách văn hóa của người bình dân Nam Bộ, nhấn mạnh yếu tố “tâm thế mở-động” như một đặc trưng cấu trúc văn hóa và nhân cách của con người nơi đây. “Người Việt trên đường Nam tiến đã mang theo văn hóa Việt để áp dụng trong hoàn cảnh mới, tạo cho mình tâm thế mở mới mẻ để đương đầu với nguy hiểm, chấp nhận phiêu lưu vượt lên trên số phận. Cách ứng xử động hơn trước những điều kiện sống khắc nghiệt làm hình thành nét văn hóa đặc sắc trong nền văn hóa chung nước Việt” (tr.75). Theo tác giả, trong quá trình Nam tiến, người Việt không chỉ mang theo giá trị văn hóa truyền thống mà còn linh hoạt điều chỉnh để thích ứng với bối cảnh mới, từ đó hình thành tâm thế cởi mở và sáng tạo. Đặc điểm này giúp họ đương đầu với những thử thách khắc nghiệt, chấp nhận phiêu lưu, và vươn lên vượt qua nghịch cảnh. Chính lối ứng xử năng động và linh hoạt đã góp phần kiến tạo nên nét đặc sắc trong nền văn hóa Việt Nam. Bên cạnh đó, lối sống của người lưu dân Nam Bộ mang tính mềm dẻo, ít câu nệ, và phong phú trong sinh hoạt hằng ngày (tr.75).
Tư duy đời sống tự do, không bị ràng buộc trong thành kiến cố cựu. Luận bàn “duyên hội ngộ” trong ca dao miền Nam, Thuần Phong cũng nhận thấy: “Sanh hoạt trong nông thông, công tác ở nơi đồng áng, đã không phân rẽ gái trai, mà trái lại, luôn luôn đoàn tụ, đoàn tụ trong một tinh thần tương trợ, tương thân, trên một thửa đất màu mỡ lành mạng: không có một câu ca dao thô tục lưu manh, chỉ toàn là những câu thanh tao đạo lý; đó là một bằng chứng hùng hồn làm chứng cho tinh thần lành mạnh của gái trai thôn quê, làm chứng cho những cuộc gặp gỡ duyên vị nồng nàn, mà không có mảy may ngụy tà tội lỗi”[6]. Tự do nhưng không vượt qua luân lý. Đời sống sông nước đặc thù, với hệ thống kênh rạch chằng chịt, đã hòa quyện cùng nền văn minh lúa nước, tạo nên một phiên bản mới, mang tính nối dài và phát triển của văn hóa Việt. Qua đây, có thể thấy rõ sự tác động của các yếu tố địa lý – thổ nhưỡng, thời tiết, địa hình – không chỉ định hình đời sống con người mà còn góp phần định hướng sự vận động và phát triển của văn hóa Nam Bộ. Nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, người Nam Bộ đặc biệt đề cao tinh thần “trọng tình hơn trọng lý,” luôn hướng đến sự hòa giải và dung hợp (tr.172). Đặc điểm này phản ánh chiều sâu nhân văn trong nhân cách văn hóa, góp phần làm phong phú thêm dòng chảy văn hóa Việt Nam trên hành trình mở rộng và phát triển không ngừng.
Trên đường vào Nam mở rộng và phát triển đời sống mới, người bình dân Nam Bộ còn cho thấy ý chí kiên cường, không dễ bị khó khăn chướng ngại khuất phục. “Dưới ngòi bút của Sơn Nam, khát vọng sống và chí khuấy nước chọc trời ở những con người này đã trỗi dậy mãnh liệt. Hành trang của tất cả dân Việt vùng Ngũ Quảng mang theo là như nhau, không ai mưu cầu tạc danh vào sử sách mà chỉ mong chứng minh được sức sống của họ ở nơi mà triều đình muốn họ tự vùi thây” (tr.56). Cá tính chọc trời khuấy nước trải qua trình lịch sử lâu dài, đương đầu với gian khó và hiểm nguy dần trở nên nhân cách kiên cường, bất khuất, gan dạ. Trong nhân cách văn hóa này, nhà nghiên cứu đã nhìn thấy ngọn nguồn sức sống tiềm tàng mãnh liệt, sức sống giúp dân Nam Bộ vượt qua mọi gian khó để dựng xây đời sống mới. Ý chí sống này giúp cho dân Nam Bộ biến điều không thể thành có thể.
Bên cạnh khí chất Nam Bộ đẹp đẽ, nhà nghiên cứu gợi mở những thách thức đối với nhân cách văn hóa Nam Bộ trong thời đại mới. Nhất là từ sau thống nhất đất nước với nền kinh tế thị trường và lối sống thực dụng, giới trẻ dễ sa đà vào cuộc sống giải trí tiêu thụ, mục ruỗng nhận thức văn hóa đời sống, thiếu hệ giá trị làm nền tảng cuộc sống. “Cùng sự ngự trị của giấy bạc là những trò tiêu khiển, những sinh hoạt lạ lùng làm giới trẻ tò mò muốn thử. Với đề tài này, Sơn Nam đặt vấn đề: dường như các giá trị văn hóa, đạo đức Việt Nam đều bị xáo trộn, bị thử thách quá lớn” (tr.59). Qua truyện Sơn Nam, nhà nghiên cứu đã thâm nhập vào hồn cốt xứ sở, bồi đắp thêm vẻ đẹp nhân cách văn hóa con người vùng sông nước Nam Bộ. “Tính cách Nam Bộ sinh ra từ cội nguồn dân tộc, nếm trải đủ gian lao và thử thách trong công cuộc Nam tiến, khai khẩn đất đai, lập nên xóm làng đến tận vùng rừng sâu nước độc với mục đích nối tiếp sự sống, mở rộng cõi bờ. Tính cách người Nam Bộ gắn liền với lịch sử hình thành vùng đất Nam Bộ. Biết phát huy truyền thống và tinh hoa trên vùng đất mới, con người Nam Bộ tỏa sáng lên những đức tính cao đẹp trong các giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam: chất phác, bộc trực, phóng khoáng, cởi mở, nhân ái, nghĩa khí và năng động, sáng tạo” (tr.256).
3. Học phong Nam Bộ
Từ cách sống với thiên nhiên, người bình dân Nam Bộ đúc kết quan niệm sống với tha nhân. Với người cùng giống nòi, người bình dân Nam Bộ đề cao tình yêu thương, đoàn kết, đùm bộc, chia sẻ (tr.119). “Tối lửa tắt đèn có nhau”. Đời sống nông nghiệp cần nhiều nhân công nên hình thành lối vần công, do đó càng cô kết tình chòm xóm láng giềng. Có câu “bán bà con xa mua láng giềng gần” là vậy! Bởi như trong truyện “Hai cõi u minh” của Sơn Nam mà Đinh Thị Thanh Thủy đã phân tích, người bình dân nhận thức sâu sắc rằng, trước vùng hoang địa phương Nam, chỉ có đoàn kết mới giúp con người tồn tại (tr.119). Nhưng nhà nghiên cứu còn nhấn mạnh, nghĩa tương trợ của người bình dân Nam Bộ không “siêu hình” mà rất cụ thể. Giúp bằng cái gọi tên được, cái hữu hình, cái cụ thể, cái trước mắt, có thể cứu ngặt cho người khác. Đó là nhân nghĩa tương trợ của người bình dân, rất khác với “nghĩa” của bậc túc nho. “Luân lý của quá trình “nấu sử sôi kinh” không cần thiết, cuộc sống hằng ngày có quá nhiều bộn bề để học phải xắn tay mà làm. Họ không thích lý luận suông” (tr.120). Điều này cũng giúp hình thành nét riêng trong lối học vấn ở phương Nam – có thể tạm gọi: học phong Nam Bộ.
Đinh Thị Thanh Thủy trong chuyên khảo này chí ít triển khai hai chiều kích cứu xét: đi vào chi tiết cụ thể để làm rõ đặc điểm sáng tác Sơn Nam nhưng sau đó đều phóng tầm nhìn khái quát, cho thấy nhãn quan rộng và năng lực rút xét những vấn đề chung những nguyên lý vận động phát triển của truyện Sơn Nam cũng như văn học Nam Bộ nói chung. “Các tác phẩm của nhà văn Sơn Nam đã góp phần dựng nên bức tranh lịch sử dân tộc thế kỷ XIX-XX ở góc độ phản ánh đời sống văn hóa-xã hội vùng đất Nam Bộ, thể hiện sự phong phú đa dạng trong thể thống nhất văn hóa dân tộc Việt Nam gồm các vùng miền, các tộc người” (tr.70). Trong quá trình lâu dài chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt của vùng đất mới, tính cách linh hoạt, năng động, dễ thích nghi dần được bồi đắp. Từ đó, người Nam Bộ có ưu điểm tùy cơ ứng biến. Họ năng động, sáng tạo và ham học hỏi. Nhất là họ trao đổi, học hỏi và tích lũy kinh nghiệm sống – những điều giúp cho họ tồn tại trong hoàn cảnh khó khăn thiếu thiếu. Nhà nghiên cứu Đinh Thị Thanh Thủy đã làm rõ được óc sáng tạo và ham học hỏi của họ. Đó là sự học của lớp người bình dân chân lấm tay bùn. Họ học từ chính trải nghiệm cuộc sống với thiên nhiên và tha nhân, từ đó chiêm nghiệm ra lẽ sống, lẽ đời. “Người Nam Bộ ham hiểu biết, thích tìm tòi, thông minh, sáng tạo. Tuy chữ nghĩa ít nhưng họ rất có sáng kiến và chịu khó học hỏi” (tr.251). Sự học của người bình dân gắn chặt thực tiễn. Xuất phát từ thực tiễn và đáp ứng thực tiễn, người bình dân không thiên về cái học trường quy, phần nhiều câu chữ khoa sức mà thiếu nghĩa lý thực chất.
Thế nhưng, điều này không có nghĩa đất Nam Bộ không chuộng học vấn. Ngược lại, họ trọng người có chữ, nhưng hơn hết họ trọng người có nghĩa. Chữ và nghĩa gắn liền với nhau. Cái học trường quy không mấy hấp dẫn với người bình dân Nam Bộ vì tính phản tư trong đầu óc con người ưa tự do, giúp người bình dân nhìn thấy những thiết chế khô cứng nặng nề kinh viện. Như thế, không phải người bình dân Nam Bộ không trọng nền học vấn hàn lâm mà đúng hơn là không trọng nền học vấn có tính cách viễn vông, xa rời thực tiễn. Nhận định của nhà nghiên cứu Đinh Thị Thanh Thủy cho thấy cái nhìn sắc sảo về học phong Nam Bộ. Nhất là, nhà nghiên cứu nhấn mạnh sự dung hòa giữa học vấn và thực tiễn. Nổi bật trong tinh thần học vấn Nam Bộ đó là một tâm thế tự do, linh hoạt và giàu tính phản tư. Không phải không đề cao học vấn, ngược lại, người bình dân Nam Bộ rất coi trọng việc học, nhưng phải là cái học thiết thực và cái học trọng ở nghĩa, thậm chí đặt chữ “nghĩa” ở vị trí trung tâm. Đây là một quan điểm đặc biệt sâu sắc, bởi nó thể hiện sự kết hợp giữa tri thức và đạo đức. Với họ, tri thức không tồn tại độc lập mà phải gắn liền với giá trị nhân văn, với sự đóng góp thiết thực cho cộng đồng. Điều này phù hợp với tính cách trọng tình và tinh thần hòa giải đã trở thành đặc trưng của người Nam Bộ.
Với cá tính phong khoáng, khẳng khái, người bình dân Nam Bộ thường không bị ràng buộc bởi những khuôn khổ cứng nhắc của nền học vấn kinh viện. Sự phản tư trong tư duy giúp họ nhận ra hạn chế của mô hình giáo dục “trường quy,” vốn thiên về lý thuyết và xa rời thực tiễn. Thay vào đó, họ ưa chuộng những hình thức học tập gần gũi, có thể ứng dụng trực tiếp vào cuộc sống thường nhật, phù hợp với nhu cầu khai phá và xây dựng vùng đất mới. Cho nên nói, học phong Nam Bộ tiêu biểu bởi biện chứng mật thiết giữa thực tiễn và lý luận. Chính tinh thần như thế, nền học của Nam Bộ đáp ứng kịp thời vận động thời đại. Có thể nói, chuyên khảo của nhà nghiên cứu Đinh Thị Thanh Thủy không chỉ khắc họa học phong Nam Bộ mà còn làm sáng tỏ mối liên hệ sâu sắc giữa giáo dục, văn hóa, đời sống và thời kỳ lịch sử khác nhau. Nó nhấn mạnh rằng, tri thức chỉ thực sự có giá trị khi gắn liền với nhân nghĩa, và giáo dục chỉ có ý nghĩa khi phù hợp với nhu cầu và hoàn cảnh thực tiễn.
Bên cạnh giáo dục trường quy, người bình dân Nam Bộ còn giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Trong giáo dục xã hội, người bình dân có cả hệ thống giá trị văn hóa đạo đức ứng xử. Từ khi Đức Gia Long lập nên Vương triều Nguyễn, nền học vấn hàn lâm của đất Nam Kỳ dần được phấn phát. Số sĩ tử đỗ đạt hẳn không thể sánh bì trung và bắc; song số lượng sĩ tử tăng dần cùng với đó là sự xuất hiện của nhiều nhà nho lỗi lạc. Cho đến cuối thế kỷ XIX-đầu thế kỷ XX, người Nam Bộ cũng nhạnh bén trong tình hình mới, thế hệ trí thức mới đông đảo và hoạt động sôi nổi, đóng góp cho đời sống Nam Bộ trên nhiều phương diện (kinh tế, chính trị, văn hóa, văn học, …). “Mảnh đất Nam Bộ đã sản sinh những con người thông minh, sáng tạo trong mọi lĩnh vực hoạt động” (tr.251). Chính với sự linh hoạt, nhạy bén, cởi mở, nền học vấn Nam Bộ đáp ứng nhanh chóng và kịp thời những xu thế mới của thời đại, hiệp cùng cả nước đóng góp phát triển cơ nghiệp ngàn năm của tổ tiên. Qua đây, bạn có thể thấy, nếu sử dụng khung tham chiếu của nền học vấn ở sinh cảnh văn hóa này để đánh nền học vấn ở sinh cảnh văn hóa khác dễ dẫn đến bất cập. Không thể dùng nhãn quan kinh viện để đánh giá nền học vấn chú trọng đến thực nghiệp.
Đặt trong mối quan hệ tương tác giữa bản sắc cá nhân và bối cảnh văn hóa, nghiên cứu văn học có thể giúp lột tả nhân cách văn hóa. Khái niệm nhân cách văn hóa nảy sinh từ tương tác này càng cho thấy sinh cảnh văn hóa có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ diễn giải tác phẩm văn học. Và nhân cách văn hóa trong sinh cảnh văn hóa cho thấy các hình mẫu xã hội và căn tính văn hóa của vùng văn hóa nhất định. Rõ ràng cấu trúc tập chuyên khảo của nhà nghiên cứu họ Đinh chính là quá trình đi từ chỗ làm rõ sinh cảnh văn hóa đến việc làm rõ nhân cách văn hóa. Sinh cảnh văn hóa tập trung ở tương tác con người-tự nhiên con người với con người. Nhân cách văn hóa ở chương 3 tập trung ở những đặc điểm tâm-tính tiêu biểu của con người Nam Bộ (đặt trong tương tác với sinh cảnh đã phân tích ở chương 2). Cho nên có thể nói, tập chuyên khảo này đi từ rộng đến sâu và ngày càng thâm nhập vào căn tính tâm hồn con người Nam Bộ, căn tính vùng văn hóa Nam Bộ. Từ đó, chuyên khảo là nền tảng để tiếp tục mở rộng bàn luận về hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam ở Nam Bộ hiện nay.
Thay lời kết
Qua truyện Sơn Nam, Đinh Thị Thanh Thủy đã chỉ ra rằng, từ những người khai hoang ban đầu, người dân Nam Bộ đã biết tận dụng tối đa tài nguyên thiên nhiên để tạo dựng cuộc sống. Một trong những đặc trưng nổi bật của sinh cảnh văn hóa Nam Bộ là sự thích nghi tuyệt vời của người dân đối với điều kiện tự nhiên. Điều này, không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh tồn còn tạo nên một nền kinh tế tự cung tự cấp, độc đáo. Hơn nữa, nguyên tắc “thuận tự nhiên, sống hòa bình” đã trở thành kim chỉ nam cho lao động sản xuất của người dân Nam Bộ. Họ chẳng những không đối kháng hoặc manh tâm hủy diệt thiên nhiên vì lợi ích trước mắc – mà họ, luôn chân thành tìm cách hòa hợp “chung cùng sống” tận dụng những gì tự nhiên ban tặng đã tạo ra một mối quan hệ bền vững giữa con người và môi trường, góp phần hình thành nên một sinh cảnh văn hóa độc đáo. Có thể nói, nhiều người đã viết về Sơn Nam, nhưng công trình của nhà nghiên cứu Đinh Thị Thanh Thủy với tầm nhìn văn hóa lịch sử hơn ba trăm năm của Nam Bộ cho thấy khả năng khái quát sâu rộng.
Trên điểm tựa là qua truyện Sơn Nam, nhà nghiên cứu họ Đinh đã bộc lộ nhãn quan sâu sắc và đồng thời soi chiếu những nét lớn trong đặc điểm cấu trúc sinh cảnh văn hóa Nam Bộ. Trong đó, Đinh Thị Thanh Thủy còn làm rõ và khêu sáng thêm vẻ đẹp nhân cách văn hóa Nam Bộ. Những con người chất phác bộc trực nhưng giàu nghĩa khí. Từ đó, bạn đọc có lẽ nhận ra tiềm năng của nền học vấn cũng như nền văn học giàu trữ lượng trên đất Nam Bộ chí ít từ thế kỷ XIX cho đến hiện nay. Từ nghiên cứu của Đinh Thị Thanh Thủy, bạn đọc có thể cảm nhận văn học như tác nhân vừa tách biệt để phản ánh, vừa góp phần ảnh hưởng động lực văn hóa để định hình sinh cảnh và nhân cách văn hóa. Bằng cách làm văn học, nhà văn đã thực hành văn hóa. Bằng cách làm nghiên cứu văn học, nhà nghiên cứu cũng đã tham gia vào thực hành và phát triển văn hóa.
Cả Gừa, chiều cuối năm 2024.
TRẦN BẢO ĐỊNH
[1] Hubert Zapf (2016). Literature as Cultural Ecology: Sustainable Texts. London and New York: Bloomsbury Academic, P.28
[2] Hồ Hữu Tường (1972). Hát Bội (biên khảo). Nguyệt san Phương Đông – Số 7 (tháng Giêng, 1972), tr.25 (25-31).
[3] Hồ Hữu Tường (1972). Hát Bội (biên khảo) (tiếp theo). Nguyệt san Phương Đông – Số 11 (tháng 5, 1972), tr.333 (332-338).
[4] Lữ Phương (1967). Một vài ý kiến về sự sáng tạo ca dao miền Nam. Tạp chí Nghiên cứu văn học – Số 2 (15-12-1967), tr.88 (72-88).
[5] Bình Nguyên Lộc (1973). Sáng tạo nơi đất mới. Nguyệt san Phương Đông – Số 25 (tháng 7-1973), tr.26 (26-29).
[6] Phan Lạc Tuyên (1957). Cuộc khẩn hoang miền Lục tỉnh của binh sĩ Việt Nam thời xưa. Bách Khoa – Số 12 (01-7-1957), tr.18 (14-18).
[7] Thuần Phong (1957). Duyên hội ngộ trong câu hò miền Nam. Bách Khoa – Số 7 (15-4-1957),
_________________________
Tài liệu tham khảo
– Bình Nguyên Lộc (1973). Sáng tạo nơi đất mới. Nguyệt san Phương Đông – Số 25 (tháng 7-1973), tr.26-29.
– Thuần Phong (1957). Duyên hội ngộ trong câu hò miền Nam. Bách Khoa – Số 7 (15-4-1957), tr.51-56.
– Lữ Phương (1967). Một vài ý kiến về sự sáng tạo ca dao miền Nam. Tạp chí Nghiên cứu văn học – Số 2 (15-12-1967), tr.72-88.
– Phùng Quang Thuận (2023). Miền đất mặn (tiểu thuyết). TPHCM: Nxb. Tổng hợp.
– Đinh Thị Thanh Thủy (2024). Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam (chuyên khảo). TPHCM: Nxb. Tổng hợp.
– Hồ Hữu Tường (1972). Hát Bội (biên khảo). Nguyệt san Phương Đông – Số 7 (tháng Giêng, 1972), tr.25-31.
– Hồ Hữu Tường (1972). Hát Bội (biên khảo) (tiếp theo). Nguyệt san Phương Đông – Số 11 (tháng 5, 1972), tr.332-338.
– Hubert Zapf (2016). Literature as Cultural Ecology: Sustainable Texts. London and New York: Bloomsbury Academic.
– Phan Lạc Tuyên (1957). Cuộc khẩn hoang miền Lục tỉnh của binh sĩ Việt Nam thời xưa. Bách Khoa – Số 12 (01-7-1957), tr.14-18.