Nỗi lo lắng của Chủ tịch Dragon Capital

Ông Dominic Scriven nói: “Chúng tôi đầu tư vào thị trường vốn ở Việt Nam chứ không làm nhiều M&A. Mỗi khi đầu tư vào công ty nào, chúng tôi đều muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược". Tham gia chia sẻ tại Diễn đàn M&A 2022 do Báo Đầu tư tổ chức chiều nay, ông Dominic Scriven – Chủ tịch Dragon Capital – chia sẻ: “Tất cả chúng tôi đều yêu thích môi trường đầu tư Việt Nam.
Ông Dominic Scriven nói: “Chúng tôi đầu tư vào thị trường vốn ở Việt Nam chứ không làm nhiều M&A. Mỗi khi đầu tư vào công ty nào, chúng tôi đều muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược".
 
Tham gia chia sẻ tại Diễn đàn M&A 2022 do Báo Đầu tư tổ chức chiều nay, ông Dominic Scriven – Chủ tịch Dragon Capital – chia sẻ: “Tất cả chúng tôi đều yêu thích môi trường đầu tư Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề cần đề cập là trong 2 năm qua, có nhiều công viên chức ở các quan nhà nước nghỉ việc. Điều này tôi thấy có chút lo lắng . Bởi hiện nay tốc độ phát triển của doanh nghiệp tư nhân rất nhanh và cơ quan Nhà nước cần bắt kịp tốc độ này ”.
 
Ở các lĩnh vực mới như số hoá, hay thiết lập cơ chế sandbox, hay tác động biến đổi khí hậu, bản quyền sở hữu trí tuệ…, có nhiều lĩnh vực cần cơ quan quản lý nhà nước mạnh và chuẩn bị tốt. Các cơ quan quản lý cần được thông tin đầy đủ, đào tạo đầy đủ và cần được trả lương tốt, tạo động lực tốt.
 
"Với Tp.HCM, là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, Thành phố có thể làm gì?" - Ông Dominic Scriven đặt vấn đề.
 
“Trước hết là có thể cải thiện hệ thống trọng tài để giải quyết tranh chấp. Điều này rất quan trọng với môi trường kinh doanh quốc tế. Chúng ta đã có Trung tâm Trọng tài quốc tế tại Việt Nam, nhưng chúng ta cần cải thiện năng lực và mức độ hấp dẫn hơn của trung tâm này.
 
Ngoài ra, để có sức hút hơn với các nhà đầu tư quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam nên sử dụng hệ thống báo cáo tài chính theo tiêu chuẩn quốc tế (IFRS)”, đại diện Dragon Capital nói.
 
Chính phủ cũng cần có cơ chế quản lý với những doanh nghiệp có hoạt động đầu tư nước ngoài, có nguồn thu nước ngoài, làm sao để doanh nghiệp, doanh nhân có thể chuyển tiền, lợi nhuận từ nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại thuận tiện hơn. Vấn đề cuối cùng visa của du khách nước ngoài cũng cần thuận tiện hơn.
 
Về phía mình, ông nói: “Chúng tôi đầu tư vào thị trường vốn ở Việt Nam chứ không làm nhiều M&A. Mỗi khi đầu tư vào công ty nào, chúng tôi đều muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược. Tất nhiên, không phải lúc nào cũng trở thành nhà đầu tư chiến lược, vì xu hướng bây giờ cũng có nhiều thay đổi.
 
Nhưng nhìn chung, có một tin tốt ở Việt Nam là sự đa dạng của loại hình đầu tư, cũng như đa dạng các nhà đầu tư. Dù bức tranh kinh tế thế giới bây giờ đúng là đáng sợ (thế giới đã kết thúc 3 thập kỷ thư giãn, 3 thập kỷ nữa có thể có nhiều khó khăn), song trong nguy sẽ có cơ. Các công ty Việt Nam đã thích ứng vào chuỗi cung ứng toàn cầu số hóa đổi mới..., sẽ tạo ra các cơ hội to lớn cho Việt Nam”.
 
Dragon Capital được biết đến là quỹ đầu tư lâu đời và quy mô lớn nhất tại Việt Nam. Dưới góc nhìn chung, vị này đặc biệt nhấn mạnh sự trỗi dậy của Đông Á và khu vực kinh tế Đông Nam Á (bao gồm Việt Nam) là động lực phát triển của kinh tế thế giới. Dân số thế giới đã đạt 8 tỷ người và đến năm 2030 có 1 tỷ người lên 65 tuổi cũng sẽ mở ra các cơ hội mới...
 
Riêng tại lĩnh vực tài chính, có 2 xu hướng ông Dominic Scriven đang quan sát là:
 
Một, có các giao dịch giữa công ty trong nước và trong nước. Thương vụ thực hiện giữa các công ty trong nước là điều tuyệt vời, vì cùng văn hoá, chi phí rủi ro thấp hơn, giai đoạn hội nhập sau sáp nhập đơn giản hơn.
 
Hai, số lượng các khoản đầu tư nhà đầu tư Việt Nam thực hiện ở nước ngoài. Dù chưa nhiều nhưng đầu tư này cũng thú vị và tích cực. Ví dụ như công ty trong ngành du lịch lớn của Việt Nam mua công ty du lịch châu Âu, sau đó sử dụng nền tảng, công nghệ, năng lực đội ngũ, mở hoạt động du lịch ở châu Âu.
 
Về thị trường M&A nói chung, sự tắc nghẽn dòng vốn cùng những bất ổn địa chính trị đang diễn ra trên toàn cầu đã có tác động mạnh mẽ tới thị trường M&A trong và ngoài nước. Nhiều doanh nghiệp cũng buộc phải tái cấu trúc, bán bớt tài sản, kêu gọi đầu tư do sức ép về tài chính. Trong bối cảnh chung đó, thị trường M&A Việt Nam đã rơi vào giai đoạn trầm lắng hơn so với sự sôi động của năm 2020 - 2021. Tuy nhiên, hàng loạt giao dịch vẫn tiếp tục diễn ra và được dẫn dắt bởi các doanh nghiệp thuộc các ngành thu hút nhiều thanh khoản đầu tư gồm: tiêu dùng (1,2 tỷ USD), bất động sản (gần 1 tỷ USD), công nghiệp (800 triệu USD).
 
Tri Túc 
Nhịp sống thị trường      https://markettimes.vn