Tìm hiểu lý luận phê bình văn học miền Nam 1954-1975 - Võ Quốc Việt

Từ nét đẹp dân tộc đến tầm vóc nhân loại, nghiên cứu của PGS.TS Trần Hoài Anh đã thể hiện rõ ý hướng tiếp thu tinh hoa tư tưởng và vẻ đẹp văn chương của thế giới. Một đặc điểm đáng trân quý của nền lý luận phê bình văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975 chính là khả năng ứng dụng vượt trội...

Vanvn- Nhà lý luận phê bình văn học, PGS.TS Trần Hoài Anh, là một người thầy và nhà nghiên cứu với nhiều đóng góp đáng quý cho sự phát triển của văn học và văn hóa Việt Nam. Sự hiện diện của ông trong những năm qua đã mang lại một luồng sinh khí mới cho đời sống văn chương đương đại, đặc biệt là trong lĩnh vực lý luận phê bình văn học miền Nam 1954-1975. Với sự nhạy bén và tinh tế, ông luôn tìm ra những điều mới mẻ, đồng thời tận tụy nghiên cứu, khai mở những giá trị văn học quý giá tưởng chừng đã bị thời gian vùi lấp. Năm 2023, ông đã công bố chuyên luận “Lý luận – Phê bình văn học miền Nam 1954-1975: Tiếp nhận & Ứng dụng” do NXB Hội Nhà văn ấn hành. Đây là chuyên luận công phu và tâm huyết, nối tiếp những công trình giá trị mà ông đã thực hiện trước đó như “Thơ – Quan niệm, cảm nhận” (2010), “Văn học nhìn từ văn hóa” (2012), “Đi tìm ẩn ngữ văn chương” (2017), “Đi tìm mỹ cảm văn chương” (2020) và “Đi tìm thanh âm đồng vọng” (2023).

Những nghiên cứu của PGS.TS Trần Hoài Anh góp thêm góc nhìn riêng về văn học cho cộng đồng học giới Việt Nam, đặc biệt khi ông được xem là một trong số ít những chuyên gia dành nhiều tâm sức nghiên cứu văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975. Với chuyên luận “Lý luận – Phê bình văn học miền Nam 1954-1975: Tiếp nhận & Ứng dụng”, PGSTS Trần Hoài Anh cho thấy sự kiên trì và nỗ lực đáng trân quý trong việc bảo tồn, phát huy tinh thần văn học miền Nam.

Nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh

1. TINH THẦN DÂN TỘC

Trong nhiều công trình nghiên cứu trước đây và đặc biệt là trong chuyên luận Lý luận – Phê bình văn học miền Nam 1954-1975: Tiếp nhận & Ứng dụng, PGS.TS Trần Hoài Anh đã không ngừng tôn vinh tinh thần dân tộc của nền lý luận phê bình văn học miền Nam cũng như sinh hoạt văn học miền Nam nói chung. Qua lời thưa mở đầu của chuyên luận, ông đã khéo léo phác họa những nét đặc trưng nổi bật của lý luận phê bình văn học miền Nam, với nhận định sâu sắc: “việc tiếp nhận văn hóa của thế giới, trong đó có các trường phái lý luận-phê bình văn học phương Tây đã tạo điều kiện cho sự phát triển của lý luận phê bình văn học miền Nam với khát vọng đổi thay mang tính sáng tạo trên nền tảng của một nền văn học thấm đậm tinh thần Dân tộc; Nhân bản và Khai phóng. Đây chính là động lực, là tiền đề quan trọng tạo bước nhảy vọt trong tiến trình vận động và phát triển của tư duy lý luận – phê bình văn học miền Nam” (tr.14). Ba giá trị cốt lõi ấy – Dân tộc, Nhân bản, Khai phóng – không chỉ là trụ cột mà còn là nguồn động lực thúc đẩy tư duy lý luận phê bình văn học miền Nam có những bước tiến đáng kể trên lịch trình phát triển văn học Việt Nam hiện đại. Với lối khảo cứu tinh tế và nhất quán, PGS.TS Trần Hoài Anh đã giúp người đọc cảm nhận sâu sắc hơn về sự phong phú và sáng tạo của văn học miền Nam, đặc biệt là ba giá trị nền tảng ấy. Ông không chỉ là một nhà lý luận phê bình tâm huyết mà còn là người thầy gieo mầm yêu thương với văn hóa dân tộc, luôn tìm cách tôn vinh và gìn giữ những giá trị đẹp đẽ của văn học miền Nam qua mỗi trang viết, để tinh thần ấy sống mãi trong lòng bạn đọc hôm nay và mai sau.

Trong sinh hoạt phê bình văn học trung đại ở miền Nam giai đoạn 1954-1975, PGS.TS Trần Hoài Anh đã luôn chú trọng đến việc bảo tồn và gìn giữ “giòng sinh mệnh văn hóa” của dân tộc. Khảo sát việc nghiên cứu Nguyễn Du và Truyện Kiều trong văn giới miền Nam, ông không chỉ nhìn nhận đây là một hiện tượng văn học, mà còn coi đó như một hành trình đầy ý nghĩa để giữ gìn và tôn vinh di sản văn hóa dân tộc trong bối cảnh xã hội miền Nam bị bao phủ bởi ảnh hưởng của văn hóa Âu Mỹ. Như ông nhấn mạnh, “Nghiên cứu Nguyễn Du và Truyện Kiều, vì thế, không chỉ là tìm hiểu một hiện tượng văn học mà còn góp phần gìn giữ “giòng sinh mệnh văn hóa” dân tộc trong bối cảnh nền văn hóa Âu Mỹ tràn ngập xã hội miền Nam. Thế nên, việc nghiên cứu Nguyễn Du và Truyện Kiều ở miền Nam không chỉ có ý nghĩa khoa học mà còn có ý nghĩa thực tiễn minh chứng cho sự tồn sinh của di sản văn chương dân tộc” (tr.199). Những dẫn chứng thuyết phục mà PGS.TS Hoài Anh đưa ra đã làm nổi bật nỗ lực bền bỉ của giới cầm bút miền Nam trong việc bảo tồn những giá trị tinh túy của văn học nước nhà. Qua nghiên cứu về Truyện Kiều, ông nhận thấy rằng tác phẩm không chỉ phản ánh tính thời sự mà còn chứa đựng những giá trị vĩnh cửu, đặc biệt là tình yêu sâu sắc đối với hồn cốt dân tộc. Bao quát hơn, PGS.TS Trần Hoài Anh đã nhận ra một “lý siêu hình” nhất quán từ sinh hoạt văn học, chương trình giáo dục đến hệ giá trị xã hội, dựa trên nền tảng của dân tộc, nhân bản và khai phóng. Đây cũng chính là nền tảng triết lý cho hệ thống giáo dục miền Nam thời bấy giờ (tr.200). Chính vì vậy, ta có thể thấy trang viết của PGS.TS Trần Hoài Anh luôn mang đến cho người đọc một tầm nhìn sâu rộng và khả năng khái quát thời đại đầy tinh tế. Không chỉ nhận ra “yếu lý” của sinh hoạt văn chương, ông còn nhận thấy dòng chảy không ngừng của thời đại, một dòng sinh năng luôn vận động và phát triển. Chính điều này làm cho nghiên cứu của ông có nhiều giá trị thực tiễn, giàu hàm lượng học thuật và tràn đầy sức sống tươi mới.

Với Nguyễn Đình Chiểu, PGS.TS Trần Hoài Anh đã bắt đầu từ sự hiện diện trang trọng của Cụ Đồ trong chương trình Quốc Văn, và sau đó là qua những nghiên cứu sâu sắc của các học giả, để minh chứng rằng thơ văn của Cụ Đồ Chiểu không chỉ là một phần không thể thiếu trong sinh hoạt văn học miền Nam, mà còn là biểu tượng kết tinh của tinh thần dân tộc. Nhà lý luận phê bình đã cho chúng ta thấy rằng, thông qua thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, cả chương trình giảng dạy Quốc Văn lẫn sinh hoạt văn chương miền Nam đã thấm nhuần tinh thần dân tộc đáng quý, nơi truyền thống đạo lý và tình yêu nước thiêng liêng luôn được tiếp nối. “Đây là nơi nhân cách Nguyễn Đình Chiểu luôn tỏa sáng trong tâm thức bao thế hệ học sinh ở nhà trường miền Nam trước 1975, những người sẽ tiếp nối thế hệ cha ông thắp sáng truyền thống đạo lý cao đẹp và tinh thần yêu nước thiết tha được kết tinh từ thơ văn Đồ Chiểu để đắp bồi những giá trị nhân văn cho nền văn học nước nhà” (tr.248). Đặc biệt, PGS.TS Hoài Anh đã tập trung nhấn mạnh giá trị văn chương và nhân cách của Cụ Đồ Chiểu không chỉ tỏa sáng trong các trang sách, mà còn thấm sâu vào tâm thức của bao thế hệ học sinh miền Nam trước 1975. Những thế hệ ấy không chỉ học hỏi mà còn mang trong mình trách nhiệm tiếp nối, thắp sáng truyền thống đạo lý cao đẹp và tinh thần yêu nước mãnh liệt mà Cụ Đồ Chiểu đã kết tinh trong từng dòng thơ, từng câu chữ. Qua những nghiên cứu đầy tâm huyết của mình, PGS.TS Trần Hoài Anh giúp chúng ta hiểu rõ hơn về giá trị nhân văn to lớn trong thơ văn Đồ Chiểu mà học giới miền Nam trước 1975 đã thể hiện trên trang viết, cũng như tầm ảnh hưởng sâu sắc của Đồ Chiểu đối với nền văn học nước nhà.

Văn học tiền chiến, đặc biệt là Thơ Mới, luôn được học giới miền Nam trân trọng như một di sản quý giá của thế hệ tiền bối. Thành tựu của văn học tiền chiến không chỉ được bàn luận, mà còn được đưa vào chương trình giảng dạy, trở thành nền tảng văn hóa vững chắc. Chẳng hạn: Phan Khôi, Thế Lữ, Xuân Diệu, Vũ Đình Liên, Huy Cận xuất hiện trong Việt Văn toàn thư Tú tài I ban A.B.C.D. (của Vũ Ký, Á Châu xuất bản, 1961). Như nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh đã chia sẻ, học giới miền Nam thời bấy giờ nhận thấy trong phong trào Thơ Mới những giá trị dân tộc vô cùng đáng trân quý. Ông khẳng định rằng: “Nhìn vào sự hiện hữu của phong trào Thơ Mới ở miền Nam trước 1975, có thể xác quyết đây là một trong những hiện tượng văn học được quan tâm nghiên cứu, được đưa vào giảng dạy trong nhà trường và được tôn vinh như một di sản văn chương quí giá của dân tộc” (tr.266). Với nhận thức sâu sắc ấy, học giới miền Nam đã tìm hiểu Thơ Mới từ nhiều khía cạnh khác nhau như cuộc đời, phong cách, thi pháp, tư tưởng nghệ thuật và thẩm mỹ. Chính sự tôn trọng và tiếp nối này đã giúp văn học miền Nam xây dựng được một nền tảng vững chắc, tạo đà cho sinh hoạt văn chương miền Nam nở rộ và phát triển mạnh mẽ. Những gì mà văn giới miền Nam đã làm được không chỉ là tiếp nối truyền thống nghệ thuật tiền chiến, mà còn là khẳng định một dòng chảy văn học liên tục và phong phú. Bài viết này, thiết nghĩ, không cần phải chứng minh thêm về sự phát triển của văn học miền Nam, bởi những gì PGS.TS Trần Hoài Anh đã làm trong chuyên luận của ông đã quá trọn vẹn. Nhà lý luận phê bình đã phân tích tỉ mỉ từng bài viết, từng tập sách phê bình, và khảo sát một cách bao quát từng giai đoạn văn học. Đặc biệt, ông đã tiếp cận vấn đề từ nhiều khuynh hướng khác nhau, giúp ta nhận thấy rõ ràng sự đóng góp to lớn của phong trào Thơ Mới đối với tiến trình phát triển của nền văn học dân tộc. Qua những dòng khảo cứu đầy tâm huyết ấy, ta càng thêm trân quý giá trị văn chương và tinh thần dân tộc mà Thơ Mới đã mang lại.

Qua nghiên cứu của PGS.TS Trần Hoài Anh, chúng ta cảm nhận sâu sắc rằng tinh thần dân tộc trong sinh hoạt lý luận phê bình văn học miền Nam 1954-1975 luôn hoà quyện một cách tinh tế với đời sống toàn cầu rộng mở. Từ sự hiện diện của Thơ Mới trong sinh hoạt lý luận phê bình văn học thời kỳ này, ông đã nhấn mạnh: ““Thiết nghĩ bài học từ việc tiếp nhận phong trào Thơ mới trong văn học miền Nam trước 1975 của các nhà nghiên cứu, lý luận – phê bình văn học sẽ thức nhận cho chúng ta nhiều vấn đề trong việc nghiên cứu, đánh giá các hiện tượng văn học chịu ảnh hưởng các trào lưu văn hóa phương Tây trong tiến trình vận động và phát triển của văn học dân tộc, nhất là trong xu thế toàn cầu hóa văn hóa hiện nay, để không ngừng hiện đại hóa nền lý luận – phê bình văn học nói riêng và nền văn học dân tộc nói chung, hầu tránh được những sai lầm, ấu trĩ trong tư duy lý luận – phê bình của một thời không xa khi đánh giá, nhìn nhận một số hiện tượng văn học[1]“. Điểm nổi bật trong quan điểm của PGS.TS Trần Hoài Anh chính là sự nhấn mạnh vào tính cần thiết của việc rút ra bài học từ phong trào Thơ Mới, đồng thời ông khẳng định tầm quan trọng của việc nghiên cứu và đánh giá các hiện tượng văn học chịu ảnh hưởng từ văn hóa phương Tây trong bối cảnh toàn cầu hóa. Qua đó, nhà lý luận phê bình không chỉ cảnh báo về những nguy cơ của sự sai lầm trong tư duy phê bình mà còn kêu gọi sự thận trọng và tỉnh táo trong việc phát triển lý luận phê bình, sao cho văn học dân tộc vẫn giữ được bản sắc nhưng không ngừng vươn mình theo sự phát triển của thế giới. Có thể nói, nghiên cứu của PGS.TS Trần Hoài Anh luôn mang tính cập nhật sâu sắc và được trình bày một cách toàn diện. Với tầm nhìn cập nhật liên tục, ông không chỉ nhìn lại quá khứ mà còn hướng tới tương lai, thể hiện trọn vẹn tấm lòng và sự tận tụy của ông dành cho sinh hoạt văn học đương thời.

Có thể nói, với chuyên luận “Lý luận – Phê bình văn học miền Nam 1954-1975: Tiếp nhận & Ứng dụng“, PGS.TS Trần Hoài Anh đã khắc sâu dấu ấn của mình trên văn đàn, để lại trong lòng người đọc một niềm quý trọng không thể phủ nhận. Như nhà văn Trần Bảo Định đã nhận xét: ““nhà lý luận – phê bình họ Trần còn có công trong việc sưu góp, tập hợp, sắp xếp, tu chỉnh và đưa ra những nhận định so sánh, đồng thời còn góp công phác họa từng góc khuất, nối thêm đôi bờ, hoặc sửa sang đôi chỗ tù đọng, tạo thành bức tranh văn học đa chiều, toàn diện với mong muốn đóng góp phần nhỏ vào việc gìn giữ di sản văn chương tộc Việt[2]. PGSTS Trần Hoài Anh không chỉ có công trong việc khảo cứu, tập hợp và hệ thống hóa những giá trị văn chương quý báu, mà còn phác họa tỉ mỉ từng góc khuất, tạo nên một bức tranh văn học đa chiều và toàn diện. Từng dòng chữ trong chuyên luận này như những nhịp cầu nối liền các giá trị văn học tưởng chừng đã bị lãng quên, để rồi dưới ngòi bút tinh tế và đầy xúc cảm khoa học của ông, tất cả những giá trị ấy lại được tái hiện với một sức sống mạnh mẽ và cuốn hút. Chuyên luận của PGS.TS Trần Hoài Anh đã tái hiện “cõi phiêu bồng” của Trung niên thi sĩ Bùi Giáng; tái hiện niềm cô đơn bản thể đồng thời là dưỡng chất thanh lọc tâm hồn trong văn chương Võ Hồng; tái hiện suy tưởng về hành trình sáng tạo nghệ thuật của Nguyên Sa Trần Bích Lan và tái hiện những suy tư về tinh thần phản kháng-nổi loạn trên trang văn của các nhà văn nữ miền Nam như Túy Hồng, Trùng Dương, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Trần Thị NgH, Lệ Hằng …

Qua từng trang viết, chúng ta thấy rõ tình yêu và sự tận tụy của PGS.TS Trần Hoài Anh đối với di sản văn chương dân tộc. Chuyên luận này không chỉ là kết quả của một quá trình lao động trí tuệ miệt mài, mà còn là minh chứng cho lòng đam mê sâu sắc và tâm huyết của PGS.TS Trần Hoài Anh với nền văn học miền Nam. Chính sự cống hiến không ngừng và tầm nhìn rộng mở của ông đã không chỉ giữ gìn mà còn nâng tầm giá trị văn học miền Nam 1954-1975, biến nó thành một phần quan trọng trong dòng chảy văn học dân tộc, để lại một di sản vô cùng quý giá cho các thế hệ sau.

2. TINH THẦN NHÂN BẢN

Về những nỗ lực nghiên cứu của PGS.TS Trần Hoài Anh đối với văn học miền Nam 1954-1975, nhà nghiên cứu Cao Thị Hồng nhận định: “Trong hành trình đi tìm cái đẹp của văn chương, với tinh thần kiên định, bền bỉ, luôn nặng lòng với những giá trị của văn học dân tộc, Trần Hoài Anh là một trong số rất ít những nhà nghiên cứu-phê bình thời kỳ đổi mới đã tận tụy, tâm huyết, thậm chí “dấn thân” để làm sống dậy sinh động “sinh thể” văn học miền Nam (1954-1975) – một di sản văn chương dân tộc vốn hàm ẩn nhiều giá trị nhân bản[3]. Quả thực, trang nghiên cứu của PGS.TS Trần Hoài Anh đã nối dài tinh thần nhân bản đáng quý của văn học miền Nam.

Tập sách chuyên luận “Lý luận – Phê bình văn học miền Nam 1954-1975: Tiếp nhận & Ứng dụng” của Trần Hoài Anh

Từ nét đẹp dân tộc đến tầm vóc nhân loại, nghiên cứu của PGS.TS Trần Hoài Anh đã thể hiện rõ ý hướng tiếp thu tinh hoa tư tưởng và vẻ đẹp văn chương của thế giới. Một đặc điểm đáng trân quý của nền lý luận phê bình văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975 chính là khả năng ứng dụng vượt trội. Ông nhận định: “Đây còn là một nền lý luận – phê bình mang tính ứng dụng, thể hiện qua việc vận dụng lý thuyết cả phương Đông lẫn phương Tây, đặc biệt là ứng dụng tư duy mỹ học hiện đại phương Tây để luận giải, khám phá các hiện tượng văn học, từ văn học dân gian, văn học trung đại đến văn học hiện đại nên đã góp phần nâng cao ý thức tiếp nhận đa chiều cho người đọc, tránh được bệnh công thức, đồng phục trong tiếp nhận văn học” (tr.6). Bằng sự kết hợp tinh tế giữa lý thuyết văn học phương Đông và phương Tây, các nhà phê bình thời kỳ này đã mang lại những luận giải sâu sắc, không chỉ đối với văn học dân gian hay văn học trung đại qua các tác giả lớn như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Đình Chiểu…, mà còn mở rộng đến văn học hiện đại Việt Nam với những tên tuổi như Bích Khê, Nguyễn Bính, Tế Hanh, Nhất Linh, cùng các tác phẩm kinh điển của văn học thế giới như Albert Camus, Jean-Paul Sartre, Samuel Beckett. Theo đó, nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh đã làm nổi bật sự năng động và đa chiều của nền lý luận phê bình miền Nam, một nền lý luận mang đậm tính ứng dụng và sự tinh tế trong tiếp nhận văn học. Tác phẩm “Lý luận-Phê bình văn học miền Nam 1954-1975: Tiếp nhận và Ứng dụng” của ông là một công trình không chỉ bao quát toàn diện mà còn phản ánh một cách sắc bén sức sống mãnh liệt của nền lý luận phê bình trong giai đoạn này. Những trang viết của ông thực sự đã chạm đến trái tim của người đọc, mang đến niềm tự hào về văn chương dân tộc và sự kết nối sâu rộng với văn học thế giới.

Và từ ý hướng tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, tinh thần nhân bản của lý luận phê bình văn học miền Nam 1954-1975 được khai mở trong trang nghiên cứu của PGS.TS Trần Hoài Anh còn là tâm thế toàn cầu hóa trong tiếp biến văn học thế giới, nhằm làm giàu đẹp thêm nền văn học dân tộc. Thông qua nhiều khảo cứu và minh chứng tỉ mỉ, nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu từ sinh hoạt lý luận phê bình văn học miền Nam. Một trong số đó là nghiên cứu giá trị Thơ Mới. “Thiết nghĩ bài học từ việc tiếp nhận phong trào Thơ Mới trong văn học miền Nam trước 1975 của các nhà nghiên cứu, lý luận – phê bình văn học sẽ thức nhận cho chúng ta nhiều vấn đề trong việc nghiên cứu, đánh giá các hiện tượng văn học chịu ảnh hưởng các trào lưu văn hóa phương Tây trong tiến trình vận động và phát triển của văn học dân tộc, nhất là trong xu thế toàn cầu hóa văn hóa hiện nay, để không ngừng hiện đại hóa nền lý luận – phê bình văn học nói riêng và nền văn học dân tộc nói chung, hầu tránh được những sai lầm, ấu trĩ trong tư duy lý luận – phê bình của một thời không xa khi đánh giá, nhìn nhận một số hiện tượng văn học. Để rồi, chính sự đổi mới hệ hình tư duy lý luận – phê bình văn học của thời kỳ đổi mới đã phục sinh giá trị của nhiều hiện tượng văn học, trong đó có phong trào Thơ Mới và đem đến cho nền văn học dân tộc một năng lượng tích cực, mở ra những chân trời mới cho tiến trình vận động và phát triển của văn học nước nhà trong thời kỳ hội nhập và phát triển của xu hướng toàn cầu hóa” (tr.282). Bên cạnh đó, tiếp thu di sản Tự Lực Văn Đoàn cũng mang lại nhiều nhận thức đáng kể cho văn giới miền Nam. Nhất là, từ trang văn của Tự Lực Văn Đoàn, người cầm bút nhận ra giá trị tự do, dân chủ giúp cho đời sống xã hội vận động mau lẹ, đời sống đô thị trở nên hiện đại tiến bộ hơn. “Như vậy rõ ràng, Tự lực văn đoàn dưới cái nhìn của các nhà lý luận – phê bình là một trào lưu văn học đã góp phần không nhỏ mang đến một luồng gió mới về nhận thức xã hội, con người cho tầng lớp thanh niên, nhất là vấn đề tiếp nhận tư tưởng tự do và dân chủ của phương Tây, những nhân tố cần thiết để đẩy nhanh tiến trình biến đổi văn hóa đô thị, một tiền đề quan trọng góp phần hiện đại hóa đất nước và hiện đại hóa nền văn học dân tộc lúc bấy giờ” (tr.366). Nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh cho rằng, chính nhờ tinh thần này, văn học dân tộc “vốn đã ngủ quá lâu trong lũy tre làng của nền văn học trung đại” có cơ hội để hội nhập với văn học thế giới. Minh chứng cho điều đó, chúng ta có thể theo dõi sự bàn luận của văn giới miền Nam về Thạch Lam mà nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh nêu lại trong chuyện này. “Văn chương bao giờ cũng là văn chương của mọi thời chứ không phải là văn chương của một thời. Sự bất tử của những tác phẩm văn chương ở nước ta cũng như thế giới mà chúng ta biết đã xác tín cho chân lý này. Đó là những tác phẩm văn chương đã chạm đến những vấn đề sâu xa nhất, tế vi nhất của cõi nhân sinh. Nó vượt qua những giới hạn của bầu khí quyển giai cấp tính, dân tộc tính để vươn đến những giá trị nhân văn mang tầm nhân loại. Văn chương Thạch Lam phải chăng cũng là thứ văn chương mang những rung động thao thiết của phận người, thức nhận trong ta những phẩm chất Người qua “những lời thủ thỉ” nhẹ nhàng mà day dứt trong sáng tác của ông” (tr.375). Từ tinh thần dân tộc vươn đến tinh thần nhân bản, theo đó, nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh khẳng định tính vĩnh cửu của giá trị văn chương

Thêm đó, như PGS.TS Trần Hoài Anh chia sẻ: “Đồng thời, việc văn học miền Nam trước 1975 xuất hiện lại trong đời sống văn học nước nhà là một điều tất yếu trong sự vận động và phát triển của việc thay đổi hệ hình tư duy lý luận phê bình văn học thời kỳ đổi mới, và là một trong những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước, trong đó có sự đổi mới của văn học[4]. Tinh thần nhân bản trong sinh hoạt lý luận phê bình văn học miền Nam 1954-1975, qua sự phản ánh của nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh, biểu thị sự dịch chuyển về hệ hình tư duy. Và điều nầy vừa có ý nghĩa lịch sử vừa là động lực thúc đẩy sinh hoạt văn chương, cũng như bài học cho người viết hôm nay.

Tựu trung, chuyên luận của PGS.TS Trần Hoài Anh thể hiện một cảm quan sắc sảo và nhạy bén trong việc đánh giá các hiện tượng văn học. Từ những nhận định của Nguyễn Nghiệp Nhượng và Thái Tuấn về nhân vật trong truyện ngắn, ông đã tinh tế phát hiện ra rằng “nhân vật” không chỉ được miêu tả đơn thuần mà còn mang tính “trừu tượng hóa” và “tâm linh hóa” trong tâm thức người đọc (tr.117). Từng trang viết của ông là minh chứng cho khả năng khái quát hóa các vấn đề một cách sâu sắc, chưng cất thành những hàm lượng lý luận phê bình phong phú và đậm đặc. Qua việc phân tích truyện ngắn và nhân vật của các nhà văn miền Nam như Bình Nguyên Lộc, Lê Xuyên, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Nghiệp Nhượng, Thái Tuấn… (tr.118), PGS.TS Trần Hoài Anh đã khẳng định những đóng góp to lớn của sinh hoạt lý luận phê bình văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975, nhất là ý hướng xuyên vượt để tiệm cận với giá trị nhân loại nói chung trong văn học nghệ thuật. Điều đáng quý hơn cả, là qua những nhận định của ông, chúng ta còn thấy rõ sự hội nhập mạnh mẽ của văn học miền Nam vào dòng chảy văn học thế giới, một cách tự nhiên và đầy sáng tạo.

Nhà lý luận phê bình trẻ Võ Quốc Việt

3. TINH THẦN KHAI PHÓNG

Như đã thấy, chuyên luận của PGS.TS Trần Hoài Anh mở ra cho bạn đọc một cái nhìn đầy cởi mở và tự do trong việc tiếp thu tinh hoa tư tưởng văn học thế giới. Dưới ngòi bút tinh tế của ông, lý luận phê bình văn học miền Nam hiện lên với sự linh hoạt, hiện đại và luôn biết cách làm mới mình. Nét đặc trưng nổi bật qua các nghiên cứu này chính là khả năng mở rộng tư duy, không bị ràng buộc bởi những quy tắc cứng nhắc, mà luôn mang tinh thần cách tân và biến đổi. Chính điều đó đã tạo nên một không gian sinh hoạt văn chương phong phú, năng động, với sự phát triển không ngừng của văn học miền Nam trong giai đoạn 1954-1975.

Như cách thế vượt qua sự “đồng phục” trong tiếp nhận, chuyên luận của PGS.TS Trần Hoài Anh khiến bạn đọc suy nghiệm về việc phá vỡ những chuẩn mực cứng nhắc và định kiến xưa cũ. Từ đó, ông đã làm sáng tỏ một nền lý luận phê bình văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975 không ngừng khích lệ và ủng hộ những nỗ lực tìm tòi, khám phá những con đường mới. Qua chuyên luận của ông, ta nhận thấy một bức tranh đa dạng và hiện đại của đời sống phê bình văn học miền Nam, nơi các nhà phê bình không ngừng tìm đến những giá trị chân thực của văn chương từ những góc nhìn khác nhau. “Tình hình này cho thấy tính đa dạng trong đời sống lý luận – phê bình văn học miền Nam với việc khám phá các hiện tượng văn học từ những điểm nhìn khác nhau giữa các khuynh hướng lý luận – phê bình trên con đường tìm đến chân giá trị của văn chương” (tr.13). Về tính hiện đại, ông cho rằng: “Và, ở một bình diện nào nào đó, sự tiếp biến các khuynh hướng lý luận – phê bình văn học nước ngoài, không chỉ tạo nên tính đa dạng của lý luận – phê bình văn học miền Nam mà còn góp phần làm phong phú và hiện đại hóa lý luận – phê bình văn học dân tộc vốn nghèo nàn và lạc hậu so với lý luận phê bình văn học hiện đại của thế giới” (tr.13). Tính đa dạng và hiện đại của nền lý luận phê bình này biểu hiện qua hiểu biết sâu rộng ở nhiều lĩnh vực mà cây bút lý luận phê bình văn học miền Nam đụng chạm đến và chuyển tải trên trang viết. Chuyên luận “Lý luận-Phê bình văn học miền Nam 1954-1975: Tiếp nhận và Ứng dụng” chính là minh chứng cho sự phong phú mới mẻ đáng kinh ngạc ấy. PGS.TS Trần Hoài Anh đã phác họa một bức tranh đầy sinh khí, nơi mà các khuynh hướng lý luận – từ phê bình giáo khoa, phân tâm học, hiện sinh, Mác-xít đến mỹ học tiếp nhận – cùng hòa quyện và phát triển với một nhịp độ nhanh chóng. “Nhiều trường phái triết học, mỹ học, lý luận – phê bình văn học phương Tây được giới thiệu khá nhiều như: Hiện tượng học, Cấu trúc luận, Mỹ học tiếp nhận, Trường phái hình thức Nga, Phê bình mới … Và từ đây lý luận – phê bình văn học miền Nam đã phát triển với nhịp độ khá nhanh trên cả bình diện phẩm và lượng” (tr.17-18). Điểm nổi bật mà PGS.TS Trần Hoài Anh nhấn mạnh là khả năng tiếp biến các khuynh hướng lý luận – phê bình văn học nước ngoài, không chỉ làm đa dạng hóa mà còn hiện đại hóa lý luận phê bình văn học dân tộc. Sự cởi mở và sự đa dạng ấy đã không ngừng làm giàu thêm cho nền văn học miền Nam, mang đến những đóng góp to lớn cho nền lý luận văn học Việt Nam, với ý hướng khai phóng rõ ràng.

Tinh thần khai phóng và tiến bộ của nền lý luận phê bình văn học miền Nam, như PGS.TS Trần Hoài Anh đã đề cập, được thể hiện qua sự mạnh dạn vượt qua những hệ hình tư duy cũ, đồng thời bộc lộ khát vọng vươn đến hệ hình tư duy mới mẻ hơn. Điều này có thể thấy qua ý hướng của nhóm Sáng Tạo (Doãn Quốc Sỹ, Mai Thảo, Nguyễn Sỹ Tế, Trần Thanh Hiệp, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Duy Thanh, Ngọc Dũng) với nhiều cuộc thảo luận xoay quanh “Nhân vật trong tiểu thuyết”, “Nói chuyện về thơ bây giờ”, “Ngôn ngữ mới trong hội họa”, “Nhìn lại văn học tiền chiến ở Việt Nam” trên Tạp chí Sáng Tạo (Bộ mới, 1960). Các cuộc thảo luận này, với tinh thần “đoạn tuyệt” với văn học tiền chiến, không phải để phủ nhận giá trị của nó, mà chính là để tôn vinh, khẳng định vị trí quan trọng của văn học tiền chiến trong dòng chảy lịch sử văn học dân tộc, lấy đó làm điểm tựa tiếp tục tiến bước. Nhóm Sáng Tạo, bằng cách đặt ra nhiệm vụ cho người cầm bút đương thời, đã thể hiện một ý thức trách nhiệm sâu sắc với văn chương và cuộc đời. Họ đã không ngần ngại khám phá những lối đi mới, đồng thời giữ gìn và tôn vinh di sản văn học truyền thống. Đây là một biểu hiện của tình yêu văn chương và đồng thời là khát vọng hướng đến những chân trời mới của người cầm bút miền Nam.

Tinh thần khai phóng của lý luận phê bình văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975 còn được thể hiện rõ ràng qua sự phê phán mang tính xây dựng và đóng góp với nền tảng lý luận vững chắc. Đó là những cuộc đối thoại chân thành và thẳng thắn, tạo nên phong cách cầm bút cần thiết cho một không gian văn chương lành mạnh và sáng tạo. Với khả năng nhìn nhận từ nhiều góc độ khác nhau, nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh đã làm nổi bật tinh thần phê phán trong sáng và khách quan của giới cầm bút miền Nam thời bấy giờ. Họ không bị ràng buộc bởi định kiến cá nhân hay áp lực xã hội, mà luôn tìm kiếm sự đa chiều trong phân tích và đánh giá. Hơn thế nữa, như PGS.TS Trần Hoài Anh đã nhận định, các nhà văn không chỉ tiếp thu lý thuyết một cách thụ động, mà ngược lại, họ biết sáng tạo, biến đổi và tích hợp các khuynh hướng phê bình khác nhau, một điều mà Tam Ích cũng đã nhấn mạnh (tr.20). Nhờ sự linh hoạt ấy, nền lý luận phê bình văn học miền Nam đã tránh được sự giáo điều và những sai lầm mang tính ấu trĩ, từ đó mở ra không gian sinh hoạt văn chương phong phú, tự do và đầy cảm hứng.

Tuy nhiên, tinh thần phê phán không cản trở sự tiếp nhận cái mới trong văn giới miền Nam; ngược lại sự phê phán như cách thức hỗ trợ/dẫn bước cho cái mới xuất hiện trên văn đàn. Tính sáng tạo và cởi mở là biểu hiện của tinh thần khai phóng trong văn giới miền Nam mà chuyên luận của nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh đã làm rõ. Sinh hoạt lý luận phê bình văn học miền Nam luôn đòi hỏi sự cởi mở đối với các quan điểm, lối sống, và ý tưởng khác nhau, ngay cả khi chúng cực kỳ khác biệt với niềm tin hoặc giá trị cá nhân. Chẳng hạn như khi khảo cứu về sự hiện hữu của những nhà văn miền Bắc trong đời sống văn hoc miền Nam 1954-1975, PGS.TS Trần Hoài Anh giúp người đọc nhận ra “giai đoạn 1954-1975, cho dẫu đất nước bị chia cắt bởi vĩ tuyến 17, nhưng trong văn học miền Nam hình như không có “vĩ tuyến” đó. Bởi, trong tâm thức nhân dân miền Nam, trong đó có các nhà nghiên cứu văn học, văn chương của các nhà văn/thơ đang sống ở miền Bắc luôn hiện hữu như một hệ giá trị của văn học dân tộc” (tr.412). Đó là thơ của Phan Khôi, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Tú Mỡ, Huy Cận, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Tế Hanh, Anh Thơ, Yến Lan, Vũ Đình Liên, Nguyễn Xuân Sanh, Hữu Loan, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Quang Dũng, Hoàng Cầm, Chính Hữu…  Đặc biệt hơn cả là thơ của Tố Hữu, một nhà lãnh đạo văn nghệ cao cấp của miền Bắc lúc bấy giờ cũng được giới thiệu trang trọng trong các công trình nghiên cứu văn học ở miền Nam. Bên cạnh thơ còn có văn của Nam Cao, Nguyễn Tuân, Tồ Hoài, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan, Thanh Tịnh, Bùi Hiển… hay các công trình khảo cứu của Trương Tửu, Đào Duy Anh, Đặng Thai  Mai, Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh…,  Và khi bàn luận về sự hiện hữu của nhà văn miền Bắc trong văn học miền Nam 1954-1975, nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh đã giúp người đọc vượt qua thành kiến trong cách tiếp cận và nhận diện được tinh hoa văn hóa dân tộc hằng có trong bộ phận văn học này. Chính ở đây tinh thần khai phóng và tinh thần dân tộc gắn bó nhất quán, bồi đắp lẫn nhau. Từ sự cởi mở sáng tạo và tôn trọng khác biệt của giới lý luận phê bình văn học miền Nam, PGS.TS Trần Hoài Anh đã rút ra được nhiều kinh nghiệm và gợi ý cho lý luận phê bình văn học hiện nay. “Sự vận động và phát triển tư duy lý luận – phê bình văn học chỉ co thể tồn sinh trên cơ sở của một nền lý luận – phê bình năng động, cởi mở, sáng tạo. Vì vậy, chúng ta cần có thái độ khách quan, khoa học trong việc tiếp nhận các trào lưu lý luận – phê bình văn học nước ngoài, không nên độc tôn một trường phái lý luận – phê bình nào, xem đó như một chuẩn giá trị để định giá các trường phái khác và cho rằng những gì khác với hệ qui chiếu đó là lạc hậu, là phản động như đã từng ngộ nhận. Đồng thời, phải thật sự cầu thị, tiếp nhận các giá trị được kết tinh từ những nền lý luận – phê bình hiện đại của nhân loại mà quá trình tiếp nhận lý luận – phê bình văn học thế giới ở miền Nam giai đoạn 1954-1975 là một bài học kinh nghiệm” (tr.22-23). Nhờ đó, tinh thần khai phóng cởi mở càng thúc đẩy sinh hoạt học thuật văn chương và tăng sinh việc sản xuất tri thức cho xã hội. Đây cũng là biểu hiện của tinh thần khai phóng mà chúng ta có thể nhìn thấy qua trang nghiên cứu của nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh.

Qua việc khảo cứu và trình bày hàng loạt công trình và bài viết của nền lý luận phê bình văn học miền Nam, nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh cho bạn đọc hình dung sinh khí dịch thuật, giới thiệu văn học nước ngoài vô cùng sôi động trong không gian văn học miền Nam. Nhờ đó, thực hành lý luận phê bình văn học có nguồn “nguyên liệu” phong phú dồi dào. Ngược lại cũng cho thấy nhu cầu đa dạng của bạn đọc thời ấy. Từ đó, công trình của nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh tái hiện “trường sản xuất tri thức” năng động và năng sản thời ấy. “Với việc ứng dụng lý thuyết của các trường phái lý luận – phê bình văn học phương Tây hiện đại như: Phân tâm học, Chủ nghĩa hiện sinh; Cấu trúc luận; Hiện tượng luận; Mỹ học tiếp nhận … vào việc tìm hiểu nhiều hiện tượng văn học, các nhà lý luận – phê bình văn học miền Nam đã thổi vào đời sống văn học một luồng sinh khí góp phần tạo ra những giá trị mới cho nhiều tác phẩm văn học của dân tộc vốn chỉ được nhìn nhận qua hệ qui chiếu của triết học và mỹ học phương Đông” (tr.20). Đáng quý hơn nữa, công trình chuyên luận của PGS.TS Trần Hoài Anh không chỉ là một tác phẩm khoa học hàn lâm chân phương, mà còn chứa đựng niềm hoài vọng chân thành tha thiết của ông trong việc “tìm tiếng nói tri âm” với nền văn học miền Nam 1954-1975. “Song chúng tôi hy vọng sẽ nhận được sự đồng cảm của các nhà văn, nhà nghiên cứu, lý luận – phê bình cũng như quí bạn đọc mà chúng tôi luôn trân trọng, hướng đến để tìm tiếng nói tri âm đối với nền văn học miền Nam 1954-1975, một thực thể hiện hữu trong đời sống văn học dân tộc, một di sản văn chương không thể, không giữ gìn và trao truyền đến mai sau để tạo nên sự đa dạng, phong phú cho nền văn học nước nhà trong tiến trình vận động và phát triển” (tr.9). Đó là sự biểu lộ của một trái tim nhiệt thành, chân thành với văn chương và những người cầm bút miền Nam, cũng như tình cảm sâu đậm mà ông muốn san sẻ với độc giả hôm nay. Tác phẩm này không chỉ đơn thuần là một công trình nghiên cứu, mà là tâm huyết cả một đời người, được dâng hiến cho văn chương nói riêng và nghệ thuật nói chung. Bằng tất cả sự nhiệt thành và lòng đam mê, nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh đã gửi gắm vào chuyên luận của mình một tâm nguyện trong sáng và cao đẹp: bảo tồn, gìn giữ những di sản văn học quý giá của miền Nam. “Với tâm nguyện này, chúng tôi xin gởi đến quí bạn đọc chuyên khảo Lý luận – phê bình văn học miền Nam 1954-1975: Tiếp nhận & Ứng dụng nhằm góp phần nhỏ bé vào việc bảo tồn di sản văn học miền Nam mà chúng tôi đã chọn lựa dấn thân trên con đường nghiên cứu văn học của mình ở những năm qua và những ngày sắp tới” (tr.9). Đây là một đóng góp không hề nhỏ bé, mà thực sự là một hành động quả cảm, phản ánh tình yêu sâu sắc với nền văn học đã từng làm nên một giai đoạn lịch sử rực rỡ.

Vì thế có thể khẳng định, công trình nghiên cứu của PGSTS. Trần Hoài Anh thực sự là một chuyên luận công phu, khi ông đã không chỉ lý giải mà còn làm sáng tỏ nguyên động lực cốt tủy đứng sau sự phát triển và những thành tựu rực rỡ của nền lý luận phê bình văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975. “Có thể nói, việc mở cửa tiếp nhận và ứng dụng các trào lưu văn hóa của thế giới, trong đó có các trường phái lý thuyết văn học hiện đại của phương Tây đã đem đến cho đời sống văn học miền Nam một nguồn năng lượng tích cực, tạo điều kiện cho sự phát triển của lý luận – phê bình văn học với khát vọng đổi thay mang tính sáng tạo trên nền tảng của một nền văn học thấm nhuần tinh thần Dân tộc; Nhân bản và Khai phóng” (tr.8-9). Đó chính là nhờ việc tiếp biến các trào lưu văn hóa thế giới, kết hợp với khát vọng sáng tạo cháy bỏng của những người cầm bút. Nền lý luận phê bình miền Nam thấm đẫm tinh thần Dân Tộc, Nhân Bản và Khai Phóng, mang trong mình sức sống mãnh liệt. Nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh không dừng lại ở việc khắc họa diện mạo và đặc điểm của nền lý luận phê bình này, mà ông còn đào sâu vào tận gốc rễ, tìm hiểu sức mạnh sinh lực đã nuôi dưỡng và thúc đẩy nền văn học phát triển. Qua công trình của ông, chúng ta như được lắng nghe “dàn hợp xướng sống động” và chứng kiến những “bước nhảy vọt” của tiến trình văn học đầy thăng hoa trong khoảng 20 năm của văn học miền Nam. Công trình này thực sự khẳng định vai trò to lớn của nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh trong việc gìn giữ và tôn vinh di sản văn học quý giá của miền Nam giai đoạn 1954-1975 trong dòng chảy văn học dân tộc.

Vài lời kết

Với niềm say mê và nỗ lực không ngừng trong việc bảo tồn giá trị văn học dân tộc, nghiên cứu của PGS.TS Trần Hoài Anh là một công trình đa chiều đầy ấn tượng, mang lại cho người đọc một cái nhìn không chỉ toàn diện mà còn sâu sắc. Ông không chỉ khảo sát bề rộng của thực tiễn văn học miền Nam 1954-1975 mà còn chạm đến những chiều sâu vi tế của từng hiện tượng văn học, từ những phân tích tổng thể đến từng chi tiết. Nhất là tinh thần Dân tộc – Nhân bản – Khai phóng của nền lý luận phê bình văn học miền Nam 1954-1975. Những chiều kích khảo luận trong tác phẩm của ông được phát triển một cách nhịp nhàng, từ việc phác họa toàn cảnh sinh hoạt văn học miền Nam đến việc phân tích thể loại và các khuynh hướng phê bình, với một cái nhìn cập nhật và sâu sắc. PGS.TS Trần Hoài Anh đã xây dựng một cái nhìn tổng thể sắc bén, làm rõ các đặc điểm nổi bật của lý luận phê bình thời kỳ này, đặc biệt là việc tiếp nhận lý thuyết văn học. Với một tư duy năng động và sáng tạo, ông tạo nên mô hình nhà văn-tác phẩm-người đọc, giúp người đọc cảm nhận sự vận động sống động trong tiến trình phát triển văn học. Ông còn đi sâu vào các quan niệm về thể loại, mang đến cho chúng ta một bức tranh phong phú và đầy màu sắc của sinh hoạt văn học miền Nam, với đủ loại khuynh hướng lý luận phê bình. Từ những tác giả trung đại như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu, đến các nhà thơ thuộc phong trào Thơ Mới như Bích Khê, Tế Hanh, Huy Cận, Nguyễn Bính, Nguyễn Vỹ, PGS.TS Trần Hoài Anh đã khái quát được những yếu tố nổi bật của nền lý luận phê bình miền Nam thời bấy giờ. Công trình của ông không chỉ công phu mà còn toát lên một tình yêu mãnh liệt đối với nền văn học dân tộc. Đọc từng trang viết, chúng ta không khỏi cảm phục trước tầm nhìn sâu rộng và tấm lòng tận tụy của ông. Đây thực sự là một công trình quý giá, không chỉ vì giá trị học thuật mà còn vì những đóng góp đáng kể trong việc giữ gìn và phát huy di sản văn học dân tộc.

Bến Long, ngày 15.10.2024

VÕ QUỐC VIỆT

________________________

Tài liệu tham khảo:

  • Trần Hoài Anh (2022). Thơ Mới và sự hiện hữu trong văn học miền Nam 1954-1975. Trang thông tin Văn nghệ Quảng Ngãi. Trích xuất ngày 30/10/2022. Nguồn: https://vanhocnghethuat.quangngai.gov.vn/i726-tho-moi-va-su-hien-huu-trong-van-hoc-mien-nam-19541975-tieu-luan-tran-hoai-anh.aspx
  • Trần Hoài Anh (2023). Lý luận – Phê bình văn học miền Nam 1954-1975: Tiếp nhận & Ứng dụng (chuyên luận). Hà Nội: Nxb. Hội Nhà văn.
  • Trần Bảo Định (2022). Người đi tìm mỹ cảm văn chương. Trang thông tin Văn nghệ Quảng Ngãi. Trích xuất ngày 12/12/2022. Nguồn: https://vanhocnghethuat.quangngai.gov.vn/i797-nguoi-di-tim-mi-cam-van-chuong.aspx
  • Cao Thị Hồng (2024). Trần Hoài Anh với lý luận – phê bình văn học trong đời sống văn học đương đại. Trang thông tin Tao Đàn. Trích xuất ngày 02/06/2024. Nguồn: https://taodan.com.vn/tran-hoai-anh-voi-ly-luan-phe-binh-van-hoc-trong-doi-song-van-hoc-duong-dai.html
  • Trần Tuấn (thực hiện, 2021). Nhà phê bình Trần Hoài Anh: Văn học miền Nam là một di sản. Trang thông tin Hội Nhà văn Việt Nam. Trích xuất ngày 01/05/2021. Nguồn: https://vanvn.vn/nha-phe-binh-tran-hoai-anh-van-hoc-mien-nam-la-mot-di-san/

___________________________

[1] Trần Hoài Anh (2022). Thơ Mới và sự hiện hữu trong văn học miền Nam 1954-1975. Trang thông tin Văn nghệ Quảng Ngãi. Trích xuất ngày 30/10/2022. Nguồn: https://vanhocnghethuat.quangngai.gov.vn/i726-tho-moi-va-su-hien-huu-trong-van-hoc-mien-nam-19541975-tieu-luan-tran-hoai-anh.aspx

[2] Trần Bảo Định (2022). NGƯỜI ĐI TÌM MỸ CẢM VĂN CHƯƠNG. Trang thông tin Văn nghệ Quảng Ngãi. Trích xuất ngày 12/12/2022. Nguồn: https://vanhocnghethuat.quangngai.gov.vn/i797-nguoi-di-tim-mi-cam-van-chuong.aspx

[3] Cao Thị Hồng (2024). Trần Hoài Anh với lý luận – phê bình văn học trong đời sống văn học đương đại. Trang thông tin Tao Đàn. Trích xuất ngày 02 tháng 6 năm 2024. Nguồn: https://taodan.com.vn/tran-hoai-anh-voi-ly-luan-phe-binh-van-hoc-trong-doi-song-van-hoc-duong-dai.html

[4] Trần Tuấn (thực hiện, 2021). Nhà phê bình Trần Hoài Anh: Văn học miền Nam là một di sản. Trang thông tin Hội Nhà văn Việt Nam. Trích xuất ngày 01 tháng 5 năm 2021. Nguồn: https://vanvn.vn/nha-phe-binh-tran-hoai-anh-van-hoc-mien-nam-la-mot-di-san/