Dân Việt ta trước thời Bắc thuộc,
Nho học chưa, kỹ thuật hàng đầu.
Trống Đồng, Thần nỏ Liên Châu,
Mà nay khoa bảng khiến đâu bằng người.
Trường ta hãy là nơi học để,
Thành tài năng, sáng chế, phát minh.
Nhân Ngày Giỗ Tổ quang vinh,
Từ thầy cô đến học sinh: xin thề!
Cha ông ta chọn ngày Mười tháng Ba âm lịch làm ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hẳn có lý do.
Ngay từ thời Hùng Vương, dân ta vốn đã coi trọng khái niệm âm -
dương hay Đất - Trời hòa hợp (sự tích Bánh Dày - Bánh Chưng).
Tại sao chọn ngày Mười?
Ngày là "nhật" (Mặt Trời) thuộc dương. Chọn "ngày Mười" vì Mười gắn với "Thập thiên can" (Canh, Tân, Nhâm, Quý, Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ).
Tại sao chọn tháng Ba?
Tháng là "nguyệt" (Mặt Trăng) thuộc âm. Chọn "tháng Ba" vì Ba gắn với con giáp “thứ ba” trong "Thập nhị địa chi" (Tí, Sửu, dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi" vì chỉ có con này (cọp) giống với... gấu (hùng) nhất!
Vậy sao không chọn tháng Giêng (tháng Dần theo lịch cổ đại) cho đơn giản hơn?
Lịch cổ đại Trung Quốc đặt tên tháng theo tên con giáp nào bị... thiệt hại nhiều nhất trong tháng ấy.
Tháng Giêng là tháng cỏ tranh mọc mầm cứng nhọn khiến cọp đi kiếm ăn hay đạp phải mà sinh bệnh.
Do vậy, ông bà ta không chọn tháng Giêng làm tháng giỗ Tổ.
Ông bà ta liên tưởng "họ Hùng" với gấu rồi ra cọp chứ thực ra "hùng" có nguồn gốc từ chữ "khun" tức "tù trưởng", sau này mới được dùng để gọi chung các vị vua của nước Văn Lang.
Trước đời Hùng Vương thứ sáu, Văn Lang mới chỉ là bộ lạc văn minh nhất trong số các bộ lạc người Việt di cư về phương Nam (nhằm tránh xa các cuộc đấu đá giành ngôi bá chủ của các nước phương Bắc).
Chữ "việt" theo chúng tôi có nghĩa là "đi lố", giống như "việt vị" trong bóng đá vậy!
Đến đời Hùng Vương thứ sáu, "liên minh giữa các bộ lạc" trở thành một nước Văn Lang thống nhất để đối phó với quân xâm lược rất mạnh là giặc Ân.
Chính vì vậy, hầu hết các truyền thuyết về thời đại Hùng Vương đều nhắc đến đời Hùng Vương thứ sáu là đời vua đầu tiên của nước Văn Lang (cũng như đời Hùng Vương thứ mười tám là đời vua cuối cùng).
Truyền thuyết đầu tiên là sự tích bà Âu Cơ (hay u Cơ tức mẹ Cơ?) đẻ ra một bọc trăm trứng có liên quan đến hai tiếng "đồng bào" và cách xưng hô với người ngoài y như với người thân trong gia tộc của dân mình ("bác" xe ôm, "chú" bộ đội, "chị" bán xôi, "anh" công nhân v. v... )
Truyền thuyết thứ hai là sự tích Thánh Gióng. Truyền thuyết này có chi tiết thú vị là chữ "sắt" được nhắc đến nhiều (giáp sắt, ngựa sắt, roi sắt... ) có lẽ không ngoài mục đích "khoe của" vì vào thời đánh giặc Ân (khoảng thế kỷ thứ sáu trước công nguyên), nước ta đã "hiên ngang" bước vào thời kỳ đồ sắt.
Truyền thuyết cũng cho thấy các vua Hùng chọn người kế vị rất cẩn thận qua sự tích Bánh Dày - Bánh Chưng.
Chuyện "thị phi" cũng đã có từ thời Hùng Vương khiến "nạn nhân" Mai An Tiêm bị đày ra hoang đảo, nhưng ông lại trở thành "ông tổ" của ngành... tiếp thị Việt Nam qua sự tích quả dưa hấu.
Có một giống khoai do người mình tìm ra trước tiên và trồng rất thành công ở nước Văn Lang, được người phương Bắc ưa thích nên sử Tàu gọi đó là "khoai lang".
Bạn nào có dịp đi đường Sư Vạn Hạnh (Quận 10 Tp HCM) sẽ được thưởng thức mùi khoai lang nướng thơm lừng, nhớ mua ủng hộ bà con nông dân mình nghen!
Chú thích hình: Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn Quân Tiên Phong tại Đền Hùng ngày 19 / 9 / 1954 (trên đường về tiếp quản Thủ đô). Tại đây, Bác đã dạy: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước!"
Nguyễn Đình Đại