Nguyễn Đình Đại

TÂY TIẾN (Quang Dũng, 1921 - 1988)

Tây Tiến là bài thơ "tích hợp văn - sử - địa" của lớp 12! “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi, Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi... ” Tiếng "rồi" như tiếng thở dài vĩnh biệt, tiếng "ơi" nghe thân thương làm sao. Còn "nhớ chơi vơi" là nhớ không cùng, không biết tựa vào đâu cho vơi nỗi nhớ. “Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi, Mường Lát hoa về trong đêm hơi.” Về đêm, đất đá bốc hơi lạnh nên "đêm hơi" là đêm rất lạnh. “Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm, Heo hút cồn mây súng ngửi trời. Nghìn thước lên cao nghìn thước xuống, Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi... ” Trên đây mô tả vị trí đóng quân của Tây Tiến: bản Sài Khao thuộc xã Mường Lý, huyện Mường Lát tỉnh Thanh Hoá (Nơi đây ngày nay có Nhà Bảo tàng Tây Tiến lưu giữ những kỷ vật bộ đội để lại). Vị trí này ở độ cao 1070 mét như Quang Dũng mô tả (nghìn thước lên cao...) và từ đây nhìn về phía Mộc Châu thấy núi Pha Luông cao gần 2.000 mét so với mặt nước biển.

 

Tây Tiến là bài thơ "tích hợp văn - sử - địa" của lớp 12!

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi,
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi... ”

Tiếng "rồi" như tiếng thở dài vĩnh biệt, tiếng "ơi" nghe thân thương làm sao. Còn "nhớ chơi vơi" là nhớ không cùng, không biết tựa vào đâu cho vơi nỗi nhớ.

“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi,
Mường Lát hoa về trong đêm hơi.”

Về đêm, đất đá bốc hơi lạnh nên "đêm hơi" là đêm rất lạnh.

“Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm,
Heo hút cồn mây súng ngửi trời.
Nghìn thước lên cao nghìn thước xuống,
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi... ”

Trên đây mô tả vị trí đóng quân của Tây Tiến: bản Sài Khao thuộc xã Mường Lý, huyện Mường Lát tỉnh Thanh Hoá (Nơi đây ngày nay có Nhà Bảo tàng Tây Tiến lưu giữ những kỷ vật bộ đội để lại).

Vị trí này ở độ cao 1070 mét như Quang Dũng mô tả (nghìn thước lên cao...) và từ đây nhìn về phía Mộc Châu thấy núi Pha Luông cao gần 2.000 mét so với mặt nước biển.

Độ cao nơi Quang Dũng đóng quân cũng tương đương với độ cao của Đà Lạt nhưng không có nghĩa bộ đội Tây Tiến phải là những "vận động viên leo núi" hiểm trở đến độ "gục chết" khi lên đến nơi như nhiều người đã bi thảm hoá hai câu tiếp theo:

“Anh bạn dãi dầu không bước nữa,
Gục lên súng mũ bỏ quên đời... ”

"Không bước nữa" là vì đến nơi rồi chứ không phải là "bỏ cuộc" và… "đứt bóng". Cái chết trong thơ Quang Dũng không "bi thảm" như vậy. "Chết" vì... hành quân mỏi oai nỗi gì?

Bố cục bài thơ rất chặt chẽ, "cái chết" sẽ được Quang Dũng nhắc đến ở khổ thơ thứ ba: bi tráng.

"Bỏ quên đời" phải được hiểu là "ngủ như chết" (vì "Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi") theo đúng phong cách bất cần đời của mấy anh thanh niên trí thức Hà Nội (chiếm đa số trong bộ đội Tây Tiến, mới qua huấn luyện kiểu... quân sự học đường!)

Họ ngủ... cho đã, mặc kệ tiếng thác reo hay cọp gầm đâu đó:

“Chiều chiều oai linh thác gầm thét,
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người... ”

Để chỉ còn:

“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói, 
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi... ”

Tất nhiên đi từ Hà Nội lên Mường Lát phải qua Mai Châu, nơi đồng bào Thái trồng lúa nếp thay cho lúa gạo.

Đến đây là hết khổ thơ thứ nhất nói về cuộc hành quân gian khổ lên đến vị trí đóng quân của lính Tây Tiến.

Trước khi Pháp mở cuộc tổng tấn công ra Việt Bắc vào tháng 10 năm 1947 (Việt Bắc Thu - Đông) nhằm tiêu diệt chính phủ và quân chủ lực của ta, tình hình mặt trận phía Tây khá căng thẳng (vì ta lo địch xâm nhập từ phía biên giới Việt - Lào).

Sinh hoạt văn hoá, chính trị luôn được chú trọng để thắt chặt tình quân dân (nhân tố góp phần mang lại mọi thắng lợi của quân đội ta):

“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa,
Kìa em xiêm áo tự bao giờ.
Khèn lên man điệu nàng e ấp,
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ... ”

Những buổi đi lên Mộc Châu để trình báo cáo và nhận chỉ thị với giao liên chính phủ, Quang Dũng được dịp làm thơ hay vẽ tranh:

“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy,
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ.
Có nhớ dáng người trên độc mộc,
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa... ”

Đến đây là hết khổ thơ thứ hai nói về phần “sinh hoạt chính trị” rất quan trọng của binh đoàn Tây Tiến.

Chỉ trong vòng có vài tháng từ những chàng trai "gục lên súng mũ bỏ quên đời", bộ đội Tây Tiến ngày nay đã trưởng thành vượt bậc thậm chí là "quá ngầu":

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,
Quân xanh màu lá dữ oai hùm... ”

Không mọc tóc do bệnh sốt rét gây rụng tóc hay tự cạo trọc đầu để khi vật nhau với địch không bị nắm tóc? Có lẽ cả hai.

Tương tự như vậy, quân xanh màu lá có thể do nguỵ trang hoặc do mắc bệnh sốt rét khiến da xanh xao.

Nhiệm vụ của lính Tây Tiến là canh chừng biên giới phía Tây Bắc nhất là vào ban đêm.

Khi canh gác phải hết sức tập trung, nhìn sâu trong bóng tối đề phòng kẻ địch lẻn ra phía sau lưng:

“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới... ”

Bộ đội trừng giới có khác! Nhưng khi hết phiên gác thì cái chất lãng mạn của con trai Hà thành lại trở về nguyên vẹn:

“Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm... ”

Những cô gái xinh đẹp ấy hiện ở đâu bây giờ khi Hà Nội đang bị địch tạm chiếm, cũng như những người chiến sĩ vô danh đang nằm lại ở đây bao giờ thân xác mới được quy cố hương?

Không ai dám trả lời chắc chắn vào thời gian đó, bởi bảy năm sau họ mới được trở về theo chân đoàn quân giải phóng thủ đô.

“Rải rác biên cương mồ viễn xứ,
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.
Áo bào thay chiếu anh về đất,
Sông Mã gầm lên khúc độc hành... "

Những từ Hán - Việt đột nhiên xuất hiện gợi cho tôi hình ảnh một buổi chiều xa xưa bên bờ sông Dịch, chàng thích khách Kinh Kha đứng trên thuyền đưa tay vẫy chào một đi không trở lại.

Trên bờ bên này, đàn nữ nhạc mặc y phục toàn màu trắng gảy khúc biệt ly.

Nơi đây không có tiếng đàn nức nở nhưng có con sông Mã đổ từ cao nguyên Mộc Châu đi qua Sầm Nứa gầm lên khúc độc hành, đưa anh về đất với áo bào thay chiếu...

Sau chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông, Tây Tiến trở về Hoà Bình tham gia thành lập trung đoàn 52 và Quang Dũng chuyển sang đơn vị khác.

Cuối năm 1948 tại làng Phù Lưu Chanh (Hà Đông), Quang Dũng sáng tác bài thơ này và đặt tên là Nhớ Tây Tiến (sau đổi là Tây Tiến).

Bài thơ lay động lòng người, nó lập tức lan toả. Có thể nói trong ba lô của mỗi người lính sau này đều có bài thơ Tây Tiến.

“Tây Tiến người đi không hẹn ước,
Đường lên thăm thẳm một chia phôi.
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy,
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi... ”

Bốn câu kết (khổ cuối) cho thấy Tây Tiến giờ đây tuy xa mà gần, bởi nó nằm mãi trong trái tim của người lính Tây Tiến.

Quang Dũng (tên thật là Bùi Đình Diệm, tự Dậu) sinh năm 1921 tại Hà Tây và mất năm 1988 tại Hà Nội, chỉ thọ được 67 tuổi.

Sinh thời ông chịu nhiều thiệt thòi, nhưng thật thà như đếm nên chẳng biết trách ai.

Quang Dũng cao lớn và giỏi võ, biết đủ cả cầm kỳ thi hoạ nhưng ai trêu ghẹo cũng đành chịu. Nội việc một nhạc sĩ trong Nam sáng tác ca khúc phổ thơ Quang Dũng cũng khiến ông "khổ sở" một thời gian dài.

Tác phẩm tiêu biểu: Mây Đầu Ô, Tuyển Tập Thơ Quang Dũng...

Năm 2001 (13 năm sau khi Quang Dũng qua đời), ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

 

 

 

 

Nguyễn Đình Đại