Trong hồi ký, cái được quan tâm hàng đầu chính là sự thật nhưng không phải là bất kỳ sự thật nào mà phải là những sự thật có tính đại diện, có độ hấp dẫn nhất định với thị hiếu độc giả.
Có thể thấy, người đọc sẽ luôn háo hức được tìm hiểu quá khứ của dân tộc, cộng đồng qua những sự kiện lớn, tìm hiểu về những góc khuất của lịch sử, những sự thật chưa từng được công bố của những người nổi tiếng hay thậm chí cả cuộc đời của những người bình thường nhưng có sức ảnh hưởng lớn đến một thế hệ. Trong giới hạn nào đó, hồi ký vẫn có thể chấp nhận những phóng đại, tưởng tượng hay đôi khi cả những ẩn ức, khao khát đầy mơ hồ của cá nhân tác giả. Điều này không làm sai lệch hay bóp méo hiện thực mà chỉ là một phương thức giúp sự thật được phản ánh thêm thú vị và có sức hút hơn. Sự phát triển của hồi ký đã phản ánh đúng xu hướng phát triển của văn học đương đại với sự thay đổi rõ rệt của vị trí người viết và thị hiếu tiếp nhận của người đọc.
Hồi ký xuất hiện tại phương Tây từ thời Hy Lạp, ban đầu mang dáng dấp tiểu sử văn học, ghi lại những sự kiện đáng nhớ của những nhân vật có sức ảnh hưởng lớn với cộng đồng. Cùng với sự phát triển của lịch sử, sự thay đổi của các giá trị văn hóa, xã hội, hồi ký ngày càng trở thành một thể loại hữu dụng để trình bày kí ức, tâm tư của bản thân, những đánh giá, nhìn nhận của các tầng lớp khác nhau về mọi sự việc, hiện tượng trong đời sống.
Thuộc về nhóm ký tự sự, hồi ký vừa có những điểm chung, vừa có những đặc trưng không trộn lẫn với những thể loại khác. Cũng giống như phóng sự, truyện ký, du ký, ký sự..., hồi ký đặc biệt đề cao tính khách quan của sự kiện và sự chân xác của đối tượng phản ánh. Tuy nhiên, nếu như trong phóng sự, người viết bám sát hiện thực để phản ánh chúng một cách kịp thời, chính xác; trong ký sự, tác giả quan tâm đến sự vận động hoàn chỉnh trên diện rộng của một giai đoạn, một phong trào hay một sự kiện thì với hồi ký, người kể chuyện thường tạo ra một khoảng lùi thời gian nhất định để chiêm nghiệm, suy tư về những khoảnh khắc đã qua của quá khứ có liên quan mật thiết đến hiện tại - những khoảnh khắc đã trở thành ám ảnh, thành kí ức khó quên của bản thân.
Xét về đặc trưng thể loại, ta thấy có nhiều cách để phân loại hồi ký. Mỗi cách phân loại lại nhấn mạnh một đặc điểm nào đó của thể loại này.
1. Dựa vào chủ thể sáng tác; có thể chia hồi ký thành hai mảng lớn là hồi ký của những người nổi tiếng (các vị lãnh đạo cấp cao, các vị tướng, các nhà văn đầu đàn, các nhà nghiên cứu-phê bình lớn ...) và hồi ký của những người bình thường.
- Ở mảng thứ nhất, người đọc không thể không nhớ đến những cái tên như: Trần Dân Tiên hay T.Lan - những bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - với chùm hồi ký tự kể lại chặng đường hoạt động cách mạng của một lãnh tụ; đại tướng Võ Nguyên Giáp, đại tướng Văn Tiến Dũng với những hồi ký hào hùng về hai cuộc đấu tranh thần thánh của dân tộc và những chân dung anh hùng làm nên lịch sử; nguyên phó chủ tịch Nguyễn Thị Bình với hồi ký gây xúc động về đất nước, quê hương và gia đình; một loạt những nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình lớn của nền văn học Việt Nam như Xuân Diệu, Huy Cận, Anh Thơ, Lưu Trọng Lư, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Tố Hữu, Đặng Thai Mai, Nguyễn Hiến Lê v.v... đều tìm đến hồi ký để lật giở lại quá khứ và giãi bày những “nỗi niềm riêng tây" chưa từng được thể hiện trong các tác phẩm trước đó. Hồi ký của những tác giả này là nguồn tư liệu quý giá giúp người đọc hiểu hơn về lịch sử và tiếp cận gần hơn với những tên tuổi lớn của dân tộc.
* Ở mảng thứ hai, do là thể loại tương đối “cởi mở”, không bị câu thúc bởi những yêu cầu khắt khe về kỹ thuật và năng lực văn chương như thơ, truyện, tiểu thuyết hay tùy bút... Chỉ cần có vốn sống, có sự trải nghiệm cùng một chút đam mê với việc viết lách, nhiều người đã có thể cho ra đời những tác phẩm hồi ký hấp dẫn. Đó là lý do mà sau thời kỳ đổi mới, văn đàn chứng kiến sự “bùng nổ” của thể loại này cùng sự xuất hiện của rất nhiều tác giả không chuyên ở đủ mọi nghề nghiệp, tuổi tác, giới tính, địa vị xã hội... Từ lớp người có tuổi như cụ bà Phạm Thị Trinh với hồi ký về chặng đường của một người mẹ anh hùng, cụ bà Vũ Thị Lan với tập hồi ký kể chuyện đời mình bằng thơ... đến lớp người trẻ như cô gái mang tên Tâm Phan với những trang hồi ức đại diện cho suy nghĩ, lối sống của thế hệ mình. Từ diễn viên Lê Văn với những câu chuyện kể vén màn bí mật về nghề diễn và gia đình nghệ sĩ của mình đến một người tù giấu tên, một cô gái bị nhiễm căn bệnh thế kỷ nhưng đã dám kể lại chuyện đời mình như một lời cảnh tỉnh... Tất cả họ đều đã viết những trang hồi ký tuy không đạt được giá trị sâu sắc về mặt nghệ thuật hay lịch sử nhưng lại có tác động lớn đến tâm hồn và nhân cách của cộng đồng, xã hội.
![]() |
Ảnh minh họa.Nguồn pixabay |
2. Dựa vào đối tượng phản ánh và phương thức tái hiện hiện thực, có thể chia hồi ký thành ba loại chính là hồi ký cách mạng, hồi ký văn học, hồi ký thế sự đời tư. Nhưng trong nhiều trường hợp, một tác phẩm hồi ký có thể dung hợp đặc điểm của cả ba tiểu loại này.
- Hồi ký cách mạng. Hai cuộc chiến đấu cứu quốc thần thánh của dân tộc Việt Nam đã mang đến chất liệu “vàng” để tạo nên một dải hồi ký viết về cách mạng thật phong phú. Hầu hết những tác giả của hồi ký cách mạng đều là những người trực tiếp tham gia chiến đấu, là những lãnh tụ, tướng lĩnh, chiến binh anh dũng. Với họ, viết hồi ký chính là một sự trả nợ cho “những năm tháng không thể nào quên" để từ đó thể hiện những nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc về quá khứ. Hồi ký của tướng Võ Nguyên Giáp (Những năm tháng không thể nào quên), tướng Văn Tiến Dũng (Đại thắng mùa xuân), của những người cộng sản anh hùng như Nguyễn Đức Thuận (Bất khuất), Trần Huy Liệu (Dưới hầm Sơn La)... đã tái hiện chân dung của một thế hệ, thời đại anh hùng với sự ngưỡng vọng và thái độ ngợi ca thành kính. Trong tác phẩm của họ, hồi ký rất gần với trường ca và tiểu thuyết sử thi khi hồi ức được “làm sống dậy” bằng cảm hứng anh hùng ca và bút pháp lí tưởng hóa.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến một thế hệ nhà văn trưởng thành trong chiến đấu đã từ những sự kiện hào hùng của quá khứ để đánh giá và suy ngẫm lại quá trình “nhận đường” của bản thân mình và lớp nghệ sĩ cùng thời. Hồi ký của Tố Hữu (Nhớ lại một thời), Đặng Thai Mai (Đặng Thai Mai hồi ký), Huy Cận (Hồi ký song đôi) hay Lưu Trọng Lư (Nửa đêm sực tỉnh) là những chiêm nghiệm sâu sắc của lớp thanh niên trí thức tiểu tư sản đã thức ngộ khi gặp được chủ nghĩa cộng sản. Chùm hồi ký của Tô Hoài (Cát bụi chân ai, Chiều chiều) là cuốn phim tư liệu dài ghi lại hai cuộc chiến đấu của dân tộc qua những sự kiện nổi bật, mang tính điển hình. Có thể nói, bằng lối viết chuyên nghiệp cùng những thủ pháp tái hiện kí ức một cách nghệ thuật, các nhà văn đã nhìn nhận lại lịch sử vàng son của dân tộc ta bằng một thái độ nghiêm túc, đa chiều, từ góc độ cái tôi cá nhân để soi rọi những lý tưởng mang tầm thời đại.
- Hồi ký văn học. Hồi ký văn học trước hết là hồi ký của các nhà văn viết về quá trình sáng tạo nghệ thuật của mình, biện giải về những nhân tố, sự kiện có ảnh hưởng trực tiếp đến việc định hình phong cách nghệ thuật và quá trình sáng tác. Nhiều nhà văn đã coi hồi ký là nơi thể cái tôi của mình một cách trung thực và sinh động nhất. Đọc hồi ký của Tô Hoài, nhất là hồi ký Chiều chiều được sáng tác gần với chúng ta nhất, người đọc được tiếp nhận những trải nghiệm thấm thía của tác giả về đời viết văn của mình và của những người bạn cùng thời. Đúng như Vương Trí Nhàn nhận xét về Tô Hoài: “Hồi kí là nơi cả con người tác giả cùng cái triết lí ông mơ hồ cảm thấy và đã theo đuổi suốt đời có dịp bộc lộ". Và có lẽ lời nhận định này có thể áp dụng cho những tác giả khác từng viết hồi ký. Như Huy Cận với Hồi ký song đôi đã kể lại những kỷ niệm với quê hương, gia đình mà sau này chính là tác nhân tạo nên âm hưởng không gian mênh mang trong các bài thơ của ông. Như Nguyên Hồng với hồi ký mang dáng dấp tự truyện Những ngày thơ ấu đã giúp người đọc hiểu được lý do vì sao trong những trang viết của ông luôn thấp thoáng bóng dáng những người phụ nữ mang hình mẫu của người mẹ tội nghiệp...
Bên cạnh những bức chân dung tinh thần của chính bản thân tác giả, hồi ký văn học còn là những nét phác họa tinh tế và tỉ mẩn về những người bạn trong làng văn. Sử dụng những thủ pháp khác nhau, các tác giả hồi ký đã cung cấp cho người đọc nhiều sự thật thú vị về những nhân vật nổi tiếng trong làng văn. Hồi ký song đôi của Huy Cận phác họa rõ nét hơn hình ảnh người bạn thân Xuân Diệu vừa lãng tử, tài hoa lại vừa thủy chung, tình nghĩa. Hồi ký Những gương mặt và Cát bụi chân ai của Tô Hoài là những bức vẽ sinh động về Nguyễn Bính, Trần Huyền Trân, những câu chuyện dí dỏm xoay quanh cá tính của Nguyễn Tuân hay chuyện kể cảm động về tình bạn với Nguyên Hồng. Hồi ký gần đây của Bùi Ngọc Tấn Viết về bạn bè với những sự thật ít biết về Chu Lai, Hoàng Ngọc Hiến...
![1-1738898633.jpg](https://doanhtri.net/uploads/images/blog/minhngoan/2025/02/07/1-1738898633.jpg)
Hồi ký văn học dưới cây bút tài hoa của các nhà văn có giá trị nghệ thuật không thua kém gì so với các sáng tác của họ. Nhiều trang hồi ký của Tô Hoài hay Huy Cận nếu đứng độc lập có thể xem chúng có giá trị như những truyện ngắn xuất sắc. Dù sao, mang sức mạnh riêng của thể loại, hồi ký tự bản thân nó đã có sức khơi gợi đặc biệt đối với trí tò mò và niềm vui được khám phá sự thật của độc giả.
- Hồi ký thế sự - đời tư. Không có sức nặng của lịch sử như hồi ký cách mạng, cũng không giàu giá trị nghệ thuật như hồi ký văn học, hồi ký thế sự - đời tư chỉ hiện giản dị kể lại chuyện đời của những con người hết sức bình thường, đôi khi là hồi ức của những tầng lớp bị xã hội ruồng bỏ, khinh ghét. Dẫu vậy, nhờ sự lan truyền của công nghệ thông tin hay sự thông thoáng của cơ chế in ấn trong thời đại mới, nhiều hồi ký thuộc dạng này vẫn được độc giả đón nhận nồng nhiệt và có cuốn sách còn nằm trong nhóm best- seller một thời gian. Tôi muốn nhắc đến trường hợp cuốn hồi ký Yêu và sống của Lê Vân đã một thời làm ngả nghiêng dư luận và được độc giả săn đón. Sức hút của tác phẩm này một phần được tạo ra bởi tên tuổi của bản thân người viết nhưng phần nhiều là do những bí mật “động trời” của một gia đình nghệ sĩ nổi tiếng đã được chính “người trong cuộc" tiết lộ. Một cuốn sách cũng được đón nhận là cuốn Hồi ký Tâm Phan- Gom những yêu thương trước đó đã đến với người đọc qua hình thức những trang blog và tạo được hiệu ứng tích cực. Một trường hợp đặc biệt khác là Hồi ký Tâm si đa – Vượt lên cái chết đã ghi lại quá trình hướng thiện đầy cảm động của một cô gái mang căn bệnh thế kỷ. Và còn rất nhiều những hồi ký kể chuyện đời tư như thế của một nhà giáo, một người nông dân ít học hay thậm chí của một người tử tù... Tất cả những hồi ký này hầu như đều sử dụng thủ pháp nghệ thuật tối giản với lối kể tuyến tính chân phương nhưng vẫn tạo được sức hấp dẫn riêng nhờ những bài học cuộc sống sâu sắc toát lên từ trang viết.
Như vậy, với sự xuất hiện của những tác phẩm hồi ký có giá trị, sự phổ cập sáng tác ngày càng rộng rãi của mọi tầng lớp khác nhau trong xã hội, thể loại hồi ký đã dần khẳng định chỗ đứng của mình trong văn đàn. Đây là một thể loại đang tạo ra cuộc đua tranh thú vị với các thể loại truyền thống như tiểu thuyết hay truyện ngắn.