Dự báo đề tài văn xuôi Việt Nam 2025: Tinh thần mới, xu hướng mới cho kỷ nguyên mới

Bài viết dự đoán những xu hướng văn học nổi bật sẽ phát triển trong năm mới, nhằm mục đích gợi mở những kỳ vọng về sự phát triển của văn học Việt Nam, khi đất nước kỷ niệm 80 năm và đón chào một kỷ nguyên phát triển mới...

Những con người tài hoa, những nhân vật quan trọng trong các lĩnh vực không phải là quân sự, chính trị, văn học nghệ thuật… hàm chứa rất nhiều tiềm năng khai thác....

Bài viết dự đoán những xu hướng văn học nổi bật sẽ phát triển trong năm mới, nhằm mục đích gợi mở những kỳ vọng về sự phát triển của văn học Việt Nam, khi đất nước kỷ niệm 80 năm và đón chào một kỷ nguyên phát triển mới.

Những nét phác họa chung

Hãy thử nhìn vào danh sách các tác phẩm văn chương đoạt các giải thưởng lớn - đặc biệt các giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam, Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam - trong nhiều năm gần đây. Ta thấy một vệt dài các tác phẩm tiểu thuyết lịch sử như Từ dụ Thái Hậu (Trần Thuỳ Mai), Bửu Sơn Kỳ Hương (Lý Lan) và Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín (Nguyễn Một)... đã thám cứu những “vi sử”, tức những sự kiện, góc độ nhỏ, cụ thể hơn, nhiều khi là một khoảnh khắc, một nhân vật hay một nhóm xã hội. Ở một mảng khác, các tiểu thuyết Một ví dụ xoàng (Nguyễn Bình Phương) và Tuyệt không dấu vết (Nguyễn Việt Hà) đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn lần lượt các năm 2022 và 2023, bằng những thử nghiệm khác nhau, đều mượn các vụ án để đi tìm lý giải cho bối cảnh văn hoá những năm cuối thế kỷ trước. Ở góc độ văn học trẻ, nhiều tiểu thuyết gia tiềm năng đã đưa trở lại các dòng văn chương vốn rất sôi nổi thời kỳ tiền chiến: truyền kì - kinh dị, dã sử (tiếp cận theo lối truyện dành cho đại chúng), trinh thám… được ghi nhận tốt về mặt thương mại. Một số nhà văn trẻ đã dấn thân tìm tòi những vùng đất mới gần gũi với công chúng toàn cầu: vấn đề môi trường, giới, kỷ nguyên tương lai… Điều này đã được các tạp chí chuyên môn bàn luận riêng từng nhánh trong năm qua. Tất nhiên ở đây là chúng ta chỉ xem xét trên những tác phẩm nổi bật, được giới chuyên môn hoặc tầng lớp công chúng với các “tầm đón nhận” khác nhau công nhận.

Ta thấy điều gì từ những nét phác trên? Rõ ràng, các đề tài văn chương ngày càng nhắm vào những vùng đất, con người, phân kỳ lịch sử cụ thể, nơi đời sống cá nhân có đất diễn trình, nhưng là để làm tiêu điểm cho một khoảng nhìn rộng, bao quát về xã hội và nhân sinh. Điều này nhìn kỹ sẽ thấy khác hẳn với thập kỷ trước, nơi nổi bật trong tiểu thuyết là những guồng thử nghiệm về thi pháp, ngôn ngữ cộng với các đề tài về chiến tranh, nông thôn, theo hướng tiếp cận ở bình diện từ chiều rộng.

Theo chúng tôi, dựa trên không ít thành công đã có, xu hướng chung này sẽ còn tiếp tục đậm nét hơn từ năm 2025. Đây là một giai đoạn sáng tạo mới với những đặc điểm thấy rõ như sự phổ cập của trí thông minh nhân tạo, những cuộc thi, cuộc vận động sáng tác được tổ chức bài bản hơn, có định hướng rõ nét hơn và kèm theo đó sẽ có thêm những nhu cầu tiếp tục lý giải quá khứ và nhận đường tương lai nơi những người sáng tạo… Các tác phẩm văn chương sẽ luôn có những đặc trưng xã hội học nhất định, dù có chủ đích hay không chúng vẫn liên quan mật thiết đến sự phát triển xã hội và tâm lý công chúng đương thời. Điều này được nhà lý thuyết Pierre Bordieu trong chuyên luận về văn học và nghệ thuật xuất bản năm 1993 đưa ra các khái niệm Vốn văn hóa và Vốn xã hội (Cultural and Social Capital). Theo đó, các kỹ năng, kiến thức, giáo dục mà các cá nhân sở hữu ảnh hưởng đến khả năng sản xuất và tiêu thụ văn hóa.

Nhóm đề tài về các dòng chảy ngầm của lịch sử

Vi lịch sử (Microhistory) là một phương pháp nghiên cứu lịch sử tập trung vào việc phân tích các sự kiện nhỏ, những chi tiết cụ thể, những guồng văn hoá, hoặc cuộc sống của một cá nhân hay một nhóm nhỏ, thay vì toàn bộ bối cảnh lịch sử rộng lớn. Mục tiêu của vi lịch sử là khám phá cách mà những yếu tố nhỏ và đôi khi bị bỏ qua có thể tiết lộ thông tin quan trọng về các quá trình xã hội, văn hóa, và lịch sử rộng lớn hơn. Trong tương lai gần, các tác giả Việt Nam có thể sẽ tìm tòi nhiều hơn những dòng vi sử, bởi nó bao gồm những cơ hội về quảng bá văn hoá. Một lý do khác là các đề tài chính sử Việt Nam còn nhiều bàn cãi, và tính khuôn mẫu vẫn còn rất cao. Tìm một cơ hội để có những bối cảnh độc đáo hơn, hẳn các nhà văn sẽ tránh con đường lớn và tìm đến những mỏ vàng ở tiểu ngạch?

Những con người tài hoa, những nhân vật quan trọng trong các lĩnh vực không phải là quân sự, chính trị, văn học nghệ thuật… hàm chứa rất nhiều tiềm năng khai thác. Nhiều nhân vật trong số này có những đóng góp quan trọng nhưng ít được biết đến trong lịch sử, và việc viết về họ giúp đưa những thành tựu này ra ánh sáng, tạo điều kiện cho sự ghi nhận ở mức độ rộng rãi hơn. Bởi lẽ, sự hứng thú đối với các chủ đề văn hoá và lịch sử của độc giả Việt Nam không còn dừng lại ở các đại tự sự. Nhiều kênh youtube, tiktok và các bộ hồi kí của các nhân vật như chuyên gia kinh tế, luật sư, nhà tình báo, nhà quản lý… trong thời gian qua đã được bạn đọc cả nước ủng hộ nhiệt thành. Các tiểu thuyết Me Tư Hồng (Nguyễn Ngọc Tiến), hồi kí Gánh gánh gồng gồng (Xuân Phượng) ra mắt thành công. Khi thời gian lùi xa, khi quá khứ đã bắt đầu phủ sương mờ, một lớp nhà văn mới có thể tìm lại và dễ được chấp nhận hơn để viết về các nhân vật còn chìm khuất.

Không chỉ con người mà còn có những sự kiện dân sự lớn trong lịch sử: một vụ án mạng, một tai nạn lớn, một trận đại dịch, những nhóm xã hội có số phận riêng… Điều này đã từng là sân chơi màu mỡ cho văn học và điện ảnh thế giới như thảm hoạ đắm tàu Essex, vụ nổ Chernobyl… Đây cũng là cơ hội để văn chương có thể tận dụng được tư liệu nghiên cứu đầy giá trị của các ngành khoa học xã hội nhân văn khác.

Dự báo đề tài văn xuôi Việt Nam 2025: Tinh thần mới, xu hướng mới cho kỷ nguyên mới
Hai tiểu thuyết nổi bật trong thời gian qua: Tuyệt không dấu vết và một ví dụ xoàng

Khoảng cách thế hệ và nông thôn Việt Nam

Lịch sử Việt Nam trong khoảng 100 năm qua đã biến đổi không ngừng, không ít khoảng đứt đoạn. Điều này tạo ra trải nghiệm quá khác biệt ở các thế hệ: chiến tranh, hậu chiến, bao cấp, hội nhập, mạng xã hội, kỹ thuật số (digital native)… Theo chúng tôi, đây cũng chính là lý do các thế hệ trẻ thường có xu hướng lo ngại mất đi tính “thuần Việt”, chủ yếu là do cảm thấy bị bối rối trước những khác biệt lớn của các thế hệ. Hơn nữa, chẳng riêng Việt Nam, thế giới cũng luôn có những câu chuyện tương tự. Sự khác biệt thế hệ của tương lai gần sẽ nghiêm trọng hơn, bởi nó không còn dừng lại ở việc thay đổi các chuẩn mực, quan điểm xã hội với đời sống cá nhân. Khoảng cách thế hệ giờ đây sẽ phản ánh được cả những biến đổi hết sức tinh vi và nghiêm trọng của thời đại, như ngôn ngữ, sinh học và văn hoá. Có rất nhiều gợi ý trong nhóm này: chẳng hạn, con người của tương lai sẽ nhìn nhận thế nào với những di sản quá khứ, và chiều ngược lại, quá khứ đang nhìn thấy thế hệ tiếp theo như thế nào? Sự đô thị hoá đối với nông thôn Việt Nam và quan điểm của tầng lớp thanh niên mới? Tương lai của ngôn ngữ, văn chương và tín ngưỡng thiểu số sẽ ra sao? Sự biến đổi từng chút một của tiếng Việt liệu có phải là vấn đề của tương lai? Có thể nhóm đề tài này không hẳn là chủ đề riêng của một tác phẩm, nhưng sẽ phảng phất, bàng bạc trong không gian truyện kể.

Đặc biệt, sự biến mất của nông thôn Việt Nam ngày càng được quan tâm hơn vì nó phản ánh những thay đổi sâu sắc về kinh tế, văn hóa và xã hội. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng, công nghiệp hóa và di cư đã dẫn đến sự suy giảm của các cộng đồng nông thôn, mất đi những phong tục tập quán, cảnh quan thiên nhiên và đời sống làng quê. Văn chương về chủ đề này dễ chạm đến hoài niệm của nhiều lớp độc giả. Nhà văn Đỗ Tiến Thụy từng nói trong Lễ phát động cuộc thi viết truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập” rằng: “Ở tất cả các cuộc thi do Báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ quân đội cho tới các tờ báo phía Nam đã từng tổ chức, số lượng tác phẩm lấy đề tài nông thôn làm bối cảnh chiếm tới 90%.”

Tuy nhiên, trong khoảng 5-10 năm tiếp theo, “nông thôn” bắt đầu có độ lùi xa, đủ để một cách rất tự nhiên, bối cảnh, con người, sinh hoạt nông thôn được “lạ hoá” trong mắt bạn đọc. Chúng tôi dự đoán rằng sẽ xuất hiện một làn sóng lấy bối cảnh nông thôn quá khứ trong khoảng năm 2028 đến 2030.

Hành trình đi ra thế giới

Việc một nhà văn châu Á như Han Kang đoạt giải Nobel năm 2024 cũng đã đánh động đến khả năng quảng bá văn học Việt Nam. Trong những năm qua, độc giả Việt biết đến trường hợp Nguyễn Phan Quế Mai, với tác phẩm The Mountains Sing (Những ngọn núi ngân vang), đã giành giải thưởng quốc tế và được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau​. Nguyễn Phan Quế Mai chọn viết trực tiếp bằng tiếng Anh. Cũng trong thời gian qua, nhiều nhà văn trẻ Việt Nam đã tham dự các hội thảo văn học nổi tiếng thế giới. Và đây là minh chứng cho thấy khả năng vượt qua rào cản ngôn ngữ và văn hóa để đạt được sự công nhận quốc tế. Những điều trên đã mở ra con đường và tạo động lực cho nhiều nhà văn trẻ Việt Nam.

Trong thời gian tới, rất có thể các nhà văn trẻ Việt Nam sẽ hướng đến những mục tiêu khác, bao gồm cả viết bằng ngoại ngữ, và nhắm đến chủ đề mà họ quan sát được từ vốn sống thực tế bằng tư cách của công dân toàn cầu.

Việc chuyển ngữ tác phẩm văn học thì rất khó, bởi các rào cản về khác biệt văn hoá. Nhưng ở góc độ chiến lược sáng tạo, nếu các nhà văn có phương hướng sáng tác từ đầu, nghiên cứu độc giả và tự tìm đường xuất bản trong các thứ tiếng phổ biến, thì tỷ lệ thành công sẽ tăng lên đáng kể. Xuất phát từ kinh nghiệm dịch thuật, những cây bút Nhật Bản như Haruki Murakami đã thành công với phương pháp thông minh. Đầu tiên, họ lựa chọn các chủ đề dễ tiếp cận, lược bớt các yếu tố văn hoá đặc thù. Sau đó, họ chọn các nhân vật “thường thường bậc trung” với đầy rẫy vấn đề hiện sinh dễ cảm nhận theo mẫu số chung của nhân loại. Về kỹ thuật, các nhà văn toàn cầu của Nhật Bản tận dụng các ưu thế của truyện li kì, giả tưởng, kèm với ngôn ngữ tối giản nhưng vẫn tạo ra không khí riêng bằng các liên tưởng độc đáo và cách đi trực diện vào vấn đề. Hành trình của họ là điều rất đáng tham khảo. Nhưng thử thách lớn nhất là tìm được một cách nhìn riêng với thế giới. Để làm được như vậy, phải chăng các nhà văn lại càng phải nhìn sâu hơn về vấn đề của cuộc sống đương đại, nhìn bằng cả ánh mắt phê phán, tìm tòi, mà vẫn phải thấy được cả chất thơ của những điều phi lý? Một câu hỏi gợi ý nữa để cùng suy ngẫm: Với công nghệ trí thông minh nhân tạo ngày một cải tiến với tốc độ chóng mặt, việc người máy có thể trợ giúp các nhà văn viết bằng các ngôn ngữ khác nhau sẽ không còn là điều khó hình dung trong tương lai? Chúng tôi tin rằng viễn cảnh đó sẽ đến rất sớm thôi, thậm chí ngay trong năm 2025 này.

Dự báo đề tài văn xuôi Việt Nam 2025: Tinh thần mới, xu hướng mới cho kỷ nguyên mới
Lấy bối cảnh lịch sử, hai tiểu thuyết Từ Dụ Thái Hậu và Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín gặt hái nhiều thành công.

Văn học thiếu nhi ở Việt Nam

Văn học thiếu nhi Việt Nam trong thập niên 2020 đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ, phản ánh những thay đổi của xã hội và nhu cầu giáo dục ngày càng đa dạng. Ban Văn học Thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam, các nhà xuất bản lớn như NXB Kim Đồng và NXB Trẻ đã có những nỗ lực đáng kể trong việc phát hành và quảng bá các tác phẩm văn học thiếu nhi. Số lượng đầu sách xuất bản tăng đáng kể, với nhiều thể loại đa dạng từ truyện ngắn, thơ, sách kỹ năng đến sách tương tác. Chỉ riêng trong năm 2023, theo một thống kê, NXB Kim Đồng đã xuất bản gần 200 đầu sách văn học trong nước, với khoảng một nửa là các sáng tác mới.

Trong năm 2025, tương ứng với chuyển động của văn học thiếu nhi thế giới, rất có thể, những xu hướng nổi bật như tôn vinh sự đa dạng văn hóa, bảo vệ môi trường, khám phá khoa học, hay đề cao giá trị gia đình đều mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc, đồng thời mở ra những hướng đi mới trong sáng tác và xuất bản. Những câu chuyện thiếu nhi ngày càng tập trung vào việc giúp trẻ em hiểu và trân trọng sự khác biệt về văn hóa, sắc tộc, hay giới tính. Giới chuyên môn từng nhận xét rằng văn học thiếu nhi Việt Nam còn thiếu những tác phẩm về trẻ khuyết tật, tự kỷ, đồng tính và các vấn đề như bạo lực, di dân, dịch bệnh vẫn là những vùng mờ của văn học thiếu nhi. Điều này rất có thể dần dần được giải quyết từ những năm tới đây.

Nhưng thêm vào đó, tương tự mảng văn học ở các lứa tuổi khác, trong bối cảnh thế giới ngày càng biến động, giáo dục về ngôn ngữ và lịch sử qua văn học thiếu nhi sẽ ngày càng trở nên quan trọng. Việc lồng ghép các yếu tố ngôn ngữ trong tác phẩm giúp bạn đọc thiếu niên cải thiện cảm thức ngôn ngữ tiếng Việt, từ đó bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Những câu chuyện kể về lịch sử cũng sẽ tìm cách để thay đổi về hình thức, cách kể chuyện, để truyền tải các nội dung giáo dục, hình thành ý thức trách nhiệm với đất nước.

Một cái nhìn lạc quan về tương lai văn học

Để tổng kết, chúng tôi muốn dẫn một câu viết của Milan Kundera trong Nghệ thuật tiểu thuyết, rằng: “Cuộc sống không phải là những gì diễn ra, cuộc sống là vùng các khả năng của con người, tất cả những gì con người có thể trở nên, tất cả những gì nó có thể. Các nhà tiểu thuyết vẽ nên tấm bản đồ cuộc sống bằng cách khám phá ra khả năng này hay khả năng khác của con người.” Câu này có thể được hiểu như văn chương thì có năng lực dự báo. Nhưng quan trọng hơn thế, xa hơn thế, câu ấy cũng nói rằng, các đề tài, bất kể là gì, chỉ là một công cụ, một yếu tố trong không gian nghệ thuật, nơi nhà văn có thể khảo sát các tình thế tồn tại và cơ chế hiện sinh sẵn có của con người. Sự biến đổi của nhân loại qua thời gian với tốc độ như hiện nay, đang dành sẵn vòng tay đón chào cho những người viết văn biết nhìn nhận, sắp xếp và “kiểm điểm” thực tại; qua đó, tìm ra chỗ đứng của con người trong “cuộc trà trộn” của muôn vàn vấn đề đan xen, từ lịch sử, văn hoá đến những vụn vặt mưu sinh hằng ngày. Đó là cách mà các nhà văn “người thật việc thật” sẽ có đủ sức mạnh để dễ dàng vượt qua các đối thủ sáng tạo phi nhân, như siêu trí tuệ nhân tạo.

Đức Anh Kostroma