Thực hiện vai trò trách nhiệm phản biện xã hội của các Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Tôi xin tập hợp và báo cáo một số ý kiến, kiến nghị của nhân dân trong lĩnh vực thực thi pháp luật – tại Vụ án Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư 800 tỷ vào Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank) và việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua Ocean Bank với giá 0 VNĐ. Sau đây là tổng hợp các ý kiến và nhận xét của cá nhân tôi:
I. Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư 800 tỷ vào Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank). Quyền hạn và Trách nhiệm pháp lý của Ông Đinh La Thăng.
Với lương tâm của một luật gia và trách nhiệm phản biện xã hội của một Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, khi nhận được các ý kiến, kiến nghị của nhân dân và theo dõi vụ án phức tạp về việc đầu tư 800 tỷ của PVN vào Ocean Bank, tôi đã phải đọc các văn bản luật có liên quan vụ án: Hiến Pháp 1992; Hiến Pháp 2013; Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001; Luật Dầu khí năm 2003 và Luật Dầu khí sửa đổi, bổ sung năm 2000, năm 2008; Luật Doanh nghiệp ngày 29 tháng 11 năm 2005; Luật Cán bộ Công Chức số 22/2008/QH12 ngày 13 tháng 11 năm 2008; Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 có hiệu lực thi hành từ ngày 01.01.2011; Nghị định số 99/2012/NĐ-CP ngày 15.11.2012 của Chính phủ về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; Nghị định số 149/2013/NĐ-CP ngày 31.10.2013 về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Nghị định số 69/2014/NĐ-CP ngày 15.7.2014 của Chính phủ về tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước; Các thông tin trên mạng xã hội và báo chí…
Từ đó tôi có nhận xét như sau:
1. Ông Đinh La Thăng là Cán bộ, Công chức được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
2. Ông Đinh La Thăng được bổ nhiệm là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (2006-2008), Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (2008-2011). Nói cụ thể hơn, ông Đinh La Thăng chỉ có quyền điều hành và chịu trách nhiệm pháp lý ở Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) từ tháng 2 năm 2006 đến hết tháng 7 năm 2011.
3. Theo quy định của Luật pháp, khi nhận nhiệm vụ cũng như khi bàn giao nhiệm vụ cho người kế nhiệm, các nhân sự phải bàn giao cụ thể về tổ chức, nhân sự, tình hình tài chính, tình hình kinh doanh của đơn vị. Đến hết tháng 7 năm 2011 sự bàn giao của PVN không có một văn bản nào nói về những tồn tại cần giải quyết giữa người giao và người nhận, như thế những việc xảy ra sau tháng 7 năm 2011 thuộc về người kế nhiệm PVN.
4. Chủ trương đầu tư tài chính thuộc chức năng của tập đoàn PVN theo quy định của Luật pháp và Điều lệ của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Việc PVN đầu tư 20% vốn điều lệ của Ocean Bank đã nằm trong chủ trương chi phối Ocean Bank trước khi có Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 có hiệu lực thi hành từ ngày 01.01.2011 (Vốn đầu tư của một tổ chức vào ngân hàng thương mại không quá 15%). Ở thời điểm đó ông Đinh La Thăng đang chuẩn bị bàn giao để nhận nhiệm vụ mới. PVN quyết định thoái vốn để đảm bảo 15% trong vốn điều lệ (cũ) của Ocean Bank hay bàn với Ocean Bank tăng vốn điều lệ (mới) để PVN vẫn giữ 15% vốn điều lệ của Ocean Bank thuộc quyền và trách nhiệm pháp lý của người kế nhiệm của PVN (Ông Thăng không còn quyền và trách nhiệm pháp lý ở PVN từ tháng 7 năm 2011 nữa).
5. Khoản 3, Điều 51, Hiến pháp 2013 quy định: “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa”.
Năm 2015 Ngân hàng Nhà nước (chức năng quản lý nhà nước) mua Ocean Bank 0 đồng có nghĩa là “Quốc hữu hóa” Ocean Bank. Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 có hiệu lực thi hành từ ngày 01.01.2011 cũng không có điều khoản nào về quy định NHNN mua ngân hàng thương mại giá 0 đồng (tôi sẽ nói cụ thể hơn ở phần II).
6. Những việc phát sinh kể từ sau tháng 7 năm 2011 như (1) Chia lãi của Ocean Bank cho PVN; (2) Chi tiền chăm sóc khách hàng xảy ra giữa ông Thắm, ông Quỳnh, ông Xuân Sơn hay (3) việc NHNN mua lại Ocean Bank với giá 0 đồng không thuộc quyền điều hành và trách nhiệm pháp lý của ông Đinh La Thăng kể từ khi ông bàn giao để nhận nhiệm vụ khác (tháng 7 năm 2011).
II. Về việc Ngân hàng Nhà nước mua Ocean Bank 0 VNĐ.
Sau khi nghiên cứu các ý kiến, kiến nghị của người dân, các bài báo tường thuật về vụ án xảy ra ở Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank) ở nhiều khía cạnh khác nhau, tôi có thể tóm tắt sự việc như sau:
Các thông tin về Ocean Bank:
1. Tiền thân Ngân hàng TMCP Đại Dương là Ngân hàng TMCP Nông thôn Hải Hưng được thành lập vào năm 1993 với số vốn điều lệ 300 triệu đồng. Năm 2007, ngân hàng chuyển đổi mô hình hoạt động thành ngân hàng đô thị và đổi tên thành Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank). Cùng với sự chuyển đổi mô hình này, Ocean Bank đã có sự phát triển đột biến. Năm 2006 sau hai lần tăng vốn, vốn điều lệ của Ocean Bank tăng từ 71 tỷ đồng lên 170 tỷ đồng. Chưa đầy một năm sau cũng qua hai lần tăng vốn ngân hàng này đã tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng. Để đáp ứng quy định về vốn điều lệ tối thiểu, năm 2008 và năm 2010 OceanBank đã tăng vốn lên 2.000 tỷ đồng, rồi lên 4.000 tỷ đồng.
2. Cùng với sự tăng nhanh của vốn điều lệ, quy mô tổng tài sản của ngân hàng này cũng tăng khá mạnh, từ khoảng 1.000 tỷ đồng vào cuối năm 2006 đã tăng thành 13.680 tỷ đồng năm 2007 và 55.138 tỷ đồng năm 2010. Bình quân trong giai đoạn này tổng tài sản của ngân hàng này đã tăng 172%/năm.
3. Năm 2013, lợi nhuận của Ocean Bank là 232 tỷ đồng.
4. Ngày 24/10/2014 đồng loạt các báo đưa tin về việc Bộ Công an đã tống đạt lệnh khởi tố và bắt tạm giam Ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương để phục vụ điều tra với tội danh vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng theo điều 179 Bộ luật Hình sự. Chiều cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có quyết định đình chỉ quyền và nghĩa vụ của ông Thắm "để phục vụ việc xử lý các vi phạm pháp luật nghiêm trọng của cá nhân ông Thắm." Trong thông cáo, Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định là “sự việc trên không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương.”
5. Kết luận thanh tra của NHNH vào đầu năm 2014, Ocean Bank có vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng, phát hành 400 triệu cổ phần, 1.137 cổ đông, 16 cổ đông pháp nhân, 1.120 cổ đông cá nhân trong nước. Tổng tài sản 129.040 tỷ đồng, Lợi nhuận sau thuế lỗ 10.188 tỷ đồng, trích dự phòng rủi ro tín dụng 8.200 tỷ đồng”. Trên cơ sở kiểm tra đánh giá mức độ vi phạm, nguy cơ rủi ro, NHNN yêu cầu Ocean Bank trích lập bổ sung dự phòng rủi ro 10.300 tỷ đồng. Sau khi có kết luận thanh tra cuối cùng, ngày 6/5/2015, NHNN đã quyết định mua lại Ocean Bank với giá 0 đồng.
6. Sau khi bị mua 0 đồng, kết quả kinh doanh cuối năm 2015 của Ocean Bank lãi hơn 1.000 tỷ đồng nhờ hoàn trích lập dự phòng rủi ro từ việc thu nợ các khoản nợ quá hạn.
7. Tại các phiên tòa xét xử ‘đại án’ Ocean Bank (năm 2017), ông Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT Ocean Bank) đã trình bày: Hơn 1 năm sau khi Ocean Bank bị NHNN mua lại 0 đồng, ông Thắm mới được biết về vụ việc trên và hoàn toàn “bất ngờ” với thông tin trên bởi theo cáo trạng ngày 31/3/2014, Ocean bank đang lỗ khoảng 10.000 tỷ, nhưng thực ra đó là số tiền để trích lập dự phòng 10.300 tỷ đồng vì thế chỉ có thể coi là dự kiến lỗ chứ không thể coi là lỗ…
Với những thông tin trên, tôi có nhận xét như sau:
1. OceanBank là Ngân hàng Thương mai Cổ phần, Chủ tịch HĐQT là người được các cổ đông bầu và được NHNH phê chuẩn theo các tiêu chuẩn của Luật Các tổ chức tín dụng. Chủ tịch HĐQT có thể bị bắt do vi phạm pháp luật, hoặc có thể chết do đột tử,… nhưng Ngân hàng cổ phần thương mại vẫn tồn tại theo quy định của luật pháp (ngoại trừ họ bị Thu hồi Giấy phép theo quy định của Điều 28 Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12). Các cổ đông có thể bầu người khác làm Chủ tịch HĐQT, hoặc thuê người có chuyên môn để điều hành ngân hàng.
2. Đầu năm 2014 (thời kỳ ông Thắm bị bắt, ngân hàng có bị ảnh hưởng về uy tín thương hiệu) Ocean Bank hạch toán lỗ khoảng 10.000 tỷ, Ocean Bank đã trích lập dự phòng 10.300 tỷ. Điều này có thể cho là hạch toán kinh doanh bị lỗ, chứ số tiền đó chưa mất, vẫn nằm trong quỹ dự phòng, chưa thể xem là âm vốn, chưa ảnh hưởng gì nghiêm trọng đến thị trường tín dụng quốc gia…
3. Ocean Bank chưa bị đưa vào dạng áp dụng kiểm soát đặc biệt theo Điều 146 Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12).
4. Ocean Bank chưa được NHNN áp dụng Khoản 1, Điều 151 Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12) Khoản vay đặc biệt: Tổ chức tín dụng được vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng khác trong các trường hợp sau đây: (a) Tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng; (b) Tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng chi trả do các sự cố nghiêm trọng khác.
5. Trong thực tế, sau khi bị mua 0 đồng, kết quả kinh doanh cuối năm 2015 của Ocean Bank lãi hơn 1.000 tỷ đồng nhờ hoàn trích lập dự phòng rủi ro từ việc thu nợ các khoản nợ quá hạn, chứ NHNN cũng không bỏ đồng vốn nào từ ngân sách nhà nước để cứu Ocean Bank hay cứu thị trường tín dụng quốc gia ...
Như thế Năm 2015 Ngân hàng Nhà nước (chức năng quản lý nhà nước) mua Ocean Bank 0 đồng có nghĩa là “Quốc hữu hóa” Ocean Bank, là vi phạm Hiến pháp và chưa nỗ lực thực hiện các điều khoản của Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12.
Kiến nghị của tôi:
1. Phát hiện tiêu cực & tham nhũng là nhiệm vụ của toàn dân. Mọi người dân có quyền nghi ngờ, tố giác tham nhũng & tiêu cực nhưng hãy bình tĩnh chờ kết luận điều tra, bình tĩnh theo dõi phiên tòa xét xử. Nếu kết quả rõ ràng có oan sai, uẩn khúc, phải mạnh dạn bảo vệ người bị oan sai, phải lấy làm mừng là Cán bộ Nhà nước không đến nỗi kinh khiếp như quỷ ma, coi trời bằng vung trong khi thi hành nhiệm vụ. Như thế mới là công bằng xã hội. Tôi cho rằng nền pháp trị của Việt Nam ngày càng tiến bộ vì không để lọt tội phạm nhưng không xử oan người không có tội.
2. Tôi nghĩ các cổ đông của Ocean Bank (kể cả PVN) nên làm đơn khiếu nại gửi đến Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch MTTQ Việt Nam, và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc NHNN mua Ocean Bank o đồng. Có thể trong giai đoạn cấp bách, NHNN phải có biện pháp mạnh, nhưng phải thừa nhận việc NHNN mua Ocean Bank giá 0 đồng là xử lý không đúng luật, tạo tiền lệ cho việc “quốc hữu hóa” của nhà nước đối với tài sản của tổ chức và người dân.
3. Ngân hàng Nhà nước nên nghiên cứu xin chủ trương để trả lại Ocean Bank về vị trí thật của nó. Tôi sẽ đánh giá rất cao nếu NHNN làm được việc này.
Trân trọng kính chào.
Luật gia Nguyễn Thị Sơn.
Bài viết cùng tác giả: Chia sẽ tình huống quản lý tại PVN và Ocean Bank