“Những người gánh sông trăng” (NXB Hội Nhà văn) vừa ra mắt bạn đọc đã gây sự chú ý mạnh mẽ. Nhiều người bảo thơ không có độc giả, nhưng tác phẩm này dù mới in 1000 cuốn, vậy mà trong một ngày đã lập tức bán hết một nửa.
Cũng phải thôi, bởi Những người gánh sông trăng là tuyển tập những bài thơ được nhiều độc giả thích nhất kéo dài từ 1990 tới nay của những tên tuổi như Phan Thị Thanh Nhàn - người nhận giải thưởng thơ từ 1969.
Độc giả sẽ thưởng thức Hương thầm để hiểu vì sao rất nhiều chàng trai cô gái bao thế hệ đã luôn nói với nhau về "chùm hoa trong chiếc khăn tay thơm hương hoa bưởi". Hay Đám cưới ngày mùa, vô cùng dí dỏm, trong trẻo: Các cụ ông say thuốc/ Các cụ bà say trầu/ Còn con trai con gái/ Chỉ nhìn mà say nhau.
Chúng ta sẽ nhớ mãi những câu thơ sâu sắc: “Nếu cùng người mới dạo chơi/ Xin anh tránh nẻo đường vui ban đầu” trong Con đường kể lại kỷ niệm tình yêu đầu đời của nữ nhà thơ nổi tiếng.
Đặc biệt là những câu: “Ta như hai đứa trẻ nghèo/ Quả ngon chỉ dám nâng niu ngắm nhìn/ Đừng bao giờ nhé, chín thêm/ Sợ tan mất giấc mơ em - một thời”; ” Đừng bao giờ gặp - chàng ơi!/ Cho tôi sống với một người trong mơ/ Khi nao về cõi người hiền/ Tôi mang nhẫn cỏ theo liền chàng ơi!/ Chỉ xin chàng chớ gặp tôi/ Để không vỡ một khoảng trời mộng mơ…” đã nhận được sự đồng cảm của biết bao cặp đôi.
Người thứ hai xuất hiện trong cuốn sách Những người gánh sông trăng là nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát. Chị viết nhiều bài thơ về biển. Gây ấn tượng là bài Biển đêm (Lê Vinh phổ nhạc) đã được ca sĩ Ngọc Tân hát hàng trăm đêm trên sân khấu cả nước: “Em cô đơn ngàn lần trước biển/ Khi thiếu anh, vắng anh ở bên/ Và ánh trăng trên biển vàng sóng sánh/ Muôn năm một mình thắp sáng một tình yêu…”.
Nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát
Không thể không nhắc đến một cảm hứng biển khác của chị, rất nhân hậu: “Biển yêu người thiết tha/Yêu đến suốt đời sôi động/ Ai hiểu được lòng ta biển rộng/ Ai đã đo được lòng biển sâu/ Chắt chiu bao năm cho đất thêm giàu/ Đất không hiểu cứ ngày càng lấn mãi/ Biển như người vô tâm/ Giận, rồi thương ngay đấy/ Có bao giờ biển giận được lâu đâu…”.
Thật xúc động khi Đoàn Thị Lam Luyến - người đã rời cuộc sôi động ngày thường về với kinh sách - lại bỗng xuất hiện cùng cả nhóm để chọn ra những bài thơ gây giông bão một thời vì… yêu và dại yêu: Chồng chị chồng em, Chiến tranh, Lỡ một thì con gái... Chúng ta hãy nghe một bài thơ được nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc sẽ thấy chị là người đàn bà yêu như thế nào - tiếng thơ chân thành, nồng nàn và quyết liệt.
Nếu ta gửi tình yêu/ Vào một nơi chân thật/ Thì tình yêu của ta/ Sẽ thành hương thành mật/ Gửi tình yêu vào đất/ Được hoa trái đầy cành/ Gửi lên trời cao rộng/ Sẽ được ngọn gió xanh/ Ta trao cả cho anh/ Một tình yêu cháy bỏng/ Như một cánh buồm xinh/ Hiến mình cho biển rộng/ Ta đã gửi cho anh/ Một con tim dào dạt/ Và anh trả cho ta/ Nỗi buồn đau tan nát! Ta muốn ôm cả đất/ Ta muốn ôm cả trời/ Mà sao không yêu trọn/Trái tim một con người?” - Gửi tình yêu.
Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến
Tiến sĩ - Phó giáo sư Phạm Thu Yến là chuyên gia nghiên cứu về văn học và văn hóa dân gian Việt Nam. Với chị, thơ là thế giới của tâm hồn, lãng đãng và mộng mơ nhưng không ngược chiều với công việc giảng dạy phải dùng đến lý trí và phương pháp khoa học.
Thơ của chị mộc mạc chân thành: “Nếu cho em chọn lại từ đầu/ Người em chọn vẫn chỉ là anh đấy/ Anh là cuộc đời em, giản đơn sâu sắc vậy/ Đừng ghen hờn với trái tim em” - (Với anh). Hay: “Xin đừng thương nửa, nhớ chừng/ Để cho rối những bòng bong nỗi người” - (Hát với ca dao).
Bài thơ Biết mình trong mắt ai của chị được nhiều người yêu thích: “Biết làm sao em vẫn dễ vui buồn/ Rưng rưng mãi trước một bài hát cũ/ Một câu thơ hay trái tim nức nở/ Khát khao nhiều trước mỗi bình minh/ Em sẽ ra sao nếu chẳng là mình/ Quên lãng hết ước mơ thiếu nữ/ Nếu chỉ biết làm ăn, nuôi con, giặt giũ/ Chắc chẳng còn đáng được anh yêu...".
Tiến sĩ - PGS Phạm Thu Yến
Thơ Phạm Thu Yến là vẻ đẹp của một tâm hồn. Không nhiều triết lý, nhưng giàu những chi tiết đời sống, chân thực và nhiều cảm xúc.
Người thứ 5 là Kim Nhũ, nguyên Phó TBT một tờ báo lớn, từng theo học nghiệp vụ báo chí tại Thuỵ Điển. Thơ chị cũng được Đỗ Thanh Khang phổ nhạc. Điều thú vị là Kim Nhũ thường tự đàn piano và hát rất hay những nhạc phẩm đó.
Tập thơ Khúc ru lại về của chị mang lại không khí bình yên, tĩnh lặng từ những năm đầu thập niên 80 của thế ký trước, khi mọi người đều tươi tắn, hào sảng, tinh tế và lãng mạn. "Chợt nghe xao xác giêng hai/ Hoa sưa rụng khẽ như ai nói thầm".
Và có những câu thơ xúc động về tình mẹ con: “Mẹ là cây cổ thụ/ Xòe bóng mát bình an/ Để cho con về trú/ Khi giông nổi bão tràn".
Người thứ 6 là tôi - Trần Thị Trường. Tôi không có thơ, mà trong cuốn này có 5 bài viết về 5 thi sĩ, bạn nhiều năm của tôi.
Nhà văn, hoạ sĩ Trần Thị Trường
Tôi là người đề xuất tên cuốn sách Những người gánh sông trăng với hàm ý, những người đàn bà - tác giả nhiều bài thơ đi cùng năm tháng này là những người phụ nữ Việt Nam đảm đang, chăm chỉ nhưng họ có chung một đam mê về cái đẹp. Mặc dù để có cái đẹp cũng phải tự thân gồng gánh vất vả, lắm gian truân… Và tôi cũng đóng góp 24 phụ bản tranh hoa hồng trong cuốn sách xinh đẹp này để tặng độc giả yêu thơ.
Tranh tĩnh vật hoa hồng của hoạ sĩ Trần Thị Trường.
Trần Thị Trường
Ảnh tác giả: Hải Kiên