Đề tài lịch sử trong văn học Việt Nam đương đại - Nhà phê bình văn học Nguyễn Thị Thiện

Nền văn học Việt Nam là sự hợp lưu của nhiều thể loại và đề tài. Với chiều dài bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, đề tài lịch sử là mảnh đất màu mỡ để các nhà văn thỏa sức canh tác...

Vanvn- Nền văn học Việt Nam là sự hợp lưu của nhiều thể loại và đề tài. Với chiều dài bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, đề tài lịch sử là mảnh đất màu mỡ để các nhà văn thỏa sức canh tác. Cày xới, gieo trồng ở cánh đồng lịch sử, nhiều nhà văn đã gặt hái được những thành tựu rất đáng ghi nhận. Tác phẩm văn học viết về lịch sử là một cách giải mã lịch sử qua ngôn ngữ nghệ thuật. Do đặc trưng văn học phản ánh cuộc sống bằng hình tượng nên quá khứ lịch sử được thể hiện một cách sinh động, gần gũi, giúp người đọc hình dung rõ hơn, hiểu biết sâu sắc hơn diễn tiến của lịch sử.

Nhà phê bình văn học Nguyễn Thị Thiện

NỘI DUNG

I. Khái lược chung

1. Mục đích tác phẩm viết về đề tài lịch sử: Nhằm ôn lại quá khứ, giúp bản thân tác giả và công chúng hiểu rõ thêm để càng yêu hơn, gắn bó hơn với lịch sử dân tộc, từ đó rút ra được những bài học bổ ích. Với khả năng tái hiện bức tranh đa dạng cuộc sống, các tác giả khơi dậy và khắc sâu niềm tự hào dân tộc, truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết và đấu tranh anh dũng, bất khuất của ông cha. Nhà văn viết về đề tài lịch sử dù theo thể loại nào: Tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch bản phim, kịch bản… cũng đều lan tỏa tới bạn đọc tình cảm gắn bó với đất nước, con người, lòng tự tôn về lịch sử của cha ông, bày tỏ niềm ngưỡng mộ, cảm phục và tri ân sâu sắc với các các bậc anh hùng cứu nước, những nhà văn hoá lớn của dân tộc.

2. Phân biệt khái niệm lịch sử và dã sử:

Thực tế văn học nghệ thuật có hai hướng chính viết về đề tài lịch sử. Tác phẩm lịch sử là các sáng tác dựa vào chính sử, viết theo diễn tiến thời gian với góc nhìn và quan điểm nhìn nhận lịch sử của người viết. Các tác giả có thể tưởng tượng, sáng tạo thêm nhưng nguyên tắc là phải tôn trọng lịch sử, không được làm khác đi các nhân vật cùng những sự kiện lịch sử đã được công chúng ghi nhận. Tác phẩm dã sử là một cách tái tạo lại lịch sử nhưng không theo diễn tiến của chính sử mà theo quan niệm khác thoáng hơn, thường theo cách kể chuyện dân gian. Nhà văn có thể hư cấu sáng tạo, xây dựng thêm các nhân vật cùng các sự kiện, chi tiết khác nhằm làm nổi bật những thông điệp mình muốn gửi tới bạn đọc. Hai khái niệm có chung nội hàm này sự phân chia chỉ là tương đối vì nhiều khi trong một tác phẩm, người viết có sự hòa trộn cả chính sử và dã sử.

3. Trước năm 1975, theo thiển nghĩ cá nhân, các tác giả viết về đề tài lịch sử chưa nhiều lắm. Ngoài tác phẩm Hoàng Lê nhất thống nhất chí của Ngô gia văn phái ra đời từ thế kỷ XIX (ở đây không bàn tới), do cả nước tập trung vào nhiệm vụ giành độc lập, tiến hành cuộc kháng chiến kiến quốc. Toàn dân ta dồn sức cho sự nghiệp chính yếu bảo vệ Tổ quốc với những khẩu hiệu hành động sôi sục: Tất cả vì miền Nam ruột thịt; Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Vì thế trước năm 1975, số các tác giả viết về đề tài lịch sử không nhiều. Bốn thập niên đầu thế kỷ XX, nổi bật nhất có nhà văn – lương y Nguyễn Tử Siêu (1887 – 1965, Thạch Thất – Hà Nội) ngoài viết và dịch nhiều sách y học, ông còn sáng tác tiểu thuyết lịch sử: Hai Bà đánh giặc, Tiếng sấm đêm đông; Vua Bà Triệu, Vua Bố Cái, Đinh Tiên Hoàng, Việt Thanh chiến sử… khoảng 30 tác phẩm. Vào hai thập niên giữa thế kỷ XX, tiêu biểu nhất có nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (1912 – 1960, Đông Anh, Hà Nội), một nhà văn hóa lớn dồi dào cảm hứng lịch sử, viết nhiều tác phẩm có giá trị xuất sắc. Tác phẩm của ông dù viết cho bạn đọc nhỏ tuổi hay người lớn đều mang đậm dấu ấn lịch sử. Các tác phẩm nổi bật là: Đêm hội Long Trì (tiểu thuyết), Vũ Như Tô (kịch), An Dương Vương xây thành Ốc, Cột đồng Mã Viện, Lá cờ thêu sáu chữ vàng, An Tư, Kể chuyện Quang Trung (truyện thiếu nhi)…

4. Từ năm 1975 trở lại đây, đội ngũ nhà văn viết về lịch sử hùng hậu hơn nhiều.

Kể từ mốc son chói lọi chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng 30.4.1975, đất nước được thống nhất, mở ra một trang mới trong lịch sử và đời sống dân tộc. Toàn dân ta tiến hành hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhờ có độ lùi thời gian, nhà văn có điều kiện thuận lợi hơn trong việc đọc, nghiên cứu, sưu tầm thông tin tư liệu, đi điền dã đến các di tích đình, đền, chùa, miếu để tìm hiểu, tiếp xúc, học hỏi các đấng cao niên, kết hợp với việc nghiền ngẫm, hư cấu, tưởng tượng sáng tạo, các nhà văn có nhiều cảm hứng viết về đề tài lịch sử. Mặt khác sự quan tâm của các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn, việc tổ chức các hội thảo khoa học, tọa đàm sinh hoạt chuyên đề… khiến cho người viết thấy rõ hơn tầm quan trọng của đề tài lịch sử và mạnh dạn dấn thân. Các cây bút thành công xuất sắc ở đề tài này tiêu biểu như: Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải, Phùng Văn Khai, Trần Thùy Mai…

II. Đặc điểm tác phẩm văn học đương đại viết về đề tài lịch sử

Đề tài lịch sử trong văn học gồm hai mảng khối lớn: viết về thời kỳ trung đại (quá khứ đã lùi xa, từ thế kỷ I đến giữa thế kỷ XX) và thời kỳ kháng chiến kiến quốc (quá khứ gần, từ 1945 đến nay).

1. Viết về thời kỳ trung đại (thế kỷ I đến 1945)

Đó là lịch sử đã lùi xa với những giai đoạn lịch sử đau thương, những vương triều và danh nhân nổi tiếng, cả những nhân vật lịch sử còn tồn nghi, còn những góc khuất. Trong các loại hình nghệ thuật về đề tài lịch sử, tiểu thuyết chiếm nhiều ưu thế. Là thể loại tự sự có quy mô lớn, nói như nhà văn Nguyễn Đình Thi “tiểu thuyết có sức chứa của một dòng sông”, nghĩa là có khả năng tái hiện bức tranh đa dạng, cực kỳ phong phú của cuộc sống, giúp người đọc hiểu cụ thể và toàn diện hiện thực xã hội muôn màu nhà văn muốn phản ánh. Xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử luôn là thách thức lớn với người cầm bút. Sau đây là những nhà văn có nhiều thành tựu về tiểu thuyết lịch sử.

1.1. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh (1933 – 2021, Hà Nội) là người đam mê văn chương. Không chỉ là dịch giả của nhiều tác phẩm, ông còn là cây bút truyện ngắn và tiểu thuyết danh giá. Ông gặt hái được thành công nổi bật ở đề tài lịch sử với nhiều cuốn tiểu thuyết như: Chuyện ngõ nghèo, Đội gạo lên chùa, Mẫu Thượng ngàn, nổi tiếng nhất là cuốn Hồ Quý Ly do NXB Phụ nữ ấn hành năm 2000. Với gần 700 trang sách khổ lớn (13,5 x 23,5 cm), nhà văn giúp bạn đọc hiểu sâu sắc về một giai đoạn lịch sử nhiều biến động và đau thương của đất nước, về triều đình hậu Trần và một nhân vật lịch sử độc đáo. Trong tác phẩm, nhà văn đã có quan điểm riêng cùng những kiến giải mới về vai trò người trí thức với xã hội. Một lý do khiến cuốn tiểu thuyết có sức hấp dẫn lớn là tác giả xây dựng thành công số phận đầy bi kịch của nhà cải cách tiên phong, nhân vật có nhiều ý kiến trái chiều.

Hồ Quý Ly (1336 – 1407), tên húy Hồ Nhất Nguyên, vị thái sư đầy quyền uy cuối thời Trần, Trong tác phẩm, Hồ Quý Ly hiện lên sinh động với sự nhìn nhận và miêu tả đa chiều. Hồ Quý Ly là bậc đại thần có tài kinh bang tế thế, cũng là con người có tham vọng mãnh liệt, biết tận dụng mọi cơ hội để tiến thân. Là con người của hành động, Hồ Quý Ly có tầm nhìn, năng lực cùng sự quyết đoán táo bạo. Trước cảnh nhân dân lầm than, đất nước lâm vào khủng hoảng triền miên, ông muốn canh tân mạnh mẽ. Tư tưởng rất mới mẻ ấy được gửi gắm trong cuốn Minh đạo và trong hàng loạt việc làm của ông. Song triều đình nhà Trần bấy giờ như một tòa nhà quá mục ruỗng, vua Trần cùng các đại thần và hàng ngũ quan lại quá bảo thủ, không chấp nhận những quan điểm của ông. Sau khi ép vua Trần nhường ngôi cho con, cũng là cháu ngoại ông (khi đó mới 3 tuổi), thái sư nắm quyền nhiếp chính. Ngài đã cho xây dựng và quyết định rời đô về Thanh Hóa, phế vua Trần rồi lên ngôi hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Ngu năm 1400. Sau một năm, ông nhường ngôi cho con trai là Hồ Hán Thương và làm Thái Thượng hoàng. Hồ Quý Ly cùng triều đại nhà Hồ (1400 – 1407) đã ban hành, triển khai nhiều cải cách hành chính, giáo dục khoa cử, kinh tế, quân sự. Trong đó, đáng chú ý là cải cách sử dụng tiền giấy, cải cách quản lý nhân sự, hộ khẩu và đo đạc đồng ruộng… Tất cả không nằm ngoài mục tiêu chấn hưng đất nước, đưa quốc gia đủ tiềm lực và sức mạnh đối phó với ngoại bang nhà Minh đang nhòm ngó muốn thôn tính nước ta.

Rõ ràng Hồ Quý Ly là người có đầu óc rất táo bạo, muốn xoay chuyển thời thế nhưng sự nghiệp chưa thành. Công lao của ông không nhỏ nhưng trong quá trình thực hiện cải cách ông lại mắc sai lầm. Tội lớn nhất của ông là tàn bạo, giết người không ghê tay (giết 370 người phe phù Trần vì đã mưu sát Hồ Quý Ly). Bài học sâu sắc nhất tác phẩm là: Làm việc gì cũng cần thiên thời, địa lợi, nhân hòa; có được lòng dân mới thành đại nghiệp. Với những đóng góp đáng kể, Nguyễn Xuân Khánh được tặng nhiều giải thưởng: Giải cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam (1998 – 2000) cho tiểu thuyết Hồ Quý Ly; Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội và Giải thưởng Thăng Long của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội (năm 2001); Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2017.

1.2. Nhà văn Hoàng Quốc Hải (1938 – Hải Dương) là tiểu thuyết gia lịch sử bậc thầy. Để có được bộ tiểu thuyết lịch sử Tám triều vua Lý (4 tập, gần ba nghìn trang), ông dành bao tâm, trí, lực suốt gần hai chục năm. Tác phẩm đã tái hiện lại công tích của các vị vua lập quốc và mở cõi, gửi tới bạn với đọc thông điệp: mỗi tấc đất non sông Đại Việt đều thấm đẫm máu xương và mồ hôi nước mắt của biết bao thế hệ ông cha. Sau đó không lâu, nhà văn lại trình làng bộ tiểu thuyết Bão táp triều Trần (6 tập) trên 3000 trang. Tác phẩm đồ sộ này tiếp tục lý giải sự ra đời của triều Trần, vai trò cốt yếu là Thái sư Trần Thủ Độ. Sự đạo diễn tài tình của ông đã tránh được cảnh nồi da nấu thịt chốn hoàng cung. Bộ sách cho thấy triều Trần cả võ công, văn hiến đều huy hoàng rực rỡ với sự xuất hiện của những bậc anh hùng dân tộc xuất chúng như Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo, Phật Hoàng Trần Nhân Tông, danh tướng Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Phạm Ngũ Lão…

Dưới triều Trần, quân dân Đại Việt đã ba lần chiến thắng oanh liệt quân xâm lược Nguyên – Mông. Văn hóa thời Trần tồn tại hệ tư tưởng Phật, Nho, Lão – tam giáo đồng nguyên – cùng phát triển. Trong bộ tiểu thuyết Bão táp triều Trần, riêng tập 5 viết về Huyền Trân công chúa gồm 280 trang, tái hiện cuộc đời của công chúa Huyền Trân với thái độ kính ngưỡng và cảm phục. Huyền Trân công chúa (1287 – 1340) là con gái của Thượng hoàng Trần Nhân Tông và công chúa Quyên Thanh, trưởng nữ của Trần Hưng Đạo. Sinh ra và lớn lên từ nơi cung vàng điện ngọc, nhưng công chúa Huyền Trân gần gũi, sống chan hòa, thương yêu kẻ nghèo khó, tôi tớ và người hầu hạ. Nàng không chỉ xinh đẹp mà còn làu thông kinh sách. Được vua cha tác thành, nàng thuận tình về làm dâu đất nước Chămpa, làm vợ của vua Chế Mân. Vua Chămpa đã dùng nhiều đồ vàng ngọc quý giá cùng hai châu Ô, Lý vuông ngàn dặm (một phần tỉnh Thừa Thiên Huế, Thành phố Đà Nẵng và phía bắc tỉnh Quảng Nam ngày nay) làm sính lễ. Điều này cho thấy công chúa đặt lợi ích của dân tộc, quốc gia lên trên hạnh phúc cá nhân.

Xuyên suốt tác phẩm, nhà văn Hoàng Quốc Hải miêu tả thiên tình sử của công chúa cùng vua Chế Mân lồng trong những nét đặc sắc của nền văn hóa cùng phong tục hai nước Chămpa và Đại Việt. Cuộc đời cùng tình duyên của công chúa Huyền Trân là một bài ca lãng mạn và chan chứa bi thương. Sự quên mình cao thượng của công chúa Huyền Trân giúp cho quốc gia mở rộng đất đai, lãnh thổ mà không tốn một mũi tên, một người lính. Bài học từ tác phẩm là khi cần, mỗi công dân phải biết đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích cá nhân. Với những đóng góp đáng kể với nền văn học nước nhà, nhà văn Hoàng Quốc Hải đã được tặng Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội (2008) và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (2017).

1.3. Nhà văn – thượng tá Phùng Văn Khai (1973 – Hưng Yên) là gương mặt nổi bật khác được nhiều người mến mộ. Bộ tiểu thuyết Phùng Vương (2018), 2 tập, với hơn 600 trang khổ lớn, đã dựng nên chân dung Phùng Hưng – con trai của trưởng chạ Đường Lâm là Phùng Hạp Khanh. Với tài năng xuất chúng, Phùng Công tử đã bắt hổ dữ, khống chế được con trâu điên đang đuổi người để cứu dân làng ngay sau hội chọi trâu vừa diễn ra. Đất nước bị nô lệ, Phùng Hưng dựng cờ khởi nghĩa, được các hào trưởng khắp nơi và nhân dân ủng hộ để đánh đuổi quân xâm lược nhà Đường. Ông được nhân dân tin yêu tôn vinh là Bố Cái Đại Vương, thờ kính như cha mẹ.

Tiếp đến, với hơn 500 trang của tiểu thuyết Ngô Vương (2018), nhà văn khắc họa chân thực, bày tỏ lòng cảm phục, ngưỡng mộ tài năng, tấm lòng vì giang sơn bách tính cùng công trạng hiển hách của dũng tướng Ngô Quyền – con rể của tiết độ sứ Dương Đình Nghệ. Chính Ngô Quyền, trưởng nam của hào trưởng Ngô Mân đã lãnh đạo quân dân ta làm nên chiến thắng Bạch Đằng lừng lẫy, đuổi quân Nam Hán thua chạy tan tác, lập nên nhà nước phong kiến tự chủ đầu tiên của nước Đại Việt, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nước nhà. Rất trân trọng là với niềm đam mê tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử, chỉ trong vòng mươi năm trở lại đây, nhà văn đã cống hiến cho bạn đọc 8 bộ tiểu thuyết, khoác lên lịch sử tấm áo mới lạ, đầy hấp dẫn.

Những anh hùng dân tộc được nhà văn tái hiện công trạng ngoài Phùng Hưng, Ngô Quyền còn có: Nam đế Vạn Xuân, Triệu Vương phục quốc, Lý Đào Lang vương, Phật Tử định quốc, Trưng Nữ Vương… Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai có mẫu số chung là cảm hứng yêu nước và anh hùng ca; niềm tự hào sâu sắc về các minh quân, dũng tướng, các anh hùng liệt nữ trong lịch sử dân tộc, những con người có nhân cách cao thượng, tài năng phi thường, lập nên những chiến công chói lọi. Nhà văn đã lan tỏa và bồi đắp tình cảm yêu nước đi đôi với việc lên án bọn cướp nước; từ đó, khái quát lên những bài học giá trị nhân sinh sâu sắc cho thế hệ hôm nay.

1.4. Đam mê đề tài lịch sử không chỉ có nam giới, nhà văn Trần Thùy Mai (1954, Huế) là một trong những cây bút nữ tài danh. Qua hàng loạt tác phẩm, nữ sĩ được bạn đọc nhớ đến bởi lối viết riêng đậm chất Huế, văn phong nhẹ nhàng, tinh tế mà sâu lắng – một cây bút nữ bản lĩnh và tài năng. Đến nay, với hơn 40 năm cầm bút, chị có nhiều tác phẩm đặc sắc và đạt giải cao làm nên “thương hiệu” Trần Thùy Mai.

Ngoài 16 ấn phẩm với hàng mấy trăm truyện ngắn, tạp văn, do am hiểu sâu sắc văn hóa lịch sử và con người triều Nguyễn, nhà văn chuyển hướng sáng tác, viết nhiều ở đề tài lịch sử, nhất là các nhân vật nữ dưới triều Nguyễn. Với 69 chương, hơn 900 trang, bộ tiểu thuyết Từ Dụ Thái hậu (NXB Phụ nữ Việt Nam, 2019), nhà văn tái hiện số phận của Thái hậu và một số nhân vật vệ tinh diễn tiến trong cả quá trình từ quê hương Gò Công đến kinh thành Huế, trải qua các triều vua nhà Nguyễn khoảng ba thập niên. Tác giả dành nhiều tâm huyết để tái hiện cuộc đời Từ Dụ. Nhân vật trung tâm hiện lên sống động, mang vẻ đẹp cả nữ công, nữ sắc, nữ trí và nữ tính. Vốn là một thiếu nữ xinh đẹp, nết na, con gái quan thượng thư Phạm Đăng Hưng và bà Phạm Thị Du, năm mười ba tuổi, tiểu thư Phạm Thị Hằng được tiến cung. Trải qua bao nhiêu gian nan nguy hiểm, nhiều khi đe dọa đến tính mạng, sau trở thành nhất giai quý phi của vua Thiệu Trị, rất được vua yêu quý. Sau 7 năm trị vì, vua lâm bệnh nặng, bà trực tiếp chăm sóc. Khi vua Thiệu Trị băng hà, hoàng tử Hồng Nhậm được nối ngôi, hiệu là Tự Đức. Bà trở thành Thái hậu. Từ khi vào cung đến lúc ở tột đỉnh ngôi cao, Từ Dụ hiện lên với lối sống giản dị, hết lòng vì các con, vì dân chúng. Bà là tấm gương phụ nữ có địa vị tôn quý nhưng hiền từ, nhân đức, mẫu mực. Tiểu thuyết Từ Dụ Thái hậu giành Giải Nhất cuộc thi tiểu thuyết 2016 – 2019 của Hội Nhà văn Việt Nam và Giải Sách hay 2020 của IRED.

1.5. Một số tác giả khác. Bên cạnh những tác giả, tác phẩm khác kể trên, có những tác gia viết chỉ một tác phẩm về đề tài lịch sử, tái hiện chân dung nhà văn hóa lớn của dân tộc như tiểu thuyết Hồ Xuân Hương tiếng vọng (NXB Văn học – 2022) của Nghiêm Thị Hằng (1955 – Hà Nội). Với 350 trang viết, lần đầu tiên trên văn đàn Việt Nam hiện lên chân dung nữ sĩ Hồ Xuân Hương có tài, có sắc, cá tính mạnh mẽ và tài năng thi ca xuất chúng nhưng duyên phận lại rất hẩm hiu. Cuộc đời Bà là một chuỗi những bi kịch nhưng thơ Bà lại thấm đượm tính nhân văn sâu sắc và độc đáo: chan chứa tình yêu thiên nhiên, yêu con người, khát vọng mãnh liệt về nữ quyền, chống lại quyết liệt lề thói cổ hủ của xã hội phong kiến. Cũng lần đầu tiên trong văn học Việt Nam xuất hiện tiếng thơ khẳng định cái tôi đầy bản lĩnh. Nhà văn đã tái hiện sinh động số phận Hồ Xuân Hương, một danh nhân văn hóa nhân loại và những cuộc tình đẫm nước mắt của Bà.

Tiểu thuyết Nữ sĩ thời gió bụi (NXB Phụ nữ – 2021) của nhà văn Lê Phương Liên (1951 – Hà Nội) ra đời dựa trên cuốn Một điểm tinh hoa của PGS.TS Trần Thị Băng Thanh (Viện Nghiên cứu Hán Nôm). Tác giả bám sát tư liệu lịch sử chính thống và giai thoại dân gian xung quanh các nhân vật, cho phép mình hư cấu để làm rõ hơn và đẹp thêm nhân vật Hồng Hà nữ sĩ. Không ai có thể lựa chọn được cha mẹ hay thời điểm mình được sinh ra. Sống ở thời kỳ gió bụi của đất nước, chiến tranh đói kém liên miên; gia đình liên tiếp tai ương: tang cha lại đến tang anh; tang mẹ mồ chưa xanh cỏ lại đến tang chị dâu. Tất cả tai họa như những trận cuồng phong ập đến nhưng Bà Điểm vẫn kiên cường đứng vững. Bà như cây mai kiên cường trước bão tố. Tiểu thuyết của Lê Phương Liên hấp dẫn người đọc bởi lối kể chuyện tự nhiên, cuốn hút, ngôn ngữ hợp với văn phong, cách nghĩ, cách nói của con người thời trung đại.

Sau đó không lâu, tác phẩm kịch bản phim và bộ phim Hồng Hà nữ sĩ của Nguyễn Thị Hồng Ngát ra mắt khán giả (10.2023). Tác phẩm làm sống lại chân dung nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, một trang quốc sắc thiên hương, tài trí đức độ vẹn toàn. Bà không chỉ sáng tác Truyền kỳ tân phả mà còn là người chuyển ngữ Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn thành áng thơ Nôm tuyệt bút. Là người phụ nữ toàn bích nhưng sống trong xã hội phong kiến thối nát thời Lê – Trịnh đương thời, cuộc đời Đoàn Thị Điểm đầy rẫy những bi thương.

Gần đây, sự xuất hiện của hai cuốn tiểu thuyết lịch sử Nguyên khí ngàn đời (do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2020) và Tri kỉ vượt thời gian (do NXB Lao động ấn hành năm 2024) của nữ nhà văn trẻ Lục Hường – tên đầy đủ là Lục Thị Thu Hường (1987 – Cao Bằng) cùng viết về cuộc đời của danh thần triều Mạc là Tiến sĩ Phạm Thọ Khảo – Lễ bộ Thượng thư Tả đại phu. Hai ấn phẩm đều nhất quán ở lối viết đồng hiện giữa hiện tại và quá khứ, ngôn ngữ tươi trẻ. Tuy lối kể chuyện cuốn hút chưa cao song tác phẩm đã làm rõ công trạng và nhân cách của Tiến sĩ Phạm Thọ Khảo và hậu duệ đời thứ 19 là Phạm Thọ Quang, người chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Bên cạnh đó, tác phẩm tái hiện, ngợi ca tình yêu chân thành, cao thượng của Tiến sĩ Phạm Thọ Khảo với công chúa Dạ Vũ; mối tình tri kỉ của ngài với Đỗ đại nhân và tình cảm ân tình của người gia nhân trung thành Vũ Túc.

Các tiểu thuyết viết về danh nhân như: Trưng Trắc của Hà Phạm Phú; Trống đồng của Việt Phong Nguyễn (Việt kiều) đều viết về Hai Bà Trưng; cuốn Trống đồng ra mắt đã gây được tiếng vang tại Mỹ. Tác phẩm Minh sư viết về Nguyễn Hoàng của Thái Bá Lợi; Vua Thành Thái của Nguyễn Hữu Nam; Thông reo Ngàn Hống của Nguyễn Thế Quang viết về danh nhân Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du đời và tình cùng tác phẩm Thảm án các công thần khai quốc đời Lê của Đinh Công Vĩ…

Ngoài tiểu thuyết, những truyện ngắn hay về đề tài lịch sử tiêu biểu như: Sao sa đất Việt của Trương Ngọc Vui viết về cha con Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Trãi. Nguyễn Thị Lộ của Nguyễn Huy Thiệp viết về người vợ thiếp – người tình tri kỷ của Nguyễn Trãi. Những giọt lệ đỏ thắm của Lê Hoài Nam nói về cuộc tình của công chúa Lê Ngọc Bình với vua Nguyễn Ánh – Gia Long.

Từ phải sang: Nhà phê bình Nguyễn Thị Thiện, nhà văn Thái Chí Thanh, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Lê Phương Liên tại Hội nghị Lý luận Phê bình Văn học lần thứ V với chủ đề “50 năm Văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và Xu thế” vào ngày 27.11.2024 tại Hà Nội.

2. Viết về lịch sử đương đại cuộc kháng chiến kiến quốc sau năm 1945

Ký ức về những cuộc kháng chiến gian khổ anh hùng của dân tộc chống Pháp và chống Mỹ chưa xa đã là nguồn cảm hứng thôi thúc các nhà văn sáng tác. Chỉ có quy mô lớn của tiểu thuyết và ký mới bao chứa được bức tranh lịch sử rộng lớn nhà văn muốn phản ánh trong tác phẩm.

2.1. Tiểu thuyết Lính tăng của nhà văn – nhà giáo – cựu chiến binh Nguyễn Bắc Sơn (1941 – Hà Nội), NXB Văn học – 2019, giành Giải thưởng Văn học sông Mê Kông năm 2023. Với hơn 600 trang khổ lớn, gồm 24 chương, viết về cuộc chiến đấu của Tiểu đoàn 195 tăng – thiết giáp anh hùng trên chiến trường Lào, nhà văn làm sống lại cuộc chiến đấu ác liệt và không ít tổn thất của bộ đội ta cùng tình cảm gắn bó keo sơn đặc biệt giữa hai dân tộc anh em Việt – Lào. Tác phẩm là bài ca hùng tráng về cuộc kháng chiến chống Mỹ, tinh thần dũng cảm, sáng tạo, ý chí quyết chiến quyết thắng của cán bộ và chiến sĩ ta. Sau đó, nhà văn viết cuốn Võ Đại tướng với Điện Biên Phủ – NXB Quân đội nhân dân – 2020. Tập ký sự khổ 14 x 22.5cm với gần 300 trang gồm 3 phần: Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Điện Biên PhủChuyện những người làm nên lịch sử, Điện Biên Phủ hôm nay. Cuốn sách làm rõ quyết định cá nhân của một thiên tài quân sự, nhờ đó mới có chiến thắng Điện Biên. Tập ký còn có những phát hiện khiến bạn đọc ngỡ ngàng: chiến dịch Điện Biên Phủ chỉ diễn ra trong 55 ngày đêm; chiến dịch Hồ Chí Minh cũng diễn ra đúng 55 ngày, một sự trùng khớp ngẫu nhiên và thú vị của lịch sử. Điện Biên Phủ là hình thái trận địa chiến duy nhất ở Việt Nam trong cả ba cuộc kháng chiến và trên thế giới chỉ có trong Đại chiến thế giới lần thứ nhất. Với những tiểu thuyết cỗ trọng pháo văn chương nặng ký, nhà văn Nguyễn Bắc Sơn được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2023. Đây là bài học quý cho những người cầm bút không ngừng nỗ lực và sáng tạo. Các tác phẩm của nhà văn đã nêu lên bài học hữu ích, đặc biệt là quan điểm: Tự học là con đường quan trọng nhất để thành công trong cuộc đời.

2.2. Nhà văn thương binh 1/4 – Võ Minh (1952 – Nghi Lộc, Nghệ An) có tiểu thuyết Lốc xoáy – NXB Phụ nữ 2022. Với hơn 500 trang khổ 14 x 22.5cm, gồm ba phần: Trời long đất lở; Ma quỷ cõi người; Luật đời nhân quả; cuốn sách đã bao quát một nội dung hiện thực rộng lớn cả ngoài Bắc và trong Nam suốt mấy thập niên. Tác giả tái hiện sống động lịch sử nông thôn miền Bắc thời kỳ cải cách ruộng đất, hợp tác hóa nông nghiệp và nhiều hệ lụy của nó. Tác phẩm thu hút độc giả bởi tính chân thực và sự sinh động, bộc lộ góc nhìn riêng sắc sảo của người viết về một giai đoạn lịch sử có những khúc quanh. Nhà văn tỏ rõ chính kiến trước nhân vật từng được coi là đại diện cho cán bộ cách mạng như đội trưởng Ngô Kiểm với bản chất giả dối, nhẫn tâm. Đáng chú ý là nhà văn cho thấy có những con người đã từng bị oan sai nhưng với tấm lòng độ lượng và vị tha, những người ấy vẫn sống nghĩa tình, trách nhiệm, họ vẫn chiến đấu, lao động cống hiến vì đất nước và nhân dân. Ngoài tiểu thuyết lịch sử, Võ Minh còn viết cuốn hồi ký Có một thời như thế – NXB Thanh niên 2007. Đây là những trang viết chân thực tươi ròng sự thật chiến tranh qua trải nghiệm của một người lính đã đi qua cuộc chiến với những vui buồn, những thiếu đói, những trận sốt rét; cả những lần bị thương, bị lạc trong rừng vắng. Nói như nhà văn Chu Lai: đó là những trang viết bằng máu. Tác phẩm là một bài ca đau thương và hào sảng về người lính.

2.3. Cảm hứng về con người Việt Nam tuyệt vời dũng cảm trong cuộc chiến chống Mỹ đã thôi thúc nhiều nhà văn cựu chiến binh cầm bút. Truyện vừa Chuyện kể về một gia đình liệt sĩ NXB Thanh niên – 2009 của nhà giáo cựu chiến binh Hoàng Liêm (1952 – Thạch Thất Hà Nội) với 236 trang in khổ thường, đã lấy đi nước mắt của rất nhiều bạn đọc. Từng trực tiếp tham gia chiến đấu, trong khi đi tìm những đồng đội đã hy sinh, Hoàng Liêm đến với cụ Bùi Khắc Tráng, gia đình có 4 liệt sĩ; vợ cụ là Lâm Thị Lam cùng chị và em gái là ba Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. (Gần đây, tên cụ Lâm Thị Lan được đặt cho một con phố ở thị trấn Tĩnh Gia, Thanh Hóa). Cảm phục và xúc động sâu xa, Hoàng Liêm thấy mình không thể không viết về những con người đã sống một cuộc đời cao đẹp tuyệt vời và hy sinh cao cả vì sự nghiệp chiến đấu giải phóng dân tộc. Qua câu chuyện về một gia đình, người viết đã cho bạn đọc thấy được tầm vóc lớn lao của cuộc chiến đấu chống Mỹ và sự hy sinh to lớn của bao thế hệ người Việt Nam cho giang sơn được thống nhất, độc lập, cho nhân dân được sống an bình như hôm nay.

2.4. Nhà thơ thương binh (2/4) Trịnh Bá Sướng (1952 – Hà Nội) viết cuốn Từ cõi chết trở về, NXB Hội Nhà văn 2022, hồi ký 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị, với gần 200 trang. Tác giả là người trực tiếp cầm súng nên giờ đây viết về cuộc chiến, về đồng đội, về sự kiện mình bị thương khiến tác phẩm: “ngồn ngộn chất liệu hiện thực… Ông viết vì sự thôi thúc của mình để trả nợ nghĩa tình mà nhân dân đã dành cho bộ đội, để trả nợ đồng đội, nhiều người đã nằm lại ở mảnh đất thiêng Quảng Trị” (Vũ Thị Hồng Linh, trang 155). Đúng như nhà văn Nguyễn Quang Thiều viết: “Qua những trang viết của tác giả Trịnh Bá Sướng, chúng ta nhận ra chiến tranh đã làm con người thấu hiểu tận cùng giá trị của hòa bình và chiến tranh là tiêu chuẩn chính xác nhất định giá phẩm chất của một con người và một dân tộc”.

2.5. Tập Nam hành ký sự của nhà văn cựu chiến binh Bùi Quang Thanh (1950, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) – NXB Nghệ An – 2024 là tập ký và truyện gồm 42 tiểu phẩm. Mỗi sáng tác là một mảnh ghép của bức tranh hiện thực cuộc sống chủ yếu là thời kỳ chống Mỹ. Đó cũng là từng lát cắt của ký ức, in dấu những kỷ niệm khó quên thời trai trẻ và trong cả hành trình cuộc đời tròn nửa thế kỷ cầm bút của một cựu chiến binh mê đắm vẻ đẹp của thiên nhiên và tình người. Vì thế, từng trang sách đã thu hút người đọc mạnh mẽ bởi những ký ức, kỷ niệm sâu sắc về đồng đội, về những miền đất người viết đã sống, chiến đấu với những trang văn tươi ròng sự sống, thấm đẫm tình đời.

2.6. Bên cạnh tiểu thuyết, truyện và ký còn có những tác phẩm kịch viết về đề tài lịch sử. Nhà thơ cựu chiến binh Nguyễn Sĩ Ðại (1955 – Hà Tĩnh) viết kịch bản Khoảng trời con gái (2018), làm sống lại thời kỳ chiến tranh khốc liệt và sự hy sinh tuyệt vời dũng cảm của tuổi trẻ Việt Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Hình tượng nhân vật trung tâm là tiểu đội nữ thanh niên xung phong Ngã ba Ðồng Lộc, khẩu hiệu “Sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm” cũng là lẽ sống của các chị em đã mang lại nhiều cảm xúc cho người xem, nhất là những nhân vật trong vở kịch đều có thật. Tác phẩm được viết từ trái tim, và niềm tri ân sâu sắc của tác giả với 10 nữ liệt sĩ quả cảm và anh hùng. Các chị trong trắng thanh cao như khoảng trời xanh Ðồng Lộc. Sau đó mấy năm, Nguyễn Sĩ Ðại tiếp tục viết vở kịch hát Bình minh đỏ kể về các cô gái Truông Bồn. Vở kịch được công diễn, truyền hình trực tiếp trên kênh Truyền hình Nhân dân và một số kênh khác ngày 29.10.2022 nhân kỷ niệm 54 năm – Bản hùng ca huyền thoại Truông Bồn do Trung tâm nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An biểu diễn. Kịch gồm hai hồi với một số cảnh cùng sự xuất hiện của 20 nhân vật có tên tuổi cụ thể và một số nhân vật khác. Chuyện xảy ra vào những năm 1965 – 1968, cuộc kháng chiến chống Mỹ vào giai đoạn ác liệt nhất. Các anh chị thanh niên xung phong đã hạ quyết tâm: “Tim có thể ngừng đập nhưng đường không thể tắc”. Các chị, các anh đã sống, chiến đấu trong bom đạn hiểm nguy, vượt qua bao thiếu thốn, ngày đêm bám trận địa san lấp, đắp đường, làm cọc tiêu sống, đảm bảo đường thông suốt cho xe ta ra chiến trường. Nhưng bom Mỹ đã ném trúng nơi các chị, các anh đang làm nhiệm vụ. Tiểu đội thép Truông Bồn 14 người gồm 12 nữ và 2 nam, có 12 nữ và 1 nam ngã vào lòng đất mẹ khi tất cả đều rất trẻ đã lấy đi nước mắt của biết bao người xem. Vở ca kịch phản ánh hiện thực đau thương nhưng hào hùng của trung ở tiểu đội thanh niên xung phong thuộc đại đội 317, cũng là của tuổi trẻ Việt Nam. Phẩm chất của các nữ thanh niên xung phong là biểu tượng cao đẹp cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng của cả dân tộc.

3. Tác phẩm về đề tài lịch sử hướng tới bạn đọc thiếu nhi

Nhà xuất bản Kim Đồng là đơn vị có công đầu trong việc xuất bản những bộ sách khơi dậy tình yêu lịch sử dân tộc cho bạn đọc nhỏ tuổi.

3.1. Nhà văn thương binh Sơn Tùng (1928 – 2021 Nghệ An) viết Búp sen xanh (1982), cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tiên về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với sự dày công sưu tầm tư liệu có liên quan, kết hợp với trí tưởng tượng sáng tạo, và niềm tri ân sâu sắc lãnh tụ, nhà văn đã xây dựng nên hình tượng Hồ Chí Minh – cậu bé Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Tất Thành – từ khi chào đời tại quê ngoại tới khi rời Tổ quốc tại Bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Tác phẩm gây xúc động lòng người mạnh mẽ bởi giọng kể chuyện giàu cảm xúc, hấp dẫn không chỉ bạn đọc nhỏ tuổi. Tác phẩm đã làm nên tên tuổi Sơn Tùng, hễ nói đến tên nhà văn là bạn đọc nhớ đến Búp sen xanh.

3.2. Nhà văn Nguyễn Đức Hiền có tiểu thuyết Sao Khuê lấp lánh (NXB Kim Đồng – 1975), viết về đại thi hào Nguyễn Trãi, Anh hùng dân tộc, vị quân sư số 1 giúp Lê Lợi đánh bại quân xâm lược nhà Minh. Nguyễn Trãi còn là đại thi hào của dân tộc Việt Nam, Danh nhân văn hóa thế giới. Ngoài cốt truyện đặc sắc, tác phẩm tái hiện được không khí lịch sử giàu gợi cảm và tính nhân văn sâu sắc. Ấn phẩm in lần đầu năm 1975 và được tái bản nhiều lần.

3.3. Tác giả Nghiêm Đa Văn với tiểu thuyết Sừng rượu thề viết về giai đoạn xây dựng quốc gia của vương triều nhà Lý đồng thời tái hiện chân dung người Anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt, con người dám chấp nhận những thử thách khắc nghiệt trước vận mệnh của Tổ quốc. Ngoài ra tác giả còn viết tác phẩm Nguyễn Đức Cảnh, ở đó có sự kết hợp hài hòa giữa kiến thức, tư duy lịch sử và các tư liệu, lời kể của nhân chứng làm sáng ngời lên phẩm chất cao đẹp của người cộng sản kiên trung Nguyễn Đức Cảnh. Qua bức tranh cuộc đời một con người, ông dựng lên toàn cảnh xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Bên cạnh các tác giả và sáng tác kể trên, còn nhiu các nhà văn và tác phẩm khác về đề tài lịch sử dành những tình cảm ưu ái đến bạn đọc tuổi hoa.

III. Mấy đặc điểm văn học đương đại về đề tài lịch sử

1. Số đông tác giả viết về các bậc thánh đế minh quân, anh hùng, dũng tướng, nhà văn hóa lớn của dân tộc. Các cây bút Hoàng Quốc Hải, Phùng Văn Khai, Lê Phương Liên, Nguyễn Đức Hiền… đã kế thừa dòng chảy chủ lưu của đề tài lịch sử trong văn học từ trước đó mà nhà văn Nguyễn Tử Siêu, Nguyễn Huy Tưởng đã khơi dòng. Nhờ đó, văn học góp phần bồi dưỡng lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tri ân các anh hùng có công với nước và càng thêm yêu Tổ quốc Việt Nam (các tác giả, tác phẩm đã trình bày ở phần trên).

2. Một số tác giả viết về những nhân vật có góc khuất, số phận bi thương, quanh họ còn những quan điểm trái chiều. Những nhà văn tiêu biểu nhất cho xu hướng này: Nguyễn Xuân Khánh viết về Hồ Quý Ly; Nghiêm Thị Hằng viết về Hồ Xuân Hương (đã nói ở trên).

Đáng chú ý nhất là nhà văn Trần Thùy Mai viết bộ tiểu thuyết Công chúa Đồng Xuân (NXB Phụ nữ 2023 – hai tập). Với hơn 700 trang, 65 chương, nhà văn kể lại những chính biến kinh hoàng từ khi thực dân Pháp xâm chiếm nước ta rồi biến Việt Nam thành bị đô hộ. Qua cuộc đời cô gái lá ngọc cành vàng là công chúa Đồng Xuân – Nguyễn Phúc Gia Phúc, nạn nhân của vụ án, “loạn luân” oan ức, mâu thuẫn trong xã hội được nhà văn phản ánh sống động: xung đột giữa nước Nam ta và Pháp; giữa phái chủ chiến và chủ hòa trong triều đình Ngoài việc tái hiện số phận công chúa Đồng Xuân, nhà văn đã chiêu tuyết cho nàng cùng người anh trai khác mẹ là Gia Hưng – Nguyễn Phúc Hồng Hưu Bên cạnh đó còn giúp người đọc có cái nhìn đúng hơn về một số nhân vật: Phan Thanh Giản, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết… Với những đóng góp quan trọng, Bộ tiểu thuyết Công chúa Đồng Xuân đã đoạt giải A Giải thưởng Cố đô của tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ VII (2018 – 2023) ở hạng mục Văn học và trao thưởng ngày 18.9.2024 vừa qua. Hai bộ tiểu thuyết của Trần Thùy Mai hợp thành bộ truyện lịch sử khá đầy đủ về triều Nguyễn. Tác phẩm Chuyện tình trong cung Nguyễn của Trần Thùy Mai đề cập đến những mối tình của các vua chúa, hoàng hậu, công chúa triều Nguyễn… Đó đều là những lát cắt lịch sử giúp người đọc hiểu thêm một phần nào cảnh ngộ, số phận của con người ở chốn cung vàng điện ngọc.

Nhà văn Lê Hoài Nam (1950 – Nam Định) có tiểu thuyết như Cuộc đời xa khuất (NXB Hội nhà văn 2021) viết về triều đại vua Tự Đức, thái độ không ca ngợi và cũng không phê phán, gây được sự chú ý của độc giả. Với 364 trang, tác phẩm tái hiện một giai đoạn lịch sử thời Tự Đức cùng một số triều thần: Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường, Phan Thanh Giản, Nguyễn Trường Tộ… Tác phẩm với nhiều thông tin, tư liệu quý, giúp người đọc hiểu rõ cả công và tội của vua Tự Đức và triều đình thật khách quan

3. Văn học đương đại có nhiều tác giả viết về đề tài lịch sử phục vụ bạn đọc thiếu nhi. Ngoài nhà văn Sơn Tùng, Nghiêm Đa Văn đã nói ở trên, có nhà văn Hà Ân (1928 – 2011) sáng tác nhiều tác phẩm lịch sử: Trên sông truyền hịch, Bên bờ Thiên Mạc, Trăng nước Chương Dương, Khúc khải hoàn dang dở… Đó là những bài ca hào hùng về các cuộc kháng chiến chống xâm lăng của quân và dân Đại Việt. Nữ nhà văn Lê Phương Liên (1951 – Hà Nội) viết hàng loạt truyện tranh lịch sử: An Dương Vương, Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Nam Đế, Triệu Việt Vương, Lương Thế Vinh. Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Đại Hành, Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Phùng Hưng, Lê Thánh Tông… Tác phẩm của các nhà văn đã nuôi dưỡng tình yêu với lịch sử, giúp bạn đọc nhỏ tuổi hiểu rõ và noi gương các anh hùng dân tộc, các tấm gương sáng ngời về nhân cách, đức độ, đã lập nên công trạng hiển hách, tô thắm nhiều trang sử chói lọi của dân tộc.

KẾT LUẬN

Viết văn là công việc khó, viết về đề tài lịch sử lại càng khó hơn. Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng nói: “Viết tiểu thuyết lịch sử rất khó bởi nhân vật, sự kiện lịch sử nhiều người đã biết. Nhà văn không thể xuyên tạc, tô vẽ hay làm méo mó đi”. Nhà văn Lê Hoài Nam mong muốn: “Góp một tiếng nói, một phương pháp lý giải riêng giúp bạn đọc có một cái nhìn tương đối khách quan, cũng là để rút ra những bài học quan thiết trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước hôm nay”. Đó cũng là khát vọng chung của các nhà văn khi tìm cảm hứng viết từ đề tài lịch sử nhằm khơi dậy và phát huy truyền thống cao đẹp của ông cha, rút ra những bài học bổ ích trong cuộc sống hiện tại và cả tương lai.

Tìm hiểu, nghiên cứu về đề tài lịch sử trong văn học đương đại là một vấn đề rất rộng đòi hỏi nhiều thời gian và tâm lực, bài viết này mới chỉ là những suy nghĩ bước đầu, chắc chắn còn chưa đầy đủ, rất mong được các nhà nghiên cứu, các bạn văn bổ sung, góp ý thêm. Trân trọng cảm ơn.

NGUYỄN THỊ THIỆN

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Tử Siêu – Tác phẩm chọn lọc – GS Nguyễn Đình Chú (chủ biên) – NXB Hội Nhà văn 1999
  2. Hồ Quý Ly – Nguyễn Xuân Khánh – NXB Phụ nữ – 2023
  3. Nữ sĩ thời gió bụi – Lê Phương Liên – NXB Phụ nữ – 2021
  4. Bão táp triều Trần (6 tập) – Hoàng Quốc Hải – NXB Phụ nữ – 2024
  5. Phùng Vương – Phùng Văn Khai – NXB Văn học – 2015.
  6. Ngô Vương – Phùng Văn Khai – NXB Văn học – 2018
  7. Triệu Vương phục quốc – Phùng Văn Khai – NXB Văn học – 2020
  8. Trưng nữ vương (2 tâp) – Phùng Văn Khai – NXB Văn học – 2023
  9. Cuộc đời xa khuất – Trần Hoài Nam – NXB Hội Nhà văn – 2021
  10. Hồ Xuân Hương tiếng vọng – Nghiêm Thị Hằng – NXB Văn học 2022
  11. Từ Dụ Thái hậu (hai tập) – Trần Thùy Mai – NXB Phụ nữ – 2019
  12. Đồng Xuân công chúa (hai tập) – Trần Thùy Mai – NXB Phụ nữ – 2023
  13. Nguyên khí ngàn đời – Lục Hường – NXB Hội Nhà văn – 2020
  14. Tri kỷ vượt thời gian – Lục Hường – NXB Hội Nhà văn – 2024
  15. Chuyện kể về một gia đình liệt sĩ – Hoàng Liêm, NXB Thanh niên – 2009
  16. Lốc xoáy – Võ Minh – NXB Phụ nữ 2022
  17. Có một thời như thế – Võ Minh – NXB Thanh niên 2007
  18. Lính tăng – Nguyễn Bắc Sơn – NXB Văn học 2019
  19. Nam hành ký sự – Bùi Quang Thanh – NXB Nghệ An – 2023
  20. Búp sen xanh – Sơn Tùng, NXB Kim Đồng -1982
  21. Sao Khuê lấp lánh – Nguyễn Đức Hiền. NXB Kim Đồng -1975
  22. Từ cõi chết trở về – Trịnh Bá Sướng – NXB hội Nhà văn 2022
  23. Khoảng trời con gái – kịch Nguyễn Sĩ Đại, Truyền hình Hà Tĩnh 7/ 2018
  24. Bình minh đỏ – kịch Nguyễn Sĩ Đại, Truyền hình Nhân dân – 10 – 2022
  25. Một số trang báo mạng đăng những bài viết của đồng nghiệp có liên quan.