Nguyễn Đình Thi là tấm gương cao đẹp cho các thế hệ văn nghệ sĩ hôm nay và mai sau.

Đó là tấm gương của một nghệ sĩ xông xáo, lăn lộn trong hiện thực đấu tranh cách mạng, tận hiến tài năng, tâm huyết, phụng sự Tổ quốc...

(TG) - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, cuộc đời hoạt động cách mạng và sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Đình Thi là tấm gương cao đẹp cho các thế hệ văn nghệ sĩ hôm nay và mai sau. Đó là tấm gương của một nghệ sĩ xông xáo, lăn lộn trong hiện thực đấu tranh cách mạng, tận hiến tài năng, tâm huyết, phụng sự Tổ quốc...

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo.

Nhân Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của nhà văn hóa lớn, nghệ sỹ tài năng Nguyễn Đình Thi (20/12/1924 - 20/12/2024), chiều 12/12, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cùng Thành ủy Hà Nội và Báo Nhân Dân phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc “Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay”.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.

Cùng dự Hội thảo có các đồng chí: Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, Thành phố Hà Nội, Thành phố Hải Phòng; các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, nhà báo và gia đình nhà văn hóa Nguyễn Đình Thi.

Đoàn Chủ tịch Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; Quế Đình Nguyên, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân dân; Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.Các đại biểu tham dự Hội thảo.

NHÌN NHẬN, ĐÁNH GIÁ, TÔN VINH NHỮNG ĐÓNG GÓP TO LỚN, ĐẶC SẮC CHO NỀN VĂN NGHỆ NƯỚC NHÀ CỦA NGUYỄN ĐÌNH THI

Phát biểu Đề dẫn Hội thảo, PGS. TS. Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nhấn mạnh, Hội thảo khoa học toàn quốc Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay là dịp để chúng ta cùng nhìn nhận, đánh giá, ngợi ca, tôn vinh di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi. Ông đã có những đóng góp to lớn, đặc sắc cho nền văn hóa, văn nghệ nước nhà trên các lĩnh vực sáng tác và nghiên cứu văn học, sân khấu, âm nhạc, điện ảnh, lý luận phê bình, triết học, ngoại giao văn hóa. Ông cũng nổi trội, xuất sắc trong vai trò nhà lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ bằng tư duy sắc bén, vốn kiến thức sâu rộng và phương pháp nhuần nhuyễn, lịch lãm, thuyết phục.

Theo PGS. TS. Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Nguyễn Đình Thi là một trong những tên tuổi lớn của văn hóa, văn nghệ Việt Nam hiện đại, thông tuệ, đa tài, xuất sắc ở nhiều lĩnh vực. Trong văn học, Ông là nhà văn có nhiều tìm tòi, đột phá ở thể loại văn xuôi, nhất là tiểu thuyết, góp phần mở ra khuynh hướng sử thi trong văn học Việt Nam hiện đại. Ông cũng là nhà thơ, nhà biên kịch, người sáng tác âm nhạc có nhiều đổi mới trong tư duy và cách tân nghệ thuật. Các tác phẩm văn xuôi, như “Xung kích”, “Thu Đông năm nay”, “Bên bờ sông Lô”, “Vào lửa”, “Mặt trận trên cao”... thực sự là những dẫn chứng tiêu biểu cho quan niệm sáng tác và ý thức công dân của người nghệ sĩ. Đặc biệt, bộ tiểu thuyết hai tập “Vỡ bờ” đã đưa Nguyễn Đình Thi lên vị thế tiên phong của dòng tiểu thuyết sử thi hào hùng và lãng mạn của nền văn học nước ta giai đoạn 1946-1985.

Ở thể loại thơ, những tác phẩm bất hủ của Ông như “Đất nước”, “Nhớ”, “Bài thơ Hắc Hải”, “Lá đỏ”... là minh chứng sinh động cho tình yêu thương, gắn bó tha thiết với đất nước, con người Việt Nam “vất vả, đau thương tươi thắm vô ngần”, “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”... Đó là cá tính sáng tạo mạnh mẽ, bản lĩnh tiên phong, trăn trở tìm tòi hướng đi mới trong thơ Việt Nam hiện đại. Chính những đổi mới và những tìm tòi thể nghiệm táo bạo này đã khiến thơ ông trở thành đề tài gây sự chú ý, nhất là những cuộc tranh luận suốt một thời gian dài. Và Ông đã tạo ra những khác biệt, những giọng điệu, phong cách riêng của thơ tự do, phóng khoáng, hào sảng, đằm thắm, suy tưởng, ám ảnh. Cho đến nay, thế hệ các nhà thơ trẻ Việt Nam đã, đang kế thừa và phát huy những thành tựu và hướng tìm tòi của nhà thơ Nguyễn Đình Thi.

PGS. TS. Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phát biểu.

PGS. TS. Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phát biểu Đề dẫn Hội thảo.

Về sân khấu, sự xuất hiện bất ngờ của các kịch bản “Con nai đen” (1961), “Hoa và Ngần” (1974), “Giấc mơ” (1977), “Rừng trúc” (1978), “Nguyễn Trãi ở Đông Quan” (1979), “Người đàn bà hóa đá” (1980), “Tiếng sóng” (1980), “Cái bóng trên tường” (1982), “Trương Chi” (1983), “Hòn cuội” (1986)... trong đó, số phận khá long đong của “Con nai đen”, “Rừng trúc”, “Nguyễn Trãi ở Đông Quan”, “Cái bóng trên tường”, “Hòn cuội”... đều toát lên bản lĩnh nghệ thuật, tài năng và sự sáng tạo nghệ thuật, luôn tìm lối mới, cách đi riêng của Nguyễn Đình Thi. Chính những cách tân táo bạo trong hình tượng kịch, sự đổi mới ngôn ngữ nghệ thuật, triết lý nhân sinh sâu sắc và sự đan cài, hòa quyện nhuần nhuyễn văn hóa Đông - Tây, kim - cổ; truyền thống và hiện đại; kế thừa và tiếp nhận, tiếp biến... được hun đúc từ trái tim của một nghệ sĩ tài năng, tâm huyết, chan chứa yêu thương với con người, với cuộc đời, với đất nước, với dân tộc; luôn trăn trở về số phận, niềm vui, nỗi đau và khát vọng tự do, khát vọng sáng tạo nghệ thuật, chấp nhận cả sự ngờ vực, “vượt qua sóng gió” để tồn tại với thời gian của kịch Nguyễn Đình Thi.

Trong lĩnh vực âm nhạc, dù “dừng chân” không lâu và chỉ có 6 ca khúc trong sự nghiệp sáng tác: “Căm hờn”, “Diệt phát xít”, “Du kích quân” (1945), “Người Hà Nội” (1947), “Con voi” (1948), “Đất nước yêu thương” (1977)) nhưng Nguyễn Đình Thi vẫn để lại dấu ấn sáng tạo đậm nét, tâm hồn đẹp đẽ, nhân văn của người nghệ sĩ - chiến sĩ. Ông đã hoàn thành xuất sắc vai trò tạo sự kết nối giữa nghệ thuật với cách mạng trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình, cách mạng đang sục sôi. Sinh thời, Nguyễn Đình Thi từng thổ lộ: “Tôi không dám nhận mình là nhạc sĩ”, tuy nhiên, hai bài hát Ông sáng tác ở lứa tuổi đôi mươi (“Diệt phát xít” “Người Hà Nội”) cũng đủ để tất cả chúng ta tôn vinh Ông là một nhạc sĩ lớn, cùng Văn Cao, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Xuân Khoát, Xuân Oanh, Nguyễn Thành, Nguyễn Văn Thương... mở đường, dẫn lối cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Một trong những đóng góp quan trọng của Nguyễn Đình Thi trong lĩnh vực âm nhạc là việc khai phá và phát triển hai thể loại quan trọng - hành khúc và trường ca. Các ca khúc của Nguyễn Đình Thi đã trở thành một phần ký ức lịch sử dân tộc, khơi dậy niềm tự hào đối với quê hương Hà Nội thân thương và đất nước Việt Nam yêu dấu.

PGS. TS. Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ khẳng định,Nguyễn Đình Thi đã để lại một di sản văn hóa đồ sộ với những tác phẩm có giá trị nhiều mặt, sống mãi với thời gian. Thành công trong các sáng tác của ông nổi rõ ở tính tư tưởng, tính nhân văn, nghệ thuật đặc sắc, bút pháp phóng khoáng mà nhuần nhị; ở đó, hòa quyện lòng yêu nước với lý tưởng tưởng cách mạng, tính dân tộc và tính hiện đại, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, nhất là văn hóa Pháp, Nga, châu Âu, khát vọng tự do và bản chất nhân hậu, đằm thắm rất Việt Nam.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu chào mừng Hội thảo.Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu chào mừng Hội thảo.

Cùng với sự nghiệp sáng tác văn nghệ, sáng tạo văn hóa, Nguyễn Đình Thi còn là một nhà lãnh đạo văn hóa, văn nghệ tài ba, xuất sắc. Ông tham gia cùng các cơ quan, đơn vị giúp Đảng, Nhà nước xây dựng, bổ sung, hoàn thiện đường lối văn hóa, văn nghệ kháng chiến, kiến quốc. Nhất là trên các cương vị Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc, Tổng thư ký Hội Văn nghệ, Tổng thư ký Hội Nhà văn, Chủ tịch Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Ông đã thể hiện tầm tư duy, trí tuệ, tầm nhìn chiến lược và khả năng nắm bắt hơi thở đời sống. Những vị trí công tác mà ông từng trải qua không chỉ thể hiện uy tín mà còn cho thấy vai trò quan trọng của ông trong việc định hướng và xây dựng nền văn hóa, văn nghệ nước nhà tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong vai trò lãnh đạo, ông không chỉ chỉ đạo, quản lý mà còn góp phần định hình chiến lược phát triển văn hóa, nghệ thuật phù hợp với từng giai đoạn lịch sử, từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đến thời kỳ đổi mới.

Trong vai trò nhà lãnh đạo văn nghệ, Nguyễn Đình Thi hết sức coi trọng vai trò của lý luận và phê bình trong việc định hướng sáng tạo nghệ thuật. Ông đã ghi dấu ấn sâu sắc trong lĩnh vực này bằng các tác phẩm mang có giá trị như bài tiểu luận “Sức sống của dân Việt Nam trong ca dao, cổ tích; bài diễn thuyết “Dòng máu Việt Nam chảy trong ca dao” và đặc biệt là tùy bút “Nhận đường” nổi tiếng, đăng trên Tạp chí Văn nghệ số 1, tháng 3 năm 1948. Các tác phẩm lý luận, phê bình của Nguyễn Đình Thi còn gợi mở hướng kết nối văn học với thực tiễn xã hội, từ đó giúp các văn nghệ sĩ nhận thức đúng vai trò của văn hóa, văn nghệ trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân. Nguyễn Đình Thi tâm niệm: “Văn nghệ phụng sự kháng chiến, nhưng cũng chính kháng chiến đem đến cho văn nghệ nguồn cảm hứng và sức mạnh mới”.

Giáo sư Mã Giang Lân phát biểu tham luận.Giáo sư Mã Giang Lân phát biểu tham luận.

Những “di sản” mà Nguyễn Đình Thi để lại cho công tác lãnh đạo văn nghệ còn là vai trò quan trọng của ông trong việc xây dựng và phát triển các tổ chức văn học, nghệ thuật. Thời kỳ đó, nhiều tổ chức văn nghệ đã được củng cố và phát triển, trở thành những trung tâm quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, văn nghệ dân tộc và thúc đẩy sáng tạo nghệ thuật. Điển hình là Hội Nhà văn Việt Nam và Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, nơi ông giữ vai trò lãnh đạo trong nhiều năm.

Trên phương diện hội nhập quốc tế, Nguyễn Đình Thi là người có công lao to lớn trong việc thúc đẩy các hoạt động giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, giúp giới trí thức, văn nghệ sĩ quốc tế hiểu đúng hơn về đất nước, con người Việt Nam, từ đó, có thái độ đồng tình, ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam. Ngoài mục tiêu trên, trong vai trò của người lãnh đạo văn nghệ, hơn ai hết, ông hiểu sâu sắc rằng việc học hỏi và giao lưu với các nền văn hóa khác sẽ giúp văn học, nghệ thuật Việt Nam phát triển phong phú hơn, mạnh mẽ hơn, xác lập vị thế của văn hóa, văn nghệ Việt Nam trên trường quốc tế.

NGUYỄN ĐÌNH THI ĐÃ SỚM DÙNG NGÒI BÚT LÀM VŨ KHÍ CHIẾN ĐẤU CHO SỰ NGHIỆP GIẢI PHÓNG DÂN TỘC

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo.Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, Nguyễn Đình Thi là một trong những tên tuổi lớn của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam - Nhà hoạt động văn hóa xuất sắc, nghệ sĩ tài hoa, với những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa, nghệ thuật nước nhà. Cũng như bao thế hệ văn nghệ sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Đình Thi đã sớm dùng ngòi bút của mình làm vũ khí chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ông đã nghiên cứu, viết sách về các trường phái triết học phương Tây và bí mật tìm đọc, nghiên cứu triết học Mác, tham gia hoạt động Việt Minh từ năm mười bảy tuổi. Với lòng yêu nước thiết tha và lý tưởng sống cao đẹp, Nguyễn Đình Thi tích cực tham gia Hội Văn hoá cứu quốc từ năm 1943, trực tiếp phụ trách báo Độc lập. Ông được cử tham dự Quốc dân Đại hội ở Tân Trào và được bầu vào Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam tháng 7/1945. Sau Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Đình Thi được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I, khóa II và khóa III. Ông là nhà lãnh đạo văn nghệ xuất sắc, đầy tài năng và tâm huyết, được cử làm Tổng Thư ký Hội Văn hóa cứu quốc tháng 9/1945 và trong gần 60 năm, ông đã đảm nhận trọng trách lãnh đạo nhiều cơ quan văn hóa văn nghệ của đất nước, là Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam từ năm 1995 đến năm 2003.

Nguyễn Đình Thi là một trong những nghệ sĩ đa tài trong đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà. Với những cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của Nhân dân ta trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Nguyễn Đình Thi đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý: Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng nhất, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng; Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (1996) về văn học nghệ thuật,...

“Với tài năng sáng tạo xuất sắc, với lòng yêu nước thiết tha và tư tưởng cách mạng vững vàng, Nguyễn Đình Thi đã để lại cho chúng ta một di sản văn hóa, văn nghệ to lớn, phong phú, có sức sống lâu bền. Cuộc đời hoạt động cách mạng và sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Đình Thi là tấm gương cao đẹp cho các thế hệ văn nghệ sĩ hôm nay và mai sau. Đó là tấm gương của một nghệ sĩ xông xáo, lăn lộn trong hiện thực đấu tranh cách mạng, nguyện tận hiến tài năng, tâm huyết của mình, phụng sự Tổ quốc, nhân dân và sự nghiệp vẻ vang của Đảng”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Thông qua Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa mong muốn đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà sẽ không ngừng học hỏi, đúc rút những bài học quý báu từ các thế hệ đi trước để tiếp tục dấn thân, vững vàng và không ngừng phát triển trên hành trình sáng tạo.

Theo đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, từ cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đình Thi, có thể rút ra bài học lớn đối với hoạt động sáng tạo nghệ thuật: Thứ nhất, chỉ khi nào nghệ sĩ gắn bó máu thịt với quê hương, đất nước; sáng tạo dưới ánh sáng của lý tưởng cao đẹp; hướng tới mục tiêu cao cả là phục vụ nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc thì tác phẩm của họ mới thực sự có giá trị cao, có sức lan tỏa sâu rộng và bền vững trong lòng công chúng. Thứ hai, mục đích cuối cùng của nghệ sĩ chân chính là có được những tác phẩm hay, những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, phản ánh tâm hồn và tính cách dân tộc, những điều lớn lao, mạnh mẽ của con người và dự báo cho cả tương lai...

Quang cảnh Hội thảo.Quang cảnh Hội thảo.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các nhà khoa học, văn nghệ sĩ và các cơ quan liên quan tiếp tục tập trung nghiên cứu, khẳng định, tôn vinh những đóng góp quan trọng của Nguyễn Đình Thi đối với nền văn học, nghệ thuật cách mạng nước nhà; đẩy mạnh công tác lưu giữ và quảng bá, tuyên truyền rộng rãi những tác phẩm của Nguyễn Đình Thi đến với đông đảo công chúng trong và ngoài nước. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tiếp tục quán triệt, nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa về văn hóa, văn học, nghệ thuật trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; luôn cổ vũ, khích lệ, động viên, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật; làm tốt hơn nữa công tác chính trị tư tưởng đối với các văn nghệ sĩ để anh chị em nhận thức sâu sắc hơn nữa về sứ mệnh vẻ vang của mình đối với Tổ quốc, với nhân dân; đoàn kết, đóng góp tài năng, trí tuệ vào sự phát triển nền văn hóa, văn học, nghệ thuật cao quý của nước nhà; phấn đấu sáng tạo nhiều hơn nữa những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật; đồng cảm sâu sắc với cuộc sống của nhân dân, đồng hành với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam...

GIỮ GÌN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ CỦA VĂN HÓA, NGHỆ THUẬT TRONG SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG, BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

Giáo sư Hà Minh Đức phát biểu tham luận.Giáo sư Hà Minh Đức phát biểu tham luận.

Các tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã bám sát chủ đề Hội thảo, đánh giá khoa học, khách quan, toàn diện về những đóng góp của Nguyễn Đình Thi, tập trung vào những vấn đề trọng tâm:

Một là, trao đổi, thảo luận, đánh giá về những đóng góp của Nguyễn Đình Thi đối với nền văn học, nghệ thuật cách mạng Việt Nam.

Hai là, phân tích, làm rõ những yếu tố tạo nên giá trị to lớn, sức sống trường tồn của các tác phẩm âm nhạc của Nguyễn Đình Thi.

Ba là, phân tích, đánh giá về thành công, vai trò, vị trí của các tác phẩm văn xuôi, thơ của Nguyễn Đình Thi trong tiến trình văn học Việt Nam hiện đại.

Bốn là, phân tích, lý giải về giá trị kịch bản sân khấu của Nguyễn Đình Thi trong mối quan hệ với hiện thực đời sống và những thông điệp nhân sinh sâu sắc.

Năm là, đánh giá, làm sâu sắc những đóng góp của Nguyễn Đình Thi trên lĩnh vực lý luận, phê bình và công tác quản lý văn hóa, văn nghệ.

Sáu là, trao đổi, thảo luận, đánh giá về hành trình tiếp nhận, lan tỏa di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi ở trong và nước ngoài.

Bảy là, phân tích, lý giải về sự nghiệp, những cống hiến, những giá trị di sản văn hóa, văn nghệ lớn lao mà Nguyễn Đình Thi để lại cho hôm nay và mai sau, trong tiến trình tiếp tục đổi mới, phát triển, hội nhập của văn học, nghệ thuật nước nhà.

Những kết quả của Hội thảo là cơ sở để Ban Tổ chức xây dựng các luận cứ khoa học tư vấn giúp Đảng và Nhà nước xây dựng, bổ sung, hoàn thiện quan điểm, chủ trương, chính sách, giải pháp phù hợp trong việc ghi nhận, tôn vinh những cống hiến lớn lao của Nguyễn Đình Thi nói riêng và các văn nghệ sĩ nói chung; giữ gìn và phát huy giá trị của văn học, nghệ thuật trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước./.

1a-1734582613.jpg
 

DUY PHONG - THẾ HOÀNG