Baovannghe.vn - Dù không tuyên ngôn nữ quyền, cả Trockel và Lại Diệu Hà đều kiên trì “dệt” nên một bức tranh nghệ thuật phức tạp, đa diện, nơi các quan điểm về giới, nghệ sĩ và khán giả đan cài vào nhau.
Từ ngày 07/12/2024 tới 03/01/2025, đồng thời tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và The Outpost, triển lãm nhóm của Rosemarie Trockel và Lại Diệu Hà giới thiệu một nữ nghệ sĩ ý niệm Đức quan trọng hàng đầu thế giới và một nữ nghệ sĩ trình diễn hoạt động bền bỉ hiếm có của Việt Nam. Họ thách thức các định nghĩa và các quan niệm trong nghệ thuật nói riêng và xã hội nói chung bằng những tác phẩm nguyên bản đa dạng từ chủ đề tới phương tiện.
Rosemarie Trockel - Bức tranh xếp hình hàng ngàn mảnh ghép
Rosemarie Trockel đã khẳng định vị thế đặc biệt của mình trong lịch sử nghệ thuật đương đại Đức và thế giới từ những năm 1980, khi bà trở thành nghệ sĩ nữ duy nhất của Đức gây dựng được sự nghiệp mang tầm vóc quốc tế ở thời điểm đó. Trưởng thành trong một bối cảnh nghệ thuật về cơ bản là nam trị, Trockel hướng tới việc loại bỏ định kiến “nghệ sĩ nữ” và “nghệ thuật nữ giới”. Người ta đâu cần phải gán nhãn giới tính khi nói về một nghệ sĩ nam hay gọi tên “nghệ thuật nam giới” – vậy tại sao điều đó lại áp đặt lên phần “còn lại”?
Tính phân mảnh của Hậu Hiện đại là một đặc điểm không thể phủ nhận trong nghệ thuật của Rosemarie Trockel. Suốt bốn thập kỷ hoạt động, các tác phẩm của bà giống như một bức tranh ghép khổng lồ với hàng nghìn mảnh nhỏ. Nếu không đủ thời gian chiêm nghiệm, người xem dễ chỉ nhìn thấy những mảnh rời rạc, khó hiểu. Triển lãm nhóm tại Hà Nội, dù chỉ với 65 tác phẩm, đã kịp nắm bắt những sợi chỉ đỏ quan trọng dệt nên tư tưởng nghệ thuật và xã hội đa chiều của Trockel, đồng thời mở ra những lời gợi ý thú vị mời ta bắt đầu khám phá thế giới quan của bà.
Các triển lãm của Trockel, dù là triển lãm cá nhân, đôi khi lại mang dáng dấp của nhiều nghệ sĩ cùng lúc. Trong triển lãm nhóm với Lại Diệu Hà, người xem sẽ được thưởng thức các phương tiện nghệ thuật đa dạng: hình động/phim ngắn, tranh vẽ khô, tranh màu, sắp đặt vật thể tạo sẵn, một cỗ máy vẽ với 56 bút lông làm từ tóc của các nghệ sĩ nổi tiếng, nhiếp ảnh, tranh dệt máy, v.v. Ở bề ngoài, các tác phẩm mang một ngôn ngữ biểu hình tối giản đến mức gần như bất khả cảm thụ qua ảnh chụp tái hiện, nhưng trong thực tế, chúng gợi lên những xúc cảm sâu lắng, níu giữ khán giả dừng lại để suy ngẫm và tạo nghĩa cho từng hình ảnh. Không quá khó để nhận ra các biểu tượng được lặp lại xuyên suốt: mái tóc, quả trứng, bóng người nhìn từ phía sau, trạng thái khuyết danh, những sự vật gắn với tính nữ như bếp điện, vải dệt, mái tóc dài, v.v. Những đối tượng này xuất hiện qua nhiều phương tiện khác nhau, đôi khi riêng lẻ, đôi khi đồng hiện trong một tác phẩm hoặc một chuỗi, và đều mang tên Vô đề.
Bản thân Trockel cũng nhất quán gìn giữ trạng thái “Vô đề” ấy trong chính sự hiện diện cá nhân. Bà hạn chế lộ mặt, từ chối sử dụng chân dung cho mục đích truyền thông, và gần như không trả lời phỏng vấn – bất chấp danh tiếng toàn cầu và hơn 200 triển lãm khắp các châu lục. Đây cũng chính là một biểu hiện của tinh thần Hậu Hiện đại: xóa bỏ quyền uy độc tôn của tác giả/nghệ sĩ.
Trong triển lãm lần này, người xem sẽ bắt gặp các tác phẩm đầy tính nhất quán khi xoay quanh một chủ đề như những người đàn ông đang ngủ (bày tại The Outpost), nhưng cũng có những sự kết hợp tưởng chừng ngẫu hứng khi các tác phẩm khác chất liệu và niên đại được đặt cạnh nhau (bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam). Cách Trockel “chơi” với những mảnh ghép của mình – lắp ghép, thay đổi, đôi khi xuất hiện rồi biến mất – vừa thách thức, vừa kích thích, mời gọi khán giả tự xây dựng nên bức tranh hoàn chỉnh mang ý nghĩa của riêng họ. Có lẽ vì vậy mà triển lãm lần này có tiêu đề phụ là “Dệt phối cảnh” (Interweaving Perspectives), trong khi tại Thượng Hải, một điểm đến khác của chuỗi triển lãm lưu động về Trockel, trưng bày lại có tên “Giải mã” (Decipherment).
Lại Diệu Hà - Thách thức giới hạn của nghệ thuật, nghệ sĩ, và khán giả
Trong phần tác phẩm của Trockel trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, người xem bắt gặp một bức tranh vẽ nhân vật tóc ngắn nhìn từ phía sau với vầng hào quang quanh đầu, gợi liên tưởng tới hình ảnh các đấng thánh thần. Tại “Phòng nguyện nghệ thuật” của The Outpost, tác phẩm Chi tiết tràn khoảng tối của Lại Diệu Hà, vẽ lại chính mình trong tác phẩm trình diễn Beauty (2010), được đặt ở góc phòng như vị trí của một linh ảnh trong nhà một tín đồ Chính thống giáo phương Đông. Tuy nhiên, linh ảnh này không hướng về phía Đông mà lại nằm ngay tại đó. Từ tác phẩm này, một tác phẩm điêu khắc mềm bằng vải nhồi bông, với cái tên bí ẩn như một lời khấn nguyện cổ xưa Magnipapillata / CaLa Lai Tan / Ta là ai, tràn xuống vừa như chiếc váy của nhân vật trong bức tranh, vừa như một quần thể sinh vật vô tri, sinh sôi vô hạn, sẽ tràn ra khắp không gian. Một chiếc ghế băng được đặt đối diện cụm tác phẩm, như mời gọi người xem ngồi lại để bày tỏ sự thành kính.
Thoạt nhìn, sự hiện diện của Lại Diệu Hà dường như đối lập với Rosemarie Trockel – người luôn giấu mặt. Hà đưa chính mình và hình ảnh người nghệ sĩ lên vị trí như một đối tượng được thờ phụng. Tuy nhiên, đó chỉ là một khía cạnh trong tổng thể nghệ thuật đa diện của cô. Thông qua phần diễn giải tác phẩm và buổi trò chuyện với công chúng vào ngày 08/12/2024 tại Goethe-Institut Hà Nội, người xem có thể nhận ra bốn tác phẩm trong triển lãm lần này phần nào khái quát được bốn chặng đường nghệ thuật của Lại Diệu Hà cho tới hiện tại.
Chặng thứ nhất (cuối thập niên 2000 – đầu thập niên 2010) chứng kiến Hà như một hiện tượng trong nghệ thuật trình diễn Việt Nam. Những tác phẩm thời kỳ này, đặc biệt là ở Việt Nam và Nhật Bản, thách thức giới hạn cả về thể xác lẫn tinh thần, khi cô sử dụng cơ thể mình như phương tiện nghệ thuật để chạm tới ranh giới chịu đựng, phản chiếu nỗi đau cá nhân và xã hội. Đứng trên đỉnh cao vinh quang nhưng cũng ở tận cùng của ngưỡng chịu đựng, Hà dừng lại và bước sang chặng thứ hai: sử dụng hội họa như một phương thức đối thoại và nối dài nghệ thuật trình diễn. Những bức tranh được trưng bày trong triển lãm này đã phản ánh cả hai giai đoạn đó.
Chặng thứ ba của Hà diễn ra song song và đan xen với chặng thứ hai, khi cô tập trung vào các dự án kịch trị liệu tâm lý với một nhóm những người đồng sự không bao gồm nghệ sĩ trình diễn nào ngoài chính cô. Những buổi tập và trình diễn trong giai đoạn này hoàn toàn loại bỏ yếu tố sân khấu và khán giả, một lần nữa thách thức khái niệm nghệ thuật trình diễn. Bức tranh Phản chiếu ngược là một lát cắt kể lại trải nghiệm khi Hà và một thành viên khác cùng thực hiện một trình diễn loại bỏ tính trình diễn truyền thống như vậy và tương tác với một tác phẩm sắp đặt tại Bảo tàng Nghệ thuật Singapore.
Tính “mẹ” trong nghệ thuật của Lại Diệu Hà nổi bật như một yếu tố tự nhiên. Chặng thứ tư, cũng là chặng hiện tại, thể hiện mong muốn của cô: “tạo ra thứ nghệ thuật xoa dịu bạo lực và chữa lành tinh thần con người”. Điều này được hiện thực hóa qua các tác phẩm điêu khắc mềm, vừa mang tính ứng dụng như thời trang và đồ gia dụng, vừa có khả năng nhân rộng vô hạn và chiếm lĩnh mọi không gian mà chúng được đưa vào. Nghệ thuật của Hà chứa đựng một tính “mẹ” giản dị khi cô đặt hình ảnh đứa con thứ hai của mình nổi bật trong tác phẩm Hiện diện ở đây/ở kia, như một biểu tượng của tương lai không đoán định được nhưng cần chúng ta hướng đến. Đồng thời, nghệ thuật của Hà cũng mang tính “mẹ” thần thánh, khi những tác phẩm điêu khắc mềm ấy che giấu hoàn toàn dấu vết của tác giả nhưng lại có khả năng lan tỏa và hiện hữu vô tận trong đời sống của bất kỳ ai. Khi ấy, chính tác phẩm và khán giả của nó sẽ tự tạo nên những màn trình diễn mới, tách biệt khỏi tác giả.
Họ có phải là những nghệ sĩ vị nữ quyền không? Đúng vậy, nhưng…
“Nếu bạn là một người phụ nữ và một nghệ sĩ, điều ấy không nhất thiết biến bạn thành một nghệ sĩ vị nữ quyền. Tuy vậy, bối cảnh là rất quan trọng.” - trích từ cuốn sách nhỏ về Rosemarie Trockel do An Paenhuysen và Ulli Groetz biên soạn, nằm trong tập thông tin của triển lãm nhóm Rosemarie Trockel và Lại Diệu Hà. Cuốn sách kể tiếp: khi Trockel và người bạn, chủ phòng tranh Monika Sprüth, cùng tạo ra tạp chí nghệ thuật Eau de Cologne, không một nghệ sĩ nam nào xuất hiện trong ấn phẩm này. Khi được báo giới hỏi lý do, cả hai trả lời đơn giản rằng không có một cái tên nam giới nào xuất hiện trong tâm trí họ.
Tại buổi trò chuyện trong khuôn khổ triển lãm, giám tuyển An Paenhuysen - chuyên gia về Trockel từ IFA (Institut für Auslandsbeziehungen, tạm dịch Viện Quan hệ Văn hóa Đối ngoại Đức), một trong các đơn vị đồng tổ chức triển lãm, và Lại Diệu Hà đều khẳng định rằng hai nghệ sĩ không xuất phát từ động cơ vị nữ quyền khi sáng tác. Tuy nhiên, cả hai vẫn bền bỉ đặt ra những chất vấn sâu sắc về vai trò và định kiến giới trong nghệ thuật và xã hội, không bằng những tuyên ngôn mạnh mẽ mà thông qua chính ngôn ngữ nghệ thuật của mình.
Câu trả lời của Trockel và Sprüth, “không có một cái tên nam giới nào xuất hiện trong tâm trí họ,” vừa giản dị vừa đầy thách thức. Nó không nhằm phủ nhận sự hiện diện của nam giới, mà tựa như một tấm gương phản chiếu sự thiếu vắng dai dẳng của phụ nữ trong dòng chảy chính của lịch sử nghệ thuật. Tương tự, các tác phẩm của Lại Diệu Hà đặt ra những chất vấn thầm lặng nhưng không kém phần sâu sắc, đôi khi bằng cách “ẩn mình” hoặc mời gọi khán giả bước vào cuộc đối thoại cá nhân về giới, cơ thể và ý nghĩa của nghệ thuật trình diễn.
Dù không tuyên ngôn nữ quyền, cả Trockel và Lại Diệu Hà đều kiên trì “dệt” nên một bức tranh nghệ thuật phức tạp, đa diện, nơi các quan điểm về giới, nghệ sĩ và khán giả đan cài vào nhau. Triển lãm không đưa ra một câu trả lời cụ thể, nhưng mời gọi chúng ta tự chất vấn, tự giải mã những ý nghĩa tiềm ẩn trong từng tác phẩm và từng bối cảnh. Cuối cùng, sự hiện diện và thành công của Rosemarie Trockel và Lại Diệu Hà đã tự nó trở thành một lời khẳng định về sức mạnh và khả năng bền bỉ của phụ nữ trong nghệ thuật và xã hội.
Triển lãm nhóm của Rosemarie Trockel và Lại Diệu Hà đồng thời diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và The Outpost (7/12/2024 - 3/1/2025) |