Những mảnh vỡ tiềm thức trong thơ Nguyễn Hoa

Baovannghe.vn - Gần năm mươi năm dấn thân vào nghiệp bút nghiên, Nguyễn Hoa đã có một hành trình thơ không bình lặng. Thơ anh luôn đồng hành cùng những vui buồn năm tháng và thường trực một trái tim nhạy cảm thi sĩ để ngân vang những ba động cuộc đời, nhất là những năm chiến tranh ác liệt.

Ở đó, mỗi dòng thơ, bài thơ của anh là chứng chỉ tinh thần không chỉ riêng anh mà còn là tiếng nói trữ tình nhập vai, nói lên những nhịp đập thổn thức của nhân dân và thời đại. Mối quan hệ giữa thơ và đời hình như không có những gián cách tình cảm và khát vọng nhân ái; trái lại, nó luôn chan hòa và vẫy gọi cộng cảm, sẻ chia những gì đồng nghĩa với tình yêu và sự sống thật rồi sẽ lên ngôi và hiện hữu tươi nguyên giữa cuộc đời mà anh gọi là "Bắt đầu từ nỗi nhớ - Nỗi nhớ không sợ thời gian". Thơ Nguyễn Hoa là những mảnh vỡ thời gian và nỗi nhớ buốt nhức nỗi niềm nhân thế ấy, chúng có khả năng vẫy gọi liên chủ thể tiếp nhận và đồng cảm. Nó như ước muốn của nhà thơ “Ước muốn tôi – Bài thơ không lặp lại".

Cầm trên tay tập thơ mới nhất của Nguyễn Hoa Máy bay đang bay và những bài thơ khác, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2011, tôi bất chợt nhận ra nỗi niềm suy tư, trăn trở trong hiện tại và hoài nhớ xa xăm của anh một cách chân thành, xao động. Phải chăng trong sự tất bật thường nhật của cõi người đã làm cho thơ anh tự tỏa phát và giàu có hơn lên trong ý nghĩa tồn sinh và bất ổn của cõi người để biết yêu và biết mơ mộng về những điều hằng cửu tốt đẹp. Vì vậy, có thể thấy cảm hứng chính trong thơ Nguyễn Hoa là sự hòa quyện những suy tư lớn về nhân dân, đất nước, con người và những vi diệu đời thường của tình yêu và ký ức trong từng chặng hành trình sống và sáng tạo mà thơ tự nguyện lưu giữ như báu vật

Tôi có lỗi nếu tôi không ghi lại

Gió ơi thôi thổi mà – trang giấy run run

(Lời người pháo thủ Điện Biên)

Trước hết là mẹ và đất đai. Mẹ và Đất đã lưu truyền và cho con người sự sống. Đất làm nên màu xanh và hạt lúa sẩy vàng mà nhà thơ luôn mắc nợ: Với đất nâu tôi có lỗi nhiều – Với cây lúa tôi có lỗi nhiều". Hình tượng đất trong thơ Nguyễn Hoa luôn hiện lên một cách ám ảnh, day dứt: "Tôi biết mặc áo nâu từ khi biết khóc – Nước mắt ngấm vào vai áo mẹ tôi – ngấm vào đất". Những hình ảnh: đất, đất đai, đất nâu, đất dày, đất sâu, rồi đất ơi, Đất nước... luôn xuất hiện trong thơ như nỗi niềm buốt nhắc:

Tôi ăn hạt gạo của đất chắt chiu

...

Trang sách dạy tôi niềm khao khát của đất

Đất không thể xác xơ

Từ triệu năm hoang sơ

Hạt lúa người gieo thành hạt gạo

Qua nghìn trận giáo gươm, giông bão

Áo me bạc màu

Đất nâu sẫm lại

(Đất nâu)

Vì vậy mà trong suốt dặm dài ly cách, bao giờ anh cũng nghĩ về đất đai, nghĩ về mẹ trong ân nghĩa và day dứt: “tôi cùng bề bạn ra đi – mang màu áo xanh cây lúa – màu hy vọng của mẹ - của đất nâu". Đó không phải là những lời đưa đẩy mà là gan ruột chắt từ tình yêu và máu thịt chính mình.

Trong liên tưởng sóng đôi, đất và mẹ có sự cộng hưởng về triết lí sống của nhân gian.

Hình ảnh“mẹ thân cò lặn lội”, “Ruộng đồng mẹ gánh trên vai – Sớm sớm ngóng sao Mai – Chiều chiều trông sao Hôm mọc" lòng khấn thầm cho con đi đánh giặc bình yên. Trong nỗi nhớ thường trực, mẹ choán hết tâm tư và tình cảm của các con để có một ngày chúng con lại về trong vòng tay của mẹ sau bao nhung nhớ muộn sầu.

Tóc mẹ bay trắng một khoảng trời

Khoảng trời đời con xa mẹ

Áo nâu ngày ấy

Tay mẹ gầy ống có chùng ra

Con biết bao năm qua

Mẹ gánh trên vai tất cả

Bởi mẹ là Mẹ.

(Mẹ)

Sau hình tượng đất và mẹ là hình tượng lửa. Lửa và mặt trời trong thơ Nguyễn Hoa vừa là cổ mẫu văn hóa vừa là những hình ảnh sinh động trần thế. Nó biểu hiện cho những gì đồng nghĩa với nhiệt huyết, tinh thần minh triết của sự sống, nó có khả năng soi sáng, tẩy uế và sự sinh sôi; đồng thời, lửa cũng tượng trưng cho những gì chết chóc, tàn phá và thiêu hủy; lửa của dục vọng, của sự trừng phạt hoặc lửa của chiến tranh tàn bạo. Trong thơ Nguyễn Hoa, lửa có cả hai biểu tượng nghĩa ấy. Nó vừa là lửa của sự sống vừa là lửa của chiến tranh hủy diệt ghê gớm.

Mặt trời lặn xuống đây

Thức suốt đêm trong ngọn lửa

Chúng tôi ngồi cùng đất

Xòe ngắm hai bàn tay

Chưa ai nói hết với ai

Cái phập phồng trong đêm không ngủ

Chúng tôi ngồi tâm sự với đất đai

(Những người đi về phía mặt trời)

Những mảnh vỡ tiềm thức trong thơ Nguyễn Hoa
Ảnh minh họa. Nguồn pixabay

Lửa trong thơ Nguyễn Hoa luôn ám ảnh và trở thành câu hỏi bất tận về sự hiện tồn của vũ trụ. Từ thuở hoang sơ, con người đã tìm ra lửa và giữ lửa đến bây giờ. Ngọn lửa ấy đã thành biểu tượng văn hóa mà con người không thể không biến nó thành những giá trị mới trong quan hệ kinh nghiệm sống muôn màu muôn vẻ trần gian.

lửa – nấu nồi cơm Thạch Sanh

lửa – cho tôi và các bạn nữa

châm đỏ lên điếu thuốc cuốn bẹp đầu

lửa – nấu nồi cơm dã ngoại bên nhau

lửa – ánh sáng ngọn đèn tôi ngồi viết

trong đêm thăm thẳm sâu sự sống với muôn loài

(Con Tổ quốc)

Chính từ đó lửa trở thành cổ mẫu văn hóa, “những độ lửa hoàn nguyên" từ đôi bàn tay con người đã làm nên màu sứ men lam Đông Thành lấp lánh hoa văn cuộc sống và tình yêu vĩnh cửu.

Tôi cũng chú ý trong thơ Nguyễn Hoa hình tượng gió. Gió hồn nhiên, gió mát mỗi cuộc đời, gió giông bão, gió giao tranh giữa bạt ngàn lau trắng từ thời hồng hoang thổi mãi đến bây giờ. Có cả ngọn gió thăng trầm mang hồn sứ điệp từ thời Nguyễn Trãi – Người về từ Đông Quan thổi mãi đến thời ta, nghe âm vang trong tâm thức, nghe nhức nhối nỗi niềm minh triết, nghe uất nghẹn những thế sự thăng trầm.

Bài thơ Người về từ Đông Quan là tiếng vọng của lịch sử, là nhắc thức thời đại hôm nay về nhân tình thế thái, về dâu bể trầm luân mà ở đó, hình tượng Tổ quốc được vẹn nguyên, trong mắt người Lam Sơn bỗng “Sáng bừng xanh – đôi mắt – một nhà thơ. Và người về từ Đông Quan – Chân giày cỏ - Mải đi — Sáu trăm năm đến bây giờ chưa nghỉ!". Chính từ có một ngày như thế - một ngày Nguyễn Trãi “chân giày cỏ - quần áo vải thô – Từ thành Đông Quan bị cầm tù – Trốn về đây tìm gặp người đi cày ở Lam Sơn dựng nghĩa" để có một minh sư cùng minh quân Lê Lợi mười năm dựng nghĩa và vang dội chiến công.

Và con đường trở lại Đông Quan

Chính con đường đi hết lòng mình sau trước...

Đã có thật từ đây

Một Đông Quan không còn bóng giặc

Một Đại Việt không còn bóng giặc

Đây là bài thơ hay và giàu hàm ngôn, triết lý của Nguyễn Hoa, làm hiện lên không phải chỉ chuyện một vĩ nhân mà cao hơn là những vấn đề thuộc về lịch sử, văn hóa, về những chân lí và sự lựa chọn của con người trước những ngã ba lịch sử. Nằm trong mạch cảm xúc trên, Nguyễn Hoa đã tái hiện lịch sử thời chống Mỹ thật hào hùng và xúc động qua Bài thơ cây cầu. Tác giả ước mong bằng ký ức của mình, bài thơ không lặp lại để “Trước trang giấy quen – Tôi biết số phận những con chữ xếp hàng – phải vượt" để viết về cây cầu huyền thoại Hàm Rồng một thời và mãi mãi. Nó như chứng nhân của thời gian và lòng quả cảm của con người để cây cầu không bị hủy diệt bởi đạn bom và mai sau cây cầu thành vĩnh viễn, thành sự sống nối liền Nam Bắc.

Thơ Nguyễn Hoa có thế mạnh về vốn sống và sự ám ảnh lớn về nhân sinh, kiếp người do anh biết lọc từ hiện thực những sự việc và kinh nghiệm quan hệ giàu tính triết lý, chiêm nghiệm thông qua cách tổ chức tứ thơ, hình ảnh thơ và liên tưởng thơ gần gũi mà bất ngờ. Và sau tất cả những hiện thực tâm trạng và hiện thực liên tưởng ấy là khát vọng hiện sinh đầy trách nhiệm của những con người biết sống, qua sự đối chiếu với thời gian, sự sống, cái chết cũng như những thường nghiệm khác của cuộc sống để hoàn thiện nhân cách và dự cảm tương lai.

Chúng ta đang hoàn thiện

Tôi đang hoàn thiện

Bằng cách nào

Con người có hơn hai triệu năm hoàn thiện

Bao nhiêu thánh thần xuất hiện

Có cái gì giống cái đẹp vĩnh viễn

Cái đẹp chúng ta sáng tạo ra

Vậy là tất cả phải luôn trong sự chiêm nghiệm và dự cảm để biết những gì đã qua và những gì đang đến, những gì đang có cần có và sẽ có để hướng những khát vọng vào đường chân trời phía trước, dù đó là việc làm thầm lặng và không ít hệ lụy: "Cứ như thế – Tôi dự cảm về tôi – Về con người — Như trái đất – Không mất".

Vậy mà trong hiện tại, con người luôn hiện hữu giữa không gian đa chiều, thời gian đa phương hướng. Ở trục tọa độ không thời gian đó, trên ta là bầu trời cao rộng, còn dưới ta là mặt đất cần mẫn, nhọc nhằn với bao thử thách khắc nghiệt mà con người buộc phải vượt lên chính hoàn cảnh và số phận mình “để chiến thắng sự cô đơn".

Nguyễn Hoa luôn đứng ở hiện tại, đối chiếu với quá khứ và mơ ước tương lai trong cảm giác mắc nợ và có lỗi nếu không viết về những gì làm mình khổ đau, tự hào và nếm trải: “Tôi có lỗi nếu tôi không ghi lại – gió ơi thôi thổi mà – trang giấy run run". Cứ thế, anh tạ ơn cõi người, đất đai và những gì đã cho anh biết buồn vui, ân hận. Nhưng rồi, con người phải hóa giải cô đơn để sống có ích: “Nếu chết là điều đáng sợ - Thì cô đơn còn đáng sợ hơn”. Vì vậy mà mỗi chủ thể luôn soi mình vào cảnh vật thiên nhiên để biết mình không cô lẻ và bất lực trong hiện tại.

Nguyễn Hoa suốt đời gắn bó với thơ, coi thơ là lẽ sống và tình yêu. Từ năm 1988 tập thơ đầu tiên Dưới mặt trời được xuất bản đến tập thơ mới nhất lần này (2011) Máy bay đang bay và những bài thơ khác, Nguyễn Hoa đã có 15 tập. Nguyễn Trọng Tạo – bạn thơ tri kỷ của Nguyễn Hoa đã nghĩ về thơ Nguyễn Hoa từ bản chất: “Tôi đọc anh mà hình dung ra cả con đường nhọc nhằn gian khó của đời lính đời thơ đời sông đời núi. Những bài thơ hổn hển trải lòng nhà thơ sau những cuộc đi dài, sau những chiêm nghiệm đời người đêm trắng, sau những gian lao được mất sống còn. Và tôi gặp một Nguyễn Hoa trăn trở nghĩ suy ghi ghi chép chép trang trải nợ người, một Nguyễn Hoa như thoát ra khỏi nỗi lo MÁY BAY ĐANG BAY ở độ cao trên bão" để nhìn về phía trước biết đường thơ còn dài.

Từ những tập thơ ưu tiên cho sự dồn nén, kiệm lời, chưng cất với thể ngắn – rất ngắn như những biến thể của thơ tứ tuyệt Việt và Trung Hoa và thơ haiku Nhật Bản, lần này Nguyễn Hoa như muốn cân bằng và giãi bày những ẩn số thi ca và cuộc sống một thời đã qua và trong hiện tại với bao nỗi niềm và sự việc dồn nén nên anh ưu tiên cho sự mở rộng hình thức câu thơ và dung lượng hiện thực được đề cập. Và như một thể nghiệm đã từng bỏ quên, lần này anh đã chứng minh cho khả năng và dự cảm của thơ khi không muốn lập lại mình. Và anh đã thành công. Dù không phải không có những biểu hiện chân thành đến quá ngưỡng, làm cho những bài thơ, câu thơ có phần dàn trải theo phương thức tự sự. Nhưng rồi bình tĩnh đọc lại cả tập thơ, ta vẫn không khó khăn gì để nhận ra hành trình thơ anh đang tiến về phía đổi mới thi ca: "Trước trang giấy quen – Tôi biết những con chữ xếp hàng phải vượt”.

Hồ Thế Hà