Hội nghị quốc tế về văn học châu Á và triển vọng hợp tác giữa Azerbaijan – Việt Nam

VanvnNhận lời mời của Viện Văn học mang tên Nizami Ganjavi thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Azerbaijan (ANAS) cùng sự giúp đỡ của Đại sứ quán nước Cộng hòa Azerbaijan tại Việt Nam, Tiến sĩ Ngữ văn – dịch giả Nguyễn Văn Chiến, Hội viên Hội Nhà văn Việt nam, đã tham gia Hội nghị Khoa học quốc tế “Văn học các dân tộc châu Á: Truyền thống và các khuynh hướng hiện đại”  từ ngày 16 đến 18.12.2024 tại thủ đô Baku.

Sau đây là bài viết của TS. Nguyễn Văn Chiến về hội nghị và triển vọng hợp tác văn học giữa hai nước Azerbaijan và Việt Nam.

Viện sĩ Isa Habibbeyli – Chủ tịch ANAS phát biểu khai mạc trong phiên họp toàn thể

Hội nghị do Viện Văn học Nizami Ganjavi thuộc ANAS tổ chức. Phiên họp toàn thể được tiến hành tại Thư viện Viện Hàn lâm khoa học với sự tham dự của các thành viên Đoàn Chủ tịch ANAS, các học giả nổi tiếng, các nhà nghiên cứu văn học, văn hóa và khoa học, các nhà văn, nhà thơ từ các quốc gia như Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Việt Nam, Uzbekistan, Kazakhstan, và các quốc gia khác, cũng như đại diện của giới truyền thông.

Trước hội nghị, những người tham dự đã đến thăm một triển lãm trưng bày các ấn phẩm về văn học của các dân tộc châu Á, do ANAS xuất bản.

Trong diễn văn khai mạc, Viện sĩ Isa Habibbeyli – Chủ tịch ANAS nhấn mạnh rằng hội nghị hôm nay có ý nghĩa lịch sử vì là hội nghị khoa học quốc tế đầu tiên được tổ chức tại Baku dành riêng cho nền văn học các nước châu Á.

Ông cho biết trong thời kỳ Liên Xô cũ, văn học, văn hóa và chính trị của các nước phương Tây được nghiên cứu nhiều hơn, và lưu ý trong thời gian đó, điều này dẫn đến một khoảng cách trong dư luận về châu Á. Ông chỉ ra rằng kể từ khi khôi phục nền độc lập của Nhà nước Azerbaijan, một loạt các nghiên cứu về các nước châu Á đã được tiến hành tại Azerbaijan.

Viện sĩ Isa Habibbeyli cho hay một khoa nghiên cứu văn học châu Á đã được thành lập tại ANAS nhằm mục đích này. Ông cũng đề cập đến việc thành lập một số trung tâm tại Viện Văn học, bao gồm Trung tâm Trung Quốc, Trung tâm Văn học Pakistan, Trung tâm Mehmet Akif Ersoy (nghiên cứu văn học Thổ Nhĩ Kỳ), Trung tâm Nghiên cứu Văn học Alisher Navoi (nghiên cứu văn học Uzbekistan) và Trung tâm Văn học Makhtumkuli Fragi Turkmenistan. Trong khi tất cả những trung tâm này tập trung vào các quốc gia châu Á, nghiên cứu về văn học phương Tây cũng tiếp tục tại Viện, và các học giả cũng đang thể hiện sự quan tâm đến việc nghiên cứu văn học châu Phi.

Chủ tịch ANAS nhấn mạnh sự tồn tại của Khoa Văn học Thế giới và Nghiên cứu So sánh tại Viện Văn học, nơi tiến hành nghiên cứu về văn học phương Tây, châu Âu và Mỹ. Ngoài ra, ông còn đề cập đến hoạt động của Khoa Văn học Dân tộc Đột Quyết tại Viện Văn học và Khoa Các nước Trung Á tại Viện Nghiên cứu Phương Đông.

Viện sĩ Isa Habibbeyli cũng nói về quan hệ quốc tế của ANAS, lưu ý rằng thỏa thuận hợp tác đã được ký kết giữa ANAS và nhiều viện hàn lâm và viện nghiên cứu trên thế giới. Hiện nay, ANAS hợp tác với nhiều trường đại học của Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan và Uzbekistan và cũng quan tâm đến việc thiết lập quan hệ với các tổ chức có liên quan tại Việt Nam.

Cuối cùng, Chủ tịch ANAS nhấn mạnh tầm quan trọng của hội nghị trong việc quảng bá văn học, văn hóa và đất nước Azerbaijan đến với người dân châu Á, cũng như thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn với các nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực này và hình thành các dự án chung trong tương lai. Viện sĩ Isa Habibbeyli nhấn mạnh rằng hội nghị ngày hôm nay, đóng vai trò là nền tảng để thiết lập các mối liên hệ và tình bạn mới, hình thành sự hợp tác và làm sâu sắc thêm các mối quan hệ khoa học, cũng có tiềm năng tạo ra sự tổng hợp của Âu Á.

Tiến sĩ – dịch giả Nguyễn Văn Chiến (ngồi đầu tiên bên trái) với một số nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ nước ngoài tham gia Hội nghị Khoa học quốc tế “Văn học các dân tộc châu Á: Truyền thống và các khuynh hướng hiện đại” ở Baku.

Sau đó, đại diện nhiều quốc gia (trong đó có Việt Nam) đã phát biểu tại sự kiện nhấn mạnh rằng hội nghị sẽ góp phần mở rộng quan hệ khoa học giữa các nước châu Á.

Cũng tại phiên toàn thể, ba báo cáo khoa học được trình bày.

Tiếp theo phiên toàn thể, Hội nghị quốc tế được chia thành bốn tiểu ban tiếp tục hoạt động với các chuyên mục “Văn học các dân tộc Đột Quyết”, “Nghiên cứu văn học so sánh”, “Văn học các dân tộc Đông Á” “Văn học các dân tộc Nam Á”.

Tổng cộng có khoảng 50 báo cáo dành riêng cho các vấn đề và giai đoạn văn học của các dân tộc châu Á cùng các tác giả, tác phẩm đã được lắng nghe tại các phiên họp của bốn tiểu ban.

Tôi được phân công làm Trưởng Tiểu ban IV của hội nghị quốc tế dành cho những vấn đề văn học của các dân tộc Nam Á. Đại biểu duy nhất từ Việt Nam đã phát biểu đầu tiên với tham luận về những vấn đề cuộc sống qua tri nhận bằng tác phẩm văn học bằng đối chiếu văn học Việt Nam và Italia. Các nhà khoa học đã đặt nhiều câu hỏi và đề nghị làm rõ thêm nhiều vấn đề về văn học Việt Nam hiện đại và các tác phẩm tiêu biểu. Chính phần thảo luận này đã khiến tham luận của tôi kéo dài hơn thời gian cho phép khá nhiều.

Tiếp theo là chín báo cáo khác về văn học Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Afghanistan, Gruzia, Azerbaijan… Trong đó, nhà nghiên cứu Sevda Mammadova đã có tham luận rất hay về các giai đoạn phát triển của văn học Việt Nam.

Sau đó, hội nghị quốc tế đã kết thúc công việc của mình. Phát biểu tại lễ bế mạc, Viện sĩ Teymur Karimli, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Khoa Nhân văn của ANAS, cho biết sự tham gia của đại diện các trung tâm khoa học và giáo dục hàng đầu của nhiều quốc gia châu Á trong sự kiện này là rất đáng trân trọng, và lưu ý rằng các báo cáo tại các cuộc họp của bộ phận đã đề cập đến nhiều chủ đề. Ông nhấn mạnh, lần đầu tiên sau nhiều năm, việc tổ chức một sự kiện uy tín như vậy về văn học của các quốc gia châu Á tại Baku là một chỉ báo về ảnh hưởng ngày càng tăng của Azerbaijan trên thế giới, cũng như thái độ của các quốc gia châu Á đối với Azerbaijan. Viện sĩ Teymur Karimli kết thúc sự kiện bằng nhận định, hội nghị quốc tế mang tính lịch sử này sẽ góp phần vào sự phát triển của quan hệ văn học và văn hóa giữa các quốc gia châu Á trong những năm tới.

Dù thời gian ít ỏi, nhưng tôi đã cố gắng tiếp xúc với các nhà khoa học và các tác giả từ Azerbaijan, Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Uzbekistan, Hàn Quốc… để giúp họ biết rõ hơn về tiến trình đổi mới thành công của Việt Nam, cùng các thành tựu trong văn xuôi và thơ của văn học Việt Nam hiện nay.

Viện Văn học Nizami Ganjavi thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Azerbaijan (ANAS) là một địa chỉ nghiên cứu rất có uy tín không chỉ ở Azerbaijan mà cả trong cộng đồng các quốc gia Đột Quyết và trên thế giới, và họ cũng rất lưu tâm đến thiết lập các mối quan hệ văn học với đất nước chúng ta.

Rất tiếc, vì không đủ thời gian nên tôi không thể đến được Hội Nhà văn Azerbaijan theo mong muốn của tôi và của ngài Đại sứ nước Cộng hòa Azerbaijan tại Việt Nam.

Nhưng những kết quả của chuyến công tác này hẳn sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển thực tế và hiệu quả trong tương lai giữa Việt Nam và Azerbaijan trong lĩnh vực văn học.

NGUYỄN VĂN CHIẾN