"Nho" là "Học trò" nên đạo Nho là "Đạo của người có học".
Người trí thức thời phong kiến còn được gọi là Sĩ, đứng đầu tứ dân (Sĩ - Nông - Công - Thương).
Do thầy Khổng Tử (551 tcn - 479 tcn) sáng lập nên đạo Nho còn được gọi là đạo Khổng.
Khổng Tử đề ra việc thi cử nên chữ Hán cũng được gọi là chữ Nho.
Nho học du nhập vào nước ta kể từ thời Bắc thuộc chứ thời Hùng Vương chưa có.
Việc đi học ngày xưa không bị hạn chế nhưng muốn được làm "học sinh" không phải dễ.
Đầu tiên ông thầy giáo phải nộp danh sách các "khóa sinh" (những trò đủ khả năng thi) lên cho quan huyện sở tại duyệt gọi là thi khảo khóa ở huyện (thường thi Ám tả tức Chánh tả).
Được quan huyện duyệt rồi, khóa sinh mới thành "học sinh" là người được phép thi Hương lần này.
Chưa đi thi, học sinh đã được gia đình và dân làng miễn cho làm mọi công việc nặng nhọc nên mới có câu "thư sinh trói gà không chặt", thậm chí "vinh dự" được... vợ nuôi:
Sáng trăng trải chiếu hai hàng,
Bên anh đọc sách bên nàng quay tơ.
Nhưng ca dao cũng có câu chê bai họ rằng:
Ai ơi đừng lấy học trò,
Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm.
Ngày xưa ba năm mới có một khoa thi gồm thi Hương, thi Hội và thi Đình.
Cả nước có vài ngàn người đi thi, đỗ chỉ được vài chục (khoảng một phần trăm).
Thi Hương được tổ chức ở một số tỉnh và gồm bốn "kỳ" (hay "trường"), trúng kỳ trước mới được vào kỳ sau.
Ai đỗ cả bốn kỳ (đỗ tứ trường) là đỗ "chính thức", được gọi là "hương cống" hay "cử nhân" ("cống" hay "cử" cũng đều là "dâng lên").
Ai đỗ ba kỳ là đỗ "không chính thức", được gọi là "sinh đồ" hay "tú tài".
Đỗ cử nhân được ra làm quan (tri huyện chẳng hạn), đỗ tú tài chỉ được làm "lại" (giúp việc cho quan).
Ai không đỗ cũng không muốn thi cử nữa thường về làm... thầy!
Thi Hương gồm các môn thi sau lần lượt cho bốn kỳ:
- Kinh nghĩa là văn nghị luận.
- Chiếu chế biểu là các loại công văn.
- Thơ phú (sáng tác).
- Văn sách cũng là văn nghị luận.
Riêng thời nhà Hồ còn có thêm kỳ thi thứ 5 là kỳ thi Toán.
Thời Pháp đô hộ mới thêm Khoa học thường thức đồng thời thay Thơ phú bằng Quốc ngữ và Pháp ngữ khiến các nhà nho đương thời giận lắm mới chế ra mấy câu thơ sau:
Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ,
Đèn Mỹ Tho khi tỏ khi lu.
Anh về học lấy chữ nhu (nho),
Chín trăng em đợi mười thu em chờ.
Sau thi Hương, chỉ những cử nhân mới được tham gia thi Hội ở kinh đô.
Thi Hội cũng gồm bốn kỳ như thi Hương và các môn thi cũng giống vậy.
Và cũng chỉ những người đỗ cả bốn kỳ thi Hội (đỗ Hội) mới được vào trong điện vua thi Đình (Triều Đình).
Thi Đình là thi đối sách do nhà vua trực tiếp ra đề để chọn:
- "Đệ nhất giáp" là ba ông Trạng nguyên, Bảng nhãn và Thám hoa.
- Các ông còn lại là Hoàng giáp (Đệ nhị giáp), Đồng tiến sĩ và Phó bảng (Đệ tam giáp).
Việc thi cử ngày xưa nghiêm minh và hà khắc lắm.
Thí sinh đã phải mang "lều chõng" đi thi còn bị khám xét tới ba lần mới được vào Trường thi (chống việc giấu tài liệu).
Giám khảo được cử chỉ trước kỳ thi có 5 ngày.
Giám thị phải là những người... không biết chữ.
Và họ (Giám khảo và Giám thị) chỉ được làm có một lần trong đời nên không được... có "kinh nghiệm"!
Không biết việc thi cử từ xưa đến nay có ích lợi gì không chứ riêng đối với Bác Bảo Vệ thì:
Dân Việt ta trước thời Bắc thuộc,
Nho học chưa, kỹ thuật hàng đầu.
Trống Đồng, Thần nỏ Liên Châu,
Mà nay khoa bảng khiến đâu bằng người.
Trường ta hãy là nơi học để,
Thành tài năng, sáng chế, phát minh.
Nhân Ngày Giỗ Tổ quang vinh,,
Từ thầy cô đến học sinh: Xin thề!
Nguyễn Đình Đại