Chỉ mười năm sau ngày Chúa Giê Su bị đế quốc La Mã cai trị Do Thái hành hình, lịch sử Việt Nam cũng ngậm ngùi lật sang một trang mới…
Để không bị rơi vào tay giặc, hai vị Trưng nữ vương của chúng ta đã tự trầm mình nơi cửa sông Hát (Hát môn, đoạn chảy vào sông Hồng ở Hà Nội ngày nay) vào ngày 8 tháng 3 năm 43 sau Công nguyên (6 tháng 2 năm Ất Mão 43?).
Dù sao Hai Bà cũng giữ được độc lập nước nhà đến ba năm, kỷ lục đến tận năm 938 là năm Ngô Quyền chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc.
Một kỷ lục khác nữa, Hai Bà là những vị "anh hùng giải phóng dân tộc đầu tiên" của nước ta đó các quý ông...
Hai Bà cũng chỉ thua lão tướng Mã Viện, người mà sau này cha con Mã Đằng và Mã Siêu của Tam Quốc Chí luôn nhắc tới câu nói của cụ tổ để lấy đó làm gương: “Làm trai phải chết nơi sa trường, da ngựa bọc thây… “
Kính anh hùng, trọng anh hùng mới anh hùng vậy.
Sử Trung Hoa (Hậu Hán thư) chép:
“Năm Kiến Vũ thứ 16 (năm 40 SCN), người con gái ở Giao Chỉ là Trưng Trắc cùng em gái là Trưng Nhị làm phản, đánh phá các quận.
Trưng Trắc là con gái Lạc tướng huyện Mê Linh và là vợ của Thi Sách, người Châu Diên.
Thái thú Giao Chỉ là Tô Định dùng pháp luật trói buộc, Thi Sách phẫn nộ nên bị giết hại.
Vợ Thi Sách vì thế mà làm phản.
Những người Man từ Cửu Chân, Nhật Nam đến Hợp Phố đều hưởng ứng.
Trưng Trắc gồm chiếm được 65 thành trì, tự lập làm vua. Thứ sử Giao Chỉ và các thái thú chỉ giữ được thân mình mà thôi... "
Xin được nói thêm là:
Nhà Hán sau khi chiếm được Nam Việt của Triệu Ai Vương liền đổi nước ta thành Giao Chỉ bộ gồm 9 quận trong đó có quận Giao Chỉ chiếm cả vùng Bắc bộ, ngoài ra còn có Cửu Chân và Nhật Nam thuộc bắc Trung bộ (các quận còn lại thuộc Quảng Đông, Quảng Tây và đảo Hải Nam).
Đứng đầu "bộ" là thứ sử, "quận" là thái thú.
Đến năm 202 theo đề nghị của Sĩ Nhiếp, nhà Đông Ngô mới đổi tên bộ Giao Chỉ thành Giao Châu...
Các sử gia của ta cũng căn cứ theo các thần phả và truyền thuyết mà tóm lược trình tự cuộc khởi nghĩa như sau:
Quân Hai Bà trước tiên tấn công dinh đô úy của quận Giao Chỉ ở Mê Linh.
Chiếm được nơi đây, Hai Bà Trưng tiến đánh huyện Tây Vu và chiếm thành Cổ Loa.
Từ Cổ Loa, Hai Bà Trưng mang quân vượt sông Hoàng và sông Đuống đánh trị sở Giao Chỉ quận ở Liên Lâu nay thuộc tỉnh Bắc Ninh:
"Chiều nghe em tập hát dân ca,
Quan họ Bắc Ninh giọng mượt mà.
Chợt nhớ Liên Lâu từng sấm dậy,
Sông Cầu vang động tiếng sơn hà... "
(Bác Bảo Vệ)
Quân khởi nghĩa tấn công quá nhanh khiến quân Hán không kịp trở tay.
Thái thú Giao Chỉ là Tô Định hoảng hốt tháo chạy.
Tô Định phải cạo râu tóc, vứt bỏ ấn tín để chạy thoát về quận Nam Hải.
Vua Hán hạ ngục Tô Định để trị tội... tham nhũng làm "mất nước".
Sau khi Liên Lâu thành bị hạ, các thành khác nhanh chóng quy phục.
Khởi nghĩa thắng lợi, Trưng Trắc lên ngôi vua và phong cho em làm phó vương:
"Đô kỳ đóng cõi Mê Linh,
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta... "
(Lê Ngô Cát, 1829 - 1883)
Năm ấy Trưng Trắc mới ngoài hai mươi, riêng Trưng Nhị chỉ cỡ tuổi học sinh lớp mười hai!
Nguyễn Đình Đại