Ngày con người lần đầu tiên đặt chân lên một thiên thể khác là một ngày rất quan trọng của lịch sử nhân loại.
Ngày ấy có phải ngày 21 - 7 - 1969 hay không? Đã có nhiều em học sinh tranh luận với nhau về đề tài Apollo 11.
Đây là điều đáng mừng vì nó chứng tỏ các em học sinh ta có lòng yêu khoa học và biết tự hào về những thành tựu khoa học - kỹ thuật của nhân loại. Nó tiếp sức cho các em trong nỗ lực học hành để mai này biến những ước mơ thành hiện thực.
Vì vậy, chúng ta cần hết sức cẩn thận khi phủ nhận một kỳ tích nhân loại có được từ công lao động của hàng bao con người tài ba và dũng cảm chỉ dựa vào một vài nhận định rất mơ hồ xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về hàng không vũ trụ của một số người.
Trước chuyến bay của Apollo 11 lần đầu tiên đổ bộ người lên Mặt Trăng đã có bốn chuyến bay Apollo được thực hiện theo cách "tuần tự nhi tiến" của NASA như sau:
- Từ ngày 11 đến ngày 22 tháng10 năm 1968 có chuyến bay của các phi hành gia Walter Schirra, Donn Eisele và Walter Cunningham trong phi thuyền Apollo 7 chỉ lên quỹ đạo Trái Đất (cách TĐ khoảng 400 km) để thử nghiệm "phi thuyền mẹ" (command module).
- Từ ngày 21 đến ngày 27 tháng 12 năm 1968 có chuyến bay đầu tiên lên quỹ đạo Mặt Trăng (cách TĐ khoảng 400 nghìn km) của các phi hành gia Frank Borman, James Lovell và William Anders trong phi thuyền Apollo 8 để thực nghiệm siêu hoả tiễn Saturn 5 cao tới 111 mét trong đó có tầng hai và tầng ba sử dụng nhiên liệu là hydro lỏng.
- Từ ngày 3 đến ngày 13 tháng 3 năm 1969 có chuyến bay của các phi hành gia James Mc Divitt, David Scott và Russell Schweickart trong phi thuyền Apollo 9 để thực nghiệm lần đầu tiên việc tách rời ra rồi ráp nối lại giữa hai phi thuyền "mẹ" và "con" ngay trên quỹ đạo Trái Đất.
- Từ ngày 18 đến ngày 26 tháng 5 năm 1969 có chuyến bay "gần giống với Apollo 11" (chỉ khác là không đổ bộ) của phi thuyền Apollo 10, được coi là cuộc "tổng dợt" sau cùng: Hai phi hành gia Thomas Stafford và Eugene Cernan đã lái phi thuyền "con" xà xuống gần đất trăng rồi bay trở lên ráp nối với phi thuyền "mẹ" do John Young điều khiển chờ sẵn trên quỹ đạo Mặt Trăng.
Tất cả các chuyến bay có người của Apollo (từ Apollo 7 đến Apollo 17) đều được diễn ra một cách công khai thậm chí theo lịch trình được công bố trước từng giờ từng phút.
Riêng chuyến bay lịch sử của Apollo 11 được cả thế giới chăm chú theo dõi từng giây phút một bằng mọi phương tiện (Úc dùng kính thiên văn ghi hình trực tiếp lúc Neil Armstrong đổ bộ) nên nếu nó không có thật thì việc làm giả còn khó hơn làm thật gấp trăm nghìn lần!
Cả sáu chuyến đổ bộ thành công của Apollo đều nằm trên bề mặt thấy được của Mặt Trăng (trừ Apollo 13 bị nổ tầng dịch vụ không được đáp) nên không khó kiểm chứng.
Một trong số những dụng cụ khoa học được Armstrong và Aldrin đặt trên Mặt Trăng là "tấm gương phản chiếu tia laser" giúp các nhà khoa học đo chính xác hơn khoảng cách Trái Đất - Mặt Trăng ở mọi thời điểm.
Mới đây nhà vật lý không gian Tom Murphy của Đại học Washington cũng khẳng định những lần ông bắn tia laser lên đó đều nhận được tia phản xạ.
Đây cũng là một minh chứng cho cuộc đổ bộ của Apollo 11 là có thật.
Nhiều mẫu đá Mặt trăng do Apollo 11 đem về được triển lãm tại nhiều nơi trên thế giới vào cuối năm 1969 trong đó có Sài Gòn, sau đó được gửi tặng chính phủ các nước bạn bè của Mỹ nên Việt Nam ta hiện đang giữ được một viên đá Mặt trăng.
Ngày 12 tháng 4 năm 1961, Liên Xô đã phóng thành công phi thuyền Vostok 1 đưa nhà du hành vũ trụ đầu tiên của nhân loại vào quỹ đạo Trái Đất là Yuri Gagarin.
Thành tích xuất sắc ấy của một nước xã hội chủ nghĩa đã làm nước Mỹ bàng hoàng nhưng họ không hề bôi bác rằng "chuyến bay lịch sử của Gagarin chỉ là một cú lừa" (dù nó chỉ diễn ra trong 108 phút và không được thông báo trước).
Trái lại, người Mỹ càng quyết tâm lao vào cuộc đua và họ cũng đã thành công.
Người Nga không bao giờ nghi ngờ các cuộc đổ bộ của Apollo do họ có đủ trình độ để biết thực hư.
Bởi vì không ai khác, chính nước Nga đã mở ra kỷ nguyên chinh phục vũ trụ cho cả loài người. Ngày 12 - 4 - 1961 mãi mãi đi vào lịch sử nhân loại.
Ngày 21 - 7 - 1969 cũng là một ngày đáng ghi nhớ như vậy: Ngày con người lần đầu tiên đặt chân lên một thiên thể khác!
Chú thích hình:
- Lá cờ Mỹ làm bằng vải nylon được giương ra bằng các thanh nhôm chỉ để tạo dáng cho đẹp, chứ không phải lá cờ đang bay trước gió vì Mặt trăng hầu như không có khí quyển.
- Dấu chân của phi hành gia in trên nền đất trăng giống như "bột khô" do cát vỡ hay bụi vũ trụ tạo thành, chứ không phải là "đất ướt" vì Mặt trăng hầu như không có nước.