Vài suy nghĩ về bảo vệ ngôn ngữ và văn hóa dân tộc ít người

Ngôn ngữ đi đôi với văn hóa. Ngôn ngữ là phương tiện truyền đạt ý tưởng, chứng minh sự tồn tại dân tộc. Muốn bảo tồn văn hóa cần bảo tồn ngôn ngữ.

Một lần tình cờ tôi ngồi ăn với mấy anh bạn văn nghệ tại một quán ăn ở Giảng Võ. Nhân nói chuyện về ngôn ngữ dân tộc ít người, một thi sĩ phát biểu "theo tôi ai mạnh là sống, yếu là tự đào thải, đó là sự chọn lọc tự nhiên không nên mất thời gian bảo vệ giữ gìn nó...”. Câu này làm tôi lại sực nhớ đến bài báo của John J. Miller rằng sự hủy diệt ngôn ngữ là điều tất yếu, và không quan trọng vì chính họ tự giết họ khi chẳng có gì trao đổi hàng xóm ngoài mấy cái miếng vải dệt lăng nhăng. Vậy thì ngày nay để hòa nhập vào thế giới cộng đồng, tất cả các nước nhỏ bé, phải tự bỏ ngôn ngữ văn hóa của họ, để bắt chước văn hóa Tây Âu, và chỉ học tiếng Anh hay tiếng Pháp hay sao?

Nhìn lại quá khứ xa xưa, người Pháp từng tài trợ cho các nhà truyền giáo và các công trình nghiên cứu ngôn ngữ khác nhau kể cả vùng ít người ở Đông Dương. Với sức mạnh vũ khí và văn hóa lớn, người Pháp sao không thôn tính luôn ngôn ngữ tiếng Việt, Tày, Nùng, Bahnar... trong khi ở châu Phi nhiều ngôn ngữ bị xóa bỏ khi các xứ bản địa đó thành thuộc địa của Pháp. Chính cái phong phú bản sắc dân tộc đã góp phần giành độc lập bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Văn hóa ngôn ngữ chính là một vũ khí lợi hại trong công cuộc giành độc lập dân tộc.

Khi chiếm xong ba tỉnh miền Nam Việt Nam, Pháp tràn ra Bắc. Khi tình hình tại đây tương đối ổn định, Pháp bắt đầu quan tâm đến khu vực biên. Khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam là khu vực nhạy cảm nhất. Phía Bắc giáp Trung Quốc. Khi Pháp đến, ảnh hưởng văn hóa Tàu còn quá in đậm trong văn hóa Việt Nam. Vì thế ngay từ đầu thế kỷ Pháp đã bắt đầu cho người đi nghiên cứu ngôn ngữ văn hóa nơi đây để tìm cách bình định và chặn sự ảnh hưởng của Tàu và sự xâm lấn của Tàu khi Pháp chưa ổn định hoàn toàn ở Đông Dương.

Đầu thế kỷ 20, theo lời kể của linh mục Savina, ông đã được giao nhiệm vụ đi truyền giáo ở vùng phía Bắc Đông Dương. Ông đã lên đây ghi chép và học thổ ngữ trên danh nghĩa của nhà truyền đạo. Ông học nhiều thổ ngữ, nhưng đặc biệt là tiếng Tày vì người Tày chiếm số đông sau người Kinh. Ông đã từng 4 năm đi khắp núi rừng miền bắc đã ghi chép những phong tục thờ cúng tín ngưỡng của vùng này. Do địa bàn rừng núi, dân sống rải rác, điều kiện đi lại khó khăn nên việc truyền giáo không đơn giản như ở đồng bằng. Người dân tộc đã thấm sâu những tín ngưỡng dân gian, đạo Thiên chúa giáo không len vào được và khó áp đặt. Họ tin Giàng và những người thầy cúng, già làng chứ không tin người ngoại bang đến. Tác giả đi nhiệm vụ nghiên cứu thổ ngữ ở vùng Bắc Kỳ, Lào, biên giới Trung Quốc. Ông đã tỉ mỉ thống kê chiều cao, vóc dáng, trang phục của các dân tộc ít người. Ông cũng thống kê dân số ở khu vực này. Trong thư viện Viễn Đông Bác Cổ có thống kê về những từ vựng do F.M Savina ghi chép, có cả tiếng Pháp – Mán.

Năm 1910, F.M Savina đã cho ra cuốn Từ điển Tày – Annam – Pháp sau bốn năm lăn lộn và ghi chép ở vùng dân tộc thiểu số. Trong cuốn sách ông còn giải thích ngữ pháp, từ vựng Tày và giới thiệu chữ viết Tày cổ. Do cách nghe đọc chưa rõ, nên lúc đầu ông còn phiên âm “Đày – Pháp” sau mới thành Tày – Annam - Pháp. Ngoài ra ông còn làm cuốn Từ điển Pháp - Nùng – Tàu, 1924 in tại Hồng Kông, dày 528 trang. Ông viết về lịch sử người Mèo (histoire du Miao), 304 trang, in 1924 (dấu in cũng do ban truyền giáo hải ngoại Paris xuất bản). Ngoài ra do ghi chép khắp các vùng biên giới Trung - Việt - Lào, ông ghi lấy tất cả các ngôn ngữ thổ dân khác nhau. Ông còn cho biết sự khác biệt giữa các ngôn ngữ bản địa tuy cạnh nhau. Những phiên chợ núi giúp họ có một số từ vựng chung để phục vụ trao đổi hàng hóa. Ông cho ra cuốn tiếng  (Thổ dân Trung Quốc) sát biên giới Việt và có cùng gốc với dân tộc Tày ở Bắc Việt Nam. A.G. Haudricourt. P năm 1965 đã giới thiệu lại cuốn từ vựng  của F.M. Savina. Ngoài ra còn xuất bản cuốn Hướng dẫn ngôn ngữ ở Đông Dương Pháp (Guide linguistique de l'Indochine), cũng do ban truyền giáo hải ngoại Paris ấn hành 1939, gồm hai tập. Muốn hiểu được ngôn ngữ một dân tộc thiếu số cũng phải tìm hiểu tiếng thổ dân vùng lân cận vì giao lưu văn hóa là điều không thể thiếu trong nhu cầu cuộc sống hàng ngày của con người. Cũng như tiếng latinh ngày xưa là nguồn gốc của nhiều tiếng châu Âu như Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Bồ Đào Nha, Rumani... Tiếng slavơ của vùng Đông Âu. Sự giao lưu văn hóa cùng tiếng thổ dân đã tạo ra ngôn ngữ hiện đại, làm phong phú ngôn ngữ đó. Ngôn ngữ phát triển là văn hóa phát triển, ngôn ngữ văn hóa phát triển thể hiện kinh tế phát triển. Khi kinh tế phát triển sẽ hỗ trợ ngược lại thúc đẩy văn hóa ngôn ngữ. Những vùng văn minh lớn đều có ngôn ngữ phát triển mạnh.

Vài suy nghĩ về bảo vệ ngôn ngữ và văn hóa dân tộc ít người
Phụ nữ dân tộc Tà Ôi. Ảnh Intrenet

Georges Minot, Đại úy bộ binh thuộc địa, có chứng chỉ tiếng Tày, đã soạn cuốn Từ điển Tày trắng - Pháp, được La tinh hóa, gồm 237 trang, in 1928. Chứng chỉ tiếng Tày của ông chứng tỏ thời đó ông theo lớp học tiếng Tày, và có người dạy thì mới có bằng cấp. (Vì không nằm trong phạm vi bài nên chúng tôi không đi sâu).

Năm 1918, khi đi làm nhiệm vụ miền núi phía Bắc, Đại úy Silveste đã cho ra cuốn Thái trắng ở Phong Thổ, ông đã ghi chép, phong tục và trang phục của dân tộc này. Hiện nay những tư liệu này nằm thư viện EFEO.

Nếu chúng ta có dịp thống kê sẽ thấy không ít tác giả Pháp thời đầu thế kỷ 20 đã viết về phong tục, tập quán của các dân tộc ít người trên địa bàn này. Ngay sau 1954 Pháp đã thất bại ở Việt Nam, Pháp vẫn tiếp tục đầu tư nghiên cứu văn hóa ngôn ngữ dân tộc vùng biên giới với nhiều mục đích. Phía Tây Nguyên có Guilleminet, từng là trợ lý hải quân có mặt ở Sài Gòn từ 1922, sau đó ông ở lại làm trong bộ máy chính quyền thuộc địa ở Đông Dương, được bổ nhiệm quản hành chính vùng miền núi. Sau tám năm, ông đã cùng Alberty cho ra đời cuốn Từ điển Bana Pháp Dương với khoảng 10.000 từ. Thực ra cuốn này được tài trợ và sự đồng ý của nhà toàn quyền Đông Dương từ những năm 1935. Ông còn sưu tầm được những văn bản Bahnar xưa (hiện chưa phát hành, chỉ có trong kho lưu trữ ở EFEO). Ngoài ra nhiều cuốn nghiên cứu văn hóa, trang phục phong tục ở vùng Kon Tum đều được ấn hành. Như vậy phía Nam hay phía Bắc đều được sự tài trợ và giúp đỡ của chính quyền thuộc địa để nghiên cứu văn hóa.

Những bản sắc dân tộc mạnh mẽ của vùng dân tộc phía Bắc đã cản trở Pháp thực hiện mưu đồ đồng hóa các dân tộc ở đây. Vậy ngôn ngữ văn hóa dân tộc đã trở thành vũ khí để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Năm 1947, theo yêu cầu của Chủ tịch hội người Tày ở Việt Nam, Francois Martini được Cao ủy Pháp giao cho thành lập hội đồng La-tinh hóa ngôn ngữ của người Tày vùng Bắc Kỳ. Sau ba năm chữ viết La-tinh hóa này được phổ cập, tạo điều kiện cho việc gửi thông tin liền lạc điện tín không cần ghi bằng tiếng Pháp, mà trực tiếp bằng ngôn ngữ của họ. Năm 1954, khi tình hình ở Đông Dương tối đen, Pháp thua trận, nhưng cuốn sách về hệ thống phiên tự chữ Tày qua chữ la tinh vẫn được ấn hành mặc dù những đề tài này chẳng câu được khách. Kho lưu trữ của Pháp ngày nay trở thành một kho tàng quý mà nhiều nước trên thế giới mơ ước.

Đồng hóa, đưa ngôn ngữ chính áp đặt lên ngôn ngữ ít người là một sai lầm trong chính sách khi muốn thu hút họ hòa vào cùng nhịp đập của đại quần chúng. Miếng cơm manh áo có thể bắt họ từ bỏ ngôn ngữ, nhưng không thu phục được tâm. Con người luôn khát vọng cội nguồn. Nhiều đứa trẻ mồ côi bị mang qua Mỹ đã gần năm, vậy mà giờ đây vẫn khát khao tìm cha mẹ ở nơi Việt Nam dù biết rằng cha mẹ họ có khi còn nghèo khổ. Ngôn ngữ dân tộc ít người cũng vậy. Rất ngây thơ, diễn đạt trong sáng, biết đâu đó chính là cội nguồn xa xưa của ông cha chúng ta mà chúng ta chưa có điều kiện để nghiên cứu. Một số từ người Kinh dùng ngày nay có từ giống tiếng Mường, cổ. Các bộ tộc xưa lưu lạc khai khẩn mở rộng bờ cõi, ngôn ngữ phát triển dần, thời đó không có phương tiện liên lạc như bây giờ, nên ngôn ngữ nhiều nhóm bị cách ly ly trên núi, vẫn giữ cái cổ xưa, kẻ đi xa sẽ kết hợp với ngôn ngữ của nơi mới, ngôn ngữ phát triển thành ngôn ngữ riêng, dần dần xa với gốc cổ.

Tiếng dân tộc ít người cũng như chữ viết cổ của họ có thể là cội nguồn của dân tộc Việt Nam xưa. Nên bảo tồn tiếng nói không những là bảo tồn văn hóa, sắc thái đa phong phú của một đất nước, do nhiều bộ lạc hợp lại, đồng thời bảo tồn được ngôn ngữ cổ của ông cha. Đó cũng là một vũ khí để chứng minh nguồn gốc dân tộc và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Sự học song đồng ngôn ngữ Kinh và ngôn ngữ dân tộc ít người là hết sức cẩn thiết cho việc nghiên cứu nguồn gốc của dân tộc.

Theo thống kê năm 2009, dân tộc Kinh chiếm 86,2%, còn lại là dân tộc ít người. Con số 13,8%, chia cho 54 dân tộc ít người, (có những dân tộc chưa đến 300 người Brâu (313) Ơ ru (315), Rơ măm (352 người) ở Tây Nguyên, Kon Tum. Do bị cách ly xa với văn minh thành thị, nhiều bộ tộc còn giữ nguyên vẻ hoang sơ. Giao lưu văn hóa sẽ giúp họ xóa bỏ những tục lệ cổ hủ phong kiến, và giữ được những truyền thống đẹp như điêu khắc, âm nhạc, trang phục, nghi lễ đẹp đón Giàng, cảm ơn Trời Đất…

Sự tiến bộ của khoa học, văn minh thúc đẩy nhanh cái chết của ngôn ngữ. Ngay châu Âu, mới trong 3 thế kỷ gần đây, khoảng hơn chục ngôn ngữ đã chết. Ngay ở nước Pháp, gần đây nhất, vùng Langue d'Oc hay vùng tiếng Breton đang muốn con cháu họ giữ ngôn ngữ chuẩn bị cáo phó này. Châu Phi có 200 ngôn ngữ do ít hơn 500 người nói, và những người nói các thứ tiếng đó sống trong những bộ lạc rải rác, không giao thiệp với nhau. Nhiều nước nhỏ khi sáp nhập vào đại quốc gia đã bị xóa bỏ ngôn ngữ như ở bên Trung Quốc và Liên Xô (Ingouches, Kalmouts, Mekhétiens, Nus, Achangs.. etc.). Nhà ngôn ngữ học Pháp Claude Hagene ước tính cứ 15 ngày có một ngôn ngữ các phó trên toàn thế giới. Tức là 1 năm có khoảng 25 ngôn ngữ chết. Khi những người sử dụng cuối cùng ra đi, ngôn ngữ đó bị chôn theo.

Sự chết một ngôn ngữ không hoàn toàn phụ thuộc vào dân số, mà còn phụ thuộc vào hoàn cảnh. Tiếng La-tinh gốc của nhiều thứ tiếng châu Âu đã chết, không phải là ít người biết. Trong các nhà thời xưa sử dụng La-tinh, nhưng nó phụ thuộc vào quốc gia. Một quốc gia không còn thì ngôn ngữ dễ bị chết. Khi La Mã sụp đổ tiếng La-tinh chỉ còn trong giáo hội. Giáo hội muốn phát triển phải biết tiếng bản xứ nước khác. Các vị truyền giáo bắt buộc phải học ngôn ngữ bản địa để hòa nhập và truyền giáo. Tiếng La-tinh chỉ còn vị đó và vài người theo làm đồ đệ biết, nên nó đã tự chết. Ngày nay các trường học ở châu Âu vẫn có môn ngoại ngữ La-tinh hay tiếng Hy Lạp cổ, để dạy con cháu biết nguồn gốc của ngôn ngữ và dân tộc họ, cũng để giúp cho những người ham thích, nghiên cứu đọc được văn bản.

Ngày nay chẳng nhẽ để hòa nhập vào thế giới cộng đồng, chúng ta một nước nhỏ bé, phải từ bỏ ngôn ngữ tiếng Việt của chúng ta mà ông cha bao năm cố gắng giữ được trước sức mạnh của văn hóa Tàu, và văn hóa Pháp? Bảo tồn văn hóa ngôn ngữ dân tộc ít người chính là bảo tồn một bảo tàng thiên nhiên sống động, một hình thức bảo tồn đa sắc văn hoá dân tộc, bảo vệ phổi trong sạch cho những thành phố lớn luôn bị ô nhiễm bụi. Bảo vệ ngôn ngữ các dân tộc ít người là bảo vệ tính đa dạng văn hóa của dân tộc Việt Nam, đồng thời với sự quan tâm của chính quyền đến dân tộc ít người, cũng là để khẳng định chủ quyền đất nước mình. Văn hóa là bằng chứng sống động để con cháu biết đó là mảnh đất của chúng ta. Văn hóa và ngôn ngữ là vũ khí lợi hại để khẳng định chủ quyền đất nước. Bảo vệ ngôn ngữ hiếm cũng như bảo vệ động vật hiếm quý, một loài hoa quý giữa bạt ngàn các rừng hoa.

Tại sao không thể song tồn? Các nhà ngôn ngữ Việt Nam không thử làm thống kê xem bao nhiêu ngôn ngữ dân tộc ít người đang giãy chết ở Việt Nam và tìm một phương pháp để bảo tồn? Châu Âu hiện nay gồm những nước khá ổn định, vậy mà họ bắt đầu rung chuông nguyện cho linh hồn những ngôn ngữ đang hấp hối. Thực chất sự diệt vong này cho thấy ngôn ngữ đang trong võ đài, ngôn ngữ nào mạnh thì ngôn ngữ đó thắng. Ngôn ngữ chết là do bị cô lập, không cần thiết với những cộng đồng xung quanh, ít người dùng, và vấn đề kinh tế. Kinh tế và văn hóa mạnh cũng là điều kiện để tồn tại. Thời La Mã, khi những người Romain chiếm được Hy Lạp, họ không hủy diệt tiếng Hy Lạp. Ngược lại văn hóa Hy Lạp đã Hy Lạp hóa văn hóa kẻ xâm lăng. Chính những người nô lệ lại dạy ông chủ. Văn hóa và ngôn ngữ đã trở thành vũ khí giữ được bản sắc riêng và sự độc lập dân tộc sau này. Khi người Romain bị người Đức chiếm, tiếng La-tinh đã chết dần. Khi người Anh chiếm được Canada năm 1760, họ không diệt tiếng Pháp, và để song tồn. Le Kamasin đổi ngôn ngữ ba lần trong 50 năm. Họ bỏ ngôn ngữ họ để nói tiếng Thổ, sau 20 năm lại nói tiếng Nga, khi vùng này thuộc lãnh địa Nga. Sự chuyển đổi ngôn ngữ phụ thuộc vào vấn đề sinh tồn. Ngôn ngữ của bộ tộc còn gọi là ngôn ngữ không nhà nước, nên không có sự áp chế, quy định tồn tại như một thể chế. Sự nghèo nàn về văn hóa đã làm tự họ hủy diệt ngôn ngữ, như người thổ dân Úc. Ngôn ngữ không có chữ viết dễ dàng bị tiêu diệt theo thời gian,

Để bảo tồn ngôn ngữ, chính bản thân thổ dân phải phát triển kinh tế văn hóa không ngừng. Ngay cạnh thủ đô Hà Nội, cách 10 cây số, những làng bánh cuốn, làng dệt, làng hoa đã chết vì sự xâm lấn của thành phố. Đó là điều rất đáng tiếc khi chúng ta chỉ nghĩ đến công nghiệp hóa, mà không nghĩ đến bảo vệ văn hóa cổ truyền và bảo vệ những lá phổi của đất nước.

Ngôn ngữ đi đôi với văn hóa. Ngôn ngữ là phương tiện truyền đạt ý tưởng và chứng minh sự tồn tại của dân tộc. Muốn bảo tồn văn hóa ta cần bảo tồn ngôn ngữ. Phạm Quỳnh từng nói câu nổi tiếng: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; Tiếng ta còn, nước ta còn...”. Văn hóa ngôn ngữ luôn gắn chặt và trợ bổ lẫn nhau. Sự đấu tranh để bảo tồn một ngôn ngữ là hình thức chống đồng hóa, giữ cái bản sắc riêng của dân tộc.... Việt Nam tồn tại được đến ngày nay là một phần do chúng ta bảo tồn được ngôn ngữ. Ông cha ta đã tìm cách bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc và khẳng định chủ quyền riêng qua hình thức bảo tồn giữ gìn ngôn ngữ tổ tiên. Cuộc chiến đấu thầm để bảo vệ chủ quyền dân tộc chính là công cuộc bảo vệ văn hóa ngôn ngữ.

Bảo vệ ngôn ngữ văn hóa dân tộc ít người là bảo vệ một tài nguyên thiên nhiên, một bảo tàng sống, một nguồn du lịch để giúp phát triển kinh tế đất nước và đánh dấu chủ quyền của đất nước. Khi chúng ta chưa đủ mạnh về quân sự thì ta nên dùng văn hóa để bảo vệ chủ quyền. Các nhà hảo tâm quyên góp xây Văn miếu thứ hai ở Hoàng Sa đó là hình thức khẳng định chủ quyền dân tộc. Văn Miếu một nghìn năm là một bằng chứng sống động của sức mạnh đất nước, một sức mạnh trường tồn của Việt Nam sau bao nhiêu thăng trầm chống giặc ngoại xâm. Không phải vô tình chính quyền thuộc địa Pháp đã mở đường lên núi ở Lào Cai, cho xây một Kim Tự Tháp trên đỉnh Fanxifang và đặt tên là nóc nhà Đông Dương chỉ nhằm mỗi mục đích thu hút khách du lịch, họ đã thực hiện những phương cách bao vệ chủ quyền lãnh thổ.

Ngôn ngữ và văn hóa dân tộc ít người cũng là một Văn miếu thiên nhiên sống động cần được bảo tồn.

Trần Thu Dung (Cộng hòa Pháp)