Tiểu thuyết Việt Nam sau 50 năm thống nhất đất nước

Toàn cảnh tiểu thuyết từ khi đất nước thống nhất có thể thấy tiểu thuyết vận động theo hướng mở rộng phạm vi đề tài đến sự đa dạng hóa bút pháp...

Baovannghe.vn - Toàn cảnh tiểu thuyết từ khi đất nước thống nhất có thể thấy tiểu thuyết vận động theo hướng mở rộng phạm vi đề tài đến sự đa dạng hóa bút pháp.

Sự vận động của tiểu thuyết

Mười năm hậu chiến là quãng thời gian văn học một mặt vận động theo quán tính cũ, mặt khác, có những chuyển nhịp, ngưng nghỉ như một tích lũy về lượng chuẩn bị cho sự chuyển hóa về chất sau này. Những năm 1980 là giai đoạn chuyển đổi, trong đó năm 1985 là khớp nối của giai đoạn tiền đổi mới và Đổi mới, với các tác phẩm như Bến quê, Mùa lá rụng trong vườn, Gió từ miền cát. Ở giai đoạn chuyển đổi này vẫn có những tác phẩm mang màu sắc sử thi, ca ngợi người anh hùng lý tưởng (Những người đi từ trong rừng ra (Nguyễn Minh Châu), Sông xa (Chu Lai), Trong cơn gió lốc (Khuất Quang Thụy), Mở rừng (Lê Lựu), nhưng đây đó đã có thể cảm nhận được sự chuyển giọng sang trầm lắng, suy tư của tiểu thuyết (Miền cháy, Đất trắng, Năm 75 họ đã sống như thếThời gian của người). Ở thời điểm năm 1985, Lại Nguyên Ân tổng kết văn xuôi 10 năm (1975-1985), trên cơ sở các thể tài: văn xuôi chiến đấu, văn xuôi sản xuất, văn xuôi phong tục - lịch sử, văn xuôi tâm lý xã hội. Bản tổng kết này đã phác thảo diện mạo của văn xuôi 10 năm sau chiến tranh trong đó có tiểu thuyết. Đáng chú ý nhất ở giai đoạn này là sự xuất hiện của Nguyễn Mạnh Tuấn với Cù lao Tràm, Đứng trước biển tập trung vào câu chuyện làm ăn kinh tế, sản xuất đã tạo nên một xu hướng tiểu thuyết mới, hướng tới đời sống xã hội đương thời, những vấn đề nóng hổi, giàu tính thời sự. Những cây bút kỳ cựu như Nguyễn Khải, Lê Lựu, Ma Văn Kháng vừa viết theo quán tính cũ, vừa cảm thấy cần phải viết khác trước. Lê Lựu với Ranh giới, Mở rừng, Nguyễn Khải với Cha và con và, Gặp gỡ cuối năm, Ma Văn Kháng với Mưa mùa hạ, Nguyễn Minh Châu với Những người đi từ trong rừng ra, Miền cháy vẫn luôn trăn trở viết về chiến tranh như thế nào. Các cây bút miền Nam trong cuộc đổi dời của lịch sử, dù ở lại trong nước hay di tản ra nước ngoài đều chưa kịp thích ứng và hầu như tạm ngưng bút. Những thể tài này vẫn tiếp tục được hiện diện trong văn học nhưng cũng bắt đầu từ đây, tiểu thuyết đã có những rẽ nhánh với sự xuất hiện của nhiều loại hình văn xuôi mới không dễ xếp vào thể tài nào. Trong khoảng 10 năm đầu sau chiến tranh, tiểu thuyết đã có những chuyển động theo hướng trở về với đời thường: 1- viết về chiến tranh bằng giọng trầm tĩnh và sâu lắng, cùng với sự mở rộng phạm vi hiện thực; 2- thiên về thế sự đời tư, quan tâm đến đời sống hậu chiến, số phận cá nhân, bi kịch của con người; 3- văn học sản xuất có xu hướng áp sát hiện thực chống tiêu cực. Văn học xuất hiện những tác phẩm văn học hướng đến chủ đề đạo đức và sự tha hóa của con người. Đây là những khuynh hướng chính của văn học từ sau chiến tranh kết thúc kéo dài đến hết thập niên 80 của thế kỷ XX, chẳng hạn như ở các tiểu thuyết Mảnh đất tình yêu, Những người đi từ trong rừng ra, Mùa lá rụng trong vườn.

Chủ thể sáng tác chủ yếu vẫn là những cây bút trưởng thành trong chiến tranh, sau khi chiến tranh kết thúc, họ tự tìm tòi, mở rộng lối đi cho sáng tác của mình, như: Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu, Chu Lai. Thập niên 80 cũng có sự bổ sung và tiếp nối thế hệ: bên cạnh thế hệ nhà văn thành danh trong kháng chiến, có xu hướng phản tỉnh, tự vấn còn có lớp người cầm bút bước ra từ chiến tranh như Dương Thu Hương, Nguyễn Mạnh Tuấn, Trần Văn Tuấn, Nhật Tuấn, Khuất Quang Thụy, Nguyễn Trọng Oánh, và bắt đầu xuất hiện những tác giả mới như Phạm Thị Hoài, Đoàn Lê, Hồ Anh Thái... Với Người và xe chạy dưới ánh trăng, Vẫn chưa tới mùa đông, Hồ Anh Thái bắt đầu hiện diện trong tiểu thuyết với tư cách tác giả thuộc thế hệ mới. Đặc biệt Phạm Thị Hoài với Thiên sứ là một dấu ấn quan trọng của tiểu thuyết cuối thập niên 80.

Mốc 1986 ghi nhận sự kiện Đại hội Đảng VI, chính thức tiến hành công cuộc Đổi mới. Trong bầu khí quyển của “đổi mới”, lần lượt đã xuất hiện những diễn ngôn của thời kỳ mới, chia tay với Thời xa vắng, và đọc “lời ai điếu cho nền văn nghệ minh họa”. Như trên đã nói, năm 1986 là dấu mốc của lịch sử, còn trong lịch sử văn học cũng chỉ có tính tương đối, bởi sự chuyển động của quá trình đổi mới văn học diễn ra trong cả thập niên 80. Từ sau 1986, các chặng đường của tiểu thuyết có thể được tạm chia thành ba chặng: từ 1986 đến quãng đầu thập niên 1990, giữa những năm 1990 đến 2000 và từ sau 2000 đến nay.

Từ 1986 đến 1991: đây là giai đoạn đầu của hành trình đổi mới với sự hào hứng, khí thế sôi nổi, cùng với sự trỗi dậy của truyện ngắn, tiểu thuyết chuyển hướng từ khuynh hướng sử thi sang thế sự, từ nhìn thẳng vào sự thật đến nhìn sâu vào con người trong lịch sử. Đây là giai đoạn cao trào của đổi mới: văn học cất tiếng nói mạnh mẽ, tự do sáng tạo đã mang lại những thể nghiệm nghệ thuật phong phú, kích thích đối thoại, tra vấn về quá khứ, lịch sử và thân phận con người. Hàng loạt tiểu thuyết hướng tới nhận thức về cái tôi cá nhân trong đoàn thể (Thời xa vắng, Người và xe chạy dưới ánh trăng, Bên kia bờ ảo vọng, Những thiên đường mù, Quãng đời đánh mất, Lão Khổ, Ly thân, Miền hoang tưởng, Những mảnh đời đen trắng). Nhìn thẳng vào những sai lầm mất mát, cái bất toàn khiếm khuyết của con người, khiến con người bị “lột trần”, “phanh phui” tận đáy, tiểu thuyết mang cảm hứng chiêm nghiệm, nói nhiều hơn về nỗi buồn, mất mát, chính vì vậy, có những tác phẩm bị phê phán, đánh giá là có cái nhìn “bi quan”, “phủ nhận”. Cuối thập niên 80, sự xuất hiện của Thiên sứ thổi một làn gió lạ, mới mẻ trong cái nhìn về hiện thực và con người, ở đó Phạm Thị Hoài thể hiện quan niệm về văn chương hoàn toàn khác: tiểu thuyết như một trò chơi và từ chối quan niệm văn học phản ánh hiện thực.

Năm 1991, cùng với Mảnh đất lắm người nhiều ma, Bến không chồng, cùng được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Nỗi buồn chiến tranh là đỉnh cao của tiểu thuyết đổi mới, kết tinh những giá trị của văn học đổi mới: viết về chiến tranh và hậu chiến bằng cảm hứng phi sử thi, dòng ý thức, kỳ ảo, kết cấu đa tầng, vô thức. Có thể nói về một kiểu tiểu thuyết phản tỉnh và thức tỉnh về con người, về những tín điều và những lầm lạc như Đi về nơi hoang dã. Trong tác phẩm này, con người bị đẩy vào tình thế thê thảm, thực hiện nhiệm vụ quan trọng theo lệnh của cấp trên mở đường lên đỉnh Hua Ca không có thực/ trong tưởng tượng, hành trình kiếm tìm giữa núi rừng hoang dã khiến con người dần hiện ra một cách trần trụi. Trong Bến không chồng, do hậu quả của chiến tranh, của những định kiến, hủ tục, và lễ giáo, con người cá nhân bị đè nén, con người không dám sống thực với những khát khao trần thế. Mảnh đất lắm người nhiều ma, Chim én bay cảm nhận thấm thía và sâu sắc nỗi đau và mất mát của con người hậu chiến, đặc biệt là người phụ nữ với những trớ trêu ngang trái của số phận, những cố gắng hàn gắn vết thương chiến tranh, và bởi vậy, không thể thoát ra khỏi “nỗi buồn chiến tranh”. Một số tiểu thuyết khác xuất bản vào năm 1990 - 1991 đều thể hiện sự phản tư rất rõ: Ác mộng (1991), Chuyện làng Cuội (1991), Chuyện làng ngày ấy (1990), Đại tá không biết đùa (1990), Ăn mày dĩ vãng (1991), cùng với đó, sự xuất hiện của Nguyễn Bình Phương với các tiểu thuyết Bả giời (1991), Vào cõi (1991), như cánh chim lạ báo hiệu sự chuyển hướng tiểu thuyết trong một chặng đường mới.

Từ quãng 1992 - 1999, những biến động của tình hình chính trị kinh tế thế giới (sự sụp đổ của Đông Âu và Liên Xô năm 1991) và trong nước tạo nên xáo trộn lớn trong đời sống xã hội. Trong sự chuyển đổi cơ chế kinh tế, văn học chịu tác động hai mặt của cơ chế thị trường và quá trình mở cửa và hội nhập quốc tế. Bên cạnh sự phát triển sôi động của truyện ngắn ở thập niên 90, với sự xuất hiện của các cây bút nữ (Lê Minh Khuê, Dạ Ngân, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Thị Ấm, Võ Thị Hảo, Võ Thị Xuân Hà, Trần Thùy Mai, Ngô Thị Kim Cúc, Phạm Thị Minh Thư, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Lý Lan, Trầm Hương, Nguyễn Thị Châu Giang...), tiểu thuyết phản tư có phần lắng lại và bắt đầu chuyển hướng tìm tòi, thử nghiệm bằng những hình thức nghệ thuật, chẳng hạn, một số tác giả tìm đến lịch sử Hoàng Quốc Hải, Siêu Hải, Hoàng Công Khanh, Ngô Văn Phú (Bóng chiều Thăng Long, Danh tướng Trần Hưng Đạo…). Trong khoảng lặng của tiểu thuyết giai đoạn này, Nguyễn Bình Phương tìm đến tiểu thuyết có yếu tố kỳ ảo trong Những đứa trẻ chết già (1994), tạo dựng một thế giới như cõi hỗn mang với nhiều điềm báo, mộng triệu, Hòa Vang đem đến kiểu tiểu thuyết giả tưởng Hiện tượng HVEYA. Đa phần các tác giả đi sâu vào mảng thế sự đời tư, viết về cuộc sống thời hậu chiến và những dấu hiệu chuyển sang thời kinh tế thị trường như Ma Văn Kháng (Chó Bi, đời lưu lạc), Lê Lựu (Chuyện làng Cuội, Sóng ở đáy sông), Chu Lai (Ăn mày dĩ vãng, Phố), Tạ Duy Anh (Lão Khổ), Đào Hiếu (Nổi loạn), Hoàng Minh Tường (Thủy hỏa đạo tặc). Nhìn chung cách kể chuyện vẫn tuân thủ theo lối truyền thống, không có nhiều đột phá, còn tác phẩm của Nguyễn Bình Phương chưa được hưởng ứng và đón nhận tại thời điểm đó vì quá mới và xa lạ với mỹ học của một thời. Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương đa phần là những văn bản ngắn, không có cốt truyện rõ rệt, mạch truyện khó nắm bắt, kiểu nhân vật không rõ tính cách hình dạng, chủ đề và đề tài cũng không hiển lộ, kiểu tiểu thuyết phi truyền thống, ngấm ngầm từ chối phản ánh hiện thực một cách quyết liệt. Những “hiện thực” không mang tính tiêu biểu, điển hình mà đầy bí ẩn, kì dị. Văn học trẻ khá sôi động ở phương Nam, như Nguyễn Nhật Ánh, Đoàn Thạch Biền, Nguyễn Đông Thức với chất lãng mạn tuổi học trò, tình cảm, tâm lý xã hội thu hút được người đọc đông đảo.

Từ 1999 - 2020, trong khoảng 20 năm đầu thế kỷ XXI, tiểu thuyết trở lại vai trò “cỗ máy cái” của nền văn học, phát triển khá sôi động, tạo nên những làn sóng liên tiếp, mặc dù có những thăng trầm, trồi sụt và chưa tạo nên đỉnh cao mới. Sự phát triển của internet, sự giao lưu văn hóa và hội nhập sâu rộng tạo nên những bước tiến mới của tiểu thuyết mười năm đầu nhưng cũng dẫn đến nỗi lo âu tiểu thuyết mất giá trong mười năm ở thập niên thứ hai của thế kỷ XXI. Năm 1999, năm cuối cùng thế kỷ XX, sự xuất hiện của Cơ hội của Chúa, cùng với đó là Người đi vắngNgược dòng nước lũ, báo hiệu một mùa vụ mới: tiểu thuyết về những nhân vật mang dấu ấn thời đại: con người cô đơn, đa diện/ lưỡng diện không thuần nhất. Bước sang thế kỷ XXI, văn học mạng bắt đầu hình thành, xuất hiện sự giao lưu văn hóa quốc tế, văn học dịch, văn học của người Việt ở nước ngoài đến được với người đọc trong nước thông qua các trang web văn chương (Thuận, Đoàn Minh Phượng, Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Mộng Giác, Trần Thị Ng.H, Nam Dao, Trần Vũ, Lê Thị Thấm Vân, Nguyễn Viện) xuất hiện một thế hệ viết mới sung sức, đông đảo như Nguyễn Bình Phương, Hồ Anh Thái, Nguyễn Việt Hà, Phong Điệp, Nguyễn Danh Lam, Trần Nhã Thụy, Nguyễn Ngọc Tư, Uông Triều. Tiểu thuyết ở cả trong nước và hải ngoại đều có xu hướng đào sâu vào cái tôi cá nhân, cái tôi bản thể và nỗi bất an, hoang mang của con người.

Từ sau 2000, văn học trong bối cảnh giao lưu và hội nhập quốc tế, sự bùng nổ công nghệ thông tin và internet tạo nên một thế giới phẳng: trở về với lịch sử, văn hóa dân tộc, bản sắc, những vấn đề của con người, nhân loại (đô thị hóa, toàn cầu hóa, chiến tranh, khủng hoảng niềm tin, thân phận, bản ngã). Sự thể hiện tâm thức hậu hiện đại trong văn học và dấu ấn của thi pháp hậu hiện đại trở thanh một khuynh hướng đáng chú ý ở giai đoạn này. Tiểu thuyết sau 2000 phát triển sôi động, số lượng vô cùng phong phú, các khuynh hướng đa dạng, sự trỗi dậy của những loại hình tiểu thuyết trước đó ít được chú ý: tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết tự thuật… Văn học mạng lan rộng kích thích đối thoại trong đời sống văn học: các thể loại được công chúng quan tâm nhiều hơn bao gồm: tản văn, du ký, hồi ký, tự truyện, phê bình. Không gian mạng tạo môi trường rộng mở để sáng tác, lưu truyền các loại hình văn học đại chúng: tiểu thuyết ngôn tình, tiểu thuyết trinh thám, kiếm hiệp, giả tưởng. Các cây bút nữ như Võ Thị Hảo, Dạ Ngân, Lý Lan, Y Ban, Đoàn Lê, đều chuyển từ truyện ngắn sang tiểu thuyết và tạo nên dấu ấn rất riêng: Giàn thiêu là một tiểu thuyết lịch sử đặc sắc, có cái nhìn đối thoại, cách diễn giải và bút pháp nghệ thuật táo bạo về lịch sử và con người trong quá khứ, Gia đình bé mọn, Tiền định từ trải nghiệm thân phận đàn bà gợi nên những vấn đề mới cho tiểu thuyết tự thuật, Tiểu thuyết đàn bà, Xuân từ chiều đều là những cái nhìn khác nhau về phụ nữ. Đây cũng là khoảng thời gian các cây bút tiểu thuyết đẩy tới mức xa nhất những thể nghiệm nghệ thuật: Đi tìm nhân vật, Thiên thần sám hối (Tạ Duy Anh), Thoạt kỳ thủy, Ngồi (Nguyễn Bình Phương), Cõi người rung chuông tận thế, Mười lẻ một đêm (Hồ Anh Thái), Gió lửaTrăng nguyên sơ (Nam Dao), ChinatownParis 11 tháng 8T. mất tíchVân Vy (Thuận), Bến vô thườngGiữa vòng vây trần gianGiữa dòng chảy lạc (Nguyễn Danh Lam). Ở đây chúng ta cũng chứng kiến sự hòa nhập của các nhà văn người Việt ở nước ngoài với văn học trong nước.

Từ quãng sau 2010, sự phát triển mạnh mẽ của mạng internet và công nghệ thông tin tác động mạnh mẽ đến quá trình sáng tác, tiếp nhận và lưu thông tác phẩm, văn học mạng chuyển sang các hình thức cá nhân hóa, các diễn đàn được thay thế bằng các blog cá nhân, các trang facebook, sự tương tác tăng cao nhưng cũng tính riêng tư, cá nhân cũng lớn hơn. Sự tương tác giữa người viết và người đọc tạo mối quan hệ bình đẳng, dân chủ trong tiếp nhận. Những tác giả tiểu thuyết nổi bật ở chặng đường này, sau khi đã đi đến tận cùng những cách tân nghệ thuật dường như trầm tĩnh hơn, có người tìm cách quay về truyền thống (ở hình thức hoặc nội dung) chẳng hạn như Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương, Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh, Nguyễn Danh Lam, Trần Nhã Thụy, Nguyễn Ngọc Thuần. Đây cũng là thời điểm hình thành một thế hệ mới với những cây bút bắt đầu đến với tiểu thuyết, ít bị ràng níu bởi thế hệ trước, giàu cá tính sáng tạo và nhiệt hứng trên hành trình tìm kiếm những “vùng đất mới”: Phong Điệp, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu, Vũ Đình Giang, Uông Triều, sau nữa là Đinh Phương, Huỳnh Trọng Khang, Nhật Phi… Phong Điệp với Blogger và Ga ký ức, Vũ Đình Giang với Song Song, Bờ xám, Nguyễn Ngọc Tư với SôngBiên sử nước, Đỗ Hoàng Diệu với Lam Vỹ, Uông Triều với Tưởng tượng và dấu vết, Sương mù tháng giêng, Cô độc… đã cho thấy những chuyển động đa chiều của tiểu thuyết Việt Nam trong một không gian văn hóa mới.

Tiểu thuyết Việt Nam sau 50 năm thống nhất đất nước
Hình ảnh minh họa. Nguồn pinterest

Những thành tựu của tiểu thuyết sau 1975

Sau khi chiến tranh kết thúc, đời sống hòa bình và cánh cửa đổi mới mở rộng tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của những loại hình tiểu thuyết trước đó bị hạn chế do điều kiện chiến tranh và tình trạng chia cắt đất nước. Thời bình cũng làm nảy sinh nhu cầu tổng kết, đánh giá, nhìn lại lịch sử quá khứ một cách điềm tĩnh khách quan. Sự dỡ bỏ trạng thái “giới nghiêm” và không khí đổi mới tạo môi trường cho con người ý thức mạnh mẽ hơn về cái tôi cá nhân trong cuộc sống hàng ngày dẫn đến ý thức nghệ thuật thay đổi. Chính vì vậy, mỗi nhà văn có những cái nhìn riêng, cảm xúc riêng, câu chuyện riêng và tiếng nói riêng. Quá trình giao lưu tiếp xúc rộng rãi với văn hóa, văn học thế giới cũng tạo cơ hội cho những luồng gió mới tràn vào văn học Việt Nam, làm thay đổi quan niệm về văn chương, nghệ thuật.

Nhìn toàn cảnh tiểu thuyết từ sau khi đất nước thống nhất có thể thấy tiểu thuyết vận động theo hướng từ sự mở rộng phạm vi đề tài đến sự đa dạng hóa bút pháp, phong cách nghệ thuật. Xuất phát từ nhu cầu của thời đại mới, tiểu thuyết quan tâm nhiều hơn đến vấn đề cái tôi cá nhân, đến con người trong tồn tại của chính nó bao gồm cả tính dục và tâm linh, sự tha hóa và cao thượng, cái ác và cái đẹp… Tiểu thuyết hướng tới cách tân nghệ thuật với sự phong phú hình thức như bút pháp kỳ ảo, trào lộng, giễu nhại, những thủ pháp cắt dán, phân mảnh, đồng hiện, dòng ý thức… Sự dân chủ hóa kích thích cá tính sáng tạo đem lại những sắc thái mới cho tiểu thuyết: xuất hiện cái hài hước, tiếng cười mỉa mai châm biếm; sự miêu tả tình dục, con người bản năng nhiều cung bậc, ngôn ngữ suồng sã, đời thường.

Quan niệm nghệ thuật trong tiểu thuyết sau 1986 có những thay đổi mạnh mẽ. Tiểu thuyết, cũng như văn học nói chung, không còn chỉ bị bó hẹp trong mục tiêu phản ánh hiện thực, có chức năng là “vũ khí chiến đấu” như trước kia mà tiểu thuyết là sự sáng tạo và khám phá, là thế giới của hoài nghi và tra vấn, là trò chơi và hài hước. Sự chuyển đổi trong ý thức sáng tạo của người cầm bút tạo nên các đặc điểm mới của tiểu thuyết, có thể thấy qua các phương diện sau: 1. Ý thức phản tư, tự vấn, phản tỉnh, 2. Ý thức cái tôi cá nhân, 3. Ý thức cách tân nghệ thuật.

1. Ý thức phản tư đã manh nha xuất hiện từ quãng cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 và trở thành xu hướng đáng chú ý ngay sau thời điểm đổi mới. (Hoàng Ngọc Hiến với Về một đặc điểm của văn học nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua, Nguyễn Minh Châu với Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa). Trong bối cảnh xã hội thay đổi, nhà văn không bằng lòng/ chiều lòng theo cách viết cách nghĩ như trước nữa mà có nhu cầu suy ngẫm, nhận thức lại và phản biện. Tiểu thuyết hướng đến ý thức phản tỉnh với tinh thần tự xét lại, tự nhận thức những ấu trĩ sai lầm, và tự thay đổi cái nhìn đời sống. Ban đầu là những tiểu thuyết chống tiêu cực, bàn trực tiếp đến những vấn đề nhức nhối trong cơ chế kinh tế và đời sống xã hội: Nguyễn Mạnh Tuấn với Cù lao Tràm, Đứng trước biển, Nguyễn Thị Ngọc Tú với Hạt mùa sau, Ma Văn Kháng với Mưa mùa hạ đề cập trực tiếp đến vấn đề đang diễn ra trong đời sống kinh tế xã hội. Đây đều là những tiểu thuyết giàu tính thời sự và tính tranh đấu/ tranh biện, đứng về phía cái mới, những con người dám nghĩ dám làm, lên án cái xấu, tiêu cực. Mạnh mẽ và ngày càng sôi động là xu hướng tiểu thuyết thế sự đời tư với cảm hứng chiêm nghiệm quá khứ, nhận thức lại lịch sử và con người cá nhân: Thời xa vắng, Mùa lá rụng trong vườn, Mảnh đất lắm người nhiều ma, Nỗi buồn chiến tranh, Bến không chồngBên kia bờ ảo vọng, Những thiên đường mù, Lão Khổ. Quan tâm hơn đến thế sự - đời tư, tiểu thuyết tập trung vào các chủ đề hạnh phúc, hôn nhân gia đình, đạo đức, nhu cầu bản năng, tính dục. giá trị truyền thống đảo lộn, sự băng hoại đạo đức và lên ngôi của đồng tiền, sự tha hóa con người, thay đổi trong nền tảng xã hội, nông thôn và đô thị hóa, sự tồn tại của những hủ tục lạc hậu và sự xung đột văn hóa, quyền lực và chính trị. Ở các tiểu thuyết như Thời xa vắng, Bên kia bờ ảo vọng, Đại tá không biết đùa, Đám cưới không có giấy giá thú, Góc tăm tối cuối cùng, Ly thân, Những ngày thường đã cháy lên, Mưa mùa hạ, Những mảnh đời đen trắng, Quãng đời đánh mất, Miền hoang tưởng, Bến không chồng, Mảnh đất lắm người nhiều ma…, tiểu thuyết không chỉ còn cái nhìn xuôi chiều mà nhìn thẳng vào cái xấu cái ác trong con người, lộn trái mọi thứ, đập vỡ ảo tưởng, vạch ra những sai lầm, duy ý chí của con người. Trong tác phẩm, người đọc có thể nhận thấy cả tiếng cười châm biếm, giễu nhại lẫn nỗi buồn, bi quan. Từ việc từ chối minh họa, không nhắm đến mục đích phục vụ chính trị, nhiều tiểu thuyết đã dần thoát khỏi mô hình phản ánh cái “hiện thực mơ ước” để nhìn thẳng vào thực tại đa chiều, và từ phản ánh hiện thực đến “nghiền ngẫm hiện thực”, “sống với hiện thực” và “kiến tạo hiện thực”. Thời xa vắng được coi là tác phẩm sớm thức tỉnh về một thời mà con người cá nhân phải nén lại, bị thui chột và đánh mất vì ý chí của gia đình, dòng họ, đoàn thể, một thời mà sự chủ quan duy ý chí và ấu trĩ, áp đặt cho người khác nhưng lại nhân danh là tốt đẹp, cao cả. Nỗi buồn chiến tranh nhìn sâu hơn thân phận con người trong chiến tranh và hậu chiến. Bến không chồng tái hiện bi kịch của những người đàn bà thôn quê trong chiến tranh. Miền hoang tưởng lại là sự đối thoại giữa những khát vọng cá nhân, khát vọng sáng tạo với cái bạo tàn, đạo đức giả, quyền lực…

Xét từ phương diện đề tài, những loại hình tiểu thuyết sản xuất, tiểu thuyết chiến tranh, tiểu thuyết nông thôn, tiểu thuyết thế sự vẫn tiếp tục phát triển nhưng cái nhìn khác trước và trên nền của chủ nghĩa tả thực mới. Có một dòng tiểu thuyết lịch sử - đời người, miêu tả cả cuộc đời nhân vật trải qua những biến cố thời đại long trời lở đất tạo nên những cú “tráo trở” kinh thiên động địa của số phận người: Bến không chồng, Chuyện làng Cuội, Lão Khổ, Ba người khác, Đội gạo lên chùa, Cuồng phong, Dòng sông mía, Thời của thánh thần, Biết đâu địa ngục thiên đường. Khuynh hướng châm biếm đả kích và giễu nhại, phê phán xã hội: Giã biệt bóng tối, Thần thánh và bươm bướm, Mối chúa. Xu hướng tìm về lịch sử văn hóa dân tộc lật lại các sự kiện và nhân vật lịch sử, bóc những lớp vỏ của từng giai đoạn trong quá khứ như Hồ Quý Ly, Sông Côn mùa lũ, Tám triều vua Lý, Hội thề, Minh sư, Quỷ vương... Tiếp nối dòng tiểu thuyết nhận thức lại lịch sử đã hình thành một dòng tiểu thuyết viết về những giai đoạn lịch sử bão táp như cải cách ruộng đất bằng cái nhìn phản tỉnh như Cuồng phong, Ba người khác, Đội gạo lên chùa, Dòng sông mía, Chuyện làng Cuội, Thời của thánh thần, Biết đâu địa ngục thiên đường... Các tiểu thuyết khắc chạm những vết thương, nỗi oan khiên của đời người, sự đảo lộn các giá trị và sự lên ngôi của cái ác trong một thời đại cuồng phong dữ dội. Nhìn chung, sự phản tư trong khuynh hướng tư tưởng và đã có ý thức đổi mới bút pháp nghệ thuật nhưng về cơ bản cách kể chuyện vẫn theo mô hình “bảo lưu tính “chuyện”.

2. Ý thức cái tôi cá nhân

Trong cuộc tiếp xúc với văn hóa phương Tây hồi đầu thế kỷ XX, ý thức cái tôi cá nhân trong văn học Việt Nam đã trở thành một vấn đề quan trọng, góp phần làm nên những thành tựu của văn học thời kỳ này. Sau một thời gian dài hướng đến đến ta cộng đồng, văn học thời kỳ đổi mới chứng kiến sự trở lại của cái tôi cá nhân. Chủ thể sáng tạo của tiểu thuyết đương đại từ những nhà văn cán bộ, nhà văn chiến sĩ trong giai đoạn chiến tranh chuyển sang nhà văn - nghệ sĩ - người trí thức nhưng không đóng vai tuyên truyền mà phản biện và ý thức sâu hơn về con người cá nhân: từ thế hệ Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu, Ma Văn Kháng đến Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài, Dạ Ngân, Võ Thị Hảo, Tạ Duy Anh và tiếp đến Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Thuận. Có thể thấy rõ những chuyển biến của ý thức cá nhân qua hình ảnh người bộ đội từ chiến trường trở về (Mùa lá rụng trong vườn, Thời xa vắng, Tướng về hưu, Bến không chồng đến Nỗi buồn chiến tranhĂn mày dĩ vãng), hình ảnh người anh hùng được “bao bọc trong bầu không khí vô trùng” được thay thế bằng hình ảnh trở về với đời thường, không gắn vào được với đời sống hiện tại, thậm chí sống nhạt nhẽo, hờ hững, thất bại. Bảo Ninh trong Nỗi buồn chiến tranh đã hướng đến khai thác tâm lý hậu chiến, ký ức chiến tranh và sự tự ý thức về mình. Những rạn vỡ trong lòng xã hội và lòng người, những chuyển vần của thời đại được thể hiện rất rõ trong Thời xa vắng, Mùa lá rụng trong vườn, Thời gian của người. Tiểu thuyết tự thuật và tiểu thuyết có yếu tố tự truyện chiếm số lượng ngày càng nhiều, ở đó nhà văn kể câu chuyện đời mình trong ý thức khẳng định cái tôi cá nhân và cất lên tiếng nói của sự thật. Các cây bút nữ tạo nên những làn sóng nối tiếp, cất tiếng nói của giới nữ và thể hiện tinh thần nữ quyền. Đây là biểu hiện rõ nhất của sự dân chủ hóa trong đời sống văn học, tiếng nói của mọi cá nhân đều được vang lên. Tác phẩm của các cây bút nữ Võ Thị Hảo, Trần Thị Trường, Dạ Ngân, Lý Lan, Y Ban, Trần Thùy Mai, Võ Thị Xuân Hà, Thùy Dương trình hiện những khát khao thầm kín của giới nữ, những bất hạnh khổ đau của số phận bằng lối viết tinh tế, ngôn từ táo bạo đã mang lại sắc thái mới cho văn xuôi. Tiểu thuyết của các cây bút trẻ miêu tả hành trình đi tìm bản ngã, những cuộc kiếm tìm cái tôi bản thể trong xã hội đương đại đang thay đổi với tốc độ chóng mặt, sự hoang mang của tuổi trẻ lạc lối, sự mất mát ngay trong hiện tại như là tiếng nói của một thế hệ khác trước. Trong tiểu thuyết Nguyễn Danh Lam, Trần Nhã Thụy, Phong Điệp, Uông Triều, Vũ Đình Giang, Nguyễn Ngọc Tư xuất hiện những nhân vật mải miết kiếm tìm, lạc lối, lạc lõng, cô độc, xa lạ và mất kết nối với thế giới. Với xu hướng tự ý thức diễn ra trong giai đoạn tiếp sau cao trào đổi mới, nhiều tiểu thuyết thể hiện con người tự ý thức về chính nó đồng thời hướng đến sự tự ý thức về thể loại, chẳng hạn như trong Thiên sứ, Nỗi buồn chiến tranh, Cơ hội của Chúa, Trí nhớ suy tàn, Vào cõi, Ngồi, Khải huyền muộn, Đi tìm nhân vật, Chinatown, T mất tích, Và khi tro bụi… Sự thể hiện con người trong tiểu thuyết đa chiều: con người trần thế, hiện sinh, tâm linh, tính dục, bản năng, hay con người lạc loài trong cõi nhân sinh và mải miết kiếm tìm bản thể. Cũng có thể nói đến xu hướng giải hiện thực trong tiểu thuyết dạng này.

3. Ý thức đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết

Nhìn một cách tổng thể tiểu thuyết đương đại, có thể thấy vấn đề quan thiết nhất đó là nhu cầu khẳng định cái tôi của người cầm bút gắn với khát vọng đổi mới văn chương, nghệ thuật dẫn đến cách tân nghệ thuật trở thành xu hướng nổi bật trong tiểu thuyết. Ngay chính các tác giả trưởng thành qua hai cuộc chiến tranh như Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng cũng có ý thức thay đổi lối viết. Do không khí đổi mới và tinh thần dân chủ, ý thức cái tôi trỗi dậy mạnh mẽ dẫn đến sự đa dạng của các phong cách, khuynh hướng tiểu thuyết. Từ sau 1986, tiểu thuyết đạt được những thành tựu khiến ta có thể coi “thời kỳ vàng” của tiểu thuyết với những thế hệ nối tiếp Nguyễn Khải, Lê Lựu, Ma Văn Kháng, Chu Lai, Nguyễn Khắc Trường, Dương Hướng, Nguyễn Trí Huân, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Quang Thân, Lê Văn Thảo, Nhật Tuấn, Nguyễn Xuân Khánh, Võ Thị Hảo, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Hồ Anh Thái, Thuận… Xét từ phương diện bút pháp, có thể thấy đã xuất hiện trở lại những loại hình tiểu thuyết đã từng hiện diện trong văn học các giai đoạn trước nhưng sau một thời gian dài vắng bóng hoặc chỉ xuất hiện thưa thớt, gặp làn gió đổi mới trở thành khu vực sôi động trong đời sống văn chương như tiểu thuyết lịch sử (Hồ Quý Ly, Giàn thiêu, Sông Côn mùa lũ, Hội thề, Minh sư, Sương mù tháng giêng, Đức Thánh Trần, tiểu thuyết trào lộng/ trào phúng, (Giã biệt bóng tối, Thần thánh và bươm bướm, Những đứa con rải rác trên đường), tiểu thuyết tự thuật (Thượng đế thì cười, Gia đình bé mọn, Chuyện kể năm 2000), tiểu thuyết luận đề (Luật đời và cha con, Lửa đắng), tiểu thuyết kỳ ảo (Cõi người rung chuông tận thế, Người sông Mê), tiểu thuyết phóng sự (Cù lao Tràm, Đứng trước biển), tiểu thuyết tư liệu (Biên bản chiến tranh 1.2.3.4.75). (Ngoài ra, những năm cuối thập niên 80 đầu thập niên 90 có sự xuất hiện ồ ạt của hàng loạt tiểu thuyết phản gián - biến thể của tiểu thuyết trinh thám như Câu lạc bộ chính khách (Lê Tri Kỷ), Giữa sa mạc lửa, Bên bờ vực thẳm (Nhị Hồ), Sao đen (Triệu Huấn), Ván bài lật ngửa (Nguyễn Trương Thiên Lý), Ông cố vấn (Hữu Mai)). Khuynh hướng tiểu thuyết chơi cấu trúc với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt, đan xen những yếu tố phi thực, mơ hồ, hoài nghi: Người sông Mê (Châu Diên), Và khi tro bụi (Đoàn Minh Phượng). Sự trở lại của tiếng cười giễu nhại, ban đầu thấp thoáng trong các tiểu thuyết của Lê Lựu, Vũ Bão, Nguyễn Khắc Trường, về sau ngày càng xuất hiện nhiều trong tác phẩm của Nguyễn Việt Hà, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Thuận như là một thủ pháp nghệ thuật hữu hiệu và một cách nhìn thế giới khác trước. Nếu như có thể coi Cơ hội của Chúa là gạch nối chuyển tiếp của hai giai đoạn văn chương, từ sau tiểu thuyết này, Nguyễn Việt Hà ngả hẳn sang khuynh hướng giễu nhại với Khải huyền muộn, Ba ngôi của ngườiThị dân tiểu thuyết. Hồ Anh Thái cũng có một số tiểu thuyết viết theo khuynh hướng này như Mười lẻ một đêm, SBC là săn bắt chuột, Những đứa con rải rác trên đường. Thuận khởi đầu từ Chinatown đã xác lập cái hài hước sâu cay trong các cuốn tiểu thuyết tiếp theo của chị như Paris 11 tháng 8, Thang máy Sài Gòn, Thư gửi Mina, mặc dù mỗi cuốn tiểu thuyết là một thể nghiệm nghệ thuật công phu, độc đáo nhưng Thuận vẫn giữ được chất giọng humour nhẹ nhàng mà thâm thúy. Nhìn chung, tiếng cười trong tiểu thuyết giai đoạn này không đậm màu sắc trào phúng, tố cáo xã hội, đấu tranh giai cấp như trong văn học 1930 - 1945 nhưng tính phê phán, đả kích, châm biếm vẫn rất mạnh mẽ đằng sau tiếng cười khi thì bật lên hả hê khi thì nhếch mép mỉa mai, khi lại cười đấy mà đau đấy. Trong bối cảnh Việt Nam từ sau 1986, giễu nhại cũng gắn với xu hướng giải thiêng của tinh thần hậu hiện đại. Sự trở lại của cái hài ở tiểu thuyết đương đại có thể được coi là biểu hiện của tinh thần dân chủ trong văn học bởi tiếng cười phá vỡ khoảng cách sử thi với sự nghiêm trang, thành kính.

Có thể thấy rất rõ những nỗ lực cách tân nghệ thuật tiểu thuyết với cách kể chuyện mới lạ, cốt truyện phi truyền thống. Sự phong phú đa dạng của tiểu thuyết cho thấy tính thích ứng, khả năng tự điều chỉnh của văn học trong bối cảnh mới, tạo thế cân bằng của tiểu thuyết giữa những dòng lưu chuyển. Văn chương tự soi vào nó, tác phẩm viết về quá trình viết, trở thành siêu hư cấu, điều đó khiến cho các nhà nghiên cứu nghĩ đến sự thay đổi hệ hình văn học (từ tiền hiện đại đến hiện đại và hậu hiện đại - xem Đỗ Lai Thúy - Những thế hệ nhà văn). Phạm Thị Hoài, Nguyễn Bình Phương đã sớm tìm đến khuynh hướng này trong các tiểu thuyết như Thiên sứ, Bả giời, Vào cõi. Tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương mở ra một thế giới âm u, hư thực ma quỷ của một làng quê rất khác lạ, như chốn hoang dã hay cõi u minh, đầy thấp thỏm lo âu, nơm nớp lo sợ, không lường trước, với những khùng điên hoang tưởng, ngấm ngầm nổi loạn, triền miên mê man bản năng và dục vọng thầm kín trỗi dậy. Mạch sáng tác này được Nguyễn Bình Phương tiếp tục phát triển trong Thoạt kỳ thủy, Người đi vắngNgồi. Trong cuốn tiểu thuyết Ngồi, song song với thế giới thực của Khẩn - một cán bộ công chức chằng chịt trong những mối quan hệ là thế giới trong tâm tưởng: với Kim, khi Kim về. Nguyễn Bình Phương nỗ lực khám phá tầng sâu vô thức của con người, bạo lực, cái ác và thế giới của những biểu tượng và ám ảnh, huyễn tưởng và kỳ ảo, ma mị và tâm linh.

Nhân vật là phương diện thể hiện rõ nhất những nỗ lực đổi mới của tiểu thuyết đương đại, nhiều nhân vật có tính dị biệt từ chối tính điển hình, nhân vật tư tưởng, tâm lý thay vì là nhân vật hành động, là những thân phận con người bé nhỏ, bất hạnh. Đó là những Giang Minh Sài rơi vào bi kịch đánh mất cái tôi cá nhân, là Hoàng, kiểu nhân vật thiếu lý tưởng, lông bông, thất bại. Có thể hình dung các dạng nhân vật tiêu biểu của tiểu thuyết đương đại gồm: 1. Nhân vật lạc thời, lạc lõng, 2. Nhân vật mất mát, kiếm tìm, 3. Nhân vật bản năng, vô thức, đa nhân cách, tha hóa, 4. Nhân vật kiểu truyền thống, bảo lưu cái đẹp, đặc biệt mang thiên tính nữ. Nghệ thuật xây dựng nhân vật đặc sắc, hấp dẫn, chẳng hạn như các kiểu: 1. biểu tượng hóa nhân vật (Thiên sứ với nhân vật biểu tượng của cái đẹp - chị Hằng, biểu tượng của duy ý chí - Quang lùn, biểu tượng Thiên sứ - bé Hon, Đi về nơi hoang dã với mỗi nhân vật mang một ý nghĩa ngầm: trưởng nhóm, thằng học giả, thằng hộ pháp, thằng tôi, Cõi người rung chuông tận thế với biểu tượng cái đẹp và công lý trừng phạt - Mai Trừng… Ở các tiểu thuyết lịch sử như Hồ Quý Ly, Giàn thiêu, Sông Côn mùa lũ mỗi nhân vật mang một lớp trầm tích văn hóa và một ý nghĩa biểu tượng mà tác giả gửi gắm: biểu tượng kẻ sĩ, anh hùng, biểu tượng dục vọng, hận thù… 2. mờ hóa nhân vật (không tên, tuổi, thời đại, khó gọi cụ thể tính cách)... 3. huyền thoại hóa nhân vật (hồn ma, có thần giao cách cảm, bí ẩn, kì dị, phép màu, xuyên không chuyển kiếp, phân thân trong Ngồi, Khải huyền muộn, Người sông Mê, Cõi người rung chuông tận thế, Giã biệt bóng tối)... 4. khai thác tâm lý (phân tích những hồi ức, thế giới nội tâm, cái tiềm thức, vô thức, những giấc mơ, ám ảnh, huyễn tưởng, thậm chí phân tích tâm lý học tội phạm...). Nỗi buồn chiến tranh có thể được xem là tiểu thuyết tâm lý bởi mạch truyện, cốt truyện khai thác sâu cảm xúc, trạng thái tình cảm, tâm lý của nhân vật. Bên cạnh đó xu hướng nhân vật kiểu truyền thống vẫn được duy trì.

Có những tác giả tiểu thuyết, hành trình sáng tác của họ là sự thay đổi không ngừng xuyên qua các chặng đường như Hồ Anh Thái, Nguyễn Việt Hà, Tạ Duy Anh, Thuận… với những tác phẩm ban đầu thuộc khuynh hướng này, về sau lại rẽ nhánh chuyển sang khuynh hướng khác. Bên cạnh yếu tố giễu nhại và trào lộng, Nguyễn Việt Hà, Hồ Anh Thái, Đỗ Phấn kể câu chuyện với nhiều đoạn tạt ngang, tạt ngửa, ngôn ngữ giản lược, câu ngắn và cấu trúc câu đơn giản. Trong sáng tác của họ, hiện thực xã hội đương đại xô bồ, trần trụi được thể hiện bằng lối viết và mạch truyện biến hóa linh hoạt. Sự thể hiện con người bản năng và sự thẳng thừng trong cách nói về nhu cầu tình dục để phơi bày toàn bộ cái thế giới phàm tục giả dối xô bồ, lột trần bộ mặt của của tầng lớp trí thức, giới quan chức cho đến giới showbiz thời kinh tế thị trường bằng thứ ngôn ngữ suồng sã, sống động.

Nói tóm lại, sự thống nhất và mở rộng về mặt không gian từ sau khi đất nước thống nhất đã tạo cơ hội cho tiểu thuyết bứt phá: mở rộng chủ đề, đề tài, đổi mới thi pháp, trong đó nổi bật nhất là đề tài chiến tranh, đô thị và nông thôn. Với sự đa dạng hóa bút pháp nghệ thuật và cách tiếp cận đời sống, tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 đã bước ra khỏi hệ hình văn học của giai đoạn trước để đi vào quỹ đạo của hiện đại và hậu hiện đại. Ở mỗi mảng đề tài đều hình thành một dòng riêng đáng chú ý như đề tài chiến tranh, cải cách ruộng đất, đề tài đô thị, nông thôn, miền núi, vừa rọi chiếu cái nhìn mới mẻ vào những mảng màu phong phú của đời sống xã hội vừa lách sâu vào những số phận con người trong thế giới tận cùng sâu thẳm của nó. Đã có sự trỗi dậy của những loại hình tiểu thuyết sau một thời gian dài vắng bóng, như tiểu thuyết tự thuật, tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết châm biếm…, những loại hình tiểu thuyết trở nên “đắc địa” trong thời đại mới. Các chủ đề tiểu thuyết vận động theo hướng ngày một phong phú, mới mẻ, cập nhật và kết nối. Những vấn đề lớn của thời đại đều được khúc xạ qua tiểu thuyết khơi gợi đối thoại, suy ngẫm của người đọc. Lực lượng sáng tác tiểu thuyết ở cả trong nước và hải ngoại ngày càng đông đảo, trẻ hóa, các thế hệ nhà văn viết tiểu thuyết bứt phá mạnh mẽ bằng thái độ dân chủ, cởi mở. Sự hiện diện của rất nhiều các cây bút trong nước và hải ngoại, các cây bút dân tộc thiểu số, là một thành tựu rất lớn của văn học sau ngày thống nhất đất nước, cho thấy văn học Việt Nam là một thể thống nhất bao gồm các thế hệ tiếp nối, các dân tộc vùng miền và các không gian khác nhau nhưng cùng viết bằng tiếng Việt và chung mục tiêu hướng tới sự phát triển của quốc gia, dân tộc Việt Nam.

Sự phát triển của tiểu thuyết cũng góp phần làm thay đổi thái độ, nhận thức và cách tiếp nhận tác phẩm của người đọc. Một số tác phẩm văn học đương đại được dịch ở nước ngoài (Thời xa vắng, Ngược dòng nước lũ, Gia đình bé mọn, Cõi người rung chuông tận thế) và nhận các giải thưởng quốc tế trong đó tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh… được coi là thành tựu nghệ thuật đặc sắc, là mẫu hình của tiểu thuyết chiến tranh, thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu quốc tế và trong nước. Tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn này có thể bắt nhịp và đối thoại với những trào lưu, xu hướng của văn học thế giới, chẳng hạn xu hướng tiểu thuyết tự thuật ở Pháp, xu hướng văn học hậu hiện đại, xu hướng văn học sinh thái... Tinh thần đối thoại và tự do trong sáng tạo nghệ thuật là điểm dễ nhìn thấy ở tiểu thuyết thời kỳ đổi mới. Tiểu thuyết với đặc trưng loại hình là thể loại tiếp xúc tối đa với cái hiện tại chưa hoàn kết đã vừa khám phá lịch sử và vừa tìm hiểu đời sống đương đại: “khám phá mẫu sự sống trước nay chưa từng biết, tiểu thuyết suy xét sự hiện hữu của con người, khả năng của tồn tại/ hiện hữu. Tinh thần đổi mới của tiểu thuyết được thể hiện qua những cách tân nghệ thuật nghệ thuật đã đem lại cho tiểu thuyết sự đa dạng, phong phú. Sự thành công của tiểu thuyết đương đại cũng được ghi nhận qua vị thế ngày càng được chú ý của thể loại trong cơ cấu thể loại văn học với số lượng đầu sách đồ sộ, rất nhiều cây bút thành danh với truyện ngắn đã tìm tòi, và thử nghiệm ở thể loại tiểu thuyết và cũng có sức hút lớn đối với người đọc.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 vẫn còn không ít hạn chế. Do tác động của kinh tế thị trường, các thể loại văn học đại chúng lấn át thị trường sách, đáp ứng thị hiếu nhất thời của người đọc, chi phối cả đến chủ thể sáng tác. Đó chính là nguyên nhân khiến cho nhiều tiểu thuyết có xu hướng chiều theo thị hiếu nhất thời, chạy theo các đề tài nóng, sốc, sến. Mặc khác, với tham vọng cách tân tiểu thuyết mạnh mẽ, không ít tác giả quá chú trọng hình thức hoặc sử dụng những yếu tố phi nghệ thuật, phức tạp hóa, khiến cho tiểu thuyết trở nên rối rắm, xa lạ. Thách thức đặt ra đối với những cách tân mạnh mẽ và những thể nghiệm táo bạo, ồ ạt xuất hiện nhưng vẫn chưa giành được sự hưởng ứng của người đọc.

TS. Đỗ Hải Ninh

* Bài tham luận tại Hội nghị Lý luận phê bình lần thứ V