Vanvn- Khi Nguyễn Quang Hưng cất tiếng hát bài Quan họ “Tương ngộ tương phùng” thì cả Đường sách TP Hồ Chí Minh như lắng đọng lại. Những người có mặt trong một buổi sáng hươm nắng như thả hồn mình theo một giọng ca bổng trầm réo rắt.
Vài người nước ngoài ngang qua khu vực sân khấu đã đứng lại, mở điện thoại ra quay phim. Có lẽ ngoài những độc giả và bạn văn bên dưới, thì hầu như ít ai biết anh là nhà thơ, nhà báo. Tôi tin họ sẽ nghĩ đây là màn giao lưu của một ca sĩ nào đó.
Trái tim cất lời
Tự nhận mình không hoạt ngôn, đến với buổi giao lưu ra mắt hai ấn phẩm mới toanh “Thời đàm Văn hóa Văn nghệ” và “Những người cầm tinh hoa”, Nguyễn Quang Hưng chủ đích lắng nghe, nhưng hóa ra anh lại bị xoay vòng với nhiều câu hỏi. Bên dưới sân khấu, độc giả lẫn bạn văn đều gật gù bởi kiến văn, sự lý giải và hơn hết là chữ tình anh dành cho văn chương. Hầu hết bạn bè văn chương phía Nam đều đã từng làm việc chung với anh trên cương vị của một cộng tác viên với tờ báo mà anh công tác.
Chúng tôi từng ngồi cùng nhau và nói về anh như một biên tập viên rất tận tâm và hiền lành, dù vẻ bên ngoài gương mặt anh khiến chúng tôi lần đầu gặp hơi lo sợ. Thế mà, khi làm việc lại thấy anh đầy trách nhiệm, nâng niu tác phẩm chúng tôi gửi đến, sắp xếp bài đi lên trang báo, lại còn cần mẫn cho chúng tôi hình bài, và thường xuyên giới thiệu bài của cộng tác viên trên trang mạng xã hội cá nhân. Bấy nhiêu thôi đã đủ hiểu vì sao sự kiện “Nam chinh” của Nguyễn Quang Hưng lại khiến văn đàn TP Hồ Chí Minh rộn ràng, í ới nhau đi dự cả tuần lễ trước đó.
Nguyễn Quang Hưng mang đến cho độc giả tuyển tập thời đàm về những vấn đề liên quan đến văn hóa văn nghệ sâu sắc và trăn trở nhiều nỗi. Với 4 đề mục tuần tự “Tồn đọng phản văn hóa”; “Chính sách mở – Mở chính sách”; “Kiến tạo không gian môi trường văn hóa” và cuối cùng là “Sáng tạo cùng tinh hoa”, ngòi bút đậm nét chính luận với những góc nhìn hiện thực và trực diện vào nhiều mảng đề tài, đôi khi gai góc nhưng luôn xác đáng.
Đúng nghĩa như trong một bài viết mang tên “Không ngại lĩnh vực nhạy cảm”, Nguyễn Quang Hưng soi chiếu vào rất nhiều câu chuyện ồn ào của xã hội, bất cứ sự việc nào anh cũng đi sâu vào phân tích cặn kẽ, đưa ra góc nhìn chuẩn xác dựa trên nhiều cứ liệu từ lịch sử đến pháp lý. Chính điều này khiến các thời đàm của anh cuốn hút và độc giả như tìm thấy một tiếng nói mạnh mẽ trước những trái ngang khuất tất của cuộc sống.
Trong mạch chảy văn hóa, Nguyễn Quang Hưng đã khéo léo kết nối chuyện văn hóa gắn với thiên nhiên, những trầm tích lịch sử qua loạt bài viết như “Chặn nạn trùng tu thực dụng và phi thẩm mỹ”, “Vẻ đẹp lớn mong manh”, “Bảo tồn làng cổ”, “Đóng hộp thiên nhiên”… Thậm chí với góc nhìn vào việc mở các chính sách để văn hóa phát triển, cũng cho thấy một Nguyễn Quang Hưng thức thời với hiện thực đang phát triển vượt tốc của xã hội ngày nay. Câu chuyện lan tỏa hình ảnh đất nước được anh nhắc đến thông qua bài viết của mình đã gây cho chính tôi những khoảng lặng suy ngẫm. Yêu nước và giới thiệu văn hóa nước mình sao cho sang trọng, lịch lãm lẫn tinh tế là điều mà không phải ai cũng biết và nghĩ ra được.
Hay như bàn về các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, Nguyễn Quang Hưng cũng cho thấy góc nhìn của một nhà báo và nhà thơ đa chiều, thấu hiểu và mới mẻ bằng loạt bài: “Đừng để bị động về điện ảnh”, “Hội Nhà văn trong bối cảnh mới”, “Để việc phong tặng càng nhân văn, khoa học”, “Cần chính sách văn nghệ online”… Có lẽ chính tâm thế của một nhà thơ và việc tư duy luôn tiếp nhận sự thay đổi mới mẻ trong một thế giới phẳng, thời đại số 4.0 mà hầu hết các bài viết của Nguyễn Quang Hưng luôn bám sát tính thực tiễn để từ đó đưa ra những kiến nghị, ý kiến nhằm đảm bảo văn hóa – văn nghệ không bị tụt lại trước cơn phát triển vũ bão của xã hội.
Có thể thấy, những câu chữ trong các thời đàm của Nguyễn Quang Hưng hồ như lời chính trái tim anh cất lên. Một trái tim luôn biết đập những nhịp đập trọn vẹn với biến chuyển của thời cuộc.
Nhà báo – nhà thơ Nguyễn Quang Hưng
Vẽ khuôn mặt đời
Tôi nhớ lần đầu mình gặp Nguyễn Quang Hưng là một trưa mùa thu nơi Phố Ca ở Ấu Triệu. Cuộc gặp do nữ sĩ Hoa Mai tổ chức nhân dịp chị ra Hà Nội gửi tặng tập thơ thiếu nhi song ngữ. Quả thật, tôi có hơi rụt rè bởi trước giờ chỉ biết anh qua thơ, qua các bài báo, chưa lần trao đổi trực tiếp. Thế nhưng, khi anh ngỏ lời gửi tác phẩm cộng tác với tờ báo anh đang phụ trách thì lại là một chất giọng ấm áp và lối nói chuyện chân tình.
Cứ vậy mà trở về Sài Gòn, tôi lần lượt cộng tác nhiều mảng, nhiều bài vở. Có khi từ anh yêu cầu, cũng có khi từ tôi đề xuất. Thoảng khi hai anh em cũng nói chuyện về văn trẻ, bởi anh hiện đang là Phó ban Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam. Tờ báo anh công tác luôn là nơi cộng tác thường xuyên của các cây bút trẻ khắp mọi miền đất nước. Anh cũng là người chăm chút và nâng đỡ nhiều cây bút khi chỉ mới tập tễnh viết lách. Từ tờ báo anh, nhiều cây bút sau một, hai năm đã bắt đầu tạo dấu ấn trên văn đàn.
Ra khỏi địa hạt báo chí, một Nguyễn Quang Hưng của văn chương lại là thi sĩ với 10 tập thơ đã xuất bản. Trong trí nhớ của tôi luôn khắc ghi thơ của Nguyễn Quang Hưng luôn thẩm sâu một nỗi niềm. Đó có thể là quê xứ, là mẹ, là đạo và đời. Dù ở mảng đề tài nào, thơ anh vẫn toát lên một chất trữ tình rất đậm đà, câu chữ đôi khi nén chặt cảm xúc đến trĩu trịt.
Vậy nên, khi cầm trên tay cuốn tản văn “Những người cầm tinh hoa”, tôi lại thấy một Nguyễn Quang Hưng rất khác. Một giọng văn tình tự, kể lể khoan nhặt, như anh gom mớ kí ức trong quãng đời mình đã trải qua bày biện lên trang giấy ngỏ hầu chuyển tải đến độc giả một niềm thương rưng rức với những gương mặt văn chương mà anh đã có duyên lành hạnh ngộ.
Ấn phẩm mới của nhà thơ – nhà báo Nguyễn Quang Hưng.
Anh đi từ những người thầy đã từng dạy mình ở Khoa Văn học – Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội rồi dần dà đến những văn nghệ sĩ bạn bè mình. Những tinh hoa trong thế giới văn chương – nghệ thuật là thành tố chính tạo nên chất dẫn cảm xúc để các bài viết của anh gợi lên nhiều chiêm nghiệm.
Tập tản văn gồm 40 bài viết, hơn 300 trang giấy đủ để thấy sự bày biện của anh như một trút cho vơi lòng đầy. Kí ức dắt anh đi qua tháng tháng năm năm với những kỉ niệm từ thầy Nguyễn Hùng Vĩ, thầy Trần Ngọc Vương với những cuộc gặp và những câu chuyện kể như một lời dặn dò với cậu học trò Nguyễn Quang Hưng ngày đó. Mãi cho đến bây giờ, ghi lại, anh vẫn dành cho thầy mình một sự tôn kính rất mực.
Hay như anh kể về những người bạn cùng khóa K43 là Bùi Việt Phương, Hải Yến, Nguyễn Trọng Dương, Nguyễn Thu Hiền… rất kĩ càng, rõ mồn một chi tiết, và cả thơ của bạn mình. Những bạn bè ngày ấy với giấc mộng văn chương giờ có người rẽ ngang hướng khác, có người theo nghiệp viết, có người làm phó giáo sư nhưng cùng tựu về trang viết của Nguyễn Quang Hưng là cái nghĩa tình thắm thiết được anh vẽ lên bằng những bài tản văn hết sức cuốn hút.
Nguyễn Quang Hưng có khiếu kể chuyện. Những câu chuyện anh ghi lại như một bức tranh vẽ từng khuôn mặt người hiện hữu từ quãng thanh xuân đắm đuối với đam mê của tuổi trẻ, cho đến tóc nhuốm màu sương mai của khoảng đời trung niên vẫn dạt dào một nét đẹp hiện sinh. Đó là sức sống bền bỉ với văn chương, nghệ thuật và cả với niềm an lành trong cõi người phù du này.
Còn nhớ đến nhau, còn tha thiết về nhau đó đã là một ân điển trong hỗn độn cuộc trần ai. Dòng đời cuốn những hạnh ngộ dạt ra xa, nhưng chính kí ức nắm níu con người ta thân gần với nhau. Không bằng cách này, cũng bằng cách khác, con người ta luôn biết cách biểu thị sự thân gần đó. Và Nguyễn Quang Hưng chọn cách vẽ lại những duyên lành hạnh ngộ trong đời mình bằng câu chữ. Từ đó những tinh hoa tự khắc sống mãi với thời gian.
Trước lúc chia tay về lại Hà Nội, trong bữa cơm trưa thân mật, Nguyễn Quang Hưng đã tặng lại những bó hoa mình nhận được cho cánh chị em phụ nữ ngồi trên bàn ăn, sách của anh cũng cẩn trọng kí tặng từng người với tờ giấy kẹp ghi tên sẵn để không trao nhầm. Thậm chí sáng hôm ra mắt sách, anh còn chủ động đến sớm hơn cả tiếng đồng hồ để chăm chút tất cả mọi việc. Xe đưa anh đi ra sân bay, chúng tôi mới quay sang bảo nhau: “Tinh hoa là đấy chứ đâu nữa”.