Nguyễn Đình Đại

KỂ CHUYỆN CUỐI NĂM - TÁO QUÂN

Tết vui nhưng vui nhất là những ngày... trước tết (bắt đầu từ lễ đưa ông táo cho đến suốt đêm giao thừa). Năm âm lịch mới bắt đầu từ đêm 23 tháng chạp năm... cũ! Thật vậy, vì các táo quân đã khoá sổ năm cũ để về trời họp "phụ huynh gia đình" rồi nên những gì xảy ra từ sau đêm 23 tháng chạp này sẽ được tính vào năm mới... Nhưng sao Ngọc Hoàng không giao nhiệm vụ "phụ huynh gia đình" cho thổ địa hay vị thần nào khác mà lại giao cho táo quân (vua bếp)? Câu chuyện sau đây cho thấy họ xứng đáng nhất. Ngày xưa có một đôi vợ chồng trẻ, chồng làm nghề tiều phu còn vợ ở nhà làm nội trợ. Họ sống với nhau rất hạnh phúc. Bỗng một hôm người chồng sáng đi đốn củi bán như thường lệ, nhưng chiều không thấy trở về nhà. Dân làng giúp người vợ đêm ấy đốt đuốc đi tìm, cả những ngày sau nữa nhưng tìm khắp nơi trong rừng đều không ra dấu vết của người chồng. Cuối cùng, dân làng kết luận người tiều phu xấu số đã bị cọp vồ và tha đi mất xác rồi, nàng đành chấp nhận số phận. Người vợ chung thuỷ thờ chồng qua bao năm tháng, tự làm lụng mưu sinh nên được dân làng yêu quý. Trong số những người yêu quý nàng, có một chàng thợ săn hết sức hiền lành và tốt bụng. Chàng thề chỉ yêu mỗi mình nàng thôi. Họ đều hiền lành lắm, chăm chỉ lắm và đáng yêu lắm nên dân làng thương lắm (bốn chữ "lắm"). Nhiều năm sau họ mới nên duyên vợ chồng nhờ dân làng hết lòng vun vén, ủng hộ. Đáng lẽ họ sẽ hạnh phúc nếu không có chuyện người xưa bỗng dưng trở về... Bởi người tiều phu năm xưa vẫn còn sống!

 

Tết vui nhưng vui nhất là những ngày... trước tết (bắt đầu từ lễ đưa ông táo cho đến suốt đêm giao thừa).

Năm âm lịch mới bắt đầu từ đêm 23 tháng chạp năm... cũ!

Thật vậy, vì các táo quân đã khoá sổ năm cũ để về trời họp "phụ huynh gia đình" rồi nên những gì xảy ra từ sau đêm 23 tháng chạp này sẽ được tính vào năm mới...

Nhưng sao Ngọc Hoàng không giao nhiệm vụ "phụ huynh gia đình" cho thổ địa hay vị thần nào khác mà lại giao cho táo quân (vua bếp)?

Câu chuyện sau đây cho thấy họ xứng đáng nhất.

Ngày xưa có một đôi vợ chồng trẻ, chồng làm nghề tiều phu còn vợ ở nhà làm nội trợ. Họ sống với nhau rất hạnh phúc.

Bỗng một hôm người chồng sáng đi đốn củi bán như thường lệ, nhưng chiều không thấy trở về nhà.

Dân làng giúp người vợ đêm ấy đốt đuốc đi tìm, cả những ngày sau nữa nhưng tìm khắp nơi trong rừng đều không ra dấu vết của người chồng.

Cuối cùng, dân làng kết luận người tiều phu xấu số đã bị cọp vồ và tha đi mất xác rồi, nàng đành chấp nhận số phận.

Người vợ chung thuỷ thờ chồng qua bao năm tháng, tự làm lụng mưu sinh nên được dân làng yêu quý.

Trong số những người yêu quý nàng, có một chàng thợ săn hết sức hiền lành và tốt bụng. Chàng thề chỉ yêu mỗi mình nàng thôi.

Họ đều hiền lành lắm, chăm chỉ lắm và đáng yêu lắm nên dân làng thương lắm (bốn chữ "lắm").

Nhiều năm sau họ mới nên duyên vợ chồng nhờ dân làng hết lòng vun vén, ủng hộ.

Đáng lẽ họ sẽ hạnh phúc nếu không có chuyện người xưa bỗng dưng trở về...

Bởi người tiều phu năm xưa vẫn còn sống!

Chàng bị cây đổ trúng đầu, chỉ bị thương nhưng quan trọng nhất là bị mất trí nhớ...

Rất may, chàng được những người lái buôn đi qua đó cứu sống.

Nhưng vì chàng không thể nhớ mình là ai nên đành đi theo họ tới các nơi góc bể chân trời.

Năm tháng cũng trôi qua nên trí nhớ của chàng bắt đầu hồi phục.

Người tiều phu liền từ biệt các vị ân nhân cùng bạn bè để tìm đường về mái nhà xưa vào một buổi chiều, và gặp ngay vợ.

Vợ chồng họ gặp nhau sau bao năm trời xa cách nên vui mừng khôn xiết, nhưng cũng buồn cho chàng khi biết nàng đã có gia đình mới...

Họ đang hàn huyên tâm sự thì chàng thợ săn, người chồng mới về tới trước cổng nhà gọi vào:

- Mình ơi, ra xem anh săn được con gì đây này!

Người chồng cũ sợ vợ mình bị chồng mới hiểu lầm rồi bị rầy, mất hạnh phúc nên đã cuống cuồng chui vào đống rơm sau nhà để tạm trốn.

Chàng thợ săn vác một con nai thật to mới săn được vào nhà, vứt nó ra sân sau rồi bảo vợ chuẩn bị nào dao nào thớt...

Người vợ còn đang bấn loạn, chồng hối gì làm nấy.

Trong lúc vợ đang chuẩn bị, chàng thợ săn ra đốt đống rơm sau nhà có lẽ để thui con vật mà không hay biết có người đang ẩn núp trong đó.

Lửa cháy nhưng người chồng cũ quyết ngồi yên cho đến chết, chỉ vì thương vợ.

Người vợ từ trong bếp đi ra thấy vậy, liền lao tấm thân vào đống lửa để cùng thác với chồng.

Chàng thợ săn thấy vợ mình làm vậy thì không hiểu chuyện gì, nhưng cũng lao mình vào lửa cho tròn nghĩa tào khang phu thê.

Tấm lòng chung thuỷ của họ đã lay động cả đất trời.

Cả ba linh hồn của họ đều nhẹ nhõm bay về trời, sau được Ngọc Hoàng phong cho làm những vị "phụ huynh" đáng kính của mỗi gia đình mà ta quen gọi là "táo quân" hay "vua bếp".

Từ ba vật thể không thể thiếu nhau (gọi là "táo") của mỗi bếp lửa gia đình, những vật... quen chịu lửa mà cha ông ta đã sáng tạo ra câu chuyện cảm động này...

Tết âm lịch có những phong tục, tập quán và văn hoá phù hợp với người Á Đông hơn nên được dân ta chọn là tết đoàn tụ gia đình thay cho tết dương lịch có lẽ là vì vậy!

Nguyễn Đình Đại

 

Nguyễn Đình Đại